Chính sự bất tiện về phương tiện đi lại lại khiến xã đảo thuộc huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) này trở nên cuốn hút. Nàng tiên Thanh Lân vừa mới được đánh thức, vẫn còn hoang sơ và trong veo như một giấc mơ đẹp.
Thanh Lân có diện tích vỏn vẹn 27km2. Trung tâm xã nằm ở giữa đường cong hình cánh cung địa phận, là đảo lớn trong quần đảo Cô Tô, có vị trí chiến lược trong quốc phòng an ninh biển đảo.
Thanh Lân được thiên nhiên ưu ái với nhiều bãi biển hoang sơ, thơ mộng và dài rộng. Cát ở đây chắc và mịn, bãi biển chưa khai thác du lịch nhiều nên còn sạch đẹp. Anh Thịnh, một người gốc Nam Định mới ra đây lập nghiệp cùng gia đình cho biết Cô Tô lớn mới đưa vào khai thác tầm hai, ba mùa hè; còn Thanh Lân và Cô Tô con năm nay là mùa thứ hai. Cô Tô con chưa có điện, ra đó thì “mình ta một đảo”. Trong khi đó, Thanh Lân hiện đại hơn bởi đã có nhà nghỉ, nhà hàng… phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Trước kia, khách tới Thanh Lân chỉ biết bãi Hải Quân, bãi C9. Các bãi này nằm gần chỗ đóng quân của quân đội nên dân gọi theo cho tiện. Bãi Hải Quân hút khách hơn cả vì đẹp và dài. Sau này, khi cái tên Ba Châu xuất hiện, người ta đổ hết về đó.
Vượt qua dốc Cổng Trời, bạn sẽ thấy một bãi cát dài, đẹp, sườn phải có bãi đá đẹp mê hồn, nước trong vắt và xanh màu ngọc bích. Chưa có một khối bê tông nào được xây lên ở đây. Khách tới tắm thỏa thích xong có thể leo bộ lên đá, khám phá tầng tầng lớp lớp xếp chồng lên nhau vô cùng kỳ vĩ. Nghe nói, những tầng đá này là trầm tích có tuổi đời hàng nghìn năm.
Trên chiếc xe Wave cọc cạch, anh Thịnh chạy qua con đường mòn bao quanh đảo, vừa đi vừa kể chuyện. Anh nói, trước kia Thanh Lân do người Hoa chiếm giữ. Sau 1979, ta giành lại đảo rồi dân cư các nơi bắt đầu ra làm kinh tế mới. Dân Hải Phòng tới đây đầu tiên, có hẳn một thôn riêng. Sau đó mới tới dân Nam Định, Thái Bình. Bây giờ toàn thị trấn có hơn 1.400 nhân khẩu, khoảng 420 hộ. Người ở đây làm nghề biển và du lịch là chính, buôn bán phụ thêm. Vào mùa sứa, người ta đi đánh bắt nườm nượp. Sứa giống như tảo, cấu tạo từ nước, vòng đời ngắn. Chết rồi lại tan vào nước. “Năm nào được mùa sứa thì khỏi làm cũng có cái ăn. Năm nào thất bát thì khốn đốn. Có năm chỉ làm sứa đã được 200 triệu cả vốn chi nhân công, tàu bè, bảo dưỡng…” – anh nói.
Là người từng đi buôn bán từ Nam chí Bắc, nên anh Thịnh rất nhạy bén. Anh hồ hởi kể sẽ mở thêm dịch vụ lặn biển, khám phá hòn Cấm Cãi, dốc Mẹ Ơi, phục vụ nhu cầu trải nghiệm của giới trẻ. Nhà anh đầu tư cả ôtô đưa đón khách, dịch vụ cho thuê xe máy… Chỉ tội là chưa có tàu cao tốc từ cảng Cái Rồng ra thẳng Thanh Lân. Khách muốn đi, vẫn phải đi tàu gỗ (giá 100 ngàn/người/lượt, đi trong ba giờ) hoặc tàu cao tốc (giá 150 ngàn/người/lượt, đi trong 1,5 giờ) từ cảng Cái Rồng ra Cô Tô lớn; rồi từ đó đi ghe ra Thanh Lân với giá 30 ngàn/người/lượt. Mà ghe ra Thanh Lân cũng chưa chạy nhiều. Đông khách lắm mới tăng chuyến, còn ngày thường, 7g30 có chuyến từ Thanh Lân ra Cô Tô, 11g trưa về, 4g chiều quay lại. “Năm nay khách đông, hy vọng sẽ có nhiều ghe hơn, tiện cho khách hơn” – anh Thịnh nói.
Về Thanh Lân, thuê một cái xe, chạy vè vè quanh đảo, hít căng lồng ngực không khí tươi mát và trong lành là điều đầu tiên bạn nên thử. Buổi chiều, bạn có thể thả mình trong làn nước trong veo nhìn thấy cả đáy, hoặc lặn biển, leo lên các tầng đá trầm tích mà nghe sóng vỗ rì rào; buổi tối hãy thử ngồi bệt cạnh một hốc đá, nổi lửa nướng hải sản vừa thảy từ biển lên. Vùng đất mộng mơ này sẽ quyến rũ bạn bởi những trải nghiệm tuyệt vời như thế.