Xã hội mong chờ vào sự minh bạch của thu phí tự động không dừng nhưng đến nay, dự án thu phí tự động không dừng vẫn đang mắc kẹt.
Nhà đầu tư thiếu vốn?
Theo Tổng cục Đường bộ, tính đến giữa tháng 5-2018, sau hai năm triển khai, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC mới hoàn thành đưa vào vận hành hai làn trung tâm 21/27 trạm thuộc phạm vi dự án, trong đó có 19 trạm trên QL1 và QL14; hai trạm trên các quốc lộ khác.
Đáng nói, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay, Công ty VETC vẫn chưa huy động đủ vốn chủ sở hữu khi mới góp được 129,4/277 tỉ đồng (đạt 57%), trong đó, hai nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tasco góp 28 tỉ đồng, Công ty TNHH thu phí tự động VETC trên 100 tỉ đồng.
Theo hợp đồng dự án, trong trường hợp nhà đầu tư không huy động đủ vốn chủ sở hữu, Bộ GTVT có quyền đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng.
Bởi vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lo ngại, nhà thầu chính của dự án thu phí tự động không dừng là Công ty VETC không đáp ứng được tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra, là phải vận hành thu phí không dừng toàn bộ các làn xe tại các trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ BOT vào cuối năm 2019.
Trước đó, dự án này cũng đã vỡ mục tiêu vận hành thu phí không dừng tại tất cả các trạm thu phí trước ngày 30-4-2018.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty VETC cho biết, đến hết tháng 5-2018, Công ty đã cơ bản xong giai đoạn 1 của Dự án thu phí tự động không dừng (ETC), đã lắp đặt 24/24 trạm BOT tại QL1 và QL14 qua Tây Nguyên.
“Đơn vị đã đóng đủ 227 tỉ đồng vốn chủ sở hữu như yêu cầu tại Hợp đồng BOO. Ngoài 100 tỉ đồng tiền mặt, nhà đầu tư cho biết, đã góp 66 tỉ đồng bằng việc chuyển giao chi phí đã đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp dự án và góp 61 tỉ đồng bằng việc chuyển giao chi phí đầu tư đã chi hộ doanh nghiệp dự án.
Do một số hạng mục đang thực hiện dở dang và chưa đến điểm dừng kỹ thuật nên nhà đầu tư vẫn phải tiếp tục kiểm soát và thanh toán chi phí phần công việc này nhằm đảm bảo chất lượng. Sau đó sẽ bàn giao toàn bộ chi phí này cho doanh nghiệp dự án và bù trừ vào phần vốn chủ sở hữu phải góp”, ông Hà lý giải.
Doanh thu thâm hụt
Theo ông Hà, luật cho phép doanh nghiệp được góp vốn bằng tài sản (tài sản mà VETC đầu tư là có thực nhưng đang làm thủ tục định giá để đưa vào phần vốn đóng góp của doanh nghiệp). Lý do khiến dự án bị chậm, theo ông Hà không phải do năng lực tài chính của nhà đầu tư, mà do doanh thu của hệ thống thu phí tự động không dừng thâm hụt quá lớn so với phương án tài chính ban đầu. Đây là nguyên nhân chính khiến dự án bế tắc hơn một năm qua.
Cụ thể, theo phương án của hợp đồng BOO, nhà đầu tư được hưởng giá dịch vụ thu phí ETC thông qua việc ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư BOT, trong đó, đáng kể nhất là việc ba năm đầu tiên (2016, 2017, 2018) doanh thu dịch vụ thu phí ETC được tính bằng 100% chi phí quản lý, tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo số làn ETC tiếp nhận.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các nhà đầu tư BOT yêu cầu được giữ lại 50% chi phí quản lý thu ETC để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát, hậu kiểm trong quá trình thực hiện thu giá bằng hình thức tự động không dừng.
Do hụt một nửa chi phí, nên tổng doanh thu lũy kế mà VETC đạt được tính đến tháng 4-2018 chỉ khoảng 2% so với phương án tài chính (7,72/346,8 tỉ đồng), dẫn đến mất cân đối dòng tiền nghiêm trọng. Trung bình mỗi tháng, VETC lỗ khoảng 11,6 tỉ đồng, tổng lỗ lũy kế trong hai năm thực hiện dự án BOO này lên tới 123,77 tỉ đồng.
Về tiến độ thu phí không dừng với các tuyến đường cao tốc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự án cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình giai đoạn 1 dự kiến đầu tư 15 làn thu phí ETC bằng nguồn vốn còn lại trong tổng mức đầu tư dự án (giá trị còn lại khoảng 74 tỉ đồng); giai đoạn 2 đầu tư các làn còn lại sẽ tìm nguồn vốn khác.
Dự án Nội Bài – Lào Cai dự kiến sử dụng nguồn vốn đối ứng còn lại (khoảng 140 tỉ đồng) hoặc sử dụng nguồn vốn duy tuy bảo dưỡng của dự án còn dư so với phương án tài chính được duyệt (sau ba năm là 410 tỉ đồng).
Tại dự án TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang xem xét khả năng huy động vốn từ nguồn vay thương mại hoặc sử dụng vốn điều lệ của VEC để đầu tư.
Về tiến độ, tuyến Cầu Giẽ – Ninh Bình sẽ triển khai giai đoạn 1 xong trước 31-12-2018, giai đoạn 2 xong trước 31-12-2019; tuyến Nội Bài – Lào Cai triển khai giai đoạn 1 thực hiện 30 làn xong trước 30-3-2019, giai đoạn 2 xong trước 31-12-2019; tuyến TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ triền khai giai đoạn 1 thực hiện 10 làn xong trước 31-12-2018, giai đoạn 2 xong trước 31-12-2019.
-Theo ANTĐ