Với những chuyện không thể xảy ra, người Việt có nhiều cách nói ví von. Chẳng hạn, “Cóc chết có minh tinh”, ta hiểu là kẻ hèn mọn, tầm thường mà được trọng vọng, tót vời, đề cao quá mức; tuy nhiên cũng còn được hiểu theo nghĩa đừng nói chuyện hão huyền – chuyện đó không thể xảy ra. Cứ nghĩ là thế, nhưng rồi nó vẫn cứ xảy ra dễ như bỡn. Cứ tưởng như đùa.
Vụ gian lận kỳ thi trung học phổ thông tại Hà Giang. Rằng, 114 thí sinh (TS), với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít TS có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm. Cá biệt có những TS tổng điểm chênh lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Báo Thanh Niên cho biết Môn nào cũng bị can thiệp để “làm đẹp” điểm. Theo đó, 102 bài thi toán, điểm chấm thẩm định: 1, điểm công bố: 9; 86 bài thi vật lý, điểm chấm thẩm định: 1, điểm công bố: 8,75; 56 bài thi hóa, điểm chấm thẩm định: 0,75, điểm công bố: 9,5l; 52 bài thi tiếng Anh, điểm chấm thẩm định: 1,2; điểm công bố: 9,0 v.v… Nói như báo Tuổi Trẻ: “Vụ gian lận thi chưa từng có”.
Sự dối trá đến thế là cùng. Từ sự việc tồi tệ này, hình như đã manh nha câu “thành ngữ” mới: “Học sinh đi thi, phụ huynh làm điểm”. Thế nào là “làm điểm”? Là lạnh lùng sòng phẳng giữa “bán điểm” và “mua điểm”. Tiền trao cháo múc. Sự xấu xa thuở nào cũng có, kể cả thời Nghiêu Thuấn đi nữa, nhưng ở đâu kia, chứ xảy ngay trong lãnh vực “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” thì đúng là một cú tát vào mặt ngành giáo dục. Mà có phải chỉ Hà Giang, còn các địa phương khác thì sao?
Gian lận trong thi cử nào phải bây giờ mới có. Sử còn ghi lại chuyện thi sĩ tài hoa Cao Bá Quát khi được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, trong lúc chấm bài ông thấy có những quyển khá nhưng lại phạm lỗi trong bài thi. Nghĩ thương tình, ông cùng người bạn là Phan Nhạ dùng muội đèn để chữa lại. Việc làm này bị giám sát Hồ Trọng Tuấn phát giác và ghép vào tội chết. Lúc án đưa lên, vua Thiệu Trị giảm từ tội trảm quyết xuống tội giảo giam hậu (hoãn tội chết, giam lại đợi lệnh). May mắn, Cao Bá Quát được đưa đi “dương trình hiệu lực” sang Tân Gia Ba để chuộc tội!
Xét ra, việc làm của Cao Bá Quát và ông trưởng phòng khảo thí tỉnh và quản lý chất lượng của Sở GD-ĐT Hà Giang hoàn toàn khác nhau. Một bên vì tiếc tài thí sinh, còn một bên vì cái gì? Có những câu hỏi, tự mỗi người đều có câu trả lời chung.
Đôi khi, ôn cố tri tân cũng là điều thú vị. Nghĩ thế, bèn lật sách ra đọc. Đọc gì? Đọc những gì liên quan đến thi cử. Thử đọc lại đề thi ngày xưa. Trước đây, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thành ủy – UBND Hà Nội chỉ đạo nhiều dự án, trong đó, có “Tủ sách Thăng Long 1000 năm”. Nay, căn cứ vào đó, cụ thể quyển Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội (NXB Hà Nội-2010); và so sánh, đối chiếu thêm bản dịch đã in trên tạp chí Văn hóa châu Á số tháng 12.1960 – đọc lại đề thi Đình năm 1865 của vua Tự Đức. Thời điểm đó, với hiện tình đất nước, nhà vua đã hỏi gì với kẻ sĩ về kế sách giúp nước? Để thi như sau:
“Hiện nay công việc rất nhiều, không kể xiết được; nay ta đem điều thiết yếu hỏi các sĩ tử, mong được nghe mưu chước hay để mà bổ cứu. Vì lòng thể tất, cho sĩ tử được chọn một ngày để được bày tỏ hết hoài bão của mình: Cái lý trời và người tương ứng, không phải là viễn vông. Làm điều lành thì được phúc, làm điều dữ thì bị họa, cho nên mới có thuyết điềm lành và tai biến. Vậy, thuyết này bắt đầu từ đâu? Các sách Hồng phạm ngũ hành, Thiên văn chí ghi chép những chứng nghiệm về điềm lành, điềm dữ thì thực sự có ứng nghiệm hết không?
