Việt Linh là một tên tuổi trong làng đạo diễn điện ảnh, là người đam mê làm nghệ thuật như một con thiêu thân. Tác phẩm điện ảnh của chị luôn đậm giá trị nhân văn, ghi dấu ấn nghệ thuật riêng không trộn lẫn với ai. Dầu bạo bệnh và thời gian đã cướp đi nhiều sức khỏe của chị, nhưng tố chất sáng tạo, sự truyền cảm trong con người chị vẫn mạnh mẽ. Việt Linh làm sách điện ảnh và mong truyền tri thức và ngọn lửa của mình đến khán giả, giới trẻ và thế hệ kế nghiệp. Chị viết báo như một sự trải lòng đầy ý thức, bày tỏ chính kiến của mình.
Và hôm nay, Việt Linh tự tin bước vào lãnh địa sân khấu, hiến thân và không cảm thấy chướng ngại. “Thiên Thiên, trước hết là cảm xúc” – Việt Linh đi vào kịch như vậy, và là cảm xúc nên kịch có thể xóa bỏ mọi khuôn mẫu, mở rộng sáng tạo theo tiếng nói của trái tim, theo cách riêng của mình. Việt Linh lao động cho Thiên Thiên như rút ruột gan của mình, cảm tử cho nghệ thuật.
Dự án Thiên Thiên của chị ngay từ đầu đã được nhiều nghệ sĩ ủng hộ. Đó là những người đã được khán giả biết tới và ngưỡng mộ: Đạo diễn Phạm Hoàng Nam – phù thủy về xử lý ánh sáng sân khấu; Kiến trúc sư Lê Quốc Bình nổi tiếng trong làng thiết kế; các nghệ sĩ: Minh Trang, Hồng Ánh, ThanhThủy, Khánh Hoàng, Quốc Thảo, Lê Bình, Cát Tường, Mai Huỳnh, Vân Trang, Lê Quý Bình… Họ đều là những đảm bảo chắc chắn cho chất lượng nghệ thuật cũng như sự thu hút khán giả.
VởThiên Thiên bắt đầu cuộc hành trình với hy vọng sẽ mang đến sự hứng khởi, khác lạ cho sân khấu đương đại. Trên sàn tập, chưa bao giờ có một vở diễn nào mà đạo diễn và diễn viên phải vật vã với nhân vật của mình như thế. Việt Linh kiên quyết giữ nhân vật theo cách nghĩ riêng của mình cho dù đấy là bài toán hóc búa, “khó gặm” với diễn viên. Sự bất hòa ấy đã được giải quyết bằng cách để nhân vật xuất hiện trong sự hợp lý nhất có thể.
Tối 14-2 Thiên Thiên đã ra mắt khán giả tại Nhà hát Thành phố Lâu lắm mới thấy trong hàng ghế khán giả có nhiều nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, và những người yêu, mê sân khấu đến thế. Tấm màn nhung mở ra, cảnh trí, phục trang, ánh sáng… được chắt lọc, trau chuốt, tinh tế đến từng gam màu. Các nhân vật, biểu tượng cho những thói xấu, những biến tướng, sự hư hỏng của con người xuất hiện và phơi bày trước khán giả. Kịch không phát triển theo một cốt truyện, đẩy sự việc lên cao trào, thắt mở nút một vấn đề xã hội như kết cấu kịch thông thường. Mà mỗi nhân vật là một câu chuyện, chính họ phải tự thể hiện, lột trần những xung đột, nội tại của mình. Nói một cách khác, họ tự bóc mẽ bản thân, và kịch tính là ở đó.
Một kịch bản như vậy buộc các diễn viên phải có nội lực trong các màn độc diễn để thu hút khán giả. Không có câu chuyện cụ thể, từng nhân vật xuất hiện và để khán giả ngầm nhận ra. Đó là một vị lãnh đạo bề thế, nhưng bên trong là cả một sự rách nát te tua (Lê Bình). Cái áo khoác ngoài uy quyền không che giấu được sự yếu kém thực lực bên trong, bi kịch ấy gây nên những đổ vỡ cho xã hội. Diễn xuất của Lê Bình như một nụ cười mai mỉa dành cho nhân vật.
