Hồi tháng 4, Neil Young đã kêu gọi gây quỹ được 6 triệu đôla cho máy nghe nhạc hi-end của ông có tên là Pono. Chiến dịch thành công rực rỡ thông qua Kickstarter, kiếm về số tiền cao gấp gần tám lần mục tiêu lúc đầu là 800 ngàn đôla Mỹ. Chiến dịch Pono trên Kickstarter là chiến dịch kiếm đầu tư lớn thứ 3 trong lịch sử của website này.
Đến tháng 8, ông chuyển sang Crowdfunder, tiếp tục kêu gọi đầu tư để mua cổ phần trong công ty, mỗi người chỉ cần ít nhất 5.000 đô. Với cái tên Neil Young bảo chứng, lần này cũng hết sức dễ dàng. Ngay ngày đầu tiên, cột mốc 2,5 triệu đô đã dễ dàng vượt qua khi có 580 nhà đầu tư tham gia và huy động được 2,75 triệu. Mục tiêu cũ được nâng lên thành 4 triệu đô. Trong ngày 2, số tiền huy động được là 3,3 triệu và cuối cùng, chiến dịch chốt sổ ở con số hơn 5 triệu đôla.
Có khoảng 18 ngàn người tham gia đầu tư sẽ nhận được phần thưởng là dòng máy Pono đặc biệt có sẵn nhạc và khắc chữ ký của các tên tuổi như Metallica, Tom Petty, Pearl Jam và đương nhiên là Neil Young. Ngoài ra họ còn được tham dự các buổi nghe đĩa mới với Neil ở California và thành phố New York. Gần như tất cả các nghệ sĩ đều vui vẻ hỗ trợ và hợp tác với Pono.
Neil chia sẻ với tờ Rolling Stone về chuyện kinh doanh của mình “Điều này cũng khá dễ đoán bởi vì tôi là một nhạc sĩ và tôi biết các nhạc sĩ cảm thấy thế nào về âm thanh. Các hãng đĩa đã có nhiều lựa chọn sai lầm và không nhận ra MP3 sẽ lớn mạnh như thế nào. Thế rồi khi chuyện đó xảy ra, không có gì để thay thế cho âm thanh kém cỏi đó được. Chúng tôi sẽ phát nhạc đúng như khi người nghệ sĩ làm ra các bản nhạc đó, không cần phải nén, giải nén, không cần cài các đoạn mã bảo vệ bản quyền, không cần màu mè, không có bất cứ thứ gì ảnh hưởng đến âm thanh”.
Pono (tiếng Hawai có nghĩa là ngay thẳng, chính đáng) là một máy nghe nhạc hi-end, có giá bán lẻ đề xuất là 399 đôla, có bộ nhớ 128GB và chứa được 1.000-2.000 bài hát chất lượng cao.
Mấy năm gần đây, đĩa nhựa đã sống lại nhờ một trào lưu của những người đam mê, muốn tận hưởng được âm thanh thật, không bị nhiễu. Nhưng đĩa nhựa lại cồng kềnh, bất tiện, khó bảo quản. Pono là một dạng đĩa nhựa của nhạc số, dữ liệu về âm thanh lớn hơn file MP3 cỡ 30 lần, dung lượng file lớn hơn năm lần. Thật ra dân chơi âm thanh cũng đã lưu truyền các dạng file lossless như FLAC, Wave, APE. Nhiều đơn vị sản xuất phần cứng cũng đã tuyên bố về khả năng đưa ra file âm thanh số chất lượng cao nhưng cuối cùng vẫn chưa thật sự có khởi đầu nào. Nhưng khi có một tên tuổi đứng ra kêu gọi thì mọi chuyện sẽ khác. Pono nổ phát súng đầu tiên và nhận được sự ủng hộ của ba tập đoàn lớn là Sony, Warner, Universal nên đang tràn đầy hy vọng.
Neil Young không phải là huyền thoại nhạc rock duy nhất tìm cách thay đổi cách nghe nhạc của chúng ta. U2 cũng đang bàn bạc với Apple để đưa ra một format âm nhạc mới. Thay vì file .mp3 sẽ là file .u2 chẳng hạn.
Sau lần tặng không album chấn động, U2 tiếp tục hợp tác với Apple để đưa ra một định dạng nhạc số “sẽ cực kỳ hấp dẫn với fan và dụ được họ có lại khao khát mua nhạc, trọn album lẫn từng bài riêng lẻ”. Bono, ca sĩ chính của nhóm U2, hào hứng phát biểu: “Tôi nghĩ sẽ rất sôi động cho việc kinh doanh nhạc. Format này sẽ là một dạng tương tác âm thanh/hình ảnh không thể sao chép và những hình ảnh kèm theo album sẽ được thể hiện ấn tượng nhất. Bạn có thể đọc lời hay tìm hiểu những chuyện phía sau bài hát khi đang ngồi trên tàu điện ngầm vọc iPad. Bạn có thể thấy những hình ảnh chưa từng được thấy bao giờ”.
Không thể sao chép có lẽ là đặc tính đáng giá nhất của định dạng này vì tải nhạc bất hợp pháp, nghe nhạc trực tuyến và các site như YouTube đã tước đoạt nhiều lợi nhuận của ngành công nghiệp âm nhạc.
Theo lời Bono thì định dạng âm nhạc mới này chỉ còn cỡ một năm rưỡi nữa sẽ chào đời và có thể sẽ trùng với dịp album Songs of Experience dự kiến sẽ phát hành tiếp nối Songs of Innocence. Trong khi đại diện một trong những nhóm nhạc nổi tiếng nhất hiện giờ để tích cực quảng bá định dạng này thì Bono cũng cho biết format này sẽ giúp các nghệ sĩ trẻ, ít tên tuổi nhiều hơn là các nghệ sĩ dễ dàng kéo fan lấp đầy sân vận động. Format khuyến khích người nghe mua nhạc thật sự và “những người viết nhạc không có đi lưu diễn. Cole Porter có bao giờ bán được áo thun. Cole Porter chẳng bao giờ đến diễn ở sân vận động gần chỗ bạn”. Cole Porter là nhạc sĩ viết nên nhiều ca khúc kinh điển của làng nhạc trong thập niên 30 trên sân khấu Broadway.
Trí Quyền