Đặc biệt bởi cuốn sách này như một “tư liệu lịch sử” về lũ ở biển Tây được kể lại từ người trong cuộc với một lối viết tự truyện đan xen cuộc đời với khoa học, thực tế và cả những câu chuyện kể bi thương về những nạn cháy rừng, bão lũ ở miền đất phía Nam Tổ quốc.
Những lý do để viết cuốn tự truyện này, như tác giả cuốn sách Dương Minh Lịch chia sẻ, là trong phát triển nông nghiệp, thủy lợi, khai thác những vùng đất hoang hóa như Tứ Giác Long Xuyên (TGLX), hay ngay cả việc khai thác những vùng đất lúa một vụ chuyển lên thâm canh, tăng vụ như vùng tây sông Hậu trước khi có những thành công rực rỡ, chúng ta phải trả giá rất đắt cho những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xa rời thực tế, bảo thủ trong việc quy họach và xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, bố trí mùa vụ cây trồng, giống…
Chẳng hạn như quan điểm chỉ phát triển lúa hai vụ ở vùng ngập nông, lấy vụ hè thu làm sản xuất chính… Hoặc quá tin tưởng vào quan điểm sai lầm của các nhà khoa học các nước vùng ôn đới: nơi nào có thảm thực vật, rừng cây tự nhiên tốt tươi thì đất đai phì nhiêu, ít phèn mặn nơi đó có thể phát triển nông nghiệp thành công và ngược lại… Từ đó làm cho việc khai thác TGLX bị chậm hoặc có lúc không dám khai thác vì người ta cho rằng không thể cải tạo vùng đất mà chỉ toàn là năng và tràm, độ pH rất thấp, không có vi sinh vật sinh sống, khó khăn lớn về nguồn nước ngọt…
“Cần nói lên sự thật một cách công bằng, rõ ràng, tác giả của những ý tưởng, giải pháp chính cho Hệ thống Công trình kiểm soát lũ TGLX (cũng có người gọi là Hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây) là ai? Tôi phản bác kịch liệt một số bài báo, phóng sự truyền hình nêu lên tác giả của nó là một, hai nhân vật nổi bật của một địa phương mà không biết đó là những nhà khoa học đầu đàn, tâm huyết trong ngành thủy lợi, hay là những bài báo, bài phóng sự truyền hình người ta vô tình hay cố ý chỉ nói về An Giang, không nói hoặc rất ít nói về Kiên Giang; nêu lên những rắc rối của vấn đề giải quyết bài toán lũ của TGLX là ở An Giang, chứ không phải Kiên Giang.
Mặt khác, người ta chỉ nói lên mặt tích cự, mặt thành công của công trình chứ chưa nói đến những tồn tại, hạn chế. Có những thất bại chưa được nên lên như xây dựng đập cao su ở vùng triều, vấn đề bồi lắng của kênh thoát lũ… Gần đây khi vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng đã và đang diễn ra thì người ta đặt vấn đề về hiệu quả của công trình này, có tác giả đã đổ tội một cách vu vơ cho nó mà không có một cách lý giải, chứng minh logic. Vậy thực hư của vấn đề ra sao? Tôi sẽ cố gắng làm rõ”, tác giả Dương Minh Lịch bộc bạch.
Theo tác giả Dương Minh Lịch trước ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ công tác, ông ghé thăm dượng Hai Quí(1), một cán bộ lão thành ở Kiên Giang. Mới gặp nhau, dượng Hai Quí đã nói ngay: “Không biết ông kỹ sư có cách nào chống lũ không, chứ năm 1978 đây đi Rạch Giá phải bơi xuồng, từ Rạch Sỏi đến Rạch Giá ngập có nơi lên đến cả thức. Năm đó, cậu Sáu(2) mới lên làm Bí thư Huyện ủy, phải đích thân chỉ huy đặp đập cầu Quằng mấy ngày trời”. Không ngờ câu nói đó đã vướng vào sự nghiệp của tác giả Dương Minh Lịch đến tận sau này.