Người đàn bà ham tiền, chỉ xem đồng tiền là mục tiêu, chân lý sống qua cách diễn của Thanh Thủy khá bén sắc. Chị là diễn viên duy nhất lấy được nhiều tiếng cười của khán giả. Thực ra nhân vật không để gây cười, nó xỉa xói vào vết nhức của con người trong xã hội, khi nhiều người đang bằng mọi cách chạy theo đồng tiền và đồng tiền đang làm suy kiệt đạo đức xã hội.
Cũng vì tiền mà những đứa trẻ vô gia đình xuất hiện (diễn viên trẻ Khánh Hòa). Những đứa trẻ sống trong sự thừa mứa vật chất, nhưng thiếu tình thương, sự âu yếm của cha mẹ. Đứa trẻ nổi loạn, hư hỏng vì muốn trả thù sự hư hỏng của người lớn. “Người lớn mà không quan tâm thì chúng nó héo, còn khi người lớn giật mình bù đắp vật chất cho chúng quá nhiều thì chúng nó thúi”. Nhân vật của Khánh Hòa đã kêu lên: “Con là đứa trẻ vừa thúi, vừa héo”.
Vở kịch như một lời nhắc các bậc cha mẹ đừng đánh mất con cái của mình. Nếu gia đình không có sự hòa hợp, hôn nhân như một sự cưỡng bức tự nguyện; đời sống vợ chồng chỉ là một thói quen, là nhu cầu nhục dục, họ đã tự xóa bỏ mình. Sống với nhau bằng phần xác, là thảm họa của sự giả dối, sự nô lệ. Màn độc diễn của diễn viên Hồng Ánh thực sự khó khăn. Làm thế nào để một người phụ nữ trí thức chung sống được với một anh chồng chỉ dùng vợ để thỏa mãn dục tình? Người đàn bà đầy khát vọng ấy lẽ nào suốt đời chỉ nghe lời chồng, để chữ nghĩa tuôn chảy trong những động tác mát xa nhằm mang lại khoái cảm cho chồng?
Vẫn thấy Hồng Ánh xử lý giọng nói tinh tường, truyền đến cho người nghe giọng điệu khinh bạc của nhân vật. Qua giọng kể, người xem cảm thấy nỗi đau trong tâm hồn nhân vật của chị. Nhưng về hình ảnh, người xem thấy chị đang làm một cái việc tức cười, mà cười không nổi. Thông thường thì đây là một màn sẽ khiến khán giả cười nghiêng ngả, nhưng trên sân khấu lại đầy sự lo âu, ám ảnh… cứ như chính tác giả chứ không phải nhân vật đang hiện diện trên sân khấu vậy. Không khí vở diễn luôn căng như dây đàn, ngay cả khi một kẻ cơ hội, nhố nhăng xuất hiện (Quốc Thảo diễn).
Cái cách để kẻ cơ hội tồn tại và xuất hiện, Quốc Thảo diễn sắc sảo lắm. Anh ta đập người thấp, dưới quyền mình; gạt bỏ và tiêu diệt những người đứng ngang hàng có tâm, có tài để không ai cản đường. Với cấp trên, anh ta tôn kính khi họ còn chức tước. Nhưng tự đánh giá mình, anh ta tự thấy không bằng ai. Càng leo cao, anh ta càng thấy mình kém cỏi, và nhận ra mình chỉ là một hạt cát. Nhân vật làm người xem rùng mình. Đạo diễn Việt Linh muốn để nhân vật của mình tự phơi bày ra bản chất, tự lao vào cuộc, tự chuốc lấy bất hạnh và tự ăn năn.
Một ông bố (Khánh Hoàng) không dám thừa nhận con mình, cho dù có sự giải thích hợp lý. Kết quả một tình yêu vụng trộm không bao giờ đẻ ra một tình yêu. Cách lý giải của kịch quá chông chênh, khi muốn hóa giải những uẩn khúc giữa cha mẹ và con cái. Người lớn cứ buộc chúng phải cố yêu thương, dùng sự nhân ái của mình để tha thứ, để xoa dịu chính mình. Điều đó liệu có ổn và công bằng?
