Từ phía Nam bang California, chúng tôi được người thân mời sang thăm bang Texas. Khởi hành vào buổi sáng từ phi trường Los Angeles và mất khoảng hơn 3 giờ bay, máy bay đáp xuống phi trường Houston lúc xế trưa. Sáng hôm sau, chúng tôi được đưa đến tham quan Trung tâm NASA của Mỹ ở Houston. Đây là địa điểm thu hút rất đông du khách khắp thế giới mỗi khi đến tiểu bang này. Xe chạy nhanh với tốc độ cao trên những con đường rộng thênh thang, càng gần đến khu vực của NASA, nhà cửa càng thua thớt dần.
Được biết Texas là bang có diện tích lớn thứ hai nước Mỹ, chỉ sau Alaska. Đây là vùng đất mà trước đây nổi tiếng với hình ảnh những chàng cao-bồi cưỡi ngựa, bắn súng.. được thấy trên phim ảnh. Texas có thế mạnh về công nghiệp hàng không, vận tải, du lịch… Đặc biệt là tại đây, cờ tiểu bang được treo ngang hàng với cờ liên bang vì những lý do lịch sử của nó, trong đó có lý do bang này có cơ quan đầu não của ngành hàng không vũ trụ.
Để vào đến khu vực đặc biệt này, xe chúng tôi dừng lại để lấy vé giữ xe ở khá xa lối vào, sau đó chạy thẳng đến bãi đỗ xe. Khi mua vé vào cửa, chúng tôi được phát một số tài liệu, hình ảnh giới thiệu tổng quát về các khu vực của Trung tâm này.
Bước vào sảnh chính là một không gian giống như một quảng trường nhỏ có mái che rất rộng, đây là địa điểm đầu tiên đón tiếp du khách. Trong phòng, ánh sáng không được sáng tỏ mà chỉ được phát ra từ hàng chục các mô hình liên quan đến các lĩnh vực không gian và khám phá vũ trụ; mặc dù được thu nhỏ nhưng trông rất quy mô.
Ở đây, ngoài các hiện vật về không gian như những viên đá mang về từ mặt trăng, mô hình các phi hành gia Apollo 11 đi bộ trên mặt trăng, mô hình các tàu con thoi, trạm không gian USS, hỏa tiễn Saturn V được phục chế… Ngoài ra, còn có hình ảnh của các thế hệ phi hành gia, các thước phim tái hiện quá trình phóng tàu con thoi; cách nó mang vệ tinh, thiết bị vào không gian; hoạt động trong không gian và trở về trái đất. Ở khu vực này cũng các dịch vụ bán đồ lưu niệm, áo, mũ có ghi những hàng chữ như Appolo, NASA… và cả tiệm cà phê để phục vụ du khách.
Thông tin ghi trên các tài liệu ở đây cho biết ở Mỹ có nhiều cơ quan của NASA nằm ở các tiểu bang miền Nam, như San Francisco thuộc California; Kennedy ở Florida… Nhưng lâu đời và đóng vai trò đầu não của NASA chính là Johnson Space Center ở thành phố Houston này. Đây là nơi nghiên cứu của các chương trình không gian lớn của NASA như Mercury – chương trình đưa người vào không gian; Apollo – chương trình đưa người lên mặt trăng và chương trình tàu con thoi Space Shuttle Program điều khiển liên lạc giữa mặt đất và tàu con thoi cũng như trạm không gian trong vũ trụ.
Trung tâm này còn là nơi nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm các module, tàu thám hiểm và cũng là nơi tuyển chọn, đào tạo và huấn luyện các phi hành gia của nước Mỹ. Neil Armstrong – người đầu tiên đặt chân lên bề mặt mặt trăng cũng đã được đào tạo tại Trung tâm Johnson này.
Trung tâm vũ trụ Houston được thành lập năm 1958 với tên ban đầu là National Aeronautics and Space Administration, viết tắt là NASA (Cơ quan quản trị Hàng không & Vũ trụ Quốc gia) có chức năng tổ chức những chuyến bay thám hiểm không gian. Khi tổng thống John F.Kennedy quyết định Mỹ phải trở thành nước đầu tiên đặt chân lên mặt trăng và trở về trái đất an toàn trong một thập niên, và “Mỹ phải trở thành quốc gia dẫn đầu trong các tiến bộ về không gian” thì Houston đã được chọn thực hiện nhiệm vụ này.
Đến cuối tháng 5 năm 1961, Trung tâm được đặt tên mới là Trung tâm tàu vũ trụ có người lái. Từ các dự án ban đầu mang tên Gemini đến các chương trình Apollo, trạm nghiên cứu không gian, tàu con thoi và ISS, trung tâm đóng vai trò điều hành các chương trình thám hiểm không gian của Hoa Kỳ và thế giới. Ở đây, được xem là thành phố vũ trụ thu nhỏ, chung quanh là nhiều cơ sở tại các tiểu bang ở Hoa Kỳ và trên thế giới. Cơ sở đầu não này với số viên chức và chuyên gia lên đến 18.000 người; trong đó có khoảng 200 chuyên gia là người Việt Nam.