Đời hữu đạo, chưa hẳn không có tai dị; đời vô đạo, chưa hẳn không có điềm lành. Có khi nhiều điềm lành mà vong quốc; có khi gặp tai dị mà lại hưng quốc. Có khi không tai dị mà phải răn sợ; có khi họa lớn mà trời không quở phạt; có khi việc làm lúc này mà ứng nghiệm lúc khác; có khi việc làm ở gần, mãi đến sau mới ứng nghiệm; có khi tin ở trời, biết tu tỉnh mà ứng nghiệm có lúc chậm, có lúc chóng; có khi không tin, không theo mà tai dị có lúc có ứng nghiệm, cũng có lúc không. Làm thế nào mà biết được? Những điều trên đó vị tất không có lý do, đạo chí thành có thể biết trước được, vậy thì tu tỉnh thế nào, hành vi thế nào, mới đến được như thế?
Đức Khổng Tử không nói quái dị, thế mà lại có câu: “Phượng hoàng không đến, Hà đồ không thấy?”. Đời vua Nghiêu có nước lụt chín năm, đến đời vua Vũ mới bình trị được, bấy giờ mới có gạo ăn. Đời vua Thang, có đại hạn bảy năm đến nổi phải lấy đồng trong kho ra đúc tiền để chẩn cấp cho dân. Vậy thì điều người đời sau nói: Các đời vua ấy, tích trữ nhiều để phòng bị, sở kiến ở đâu mà nói thế? Huống chi đại hạn bảy năm, (vua Thang) mới có lần cầu đảo ở Tang Lâm. Vậy thì trước đó há thờ ơ, mặc kệ hay sao? Đều thật không sao hiểu được.
Cứu đói không chính sách nào hoàn bị. Mười hai chính sách cứu đói trong sách Chu Lễ đều theo thời mà làm cho thích hợp. Còn như để “có phòng bị thì không lo”, vậy thì phải làm thế nào mới là tốt nhất? Chính sách cứu đói của đời sau trừ những việc phát chẩn, xuất thóc, quyên tiền cho dân vay, giàu nghèo giúp lẫn nhau, thông suốt chỗ có chỗ không, khuyến khích trồng trọt, giảm thuế, tạo điều kiện cho dân có việc làm…; ngoài cách này ra, còn có kế sách gì hoàn thiện hơn không?
Hiện bây giờ tai dị luôn thấy, đói kém mất mùa dồn dập, Trẫm rất lo sợ không biết làm thế nào. Chẳng phải là đức chính còn nhiều thiếu sót chăng? Hay là dân tình, thói tệ của quan lại còn bế tắc, uất ức chăng? Vì thiếu đức, mờ trí cho nên công việc khó chu đáo, đều là lỗi của Trẫm.
Nếu bảo rằng: “Mặt trời có biến thì phải tu sửa đức; mặt trăng có biến thì phải tu sửa chính trị; ngôi sao có biến thì phải kết liên, hòa hảo lân quốc; lại có câu rằng: “Thứ nhất là tu sửa đức, sau đến tu sửa chính trị, rồi sau nữa lo tu cứu (cứu chữa), thứ nữa phải tu nhương (cầu đảo cho tai qua)”. Sao lại phân biệt quá thế? Vậy phải theo cách nào?
Bây giờ việc dụng binh, chi phí rất nhiều, mọi làng xã đều bị đói kém, tô thuế nhiều lần miễn, công tư không đủ chi, mọi chính sách cứu đói đều khó thi hành. Nay muốn cầu hòa khí của trời, mong mệnh nước được dài lâu, chữa mối tệ lâu ngày, làm vững gốc của nước mà nghĩ qua, nghĩ lại vẫn chưa tìm được cách nào.
Các sĩ từ chăm chỉ học vấn, sẽ phải ra kinh bang tế thế, há chỉ dựa vào đó để cầu danh? Mỗi người phải hết lòng, suy nghĩ sâu xa, bày tỏ cho Trẫm hay, đừng nói phiếm, đừng ẩn giấu cho xứng đáng với ý Trẫm. Nếu còn kế nào hay hơn, để có thể tìm được nhiều hiền tài, làm cho các nước láng giềng phải tin phục, dẹp bình được giặc Tàu, để đường biển được yên lặng thì cũng cứ bày tỏ hết, để bổ ích thực dụng”.
