Có thể nói 2017 là năm diễn ra nhiều sự kiện bất ngờ, có khả năng tạo nên sự thay đổi mang tính hệ thống của ngành thời trang.
1. Giới thiết kế thời trang từ New York đổ bộ đến Paris
New York Fashion Week dường như không còn hấp dẫn để giữ chân các thương hiệu khi càng ngày càng có nhiều nhà thiết kế chuyển địa điểm trình diễn đến Paris. Đầu tiên là Proenza Schouer, Rodarte giới thiệu bộ sưu tập ở Tuần lễ Haute Couture, sự kiện dù ít có những buổi trình diễn hoành tráng nhưng tập trung nhiều nhân vật quan trọng. Tiếp đó là Thom Browne và Altuzarrar cũng gia nhập Paris Fashion Week, có khả năng tạo ra một “làn sóng di cư” của các nhà thiết kế thời trang.
2. Hàng loạt thay đổi về nhân sự của các thương hiệu
Việc thay người trực tiếp sáng tạo mẫu mã trong ngành thời trang là chuyện không có gì lạ cho lắm, nhưng chưa khi nào quá trình này lại diễn ra nhanh và đồng loạt như năm qua. Givenchy và Chloé thi nhau đón hai nữ tướng mới là Clair Waight Keller và Natacha Levi Ramsay, Jil Sander có cặp đôi Luke và Lucie Meier còn Roberto Cavalli chọn Paul Surride. Trong lúc đó, hai nhà thiết kế gốc Anh là Christopher Bailey và Phoebe Philo cũng rời khỏi Burberry và Cèline sau khi đã gắn bó với hai thương hiệu này ít nhất chục năm. Thế nhưng gây bất ngờ nhất là Jonathan Saunder chia tay thương hiệu Diane Von Furstenberg chỉ sau chưa đầy một năm hợp tác hay Bouchra Jarrar rời Lanvin cũng chỉ sau một năm thử sức.
3. Năm của nhiều kỷ niệm hoành tráng
2017 là năm mà nhiều thương hiệu đồng loạt tổ chức lễ kỷ niệm những cột mốc đáng tự hào một cách hoành tráng. Nhà tạo mốt Haute Couture Christian Dior đón sinh nhật thứ 70 của mình bằng buổi triển lãm mang tên “Christian Dior, Couturier du Rêve”, trưng bày tất cả các thiết kế của các đời giám đốc sáng tạo của mình. Versace thì tưởng nhớ đến nhà sáng lập Gianni Versace sau 20 năm ông ra đi bằng buổi trình diễn mang đậm tính di sản. Dries Van Noten ăn mừng show diễn thứ 100 của mình với sự tham gia của những siêu mẫu gắn liền với sự nghiệp trong những bộ trang phục đặc trưng của thương hiệu này. 2017 cũng là năm mà chiếc đồng hồ mặt chữ nhật kinh điển Tank của Cartier kỷ niệm chặng đường 100 năm gắn bó với nhiều tên tuổi lớn ở nhiều lĩnh vực.
4. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ
Ngành bán lẻ thời trang cao cấp đã thay đổi mạnh mẽ từ khi có sự góp mặt của thương mại điện tử. Năm vừa qua, nhiều cái tên lớn trong lĩnh vực bán hàng qua mạng đã có những bước tiến ngoạn mục nhằm thay đổi thói quen mua sắm và lôi kéo khách hàng. Farfetch vừa có được nhân sự giỏi là Natalie Massenet (là người sáng lập ra Net-a-Porter), đồng thời cho ra đời dịch vụ mua hàng giao ngay trong vòng 90 phút. Một đối thủ khác là Amazon với dịch vụ Prime Wardrobe mang lại nhiều tiện ích và lựa chọn cho khách hàng (giao nhận nhanh chóng, được quyền thử và đổi trả sau bảy ngày, có chiết khấu hấp dẫn…). Bên cạnh đó, tập đoàn đồ xa xỉ khổng lồ mang tên LVMH cũng không bỏ qua cơ hội kiếm tiền mới này với 24 Sevres, sở hữu nhiều thương hiệu mà những đối thủ khác không có.
5. Những phi vụ hợp tác được nâng tầm
Sự hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi không chỉ diễn ra giữa những thương hiệu bình dân hoặc mới nổi, mà đã trở nên phổ biến hơn và cũng hoành tráng hơn khi những người khổng lồ trong ngành thời trang bắt tay với nhau.
Đình đám nhất có lẽ là Louis Vuitton kết hợp với Surpreme để tung ra bộ sưu tập quần áo và phụ kiện mang phong cách đường phố đầy cuốn hút hay thương hiệu thời trang đường phố đến từ nước Nga Gosha Rubchinskiy kết hợp với Burberry. Louis Vuitton còn hợp tác với nghệ sĩ Jeff Koon để cho ra đời bộ sưu tập túi xách lấy cảm hứng từ hội họa cổ điển… Hiệu quả hợp tác lập tức hiển hiện: Sản phẩm mang dấu ấn của hai cái tên khác nhau đem lại sự thích thú cho những người yêu thích hàng cao cấp và mang lại lợi nhuận lớn cho cả đôi bên.