Kể từ khi thành lập đến nay, NASA đã đạt được rất nhiều thành công quan trọng trong chương trình thám hiểm và chinh phục vũ trụ không gian. Gần đây, phi thuyền Phoenix không người lái rời trái đất ngày 4-8-2007 và sau 10 tháng đã đáp an toàn trên bề mặt Sao Hỏa vào ngày 15-5-2008. NASA cũng dùng phi thuyền này để nghiên cứu trên Sao Hỏa có thế có sự sống hay không…
Sau khi đi tham quan nơi trưng bày mô hình của hiện vật, để được bao quát hết toàn bộ Trung tâm và tận mắt thấy những hiện vật thật, chúng tôi xếp hàng ra cửa để lên tàu điện nội bộ đến tham quan các khu vực khác. Chiếc tàu nhỏ có nhiều toa, mỗi toa chở được vài chục người, nhân viên lái tàu kiêm luôn hướng dẫn viên. Tàu chạy trên những con đường rộng rãi trống vắng, hai bên là những khối nhà hình hộp chữ nhật đồ sộ nối tiếp nhau. Đây là những cơ sở bộ phận của khu Trung tâm.
Khi đến mỗi trạm, tàu dừng trong 10 phút để du khách có thể chụp hình lưu niệm. Trạm đầu tiên là Trung tâm Điều khiển Apollo Mission, nơi mà mọi chuyến bay của phi thuyền không gian và hoạt động trên các phi thuyền được lắp ráp, đây còn gọi là ga Vũ trụ Quốc tế. Sau đó, tàu tiếp tục đưa chúng tôi đến khu vực Huấn luyện. Căn phòng nhỏ, gọn với mấy chục dãy ghế màu đỏ. Trước mặt là hàng chục màn hình. Du khách được ngồi trên các dãy ghế này để nghe xem các thước phim nói về việc huấn luyện các phi hành gia.
Ở khu vực này có một vườn cây được trồng trong khuôn viên, dưới mỗi gốc cây là tấm bảng ghi tên tuổi của những phi hành gia Mỹ đã quá cố. Người bạn hướng dẫn đi cùng cho biết, đây là công trình được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm ngành du hành vũ trụ Hoa Kỳ.
Sau đó, cả đoàn tiếp tục trở lại tàu đi đến các khu vực kế tiếp. Trạm thứ bai là nơi quan trọng nhất. Theo sự hướng dẫn của các nhân viên hướng dẫn mặc đồng phục trắng, chúng tôi lên cầu thang cao để đi vào căn nhà rất rộng; đây là nơi trưng bày chiếc hỏa tiển từng phóng các phi thuyền Appolo. Chiếc hỏa tiển này quá khổng lồ, sự quy mô và độ lớn của nó đã vượt quá sức tưởng tượng cho những ai mới đặt chân vào đây.
Thật khó thể tưởng tượng được là có ngày chúng tôi tận mắt chứng kiến sự “khủng khiếp” của chiếc hỏa tiển đã từng phóng các phi thuyền đưa con người lên đến mặt trăng! Hỏa tiển khổng lồ này có ba bộ phận: một module Điều khiển với cabin cho ba phi hành gia, cùng với phần duy nhất hạ cánh xuống trái đất; một module Phục vụ có chức năng hỗ trợ module Điều khiển với lực đẩy, năng lượng điện, Oxy và nước, và module Mặt trăng cho việc hạ cánh trên mặt trăng…
Dọc theo hành lang bên trái là hình ảnh của tất cả các chuyến bay Appolo và ảnh của các phi hành gia tham gia từ trước đến thời gian gần đây.
Được biết vào mỗi thứ sáu hàng tuần, Trung tâm có tổ chức cho du khách được ngồi vào một phi thuyền để trải nghiệm trạng thái không trọng lượng giống như đang di chuyển ngoài không gian trái đất, hoặc được mắc áo phi hành gia để giao lưu với các phi hành gia thực sự tại đây.
Người bạn đi cùng cho chúng tôi biết, tại Trung tâm này, gần đây có 3 giáo sư người Việt là TS – phi hành gia Trịnh Hữu Châu, GS Nguyễn Hữu Xương và GS Nguyễn Xuân Vinh đã được vinh danh tại đây bởi các công trình nghiên cứu đóng góp cho ngành khoa học vũ trụ của Mỹ. Riêng GS Nguyễn Xuân Vinh, tức nhà văn Toàn Phong, đã có hàng chục công trình nghiên cứu về “Quỹ đạo tối ưu” đã được Chính phủ Mỹ in thành sách, cung cấp cho toàn thế giới và được NASA ứng dụng cho các chương trình không gian từ Apollo đến nay…