Nha Trang cách đây mươi năm xe cộ thưa thớt, người người thong dong, đi bộ trên lề đường được, gió biển còn có thể ngao du vào tận phố. Nhờ taxi chở đi ăn chay, đến quán, nài ép thế nào tài xế cũng không chịu vào chung, “các cô cứ vào dùng bữa đi, con chờ”. Thương chưa.
Dù vậy con người vẫn cứ là con người. Về sau nhờ được lên danh sách 29 bãi biển đẹp nhất thế giới, du khách bắt đầu đông dần. Một lần nhờ taxi ghé vào tiệm để lấy hình, tài xế trả lời “dạ được cô, khách hàng là vua mà”. Lấy hình ra, cảm ơn, “dạ có gì đâu cô, khách hàng là thượng đế mà”. Thế là khách hoan hỉ, bèn quảng cáo ai muốn lên ngôi vua rồi thành thượng đế chỉ trong mấy phút thì xin mời tới Nha Trang. Chắc thiên hạ nghe, dần dà tấp nập, khách sạn nhà hàng, tiệm tùng mọc lên, khắp nơi ăn ăn uống uống, “1, 2, 3, zô…” ầm ĩ vang trời. Nhưng nhiều tiệm nửa năm sau đã thấy thay hiệu khác. Chắc thiên hạ làm ăn chủ yếu theo thị hiếu hoặc đoán mò, tưởng sẽ chạy mà hóa ra nó giậm chân tại chỗ hay nhích từng bước một, thành ra phải nhanh tay sang tiệm để còn vớt vát chút vốn. Mọi việc có vẻ hên xui may rủi dù coi ngày coi quẻ như điên, nằm bệnh viện sản khoa tới cữ chưa chịu về vì… chưa được ngày!
Vì là thành phố biển nên sinh hoạt văn hóa chẳng có gì, may mà có Festival Biển mỗi hai năm cho thiên hạ rộn ràng háo hức. Và dù được sắp hạng một trong 29 bãi tắm đẹp nhất thế giới, vẫn bị tạp chí National Geographic chê là xây cất lung tung tùy tiện, là phát triển quá đà không có mắt cảnh giác, du khách phê bình khách sạn và quán bar dày đặc trên bãi. Và chưa hết đâu. Nghĩ cũng lạ: biển ở đâu cũng là của toàn dân, làm sao chỉ một vài ông to tiện tay ngoằn ngoèo ký bừa bãi là dân mất tầm nhìn ra biển, mất tự do sử dụng bãi kiểu không được ngồi gần chỗ khách sạn 4-5 sao cắm lều, đặt ghế. Một lần đi ngang nhóm đánh cầu lông, một bà vừa đập cầu vừa nói to cho bên kia nghe: “Tôi đã bảo anh ấy rồi, sắp về hưu thì tỉnh còn mấy miếng đất đó, bán đi mà bọc chút đỉnh. Lại chẳng nghe. Bây giờ đồng hưu còm thế thì sống làm sao”.
Cái dễ thương nổi bật của Nha Trang là mỗi sáng các bà các cô từng nhóm tập khí công, thể dục. Du khách ngoại quốc thường nhìn họ say sưa thích thú, quay phim, chụp hình. Hồi đó có nhóm trẻ của Hội Phụ nữ tổ chức tập thể dục nhịp điệu, mỗi sáng nhạc giật gân vang lừng vui nhộn, quý bà quý cô hăng hái tham gia đến cả trăm. Ban đầu truyền thông lên hình, khen ngợi. Trong các động tác cho eo iếc dẻo dai, có vài phút hơi nẩy người. Thế là các cụ bà lên tiếng phản đối, cho là thô tục. Đành phải dẹp đi. Nhưng các “thể hình viên” ấm ức, đang nhảy nhót hăng say thú vị quá mà, lại hiệu nghiệm, trẻ trung đầy sức sống, nên vẫn từng nhóm nhỏ năm bảy người nhún nhẩy. Vì lặp lại các động tác đã học nên vẫn có mục nẩy người nhưng không răm rắp hàng hàng lớp lớp, đâm ra chẳng còn bắt mắt nữa. Lỗi tại các cụ đấy.
Có lẽ dân ở đây vẫn còn thiệt thà dễ thương nhất. Và vì ngoài cá khô mực khô chỉ có nước biển là hấp dẫn, nên cái món “bún kế ênk với chể kế” ngon lành gì đâu mà vẫn được lên hàng “đặc sản”. Thì khẩu hiệu “Nha Trang văn minh – thân thiện” là rất hạp. Có lần nhà tôi vừa lên khỏi nước, một ông ngồi trên cát đưa tay. Nhà tôi nghĩ đúng là văn minh – thân thiện thiệt, chẳng quen biết cũng bắt tay. Vừa đưa tay ra bắt, ông kia hổn hển: “Kéo, kéo, kéo lên giùm chút”. Một thân thểốm yếu được kéo bởi một thân thể không tráng kiện thì cũng nổi. Cả hai mắt trong mắt tay trong tay, hỉ hả. “Chẳng là chân mặt tui bị hơi liệt rồi. Anh đỡ giùm tui tới chỗ kia”. Vui vẻ cùng bước thấp bước cao trên cát.
Đặc biệt thiên hạ tin rằng đất này được Đức Thánh Mẫu Ponaga che chở. Cơn bão nào hùng hổ tới đâu, vào gần vịnh là Bà đuổi đi ngay, nó tự do chạy vào Phan Rang hay đâu đâu tùy thích, nhưng cấm vào Nha Trang (Nói nhỏ: phải chi Bà dập phứt bão đi, cho dân các Phan khác cũng đỡ mệt). Một số người thì bảo thành phố này nhờ có nhiều hòn đảo ngoài khơi, Trời bảo sắp hình vòng tròn, nên được che chắn. Thôi thì gì thì gì, có niềm tin cũng tốt. Ba ngày xuân (từ 29 tháng Chạp đến hết ngày mồng 2 tết, thiên hạ đổ lên Tháp Bà cầu xin đủ thứ. Lạy xong, từ trước bàn thờ Bà đi bọc vòng sau lưng, hai tay xoa vuốt bệ thờ rồi ấp lên chỗ nào bị bệnh với vẻ thành kính và tin tưởng tuyệt đối. Tháp nhỏ nên bây giờ giảm thiểu đốt nhang cho đỡ cảnh mịt mù ngộp thở. Bên ngoài là sinh hoạt đặc biệt Chăm: múa, dệt thổ cẩm, bày hàng lưu niệm…
Một thời du khách Pháp du khách Mỹ say mê, rồi khách Nga đổ bộ qua hơi nhiều, nay thì đồng rúp bắt đầu nhường chỗ cho đồng nhân dân tệ. Chị bạn ta thán: “Nha Trang mình đưa người cửa trước rước người cửa sau”. U uẩn vậy thì cũng hơi bị tội, thành phố du lịch thì phải vậy chớ sao.
Bây giờ đâu vắng vẻ Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya (như lời một bài hát của Phạm Duy) nữa, nên thường xuyên thấy tuyển lựa nhân viên. Điều kiện “phải có ngoại hình”, trai cao trên mét bảy, gái trên mét sáu. Hình thức đã lấn át nội dung rồi còn gì…
(2-2016)