Theo số liệu thống kê từ VAMA, doanh số bán hàng trong tháng 5 của thị trường ôtô Việt Nam đã có chút khởi sắc trở lại khi đạt tỷ lệ tăng trưởng 6%, trong đó dòng xe du lịch tăng 20%. Sự tăng doanh số trong tháng 5 và những diễn biến thực tế cho thấy thị trường ôtô Việt Nam đang trong thời kỳ khó đoán nhất về mức tăng trưởng trong những tháng tiếp theo. Cuộc cạnh tranh về giá ngày càng căng thẳng vì các hãng xe cố gắng đạt được mục tiêu đã đề ra. Đâu là “thời điểm vàng” để mua xe là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Giảm giá – cuộc chiến chưa thấy điểm dừng
Sau nhiều chương trình hạ giá bán được tung ra liên tục trong nhiều tháng trước, cuộc chiến gay cấn này tiếp tục được duy trì trong tháng 6 khi hàng loạt các hãng lại cùng nhau công bố những chương trình giảm giá mới. Thương hiệu xe Hàn Quốc Hyundai tiếp tục được Thành Công tung ưu đãi cho khách hàng với các mức giá giảm từ 40 đến 70 triệu đồng khi mua các mẫu xe Santafe và Elantra. Nhưng đáng quan tâm vẫn là cuộc chiến ở khu vực xe Nhật Bản vốn có truyền thống ít sử dụng chính sách hạ giá bán. Trong khi Trường Hải ngay từ đầu tháng 6 tiếp tục gây sức ép thị phần bằng việc giảm tiếp giá cho Mazda CX5 từ 30 đến 40 triệu đồng tùy phiên bản thì Mitsubishi cũng mạnh tay giảm giá cho Mitsubishi Pajero Sport đến 106 triệu đồng. Bên cạnh đó, hãng xe này còn hạ giá hàng loạt các mẫu xe nhập khẩu khác như Mirage (giảm 50 triệu đồng), Outlander (giảm 90 triệu đồng và tặng thêm phụ kiện trị giá hàng chục triệu đồng). Không nằm ngoài cuộc, Honda cũng đã theo sát cuộc đua giảm giá ngay từ đầu và tiếp tục trong tháng 6 với quyết tâm giành lại thị phần từ Mazda CX5 và Nissan X-Trail cho mẫu CR-V bằng chiêu giảm giá đến 150 triệu đồng. Họ còn tiếp sức cho các mẫu xe khác như Accord, Odyssey và Civic Turbo bằng chính sách giảm giá trực tiếp, chẳng hạn nếu chọn mẫu Civic Turbo trong thời điểm này, khách hàng sẽ được trừ trực tiếp vào giá mua xe 50 triệu đồng. Một chiến binh kiên cường trong cuộc chiến giảm giá là Nissan. Sau hàng loạt đợt điều chỉnh giảm giá, Nissan vẫn quyết liệt cạnh tranh bằng chương trình ưu đãi về giá cho khách hàng với mức giảm giá ấn tượng dành cho mẫu crossover X-Trail. Mức giảm dành cho khách hàng chọn mua X-Trail trong thời điểm này là từ 10 đến 98 triệu đồng (tùy phiên bản). Mức giảm giá từ 5 đến 30 triệu đồng cũng được họ áp dụng cho những mẫu xe khác như Navara, Teana, Juke cùng nhiều quà tặng là phụ kiện có giá trị. Mặc dù không có chương trình giảm giá trong tháng 6 nhưng Toyota vẫn tung ra gói ưu đãi về bảo dưỡng dành cho tất cả các dòng xe của mình. So với năm ngoái, giá của các mẫu xe Toyota đều giảm mạnh từ 55 đến 120 triệu đồng. Không chịu cảnh bị lép vế, hãng xe Ford của Mỹ dù liên tục đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong một thời gian dài vẫn phải hạ tay, giảm mạnh giá trên nhiều phân khúc, trong đó nổi bật là mẫu xe SUV Ford Everest được giảm tới 100 triệu đồng, ngay cả mẫu xe best seller Ford Ranger cũng được giảm tới 40 triệu đồng so với giá đề xuất cho phiên bản Wildtrak 3.2 Navigation, cho dù chỉ mới được tung ra thị trường.