Những nhân vật xuất hiện tiếp tục đưa người xem từ nhức nhối này đến nhức nhối khác. Những lo âu, bức xúc từ những hiện tượng, hiện trạng trong xã hội tạo nên một dòng chảy cảm xúc, khán giả cảm nhận được điều ấy, nhưng thấy mệt mỏi vô cùng. Vở kịch như một cuộc hành hương đi qua những trầm luân, bi ai…
Thiên Thiên là vai diễn chờ đợi của Minh Trang. Cô là hình ảnh và tâm thức đẹp của con người. Mặc dù bị dày vò và làm nhục, nhưng Thiên Thiên bay cao hơn nỗi khổ mà cô phải gánh chịu. Thiên Thiên đầy trắc ẩn, tự trọng, cô biết lắng nghe biết chia sẻ và phản kháng với cái ác, cái xấu theo cách của cô. Trên sân khấu, nhân vật Thiên Thiên là thực cũng là mơ. Thiên Thiên là phần người tử tế chen lẫn trong mớ bòng bong xấu xa của tham lam, quỷ quái trong mỗi con người. Nhân vật này luôn xuất hiện cùng các nhân vật trên. Người xem có thể nhận thấy sự đồng hành hay phản kháng của Thiên Thiên như chính tâm nguyện của tác giả, đạo diễn Việt Linh. Nhân vật chính Thiên Thiên tồn tại một cách hưảo như tên gọi. Phải luôn là một hình ảnh đẹp khi xuất hiện nên áp lực cho vai diễn của Minh Trang là rất lớn. Trời cho Minh Trang một thần sắc khả ái, một sự truyền cảm tinh tế, nhưng khi vào kịch, Thiên Thiên của Trang vẫn cứ đuối giữa cái âm u, cô quạnh, quằn quại của thói đời. Vai Thiên Thiên ví như một mồi câu để các nhân vật kia tự bạch. Không có đất diễn những vẫn phải làm sao để khán giả phải cảm động, phải xót xa, cay đắng cùng Thiên Thiên, khó cho nhân vật mà cũng thật khó cho Minh Trang. Trong truyện ngắn, nhân vật xuyên suốt là một nhà tâm lý nhưng sang vở Thiên Thiên, đạo diễn Việt Linh chỉ để Thiên Thiên như một bản ngã ngược lại với sự xấu xa trong chính mỗi con người. Nó tưởng như không tham gia vào khúc độc hành của từng số phận riêng biệt nhưng lại luôn tồn tại. Cái hồn thanh cao của Thiên Thiên ở đây phải luôn bay cao hơn các nhân vật khác. Đây cũng là lần đầu tiên có một nhân vật như vậy trong kịch Việt Nam. Người xem có thể thấy Việt Linh, Minh Trang thành công hay thất bại, điều ấy xảy ra chỉ trong tích tắc.
Quá hoàn chỉnh về cảnh trí, âm thanh, âm nhạc. Phần còn lại thuyết phục được hay không là 50% của Việt Linh, 50% của diễn viên. Cho dù trên sân khấu luôn có sự hiện diện của Thiên Thiên, nhưng các màn diễn vẫn là sự độc diễn của từng diễn viên. Không có nhiều giao đãi, không có quá trình diễn biến phát triển tâm lý, tính cách, mỗi nhân vật khi xuất hiện phải gây ấn tượng ngay lập tức cho khán giả. Khán giả không chỉ phải nhận diện được ngay bộ mặt mà còn phải hiểu được những biến hóa, méo mó của một tệ nạn. Người diễn căng thẳng mà người xem cũng rất căng thẳng. Xem vởThiên Thiên, cái mệt vì được nghe, thấy… thấm cũng có mà mệt vì những bức xúc cứ đè nặng, tăng dần lên cũng có.
Kết kịch, có người cảm nhận được điều đạo diễn Việt Linh mang tới. Cũng có sự không đồng thuận bởi có khán giả cảm thấy: kịch mà không phải là kịch, xem mà chỉ như nghe là đủ. Bức tranh của kịch vẽ ra giống đấy nhưng thiếu hồn nhiên. Cuộc sống vốn hồn nhiên hơn nhiều, có như vậy cuộc sống mới thở được chứ.
Việt Linh mang tới sự mới lạ, sang trọng về hình thức kịch. Thiên Thiên đạt được điều Việt Linh muốn có: đó là cảm xúc hỗn loạn trong cuộc sống, dẫu cảm xúc đó quá buồn và mệt.
Việt Nga
Ảnh Đại Ngô