Chuỗi tuần lễ thời trang Xuân-Hè 2017 đã diễn ra, đánh dấu sự bắt đầu của mô hình “Thấy là mua ngay” (See now, Buy now). Được một số thương hiệu tiên phong áp dụng và đặt nhiều kỳ vọng, mô hình này đã bước đầu đem lại nhiều điều bất ngờ.
Sự ra đời của “See now, Buy now” dựa trên hai vấn đề chính là người tiêu dùng có thể mua ngay những thứ họ thích khi vừa thấy trên sàn diễn mà không phải chờ đến sáu tháng sau và ngăn chặn được tệ nạn làm hàng giả. Một số thương hiệu như Celine hay Azzedine Alaia đã đi tiên phong bằng cách chỉ cho ra mắt các bộ sưu tập theo đúng thời điểm các món đồ thời trang được bán ở cửa hàng dưới hình thức tổ chức những buổi trưng bày hoặc trình diễn dành riêng cho khách hàng và giới báo chí. Mô hình này thực sự được chính thức áp dụng tại tuần lễ thời trang của thương hiệu Burberry và tiếp đó là Tom Ford, Tommy Hilfiger, Ralph Lauren, Paul Smith, Moschino…
Không để lọt bất cứ một cơ hội bán hàng nào, các thương hiệu không chỉ chuẩn bị hàng hóa ở các boutique chính, mà còn đẩy mạnh hệ thống bán hàng online trên trang chủ của mình lẫn các trang bán hàng nổi tiếng như net-a-porter hay mytheresa. Còn dè dặt trong việc thí điểm mô hình “See now, Buy now” là Moschino hay Prada khi chỉ bắt đầu với một số phụ kiện.
Khi phải xem các bộ sưu tập Thu-Đông một lần nữa, hay vừa mới tham dự một buổi trình diễn thời trang Xuân-Hè nhưng ngay sau đó lại có chương trình Thu-Đông thì giới ghiền thời trang có phần bị bối rối. Tại New York, Ralph Lauren vung tay “chơi lớn” khi chặn một vài con đường ở Manhattan để tổ chức trình diễn ngoài trời trước tổng hành dinh của mình trên đại lộ 867 Madison bộ sưu tập mang âm hưởng của miền Viễn Tây hoang dã. Đến với London Fashion Week, Burberry kể về câu chuyện hai người bị hoán đổi giới tính trong cuốn tiểu thuyết Orlando: A Biography với trang phục mang nét du mục lãng mạn kết hợp với sự sang trọng và cổ điển của thời kỳ Elizabeth.
Chỉ mới được giới thiệu vài ngày nhưng phản ứng của giới tiêu dùng với “See now, Buy now” là khá tốt. Một số thiết kế của Topshop Unique và Burberry đã “cháy hàng” theo như báo cáo của các kênh bán hàng trực tuyến. Thậm chí những món đồ có giá từ 2.000 đến 10.000 USD của Ralph Lauren cũng vơi đi còn một nửa trong kho. Nhìn chung, mô hình “Thấy là mua ngay” này đã đem lại doanh số tốt, tối thiểu là 20%, còn tối đa là hơn 150%. CEO của Burberry – nhà thiết kế Christopher Bailey cũng khá ngạc nhiên khi thấy phản ứng của khách hàng tốt ngoài sức tưởng tượng.
Chuỗi tuần lễ thời trang vẫn chưa kết thúc nhưng “See now, Buy now” đã trở thành chủ đề nóng bỏng của mùa thời trang lần này. Dẫu một số nhà thiết kế danh tiếng như Karl Lagerfeld không mấy mặn mà với chiến dịch “Thấy là mua ngay” và cho rằng nó đang phá vỡ giá trị của thời trang xa xỉ thì người ta vẫn phải thừa nhận rằng một số vấn đề nan giải trước mắt của ngành công nghiệp đồ xa xỉ đang được giải quyết. Tuy nhiên chặng đường dài còn ở phía trước, tất cả vẫn phải vượt qua ít nhất vài tháng đầu tiên và thậm chí hết năm nay mới có thể kết luận được rằng liệu mô hình thời trang mới này có thực sự hiệu quả và có khả năng trở thành một cuộc cách mạng trong lịch sử thời trang hay không.