Phát triển trên những vùng đồi núi cao từ 4.000-5.000m của châu Á, chủ yếu là trên cao nguyên Thanh Tạng, đông trùng hạ thảo, một loài nấm zombie, từ xa xưa đã được xem như dược liệu quý hiếm.
Y học cổ truyền phương Đông tin rằng nó là thuốc chữa bách bệnh nên chỉ 1g thôi cũng đáng giá cả triệu đồng. Vì không muốn đánh mất loại dược liệu đã tin dùng cả hàng ngàn năm do khai thác quá mức, Trung Quốc đổ xô vào việc nuôi cấy nấm zombie nhân tạo. Họ đã thành công, song lại vẫn chưa chặn được nguy cơ bị tuyệt chủng của chúng trong tự nhiên.
Trên thế giới, nấm zombie (Cordyceps) có khoảng 400 loài. Tất cả đều ký sinh trên côn trùng nên còn bị xem là nấm gây hại. Tuy nhiên, riêng Cordyceps sinensis (đông trùng hạ thảo) thì lại được coi là dược liệu quý. Chúng thường được tìm thấy trên cao nguyên Thanh Tạng. Cái tên “đông trùng hạ thảo” là gọi theo đặc tính sinh tồn bởi vì vào mùa đông, nó vẫn là sâu (trùng), sang mùa hè mới bị ký sinh hoàn toàn, trở thành một kiểu thực vật (thảo = cỏ).
Đang dần biến mất trong tự nhiên
Theo phân tích hóa học thì trong đông trùng hạ thảo có tới 17 acid amin khác nhau cùng nhiều nguyên tố vi lượng như nhôm, silic, kali, natri… và các vitamin B2, E, K… Chúng có tác dụng điều trị các chứng bệnh như thận hư, liệt dương, đau mỏi gối… thậm chí cả hiện tượng chậm lớn ở trẻ em, bệnh mất trí nhớ và SARS.
Về cơ bản thì đông trùng hạ thảo là một loài nấm ký sinh trên sâu bướm Thitarodes, một giống bướm đêm sinh trưởng trong khu vực Đông Á, chủ yếu tập trung trên cao nguyên Thanh Tạng. Cao nguyên Thanh Tạng là tên viết tắt của cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng. Nó là vùng đất rộng lớn và cao nhất Trung Á, có độ cao trung bình 4.500m so với mặt nước biển. Với diện tích lên đến 2,5 triệu km2 cùng nhiều đỉnh núi cao 7.000-8.000m, trong đó có đỉnh Everest (8.848m) cao nhất thế giới.
Tuy nhiên ngay cả khi phát triển trong cao nguyên rộng lớn này, đông trùng hạ thảo vẫn rất hiếm. Trung bình, trên 1.000 con sâu bướm Thitarodes mới có một con bị nấm zombie ký sinh. Thêm vào đó, bào tử nấm zombie cũng không bạ con sâu bướm Thitarodes nào ký sinh con đó. Chúng chỉ chọn sâu bướm Thitarodes trưởng thành, có tuổi thọ từ 4-5 năm.
Cho đến tận bây giờ, khoa học hãy còn mù mờ về cách nấm zombie khởi động sự ký sinh trên vật chủ, chỉ biết rằng vào mùa đông, chúng bắt đầu lớn lên trong cơ thể sâu bướm, ăn dần dưỡng chất mà phát triển. Vật chủ của nó không chết ngay mà vẫn tiếp tục sống, cho đến tận mùa hè, khi nấm zombie đã trưởng thành, đâm xuyên qua cơ thể chúng mà trồi lên trên mặt đất như một cây nấm bình thường, sẵn sàng cho việc phát tán bào tử.
Trước đây, việc thu hoạch đông trùng hạ thảo trong tự nhiên ở cao nguyên Thanh Tạng khá thuận lợi. Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, do nhu cầu thị trường ngày càng cao, chúng đã bị khai thác quá mức đến gần như tuyệt chủng. Vào năm 1999, chính phủ Trung Quốc buộc phải liệt loài nấm này vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. Cho đến nay, chúng vẫn tiếp tục nằm trong diện dễ bị tuyệt diệt. Cộng với biến đổi khí hậu đang tiếp diễn, rất có thể là sớm thôi, loài nấm ký sinh côn trùng này còn biến mất khỏi thế giới tự nhiên.
Chuyển sang nuôi trồng nhân tạo
Trước chính phủ Trung Quốc cả chục năm, các công ty dược phẩm cổ truyền Trung Hoa đã nhận thức được sự khan hiếm ngày càng trầm trọng của dược liệu đông trùng hạ thảo. Họ sớm muốn tự tay nuôi trồng, canh tác kiểu nấm zombie quý giá này với quy mô lớn.
Vốn dĩ từ xưa, Trung Quốc đã cực kỳ tín nhiệm công dụng chữa bách bệnh của đông trùng hạ thảo. Vào năm 1993, đột ngột xuất hiện nhiều vận động viên chạy bộ của Trung Quốc liên tiếp phá vỡ không ít kỷ lục thế giới. Hỏi ra mới hay tất cả đều thực hiện chế độ ăn uống chuyên biệt có bổ sung đông trùng hạ thảo. Lúc này thì không chỉ Trung Quốc mà cả bên ngoài cũng xôn xao, muốn có loại dược liệu tăng cường thể lực hiệu quả này. Thị trường đông trùng hạ thảo chuyển mình, mở rộng, ngày càng thúc đẩy các công ty dược liệu cổ truyền nghiêm túc với việc nghiên cứu nuôi trồng nấm zombie nhân tạo hàng loạt.
