Cuốn sách đa tầng, qua câu chuyện cuốn hút của tâm linh, còn đem lại hiểu biết về lịch sử, chiến tranh và hòa bình, số phận con người và Hà Nội một thời…
Trong đại dịch Covid tàn phá nhân loại, Sài Gòn – TP.HCM chết tới 23 ngàn người, “đau thương mất mát chưa từng có trong lịch sử” (lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên).
Tác phẩm “ăn khách”
Sài Gòn trải qua gần nửa năm 2021 giãn cách khốc liệt nhất do làn sóng Covid thứ tư. Có lúc thèm cả cọng hành, cái bánh mì. Thu nhập giảm sút, một số ngành nghề nguy khốn, nên việc Linh ứng của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn do Fist News và NXB Dân Trí vừa phát hành 4.000 bản đã chuẩn bị tái bản – là một hiện tượng. Cuốn sách dày 700 trang mà bạn đọc bảo rất lạ, cầm đọc là bị hút vào khó buông ra được. Câu chuyện thật của chính gia đình Nguyễn Mạnh Tuấn suốt mấy chục năm tìm mộ người anh trai là liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi. Họ đã vào Nam ra Bắc, tận dụng mọi tin tức, mọi tổ chức, bạn bè, người thân, tìm đến cả các thầy ngoại cảm gọi hồn. Thậm chí gặp cả “thầy lừa” tạo ra câu chuyện lừa tối tân, đào tận mộ hồi hộp một cách ly kỳ không ai ngờ tới.
Giữa hư hư thực thực, tuyệt vọng rồi lại lóe hy vọng, vòng vo dây mơ rễ má giữa hoài nghi và tin tưởng của gia đình cả hai vợ chồng nhà văn hiểu biết không mê lầm, vậy mà cuối cùng… buộc phải tin trước mọi điều không thể phản biện nổi. Vì thế trên bìa sách có dòng chữ “Hành trình của kẻ siêu vô thần đến thế giới tâm linh”.
Họ đã tìm được anh Khôi của họ. Trong quá trình đi tìm ấy, họ chứng kiến nhiều chuyện thần kỳ – tìm được cả mộ những người lính bên kia chiến tuyến.
Theo cuốn sách hấp dẫn, người đọc được thấy một thế giới tâm hồn người Việt Nam hậu chiến, dù đất nước có phát triển tới đâu, tình yêu thương ruột thịt mong nhớ không bao giờ quên lãng. Cho đến hôm nay trên tivi vẫn còn phát chương trình Nhắn tìm đồng đội – niềm hy vọng thao thức của bao gia đình. Nỗi buồn chiến tranh thật sâu sắc và trực tiếp qua câu chuyện thật.
Chúng ta được dẫn dắt qua những chuyến đi vào các nghĩa trang, lên rừng xuống biển, bận tâm và hy vọng với từng dấu hiệu cái cây, nấm mộ, vạt cỏ, con bướm… như mách ta điều gì linh thiêng.
Ở đó vẫn có những người quản trang sống giữa hoang vắng, thuộc từng ngôi mộ, vẫn chuyện trò và chăm sóc vong linh những người ngã xuống vì đất nước. Vẫn có những tổ chức, quân đội đang đi tìm, giúp đỡ các gia đình để trả tên cho những nấm mộ vô danh.
Tình thương yêu chung thủy của người sống, sự linh thiêng của các linh hồn và cả các nhà ngoại cảm chưa thể lý giải – đã giúp cho cuộc hành trình tìm kiếm thành công.
Cuối cùng, người đọc, là chúng ta, đã rơi nước mắt vì sau 40 năm bao long đong chìm nổi – đã tìm thấy anh Khôi, người lính trẻ ra đi từ Hà Nội thành lính Sư đoàn 9 bộ đội chủ lực miền Đông Nam bộ, hy sinh tại Svay Rieng – Campuchia – mà có lúc cả gia đình đã phải ra tận Huế tìm theo những thông tin dò dẫm. Giờ đây trên mộ vô danh xưa ở nghĩa trang liệt sĩ Phước Long đã có tên anh.
Sức mạnh văn chương, sức mạnh vẻ đẹp con người
Vợ chồng tôi và nhà văn Hà Phương – vợ anh Nguyễn Mạnh Tuấn cùng học Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội từ thời chiến tranh đi sơ tán trên núi rừng Thái Nguyên, là bạn đã 50 năm. Nhưng tất nhiên chúng tôi chưa hề biết anh Khôi. Thuở chúng tôi đi học, anh đã thành người lính và sống một cuộc sống khác theo lý tưởng của anh. Với chúng tôi, anh Khôi không còn là “nhân vật trong sách” của Nguyễn Mạnh Tuấn.
