Nhà khoa học lỗi lạc mới qua đời ở tuổi 76 của nước Anh từng là chủ đề chính truyền cảm hứng của một số bộ phim điện ảnh, truyền hình, và tài liệu.
Stephen William Hawking sinh ngày 8-1-1942, và mới qua đời ngày 14-3. Ông là nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học, tác giả sách khoa học thường thức nổi tiếng của nước Anh. Hawking đã có nhiều công trình khoa học quan trọng đối với nhân loại như lý thuyết kỳ dị hấp dẫn trong khuôn khổ thuyết tương đối tổng quát, tiên đoán lý thuyết hố đen… Căn bệnh rối loạn thần kinh vận động (ALS) không thể ngăn ông tiếp tục sống và cống hiến cho đến tận hơi thở cuối cùng. Chính vì lẽ đó, Stephen Hawking còn là nhân vật truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm phim ảnh.
A Brief History of Time (1991): Lược sử thời gian là tên cuốn sách nổi tiếng nhất trong sự nghiệp Stephen Hawking khi bán ra hơn 9 triệu bản trên toàn thế giới, với nội dung là những kiến thức vật lý khô khan nhưng bỗng trở nên gần gũi với đời sống, tình cảm của con người bằng giọng văn hài hước của ông. Tuy nhiên, Lược sử thời gian trên màn ảnh là cuốn phim tài liệu do Errol Morris thực hiện, với nội dung là cuộc sống thường nhật của Stephen Hawking. Thông qua các cuộc phỏng vấn với chính Hawking, gia đình, đồng nghiệp và bạn bè ông, khán giả có cơ hội hiểu thêm về cuộc đời nhân vật.
Hawking (2004): Năm 2004, kênh BBC thực hiện bộ phim truyền hình Hawking, kể về quãng thời gian Stephen Hawking mới lấy bằng PhD tại Đại học Cambridge, cũng như phát hiện ra mình bắt đầu có triệu chứng của căn bệnh rối loạn thần kinh vận động. Nhân vật chính do Benedict Cumberbatch thể hiện, và đây là lần đầu tiên Hawking được một diễn viên khắc họa trên màn ảnh. Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi và giành một số đề cử, giải thưởng truyền hình tại Anh trong năm 2005. Hawking cũng có thể coi là bước ngoặt sớm trong sự nghiệp của Cumberbatch, giúp anh nhận nhiều vai diễn lớn hơn như Sherlock Holmes thời hiện đại hay Doctor Strange sau này.
Into the Universe with Stephen Hawking (2010): Nhà khoa học có lần thử sức trong vai trò biên kịch khi cùng kênh Discovery thực hiện mini-series tài liệu Into the Universe with Stephen Hawking. Hầu hết hình ảnh vũ trụ trong phim đều là sản phẩm của kỹ xảo vi tính, và khán giả theo dõi loạt phim có cơ hội khám phá nhiều đề tài xung quanh đó như người ngoài hành tinh, du hành vượt thời gian, sự tồn tại của Chúa… dưới góc nhìn của Hawking. Đích thân Stephen Hawking và Benedict Cumberbatch cùng nhau đọc phần lời dẫn tác phẩm.
The Simpsons: Stephen Hawking có bốn lần xuất hiện dưới nét vẽ của loạt phim hoạt hình hài hước The Simpsons trên kênh Fox. Các tập phim mà khán giả có thể tìm thấy Hawking phiên bản hài hước là The Saved Lisa’s Brain, Don’t Fear the Roofer, Stop or My Dog Will Shoot, và Elementary School Musical. Một loạt phim hoạt hình nổi tiếng khác mà Hawking cũng đóng vai trò khách mời là Futurama.
The Big Bang Theory: Stephen Hawking sắm vai cameo và có dịp trực tiếp xuất hiện trước ống kính ở loạt sitcom của đài CBS. Khán giả có thể gặp ông ở các tập phim 108 (The Hawking Excitation), 173 (The Troll Manifestation), 200 (The Celebration Experimentation), 216 (The Geology Elevation) và 232 (The Proposal Proposal).
The Theory of Everything (2014): Thuyết yêu thương có lẽ là bộ phim nổi tiếng nhất về Stephen Hawking. Thuộc dòng lãng mạn/tiểu sử, tác phẩm kể lại cuộc đời của nhà khoa học, tập trung vào mối quan hệ tình cảm giữa ông (Eddie Redmayne) và người vợ đầu tiên Jane Hawking (Felicity Jones), cũng như những khó khăn mà họ phải trải qua khi Hawking bắt đầu mắc chứng rối loạn thần kinh vận động.
The Theory of Everything đã chinh phục giới phê bình nhờ phần nội dung cảm động, và nhận đề cử Oscar hạng mục Phim truyện xuất sắc hồi đầu 2015. Cá nhân Eddie Redmayne với màn hóa thân thuyết phục thành Stephen Hawking đã nhận tượng vàng Nam diễn viên chính xuất sắc, còn Jones thì cũng có đề cử ở hạng mục Nữ diễn viên chính năm đó.
- Theo Zing