Quyết định này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại phiên họp Thường trực Chính phủ vừa kết thúc vào trưa nay (28/3).
Theo đề xuất của Công ty Tư vấn ADPI của Pháp là sẽ xây dựng thêm một nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích sàn 200.000 m2, để có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm ở phía Nam, tức phía nhà ga hiện hữu. Tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỷ đồng.
Còn diện tích đất phía Bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi.
Giải pháp này sẽ giảm diện tích đất phải thu hồi, khoảnh cách giữa các nhà ga gần hơn cùng với giảm chi phí và thời gian thi công. Còn nếu xây dựng nhà ga có thể phục vụ được 20 triệu hành khách ở phía Bắc thì sẽ tốn gấp đôi, với 36.000 tỷ đồng và khu vực nhà ga sẽ bị chia cắt, làm giảm công suất hạ cất cánh.
Như vậy, cả TP.HCM và Công ty Tư vấn ADPI đều không lựa chọn phương án xây dựng thêm đường băng thứ 3. Với 36 triệu hành khách được phục vụ ở sân bay Tân Sơn Nhất trong năm 2017, phương án xây dựng thêm 1 nhà ga hành khách ở phía Nam sẽ nâng tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên đến gần 60 triệu hành khách mỗi năm.
Trước đó, nhóm Tư vấn cho Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã bàn 4 phương án mở rộng sân bay, trong đó có mở rộng sân bay về phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay phía Nam sân bay đang rất kẹt và nếu mở rộng sân bay thì tiếp tục kẹt. Do đó, bắt buộc phải mở rộng về hướng Bắc và kết nối giao thông về phía Bắc gần quốc lộ 1 và đường cao tốc trong tương lai bằng tuyến đường trên cao theo phương án ở trên.
Khi đó, khách từ các tỉnh đi vào sân bay không nhất thiết phải đi vào phía Nam mà có thể đi luôn vào mặt Bắc. Vì vậy, với phương án duy trì 2 đường băng hiện hữu thì có các phương án tăng năng lực 2 đường băng hiện nay lên để đủ phục vụ 50 triệu khách/năm nhưng phải xây nhà ga ở phía bắc, kết nối giao thông ở phía bắc.
Còn để đáp ứng nhu cầu 70 triệu khách/năm thì cần phải có đường băng thứ 3, cách xa đường băng hiện tại 760m. Với phương án này, có thể phải đền bù giải tỏa một phần ở đầu phía Bắc với phương án lấy đất đổi đất (sử dụng phần đất hiện còn dư ở phía Bắc) để xây chung cư tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phương án này đã được thảo luận công khai minh bạch và cơ bản Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý. Hơn nữa, phương án này đảm bảo hiệu quả toàn diện từ sử dụng vốn, đất đai cũng như kinh tế, kỹ thuật và an ninh, an toàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Công ty Tư vấn ADPI phối hợp với tư vấn trong nước để hoàn thiện phương án trên cơ sở đảm bảo sử dụng đất tốt nhất cả ở phía Nam và phía Bắc, đồng thời tìm nguồn vốn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nhanh chóng, quyết liệt khởi công xây dựng nhà ga mới sớm nhất, nhằm giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã vượt 44% công suất quy hoạch đến năm 2020.
Thủ tướng khẳng định sau khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khả năng phục vụ tối thiểu 50 triệu hành khách mỗi năm. Đây cũng là sân bay lưỡng dụng, phục vụ cho cả dân dụng lẫn quân sự và được sử dụng lâu dài cùng với sân bay Long Thành.
TP.HCM kiến nghị mở rộng Tân Sơn Nhất về hai hướng
Trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với công suất 60 triệu hành khách/năm, mở rộng xây dựng ga hành khánh cả về phía Nam (giai đoạn 2018-2020) và về phía Bắc (giai đoạn 2020-2022).
Để có kiến nghị trên, UBND TP.HCM đã đặt hàng nhóm nghiên cứu do Trường đại học Bách khoa TP.HCM chủ trì gồm các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nghiên cứu phương án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhu cầu vận chuyển hành khách tại sân bay Tân Sơn nhất đến năm 2025 đạt khoảng 78 triệu hành khách/năm, đến năm 2030 đạt khoảng 110 triệu hành khách/năm và đến năm 2035 khoảng 141 triệu hành khách/năm.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, với hai đường cất cánh của sân bay Tân Sơn Nhất có thể nâng công suất cất hạ cánh lên 70 lượt cất hạ cánh/giờ, ứng với công suất khoảng 60 triệu lượt hành khách/ năm.
Ngoài ra xây dựng nhà ga T3 tại phía Nam công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm; Xây dựng nhà ga T4 tại phía Bắc, công suất dự kiến khoảng 20 triệu hành khách/năm và cải thiện hệ thống đường dẫn cùng với việc triển khai chương trình quản lý điều hành không lưu.
Với phương án nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 60 triệu hành khách/ năm sẽ đóng góp cho Việt Nam khoảng 9-14 tỉ USD trong thời gian chờ Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành.
Chi phí đầu tư cho phương án này khoảng 1,63 tỉ USD (gồm 1,18 tỉ USD cho chi phí xây dựng bên trong và khoảng 450 triệu USD chi phí kết nối bên ngoài).
Bên cạnh đó, khi xây nhà ga vừa phía Bắc vừa phía Nam sẽ bổ sung nhiều kết nối với cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giảm ùn tắc giao thông. Do vậy, UBND TP.HCM đánh giá đây là phương án thuận lợi tối ưu.
– Theo Nhịp sống kinh tế / TTO