Thời đại rác thải – thiết kế có thể đóng góp được gì?

Tác phẩm sắp đặt của nghệ sĩ Ibrahim Mahama làm từ rác thải điện tử ở Ghana.

Hoà nhịp cùng với Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), Bảo tàng Thiết kế The Design Museum tại Anh vừa khai mạc triển lãm mang tên WASTE AGE: WHAT CAN DESIGN DO?

Triển lãm mở cửa từ ngày 23/10 vừa qua, đón chào người xem đến thưởng lãm các sáng tạo của những tên tuổi và tổ chức uy tín như Formafantasma, Stella McCartney, Fernando Laposse, Bethany Williams, Phoebe English, Natsai Audrey Chieza, The Ellen MacArthur Foundation, The Sony Design Center Europe. Hơn 300 tác phẩm trưng bày là những thể hiện trực quan cách các nhà thiết kế đương đại xác định lại những suy nghĩ về thời trang, xây dựng, thực phẩm, điện tử, bao bì và nhiều thứ khác nữa thông qua việc họ sáng tạo trên những chất liệu thải; và qua đó cũng giúp mọi người nhìn nhận về khái niệm hoạt động kinh tế tuần hoàn hơn.

Dòng thời gian 3D phác thảo lịch sử quản lý chất thải và chất thải từ những năm 1700 đến ngày nay.
Bức tường Adobe được làm từ đất sét, cát và rơm, cũng trưng bày các tác phẩm từ Nền tảng tảo của Atelier Luma

Ở gian đầu tiên, khách tham quan đối diện với tác phẩm “Peak Waste” – một mô tả quy mô hoành tráng về hiện tượng chất thải trên toàn cầu hiện nay để từ đó dẫn đến thông điệp cần phải có những thay đổi khẩn cấp. Tại đây, người xem được chứng kiến những dây chuyền sản xuất hàng loạt và thói quen tiêu dùng thả cửa đã dẫn đến những bãi rác chôn lấp khổng lồ. Người xem cũng thấy rõ rác mà họ thải ra mỗi ngày sẽ đi đâu về đâu khi mà một thăm dò cho thấy rằng có đến 80% sản phẩm bị bỏ đi chỉ sau sáu tháng tồn tại. Chính những dữ liệu ấy đã dẫn con người tiến vào “nền văn hoá thải rác” hiện nay.

Hàng may mặc thể hiện cách tiếp cận vòng tròn đối với thời trang, bao gồm: Áo khoác và quần Bell Tent, Bethany Williams, 2020 (trái); Tất cả vá, Áo khoác và quần Jersey, Bethany Williams, 2020 (giữa); Áo khoác chần bông, JKT 402 với váy chần bông, SKT 403, Phoebe English Studio, 2020.
Ghế S-1500, Snøhetta, 2018 – 2019

Và rồi từ đó người xem được dẫn dắt vào không gian khác để tập trung vào những suy nghĩ và giải pháp cho vấn đề. Gian trưng bày “Precious Waste” thể hiện những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày được sản xuất từ các nguyên liệu thô như thế nào. Bên cạnh đó là sáng tạo của các nhà thiết kế dùng các vật liệu tái chế như nguồn tài nguyên mới. Thời trang của Stella McCartney, đồ thể thao của Adidas và Bethany Williams, gạch xây dựng mới K Biq của Kenoteq ( giảm thiểu đến 90% lượng khí carbon so với gạch thông thường) hay ghế S-1500 của Snohetta làm từ lưới đánh cá cũ.

Trưng bày – khảo sát tảo, sợi nấm và các nguyên liệu trồng trọt khác để tạo ra các sản phẩm không phụ thuộc vào hóa dầu
Chuỗi đầu chai – một món đồ đáng giá trong mùa đông do các tình nguyện viên từ Liên minh ô nhiễm nhựa Cornish, 2015 – 2016 thu thập và làm

Thú vị nhất có lẽ là gian trưng bày “Post Waste” với các đề xuất cho những phương pháp sản xuất mới mang tính tuần hoàn, tập trung vào các vật liệu trồng được thay vì các chiết xuất hoá học. Đó là những sáng tạo độc đáo của quần áo, sản phẩm và bao bì từ các vật liệu tự nhiên như xơ dừa, tảo và vỏ bắp. Băng ghế The Dogs của Fernando Laposse sử dụng sợi thô từ lá của cây Agave vùng Trung Nam Mỹ. Còn Blast Studio giới thiệu mô hình kiến trúc không chất thải với các trụ cột in 3D từ vật liệu thải và nấm Mycelum. Gian trưng bày này cũng thúc đẩy người xem nghĩ đến cách chúng ta có thể thay đổi những hệ thống hiện nay và cỗ vũ hành vi giảm bớt mức tiêu thụ của mỗi người. Các giải pháp về chia sẻ, dán nhãn và thiết kế bộ phận rời. Các giải pháp này giúp cho các vật dụng có thể tồn tại với tuổi đời lâu hơn, có thể được sửa chữa, thay thế nhằm giảm thiểu số lượng cần sản xuất và loại bỏ. Các mô hình tiêu biểu đã thành công như ngôi làng không-rác-thải Kamikatsu ở Nhật Bản hay những hệ thống thư viện chia sẻ toàn thế giới giúp chúng ta nghĩ về một cuộc sống không lãng phí, một thế giới linh hoạt cho những thế hệ mai sau.

Ánh sáng từ cuộc sống, Hợp tác tập đoàn Sony, 2021; Thiết kế âm thanh: Megrim / Takahisa Mitsumori

Lần này, Sony Design Center Europe góp mặt vào triển lãm với không gian tương tác có bối cảnh như một khu rừng trên nền nhạc của nghệ sĩ âm thanh Mergrim. Khi khách di chuyển qua màn hình, những thể sống hữu cơ sẽ sáng lên đồng bộ với mỗi chuyển động của họ.

AURORA, Mamou-Mani Architects và Dassault Systèmes Design Studio

Đặc biệt, tại sảnh trung tâm của Bảo tàng là tác phẩm xếp đặt Aurora của đội ngũ Mamou-Mani Architects và Dassault Systèmmes Design Studio. Tác phẩm là một môi trường có tính tương tác nơi khách chứng kiến việc rác thải được nghiền nát, tan chảy và tái tạo như thế nào. Khái niệm tái sinh trong Aurora khơi lên trong mọi người niềm hy vọng về những tiếp cận bền vững mới cho cuộc sống ở tương lai.

Exit mobile version