Mặc dù bắt đầu từ thập niên 1990 nhưng phải đến năm 2014, các nhà khoa học Trung Quốc mới thành công trong việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo nhân tạo. Tính đến nay, chỉ có đúng 3 phòng thí nghiệm là thành công. Tất cả họ đều tuyệt đối bí mật phương pháp, đến một chút thông tin kỹ thuật cũng không hé lộ cho bên ngoài.
Sản xuất cả 10 tấn/năm
Được biết muốn nuôi trồng đông trùng hạ thảo, việc đầu tiên là phải thành công nuôi sâu bướm Thitarodes. Không như hầu hết các loại sâu khác dễ dàng sinh trưởng, sâu bướm Thitarodes đòi hỏi phải là môi trường có điều kiện tương tự cao nguyên Thanh Tạng. Đó là cực lạnh và lượng oxy thấp.
Trong tự nhiên, sâu bướm Thitarodes phải mất chí ít là 4 năm mới trưởng thành. Ở phòng thí nghiệm, người ta đã thành công giảm quãng thời gian này xuống còn 2 năm. Vì sâu bướm Thitarodes dễ mắc bệnh nên họ cực kỳ chăm bẵm, nuông chiều, cho ăn toàn cà rốt ngon với men vi sinh đặc biệt nhằm tăng cường hệ miễn dịch.
Nuôi được sâu rồi, người ta lại phải tìm cách để bào tử nấm zombie tấn công và ký sinh trên người chúng. Trong tự nhiên, trên cả 1.000 con sâu bướm Thitarodes mới có 1 con bị ký sinh. Chưa biết các nhà nuôi trồng đông trùng hạ thảo đã cấy bào tử nấm zombie vào sâu bướm Thitarodes như thế nào, nhưng chắc chắn họ đã vượt qua tỉ lệ 1/1.000 ấy. Với 2 phòng thí nghiệm chuyên dụng, Sunshine Lake Pharma, một công ty dược phẩm ở Quảng Đông, Trung Quốc đã cho sản xuất cả 10 tấn đông trùng hạ thảo trên một năm. Hiện tại, họ đang xây thêm khu nuôi trồng thứ 3, dự kiến sẽ chiếm hẳn 20% sản lượng đông trùng hạ thảo toàn cầu.
Vẫn không ngăn được đà tuyệt chủng
Trong khi y học phương Tây vẫn còn do dự, chưa mấy tin vào công hiệu của đông trùng hạ thảo, giới y học Trung Quốc liên tục công bố các báo cáo về hiệu quả tuyệt vời của dược liệu này. Họ khẳng định nó có thể chữa được vô số chứng bệnh, từ ung thư, rối loạn cương dương, tiểu đường, Parkinson, suy giảm trí nhớ cho đến cả dịch SARS.
Bất chấp hầu hết các thí nghiệm chỉ mới được tiến hành trên chuột là chính, nhu cầu tiêu thụ đông trùng hạ thảo vẫn gia tăng. Nhờ vào thành công nuôi trồng hàng loạt, Trung Quốc dễ dàng đáp ứng. Chỉ có điều với các cư dân sống dựa vào thu hoạch đông trùng hạ thảo tự nhiên, đó không phải là chuyện đáng mừng. Ở nhiều khu vực của cao nguyên Thanh Tạng, săn đông trùng hạ thảo chiếm hẳn 80% thu nhập của địa phương. Sự mở rộng của công nghiệp nuôi trồng đông trùng hạ thảo chỉ cắt đứt sinh kế của hàng trăm ngàn người.
Theo ý kiến của giới nuôi trồng thì đông trùng hạ thảo nhân tạo vừa sạch hơn (do được đảm bảo vệ sinh), rẻ hơn lại vừa sẵn có hơn. Ở nơi hoang dã, người ta chỉ có thể thu hoạch đông trùng hạ thảo vào mùa hè, còn trong phòng nuôi trồng thì quanh năm. Những tưởng nấm zombie ký sinh sâu bướm Thitarodes trên cao nguyên Thanh Tạng thế là thoát nạn, nào ngờ đâu vẫn hoàn đấy. Sau thời gian đầu nhào nhào vì lo lắng mất sinh kế, bây giờ các cư dân thu hoạch đông trùng hạ thảo tự nhiên lại thoải mái tự tin rằng dược liệu của họ tốt hơn nuôi cấy. Người ta chắc mẩm sâu bướm Thitarodes hoang dã ăn thảo dược mà lớn lên (dù thực chất thì vẫn chưa có ai phát hiện loài sâu này ăn cái gì). Vì thế, đông trùng hạ thảo tự nhiên có dược tính mạnh hơn, đủ khả năng chữa khỏi mọi loại bệnh tật trên đời.
Trên thực tế, vẫn chưa có nghiên cứu đối chiếu nào chỉ ra công dụng hơn kém nhau giữa đông trùng hạ thảo tự nhiên và được nuôi trồng. Chỉ sự sụt giảm của quần thể đông trùng hạ thảo hoang dã là hiển hiện. Nếu ngày xưa, một cư dân săn loài nấm zombie này dễ dàng đào được cả 100 cây/ngày thì bây giờ may mắn lắm mới tìm được cỡ 20 cây. Chuyện canh tác đông trùng hạ thảo nhân tạo tuy đáp ứng phần lớn nhu cầu của thị trường, song xem ra cũng chẳng ngăn được nguy cơ tuyệt chủng nhãn tiền cho loài nấm ký sinh độc đáo này.