Trong lời tựa của tác phẩm “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương”, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận định Giáo sư (GS) Kiều Thu Hoạch là một học giả trẻ mãi không già…
Ở độ tuổi gần 90, có lẽ hiếm học giả nào có khối óc mẫn tiệp và tâm huyết bền bỉ như giáo sư Kiều Thu Hoạch. Ông vẫn cần mẫn viết và chăm chút cho những đứa con tinh thần của mình. Đều đặn trung bình một đến hai năm ông lại xuất bản một công trình mới, và nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh trong điều kiện thời gian và sức khỏe cho phép.
Nhưng điều khiến cho thế hệ hậu bối ngưỡng vọng và kính phục nhất ở ông, là sự lao động học thuật kiên trì trong thinh lặng, mà các tác phẩm mới ra mắt như là những bảo chứng sừng sững không thể biện bác. Và Thơ Nôm Hồ Xuân Hương (Viện Nhân học Văn hóa & Nxb Khoa học xã hội, 2022) là một trong số đó.
Thơ Nôm Hồ Xuân Hương nhìn từ văn bản học
Thơ Nôm Hồ Xuân Hương của GS Kiều Thu Hoạch ra mắt vào một thời điểm hết sức ý nghĩa. Năm 2022 cũng là một năm đặc biệt đối với Hồ Xuân Hương. Kỳ họp Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) lần thứ 41, diễn ra từ ngày 9 đến 24-11-2021 tại Paris, đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/ năm mất. Cùng với Nguyễn Đình Chiểu, thì nữ sĩ đã được UNESCO thông qua là hai nhân vật văn hóa Việt Nam được vinh danh trong năm 2022.
Nghiên cứu về Hồ Xuân Hương như là một hiện tượng văn học, cho đến nay, chưa bao giờ thôi thu hút sự quan tâm của giới học thuật. Hồ Xuân Hương và thơ của bà được tiếp cận từ nhiều vấn đề, như tiểu sử, văn bản, thanh tục, hay phê phán hiện thực xã hội, nhiều hướng như xã hội học, phân tâm học, nguyên lý carnaval của Mikhail Bakhtin, văn hóa và tín ngưỡng… Sự thiếu hụt về tư liệu để lại nhiều khoảng trống bỏ ngỏ, thậm chí là bất khả để đi đến kết luận xác quyết.
Ngay từ đầu cuốn sách, tác giả Kiều Thu Hoạch đã khẳng định, rằng cho tới nay việc nghiên cứu, bàn luận Hồ Xuân Hương mới chỉ được chú ý từ góc độ văn học, chứ chưa thực sự được tiếp cận từ góc nhìn văn bản học thuần túy. Hay thậm chí, nhận định, phân tích và phê bình thơ Hồ Xuân Hương từ các bản biên soạn bằng chữ Quốc ngữ, thay vì từ nguyên ngôn chữ Nôm. Vậy cách làm của ông ra sao? Đó là lý giải ngữ nghĩa của văn bản gốc – chữ Nôm – bằng văn bản học thông qua việc đối chiếu sử dụng cho đến 10 bản in phục vụ mục tiêu biên khảo, rồi sau đó phiên âm, khảo dị và chú thích.
Cách làm kỳ khu trên của tác giả, đem đến 79 mục bài cùng với Phụ lục là 16 bài tuyển từ Lưu hương ký, toàn bộ là thơ Nôm. Kết quả mang lại là nhiều phát hiện và lối hiểu mới thú vị cho người đọc khác với những cách đọc cũ, và cả những gợi mở tuyệt vời cho các vấn đề tưởng như khó thể tường minh như tiểu sử, dâm tục, phong cách và cá tính. Một chuyên gia về Hồ Xuân Hương, từng tiếp cận và giải mã thơ bà thành công từ góc độ tín ngưỡng phồn thực, như Đỗ Lai Thúy, cũng đi đến ghi nhận như vậy về công trình của Kiều Thu Hoạch.
Thơ Nôm Hồ Xuân Hương là một công trình khảo cứu có giá trị tham khảo lớn, đóng góp cho việc mở rộng nghiên cứu bà chúa Thơ Nôm ở Việt Nam hiện nay.