Sự giảm giá ồ ạt và kiên trì từ các hãng xe và đại lý phân phối cho thấy sự thay đổi rõ rệt của thị trường ôtô Việt Nam so với năm năm về trước. Còn nhớ, năm 2012, dù doanh số có xuống tới mức nào thì các hãng xe hay nhà phân phối cũng chẳng có động thái giảm giá nào. Để lý giải về sự thay đổi này, có thể nêu ra ba yếu tố tác động, gồm mục tiêu doanh số, kích cầu và giải phóng hàng tồn kho. Thứ nhất, thị trường ôtô Việt Nam đã đạt được một mức độ phát triển mới, trong đó yếu tố doanh số đóng vai trò sống còn đối với thương hiệu và nhà phân phối. Việc không đạt được mục tiêu doanh số như dự kiến có thể làm cho nhà kinh doanh sẽ mất đi nhiều quyền lợi thiết thực từ nhà sản xuất bên cạnh sự sụt giảm về lợi nhuận. Thứ hai, những tháng giữa năm thường là khoảng thời gian chuyển giao của thị trường ôtô khi những mẫu xe hay phiên bản dành cho năm mới sẽ được trình làng. Nếu không đẩy mạnh việc bán hàng, các nhà kinh doanh sẽ phải đối mặt với tình trạng những mẫu xe phiên bản cũ bị tồn đọng sau khi mẫu mới ra mắt. Thứ ba, cột mốc cắt giảm thuế nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN vào năm 2018 đã khá gần nên cách thức duy nhất để kích cầu là phải giảm giá bán nhiều để làm thay đổi tư duy chờ đợi của khách hàng. Hiện tại, hầu hết các hãng xe và đại lý phân phối đều cho rằng doanh số mục tiêu của toàn thị trường trong năm nay có thể không trở thành hiện thực bởi hầu hết người tiêu dùng đang cố gắng chờ đến năm 2018 để được cắt thuế. Thế nhưng khuynh hướng chờ đợi đó dường như không còn vững vàng trước làn sóng ồ ạt giảm giá của các hãng xe và nhà phân phối. Liệu giá xe sẽ còn tiếp tục giảm nữa không?
Đâu là thời điểm vàng để mua xe?
Sự tăng trưởng của dòng xe du lịch trong tháng 5 vừa qua cho thấy người tiêu dùng ít nhiều cũng bị tác động bởi những đợt giảm giá hấp dẫn từ các hãng xe. Hiện tại, giá xe (trừ dòng xe hạng sang) đang ở mức khá hợp lý đối với người tiêu dùng, nhưng họ cũng có đủ lý do để tiếp tục chờ một mức giá thấp hơn sẽ đến trong năm 2018. Tuy nhiên, nhiều đại diện hãng xe cho rằng nếu đang có nhu cầu sử dụng xe ngay, đồng thời chịu khó quan sát diễn biến trên thị trường thì người tiêu dùng sáng suốt sẽ quyết định sắm xe vào lúc này chứ không phải đợi đến năm 2018. Họ đưa ra hai lý do nên mua xe ngay. Thứ nhất, số lượng mẫu xe nhập khẩu đáp ứng yêu cầu để được hưởng ưu đãi cắt giảm thuế nhập khẩu theo hiệp định ký kết không nhiều, đa phần là dòng pick-up (chủ yếu được nhập từ Thái Lan) vốn đang chịu mức thuế nhập khẩu chỉ 5% nên việc giảm giá sau 2018 là không đáng kể. Vì vậy, một sự giảm sâu về giá xe nhập khẩu ít có khả năng xảy ra. Bên cạnh đó, suy nghĩ cho rằng xe lắp ráp nội địa sẽ giảm giá mạnh vì được cắt giảm thuế nhập khẩu phụ tùng từ các nước ASEAN cũng khó trở thành hiện thực vì theo các nhà sản xuất trong nước, ảnh hưởng của việc được cắt giảm thuế nhập khẩu phụ tùng tới giá thành của chiếc xe là không nhiều. Thứ hai, chắc chắn sẽ diễn ra một sự ùn tắc không hề nhỏ nếu mọi nhu cầu đều dồn vào một thời điểm và năm 2018 được dự đoán sẽ có nhiều biến động đối với thị trường ôtô Việt Nam. Có thể giá xe sẽ không giảm, mà lại tăng vì phát sinh các khoản phí dịch vụ khác hay thời gian xếp hàng chờ xe sẽ lâu hơn do các hãng xe không kịp đáp ứng nhu cầu lớn trong cùng một thời điểm, mà điều này thường xảy ra tại thị trường ôtô Việt Nam mỗi khi có sự tăng đột biến về cầu. Vì vậy, việc nên mua xe ngay lúc này hay cùng đám đông chờ đợi đến năm 2018 đối với người tiêu dùng cần một sự phân tích tỉnh táo dựa trên các động thái giảm giá của các hãng xe.
- Huỳnh Khôi