Vùng đất này cũng được biết đến với những thánh đường lộng lẫy với kiến trúc mang sắc màu sặc sỡ của vùng đất Trung Á đã làm bao lữ khách choáng ngợp. Giờ đây Uzbekistan là điểm đến du lịch nổi tiếng với các đền đài, lăng mộ và một thành phố cổ Bukhara được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại năm 1993.
Uzbekistan là quốc gia Trung Á với 32 triệu dân, từng là một nước Cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết trước đây, có chung biên giới với Kazakhstan ở phía tây và phía bắc, với Kyrgyzstan và Tajikistan ở phía đông và Afghanistan cùng Turkmenistan ở phía nam. Nằm dọc theo “Con đường tơ lụa”, tuyến đường thương mại cổ xưa nhất lịch sử loài người, từ hơn 2.000 năm trước, Uzbekistan đã có những đô thị phồn thịnh, các cung điện nguy nga, những ngôi chợ mái vòm buôn bán sầm uất.
Thành cổ Bukhara
Sau gần hai giờ bay từ thủ đô Tashkent, chúng tôi đáp xuống sân bay Bukhara. Nắng chiều nhuộm vàng như mật trên những mái nhà làm bằng đá của Bukhara cổ kính. Là thành phố lớn thứ năm của Uzbekistan với hơn 250 ngàn người, Bukhara được các nhà khảo cổ xác định khoảng 2.500 tuổi, hiện còn hơn 140 di tích lịch sử rải rác ở đây.
Bukhara trải qua nhiều thăng trầm suốt chiều dài lịch sử, từng là trung tâm văn hóa kinh tế lớn nhất nhì vùng Trung Á vào những năm 600 trước Công nguyên.
Thời hoàng kim của người Samanids (những năm 900), Bukhara là trung tâm tri thức lớn của thế giới Hồi giáo, chỉ đứng sau Baghdad. Năm 1220, thành phố bị Thành Cát Tư Hãn và đội quân Mông Cổ chiếm đóng, đến năm 1370 bị chinh phục bởi Tamerlane – vị vua nổi tiếng độc ác nhất thế giới nhưng lại rất yêu nghệ thuật. Nhờ vậy, Bukhara được thừa hưởng những công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ những năm đầu của thiên niên kỷ thứ nhất đến những năm phồn vinh nhất vào thế kỷ thứ X, rồi những năm sau đó vào thế kỷ XVII-XVIII còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Các khu lăng mộ, tháp gạch, nhà thờ Hồi giáo, quần thể các cung điện, khu chợ cổ khiến Bukhara trở thành một bảo tàng sống động về một đô thị cách nay hàng ngàn năm.
Chúng tôi thảnh thơi tản bộ dọc theo con phố nhỏ hướng về quảng trường trung tâm ở khu phố cổ. Bức tượng đồng một thương nhân người Hoa cưỡi lừa với nụ cười thâm thúy nổi bật giữa quảng trường. Đó là Mullah Nasruddin Khodja, một nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng về văn hóa, nghệ thuật ở khắp các quốc gia Trung Á và Trung Đông.
Giữa quảng trường có một hồ nước rộng in bóng hàng liễu rũ khẽ đong đưa theo gió, tượng một bầy lạc đà đang nghỉ ngơi dưới rặng liễu sau một hành trình dài. Một nhà hàng lớn được bài trí theo phong cách những quán rượu cổ với những sạp gỗ được trải những tấm thảm hoa văn sặc sỡ. Sau tấm màn che văng vẳng tiếng đàn réo rắt, tiếng trống rộn rã của những giai điệu dân ca truyền thống của người Uzbekistan nghe thật vui tai.
- Xem thêm: Uzbekistan, chiếc vương miện của Trung Á
Đi sâu vào khu phố cổ là những quầy hàng bày bán các loại gia vị, trái cây khô, nho, mận và lựu. Đặc biệt, lựu ở Bukhara là đặc sản nổi tiếng khắp vùng Trung Á bởi mùi thơm lừng, hạt to đỏ thẫm như viên ruby mọng nước có vị ngọt thanh. Người Bukhara cho rằng, lựu Trung Quốc ngày nay có xuất xứ từ vùng đất này.
Các gian hàng thủ công mỹ nghệ màu sắc rực rỡ thu hút du khách. Những tấm thảm đủ kích cỡ trang trí bằng họa tiết hoa văn tinh tế được dệt từ sợi bông do những cánh đồng bông bạt ngàn ở Uzbekistan cung cấp. Đồ trang sức và lụa cũng là những mặt hàng rất nổi tiếng ở đây. Những tượng gốm các vị thần linh, thần may mắn, những vật nuôi phổ biến trưng bày khắp nơi với giá rất rẻ. Trong đoàn, ai cũng hăm hở lựa vài món ưng ý đem về làm quà.
