Những năm trước, trong cùng thời điểm, tỷ lệ này thường đạt tới 80%, vậy nên nguy cơ năm nay thu ngân sách không đạt dự toán là rất cao.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo đại diện của Tổng cục Thuế thì chủ yếu do tình hình kinh tế đất nước chưa sáng sủa. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nên có đến gần bốn phần năm số doanh nghiệp (78,7%) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng. Gần như tất cả các khoản thu thuế từ phía các doanh nghiệp đều không đảm bảo tiến độ, dù là khu vực doanh nghiệp nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài hay khu vực tư nhân, trong đó tỷ lệ thu thấp nhất thuộc về khối các doanh nghiệp nhà nước. Ở chiều ngược lại, theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, khâu thực thi chính sách thuế cũng còn nhiều bất cập, đẩy phần khó về phía doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho biết nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế sẽ bị phạt, làm khó dễ, trong khi nếu ngành thuế chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp thì lại không sao. Việc cơ quan thuế chậm hoàn thuế cho doanh nghiệp, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hoàn thuế hơn so với quy định diễn ra thường xuyên và không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Trong bối cảnh các doanh nghiệp rất khát vốn như hiện nay, việc số tiền hoàn thuế chậm được trả lại ngày nào sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp ngày ấy.
Tuy nhiên, phân tích những nguyên nhân khách quan khiến nguồn thu ngân sách không đạt dự toán chỉ là một mặt của vấn đề, bởi thu ngân sách phải được gắn liền với chi ngân sách và kèm theo đó là tính hiệu quả của việc chi thường xuyên và chi đầu tư. Những năm qua, chi thường xuyên của nước ta vẫn ngày càng tăng và tỷ lệ tăng cao hơn so với mức tăng của tổng thu. Trong số ấy có cả phần chi dành cho các giải pháp kích thích kinh tế, nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp, nhưng do chưa đạt hiệu quả cao nên chưa thực sự mang lại những tín hiệu khả quan cho nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động chưa giảm.
Cũng là bội chi ngân sách nhưng nếu việc chi thường xuyên và chi đầu tư ấy là hợp lý, đạt hiệu quả cao, là động lực cho tăng trưởng kinh tế, như chi cấp bù cho miễn giảm thuế chẳng hạn, thì là việc nên làm, bởi sẽ giúp các doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung nhanh chóng phục hồi. Nhưng khi bội chi ngân sách là do việc phân bổ nguồn lực không hiệu quả, tham nhũng, thất thoát và chèn ép khu vực tư nhân thì hệ quả là không nhỏ. Chi đầu tư và chi thường xuyên của nước ta những năm gần đây chiếm hơn 30% GDP, một tỷ lệ quá cao so với các nước có cùng điều kiện. Song song đó, hiệu quả lại thấp và chính điều này đã gây ra những bất ổn kinh tế.
Một nguyên nhân cũng quan trọng không kém là việc tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng còn quá chậm chạp. Mang trách nhiệm nặng nề là phải đảm bảo nguồn cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, nhưng quy mô của các tổ chức tín dụng còn nhỏ và manh mún. Không những thế, hệ thống ngân hàng thương mại chiếm tới 80% tổng tài sản của toàn bộ hệ thống tài chính, chỉ 20% là của các thị trường khác như chứng khoán, bảo hiểm…, nên kênh dẫn vốn chủ yếu cho nền kinh tế, ngắn cũng như dài hạn, đều đặt lên vai hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cần phải tiến hành cho hệ thống ngân hàng và cả thị trường tài chính, để chúng hoạt động theo cơ chế thị trường, tiến đến việc giảm dần các biện pháp hành chính của Nhà nước.
Minh Hằng