Là người trong cuộc, có thể nói, ít ai hiểu hơn ông về lũ ở biển Tây. Không những vậy, những cơn bão lớn, cháy rừng xảy ra gây ra biết bao thiệt hại người và của, trong đó có cả sự chậm chân trong việc phòng chống đã lại càng làm tổn vong nhiều hơn và ông là nhân chứng của tất cả những sự kiện lớn đó ở Kiên Giang những năm thập niên 90 thế kỷ trước và cả những năm đầu thế kỷ 21 này. Tập sách đã thật sự là một câu chuyện “lịch sử” bão lũ ở biển Tây thế kỷ 20.
“Bão năm Giáp Thìn (1904) đổ bộ vào đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã làm cho hơn 5.000 người thiệt mạng trong điều kiện lúc đó kinh tế xã hội chưa phát triển, dân cư còn thưa thớt. Vì vậy, những ai cho rằng cơn bão số 5 (tên quốc tế là bão Linda) là ‘trăm năm có một’ hay gây thiệt hại lớn về người và của cho các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang nguyên nhân chủ yếu là do: bão mạnh lại đổ bộ vào ban đêm, công tác dự báo chưa kịp thời, bị động trong công tác phòng chống, chủ quan do quan điểm, tư tưởng: Nam bộ hầu như không có bão” tác giả Dương Minh Lịch kể.
Tác giả cũng “mạnh dạn viết lên sự thật về cháy rừng U Minh Thượng”, bởi: “Theo tôi, cháy rừng là nhân tai chứ không phải thiên tai, vụ việc cháy rừng U Minh Thượng vào năm 2002 là do nguyên nhân lơ là trong công tác phòng, chống cháy đã gây ra hậu quả nghiêm trọng: Gần 3.000ha rừng nguyên sinh của U Minh Thượng hàng ngàn năm tuổi gần như không còn. Mặt khác, cháy rừng làm cho môi trường sinh thái của Vườn Quốc gia U Minh Thượng cực kỳ xấu đi mà nhiều năm sau mới có thể phục hồi được”.
Hiểu đất để bảo vệ đất, hiểu lũ để chống lũ, đó chính là những gì mà tác giả đã hành động, dấn thân, chiêm nghiệm và viết ra những dòng này. Cuốn sách tập hợp tất cả những kiến thức cơ bản về lũ biển Tây, về hệ thống Thủy lợi và phát triển Nông nghiệp rất cần thiết cho tất cả những ai muốn tìm hiểu và quan tâm đến vùng đất Kiên Giang- Hà Tiên trong tất cả các lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, làm phim, viết sách về con người và vùng đất này. Sách được viết nhiều lĩnh vực nhưng như chia sẻ của tác giả việc đặt tên Thoát lũ ra biển Tây vì nó là một bội dung quan trọng nhất, nổi bật nhất của cuốn sách.
Tác giả cũng kỳ vọng việc ra mắt cuốn tự truyện đặc biệt này sẽ giúp cho nhiều người đọc, hiểu về một thời kỳ gian khổ, khó khăn trong chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, khai thác TGLX, chống chọi với lũ…
Là người tham gia biên tập và sửa bản in cuốn sách này, nhà báo Ngân Hà chia sẻ, bạn đọc hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi đọc tập sách này bởi khả năng viết sách vô cùng mạch lạc, rõ ràng và hấp dẫn của một… quan chức: “Và điều làm tôi nể phục hơn, chính là sự chân thật, thẳng thắn, cương trực ở trong từng trang viết cũng như vô cùng cẩn trọng, tỉ mỉ với từng con chữ của tác giả trong quá trình chuẩn bị cho xuất bản từ tháng 12 đến tháng 3.2022”.
Tác giả Dương Minh Lịch, sinh ra ở Gò Quao và lớn lên ở Vị Thanh. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành công nghiệp nặng trường Đại học Cần Thơ và được điều động về công tác ở Ty Thủy lợi Kiên Giang. Sau khi nhận chức Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang một thời gian, ông được bổ nhiệm là Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, Hà Tiên. Ông nguyên là Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang.
Cuốn sách Thoát lũ ra biển Tây được NXB Hồng Đức ấn hành tháng 4.2022. Sách dày 529 trang, giá bìa 185.000 đồng.
Tháng tư này, tác giả dành tặng giá đặc biệt cho sinh viên và nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà báo với giá: 120.000 đ/cuốn.