- Xem thêm: Nợ lều chõng
Khoa thi này, kết quả xếp hạng nhất thuộc sĩ tử 27 tuổi là ông Trần Bích San (1838-1877), tự Vọng Nghi, hiệu Mai Nham người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc (Nam Định). Do ông đậu Giải nguyên, Hội nguyên và Đình nguyên nên được người đời gọi là Tam nguyên Vị Xuyên; vua Tự Đức mến tài nên đổi cho tên Trần Hy Tăng – ví như Vương Tăng đời Tống. Kế tiếp, sĩ tử 31 tuổi là ông Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902), sau khi mất được truy tặng Cần chánh điện Đại học sĩ.
Với câu hỏi làm sao “dẹp bình được giặc Tàu, để đường biển được yên lặng”. Ông Nguyễn Trọng Hợp cho rằng, “đua với sở trường của chúng thì khó mà chắc thắng, mà dùng trí của ta thì dễ thành công. Cốt ở tướng lĩnh cầm quân biết tính bày mưu kế, chứ không nhất thiết phải tăng thêm binh lính”. Ông Trần Bích San nêu lên hiện trạng: “Tướng chưa hết lòng, sĩ tốt chưa ráng sức… Đến như quân Thanh, Nghệ vẫn được tiếng dũng cảm nhưng khó nhọc vất vã đã lâu năm, không còn nhuệ khí; quân lính Bắc kỳ thì tài sức khốn kiệt, không tinh nghề. Đem quân lính như thế mà đối địch với quân tử chiến của chúng thì khó mà giữ toàn thắng được”.
Vậy phải làm sao?
Theo ông San, về tướng thì thăng chức hàm để khuyến khích, về binh lính thì nâng lương. “Lại bắt dân ở duyên giang, duyên hải phải lập điều ước ứng cứu lẫn nhau; chọn người văn thân, tổng lý hay thổ hào được việc, quản đốc bọn dân ấy, phỏng theo cách đời Hán, quân Hồ xông vào cướp nội địa mà ngăn cản được bọn cướp ấy thì được thưởng hậu, để cho dân tự làm chiến sĩ, tự giữ lấy nhà mình, tuyệt hẳn bọn quân vào cướp bóc. Lại dụ các quan địa phương phụ cận phải tuyển thủy quân, huấn luyện chiến trận, sắm chiến thuyền, sắm sửa khí giới, cấp đủ lương thực” v.v. Xét ra ý kiến ông San rất gần với quan điểm hiện đại về nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cái học của sĩ phu ngày trước có thật sự hữu ích để sau này ra giúp nước? Chẳng hạn, kỳ thi năm 1472 như sau: Kỳ 1: Ra 8 đề về Tứ thư, thí sinh chọn lấy 4 đề làm 4 bài văn; ra đề về Ngũ kinh, mỗi kinh 3 đề, thí sinh chọn 1 đề mà làm; riêng kinh Xuân thu chỉ ra 2 đề nhưng gộp lại thành 1 đề để thí sinh làm. Kỳ 2: thi chế, chiếu, biểu mỗi loại 3 đề. Kỳ 3: thi thơ, phú mỗi loại 2 đề; phú thì dùng thể Lý Bạch. Kỳ 4: thi 1 bài văn sách hỏi những điểm khác nhau, giống nhau về nghĩa lý của Kinh và Thư, về những điều hay dở trong chính sự mỗi đời. Đại thể nội dung thi Hội là như thế. Dưới đời vua Gia Long quy định nội dung trên không riêng gì dành cho thi Hội mà thi Hương cũng vậy. Nhưng dưới đời vua Minh Mạng, nội dung thi kỳ 2 tức làm chế, chiếu, biểu bị loại bỏ, mãi đến đời vua Tự Đức mới khôi phục lại.
Thế thì, dám nói rằng, khi ra là quan, va chạm thực tế công việc, hơn ai hết lúc bấy giờ họ mới thật sự là học. Dù cùng một thời điểm, cùng được học một chương trình giáo dục nhưng lịch sử đã chứng minh đất nước ta đã có được những tài năng xuất chúng. Tại sao? Do họ tự học, học từ thực tế lúc làm ra quan, chứ nào phải chỉ vận dụng sách vở đã học ở nhà trường.
Nếu tìm kiếm nhân tài qua thi cử nặng về thi phú, hoặc lấy điểm làm trọng, nghĩ cho cùng nào phải thực chất của ý nghĩa đích thực của sự học. Sực nghĩ đến cái vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang gây chấn động dư luận cả nước, ngao ngán quá. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, câu nói trứ danh, muôn đời vẫn đúng của danh nhân Thân Nhân Trung đặt trong ngữ cảnh này, mỉa mai quá.