“Hải đăng” trên cạn
Quả không sai khi nói Bukhara là “thành phố bảo tàng” bởi những kiến trúc cổ kính hiện diện khắp nơi. Nổi bật nhất là khu lăng mộ Samanids bằng gạch nung được xây từ thế kỷ IX. Đây là nơi an nghỉ của Ismail Samani, một vị vua của vương triều Samanids có nguồn gốc Ba Tư, được cho là người góp phần vào việc truyền bá đạo Hồi vào vùng đất này. Trải qua hơn 11 thế kỷ, đến nay công trình vẫn còn nguyên vẹn.
Theo lời của hướng dẫn viên, ngày xưa khi vó ngựa Mông Cổ tràn qua, tất cả thành quách đều bị tàn phá, người dân đã dùng đất lấp xung quanh để che giấu ngôi đền. Chiến tranh qua đi, ngôi đền bị lãng quên mãi đến thế kỷ XX. Năm 1934 nhà khảo cổ V.A. Shishkin mới tình cờ khai quật được ngôi đền bị chôn vùi dưới lớp đất gần 2 mét, nhưng nhờ thế toàn bộ công trình hơn nghìn năm tuổi đã được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Tại khu trung tâm thành phố là nhà thờ Hồi giáo 500 năm tuổi Kalyan là biểu tượng của Bukhara. Nhà thờ nổi bật với tông màu xanh, bề mặt trang trí bằng gạch đánh bóng và kính khảm. Xung quanh sân có những hành lang cột và vòm rất đẹp (gồm 208 cột và 288 vòm) với kiểu ốp gạch điển hình của kiến trúc đầu thế kỷ XV. Đây là nơi chứa đựng kinh Koran, nhiều tín đồ Hồi giáo đã về đây để nghiên cứu triết lý đạo Hồi.
Tháp Kalyan Minaret nằm bên cạnh nhà thờ Kalyan được xây dựng vào năm 1127, có chiều cao là 45,5 mét. Đường kính của chân tháp là 9 mét và phần đỉnh tháp khoảng 6 mét. Bên trong tháp là một cầu thang hình xoắn ốc có 104 bậc thang dẫn lên đến phần đỉnh trổ 16 mái vòm trang trí bằng nhũ đá. Dưới nắng sẽ phát ra ánh sáng long lanh như được nạm ngọc.
- Xem thêm: Udaipur, thành phố cổ bên hồ
Có thể nói tháp Kalyan còn được xem như là một ngọn hải đăng trên cạn bởi ngày xưa, khi con đường tơ lụa hoạt động nhộn nhịp, Bukhara là một trong những điểm dừng chân của các thương đoàn. Trên bước đường thiên lý, họ phải đi qua những thảo nguyên mênh mông cũng như những sa mạc nóng bỏng. Một con lạc đà với hành lý trĩu nặng trên lưng trung bình mỗi ngày có thể di chuyển khoảng 30km. Đó cũng là khoảng cách mà các thương điếm được xây dựng trên con đường tơ lụa. Vì vậy, vào ban đêm trên đỉnh các ngọn tháp canh này được thắp sáng nhằm mục đích chỉ hướng cho các đoàn thương nhân. Ngoài việc để nhắc nhở người Hồi giáo cầu nguyện năm lần mỗi ngày, nơi này được sử dụng như một đài quan sát thiên văn, hoặc đài quan sát quân địch trong một vài thời kỳ tiêu biểu.
Tháp Kalyan còn được người dân địa phương gọi là tháp tử thần, vì thời Trung cổ phạm nhân bị kết án tử hình bị ném từ trên đỉnh tháp xuống đất.
Pháo đài Ark vốn là thành lũy cổ xưa nhất có từ thế kỷ thứ I trước Công nguyên, nằm ở phía tây bắc Bukhara hiện nay. Pháo đài được xây dựng vô cùng kiên cố với tường thành vững chãi. Vành ngoài của bức tường cao 789 mét, diện tích bao quanh là 3,96 hécta. Chiều cao của tường thành thay đổi từ 16 đến 20 mét. Đây cũng chính là trung tâm lịch sử của Bukhara đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Trong cuộc nội chiến Nga, Ark đã bị tàn phá nặng nề bởi quân đội Hồng quân dưới sự chỉ huy của tướng Mikhail Frunze diễn ra năm 1920. Pháo đài Ark nay là bảo tàng nghiên cứu lịch sử vùng Trung Á.
Một công trình nữa mà du khách cũng không thể bỏ qua đó là Mir-i-Arab-Madrasah, một trường dòng đã hoạt động từ thế kỷ XVI đến năm 1920 và được mở lại vào năm 1944. Công trình mô phỏng theo mẫu kiến trúc của những thánh đường được xây dựng về sau này thể hiện qua kích thước và cấu trúc cân đối của nó.
Sau những ngày lang thang nhìn ngắm những kiến trúc độc đáo, đắm mình vào không khí nhộn nhịp của khu phố cổ, trong tâm trí chúng tôi luôn ngẫm nghĩ đến một quá khứ vàng son đã từng tồn tại trên mảnh đất này. Bao nhiêu thương đoàn đã đến và đi qua Bukhara? Những con lạc đà đã chở trên lưng mình biết bao nhiêu lụa là châu báu?