Vị giáo sư xứ Đoài khả kính
Người viết đã biết đến vị giáo sư xứ Đoài qua những công trình về văn hóa dân gian của ông, khi vẫn còn ngồi trên giảng đường đại học. Nhưng có lẽ, giữa một cậu sinh viên chân ướt chân ráo “chưa sạch nước cản” với một học giả uyên thâm thuộc thế hệ lão làng như ông, là một khoảng cách sách vở dài dằng dặc.
Thế nhưng rồi cơ duyên may mắn đã giúp xóa nhòa khoảng cách sử thi cao vời vợi đó, khi sau này tôi được cộng tác cùng GS Kiều Thu Hoạch tại Viện Nhân học Văn hóa (mà hiện ông đang là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện). Không những vậy, ông còn kể những câu chuyện động viên người trẻ, từ chính trải nghiệm của cá nhân mình.
Năm 1973, khi mới 39 tuổi, độ tuổi còn “trẻ” nếu xét về tuổi khoa học, ông đã được bổ nhiệm vào Hội đồng khoa học Ban Hán Nôm, thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, được ngồi cùng với những “cây đa cây đề” đầu ngành Hán Nôm như Phạm Thiều, Cao Xuân Huy. Ông còn hay hào hứng chia sẻ về học trò tâm đắc của mình, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, người vốn cũng có tác phong yêu làm việc giống với người thầy của mình.
Mỗi lần đến thăm Kiều giáo sư tại tư gia giản dị trong một con ngõ nhỏ trên phố Thụy Khuê, người viết luôn được chào đón bằng bầu không khí đôn hậu, ấm cúng, như thể là một người cháu trong gia đình. Có hai điều tôi luôn để ý ở ông. Điều thứ nhất, là ông luôn luôn ý thức về thời gian hiện tồn và ý nghĩa của lao động. Ông quý trọng và rất tiếc thời gian dành cho công việc. Dù gọi điện hỏi thăm hay là đến nhà, vị giáo sư khả kính luôn thường trực trong trạng thái đang “bận” làm việc.
Điều thứ hai là sức làm việc và tập trung đáng nể của ông, bởi ở nhiều người trẻ, như tôi chẳng hạn, với quỹ thời gian dông dài, còn thường chểnh mảng và lãng phí thời giờ. Và ngạc nhiên hơn cả, lúc nào ông cũng có ý tưởng mới để chia sẻ, khi thì về những phát hiện mới về giải mã và phân biệt giữa thơ Nôm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm (sau đã được ông cụ thể hóa thành một công trình đồ sộ dầy gần 900 trang xuất bản năm 2021), lúc lại về hiện tượng lên đồng trong thực hành tín ngưỡng Tam phủ của người Việt, trong so sánh với sự lên đồng trong thực hành Shaman giáo ở các tộc người thuộc ngữ hệ Altai ở miền Bắc Trung Quốc.
Trong lời tựa của tác phẩm Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận định GS Kiều Thu Hoạch là một học giả trẻ mãi không già[1]. Ông không chỉ là một tấm gương về tinh thần nghiên cứu nghiêm cẩn, liêm chính, mà còn là một bảo chứng cho sự lao động học thuật bền bỉ.
Giáo sư Kiều Thu Hoạch sinh năm 1934
Quê quán: Thị xã Sơn Tây, xứ Đoài.
Ông từng giữ chức vụ Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian. Hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nhân học Văn hóa.
Tới nay ông đã có hơn 30 công trình nghiên cứu, rất nhiều trong số đó đạt giải thưởng, như Văn học dân gian người Việt – Góc nhìn thể loại (2006), Truyện Nôm, lịch sử phát triển và thi pháp thể loại (2007) đạt giải thưởng nhà nước, Văn hóa dân gian người Việt – Góc nhìn so sánh (2014), Những phạm trù nghệ thuật dân gian người Việt thời trung đại (2016) đạt Giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đặc biệt Lịch sử văn hóa Việt Nam thời kỳ thiên niên kỷ đầu công nguyên (2016) đạt Giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam – Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật năm 2011, khi bản thảo chuẩn bị xuất bản, Giải A Sách hay, Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ nhất.