Doanh số của thị trường trong tháng 11 năm nay dù có nhích nhẹ so với vài tháng trước nhưng vẫn chưa thể bằng kết quả của cùng kỳ năm ngoái. Tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng vẫn không có nhiều biến chuyển khi chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm 1-1-2018. Ngoài dự đoán sẽ có một cơn địa chấn mạnh chưa từng có về nhu cầu mua sắm xe trong tháng đầu năm 2018, sự tranh đua giảm giá của nhà kinh doanh cùng với tác động từ các chính sách mới hẳn sẽ tạo nên một làn sóng mạnh tại thị trường ôtô Việt Nam trong những tháng đầu năm.
Theo VAMA, tổng lượng xe bán ra trên thị trường trong 11 tháng của năm nay đạt 226.700 chiếc, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục cho thấy kỳ vọng tăng doanh số khoảng 5 – 10% trong cả năm gần như là khó có thể được hiện thực hóa. Sự sụt giảm doanh số bán hàng của những tháng cuối năm 2017 càng mạnh thì khả năng bùng nổ sức mua trong những tháng đầu năm 2018 sẽ càng dữ dội. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục tung ra nhiều chương trình giảm giá để kích cầu, hầu hết các thương hiệu đã sẵn sàng những kế hoạch “đón luồng cá lớn” đang đến ngày một gần.
Nhiều thương hiệu đã nhanh chóng đón đầu bằng cách công bố sớm giá bán lẻ dành cho năm 2018 và áp dụng ngay trong những tháng cuối năm với những mức giảm khá mạnh như Toyota, Hyundai hay Thaco. Ngoài mục tiêu thúc đẩy doanh số của tháng cuối năm để cải thiện kết quả kinh doanh của cả năm, đây cũng được xem là một động thái tích cực nhằm giảm bớt áp lực cho thị trường ở những tháng đầu năm 2018, khi nhu cầu đang thể hiện xu hướng dồn cục. Lượng xe bán ra trong tháng 11 vừa qua cũng phần nào cho thấy một phần mảng chìm của bức tranh thị trường trong năm 2018, khi doanh số của những mẫu xe lắp ráp đang chiếm ưu thế rõ rệt, mà đại diện là Toyota Vios. Cú giảm giá mạnh cho mẫu xe đô thị nhỏ của Toyota đã tạo nên một kỷ lục doanh số với 2.553 chiếc có chủ nhân mới trong tháng 11, bù lại cho sự tụt giảm doanh số không phanh của mẫu SUV ăn khách Toyota Fortuner (chỉ bán được 384 chiếc trong cả tháng mà nguyên nhân là do bị ảnh hưởng bởi những quy định nhập khẩu mới). Không chỉ với Fortuner, thương hiệu Honda cũng tạo nên một dấu hỏi lớn khi các cột thống kê doanh số tháng 11 của VAMA dành cho các mẫu xe Civic và CR-V bị bỏ trống hoàn toàn.
Có thể nói, thị trường ôtô Việt Nam đang trong giai đoạn khá nhạy cảm khi hiện diện quá nhiều giằng co, mà rõ nét nhất là giữa những chương trình giảm giá liên tục từ các doanh nghiệp và tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng, cũng như giữa dòng xe nhập khẩu và lắp ráp nội địa. Tính tới thời điểm hiện tại, để thuyết phục người tiêu dùng, nhiều thương hiệu đã đưa ra những mức giá giảm rất mạnh, trong đó nổi bật là Isuzu với mức giảm cao nhất dành cho chiếc bán tải D-Max lên đến 210 triệu đồng từ cuối tháng 11. Kế đó là mẫu Pajero Sport của Mitsubishi cũng được giảm đến 206 triệu đồng cho phiên bản 2016 và có khả năng còn giảm tiếp cùng nhiều quà tặng phụ kiện hấp dẫn tại các đại lý. Mẫu Outlander thuộc cùng thương hiệu cũng công bố mức giảm giá lên đến 117 triệu đồng, trừ phiên bản STD. Đáng chú ý nhất là Optima của Kia đã giảm tổng cộng đến 116 triệu đồng tính từ đầu năm. Xét về giá thì mẫu sedan hạng D này hiện có thể cạnh tranh cả với một số mẫu sedan ở phân khúc thấp hơn.
Cùng với sự tăng nhẹ của thị trường, lượng xe nhập khẩu trong tháng 11 cũng đã tăng lên, cụ thể là có khoảng 7.000 chiếc đã được nhập về Việt Nam, đạt giá trị kim ngạch khoảng 200 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc của 11 tháng năm 2017 ước đạt 84.000 chiếc, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2016. Lượng xe nguyên chiếc nhập về Việt Nam trong tháng 12 dự kiến cũng sẽ không có nhiều thay đổi khi cả giới tiêu dùng lẫn các nhà kinh doanh đều hướng tới thời điểm mức thuế nhập khẩu về 0%. Tuy nhiên, viễn cảnh xe nhập từ khu vực ASEAN sẽ lấn át xe lắp ráp trong nước như tiên liệu đã không thể diễn ra, thậm chí theo những diễn biến hiện tại thì rõ ràng ưu thế đang nghiêng trở lại cho dòng xe lắp ráp nội địa.
Sự hiện diện của hai nghị định 116, 125 và gần đây là thông tư 28 đã thực sự tạo nên những cơn sóng lớn cho thị trường. Không chỉ bị tấn công bởi những chương trình giảm giá mạnh từ các thương hiệu lắp ráp trong nước, dòng xe nhập khẩu còn được cho là bị “quấn chân” bởi những quy định mới liên quan đến thủ tục nhập khẩu. Điều này lý giải vì sao trong khi nhiều mẫu xe lắp ráp trong nước đã có giá bán mới cho năm 2018 thì hầu hết các mẫu xe nhập khẩu đều vẫn im ắng chờ đợi. Giá xe trong năm 2018 mặc dù theo nhận định chung sẽ có xu hướng giảm, nhưng với một số dòng xe nhập khẩu thì điều này chưa hẳn sẽ xảy ra bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, mà điển hình là trường hợp của mẫu xe nhập khẩu từ Indonesia Toyota Fortuner hiện nay. Tuy vậy, mọi kế hoạch vẫn đều đang đổ dồn vào cột mốc 1-1-2018: Người tiêu dùng trông chờ sẽ sắm được những chiếc xe với giá rẻ hơn, nhà kinh doanh mong đợi doanh số bán hàng tăng mạnh, còn nhà quản lý kỳ vọng sớm gia tăng dung tích thị trường để có sự tăng trưởng ổn định.
Còn đối với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, cho dù Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có thể đóng sập nhiều cánh cửa nhưng lại tạo nhiều cơ hội để mở ra những cánh cửa khác trong thời gian tới. Bằng chứng là đã có nhiều những doanh nghiệp quyết định đầu tư mạnh hơn cho việc sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam để hướng tới mục tiêu xuất khẩu như Thaco, Hyundai hay “đình đám nhất” là thương hiệu Vinfast. Như vậy, xét về tổng thể, thị trường ôtô Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để có được những bước phát triển mạnh hơn, không chỉ gia tăng dung tích của thị trường nội địa, mà còn mở rộng khả năng xuất khẩu nếu như có được sự hợp tác nhiệt tình của các bên liên quan.