Đọc xong Linh ứng, anh bộ đội, chàng trai Hà Nội một thời quá thật và quen thuộc vì chính chúng tôi đã trải qua thời đó. Anh Khôi “với đầy đủ phẩm tính của một người hùng lý tưởng muốn hy sinh tất cả tuổi thanh xuân vì Tổ quốc, vì con người”. Anh lãng mạn, không so đo tính toán, trung thực công bằng, sẵn sàng nhận những việc khó khăn, nguy hiểm, thiệt thòi – điển hình của lứa người trẻ xưa “yêu Paven Coocsaghin”, rất trong sáng và lãng mạn. Bối cảnh Hà Nội nghèo nhưng hào hoa can đảm, những kỷ niệm thơ ngây và tình yêu, những con phố và vỉa hè… khiến đọc sách mà như một cuốn phim đen trắng của quá khứ hiện ra khiến chúng tôi rơi nước mắt thương nhớ.
Vì thế, anh Khôi thật sự sống trong người đọc. Sức mạnh của văn chương – đặc biệt phong cách “phi hư cấu” (nonfiction) – một thể tài rất được coi trọng ở phương Tây – đã được Nguyễn Mạnh Tuấn tài năng thể hiện thật xuất sắc trong Linh ứng.
Tết Nhâm Dần này, chúng tôi thăm vợ chồng nhà văn và đem theo trà thật ngon xin “cho chúng tôi thắp hương khấn anh Khôi”.
Hình anh trên bàn thờ nom rất trẻ. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn bảo anh Khôi đi chiến trường và quyết không muốn để lại tấm hình nào. Anh bảo nếu có hy sinh, anh sẽ hòa vào sông núi đất nước không cần dấu vết. Vì thế sau khi anh hy sinh, gia đình tìm mãi mới ra tấm hình thời học sinh anh chụp chung bạn bè – rồi phóng ra để thờ.
Trong căn phòng lớn to đẹp dùng làm “Bảo tàng NXB Mai Lĩnh” (anh Tuấn là con của gia tộc xuất bản Mai Lĩnh nổi tiếng: NXB Mai Lĩnh do cụ ngoại của anh là Đỗ Văn Phong sáng lập. Cụ hoạt động trong Đông Kinh Nghĩa Thục – bị bắt đi đày ở Guyam – rồi vượt ngục trở về. NXB Mai Lĩnh đã cho ra đời các tác phẩm kinh điển của các nhà văn Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố….) – chúng tôi nói nhiều chuyện và tất nhiên phải quanh cuốn sách Linh ứng đang gây cơn sốt.
Sức lan tỏa mạnh mẽ của Linh ứng là một niềm vui lớn – văn chương tạo ra được sự đón nhận những cao đẹp và linh thiêng của quá khứ – ngay cả với thế hệ trẻ – để trở thành động lực và niềm tin sống có tình yêu và có lý tưởng.
Cuốn sách đa tầng, qua câu chuyện cuốn hút của tâm linh, còn đem lại hiểu biết về lịch sử, chiến tranh và hòa bình, số phận con người và Hà Nội một thời… mang tâm hồn dân tộc và triết lý nhân sinh sâu sắc.
Không chỉ là niềm vui mà cuốn sách còn là một cống hiến cho văn học giữa những tháng ngày mà con người rất cần tình thương yêu, nghị lực sống để vượt lên sau những mất mát, thử thách.
“Đọc xong như bị bỏ bùa mê…”
Có rất nhiều chuyện thật cuộc đời gắn với bối cảnh xã hội. Nói thật, tôi dự tính chỉ viết khoảng 300-400 trang vì sợ một thực tế còn ít người chịu đọc sách dày. Nhưng viết rồi tự nhiên cứ bị cuốn đi. Vậy mà không ngờ người ta đọc hết. 700 trang mà được đọc hết là… may. Còn nói chuyện đánh giá văn chương thì người thích, người không thích là chuyện muôn đời. Đây là chuyện người thật việc thật.
Có nhiều bạn đọc hồi âm, mình ngạc nhiên thấy họ cảm nhận những góc cạnh mình không ngờ, không chờ đợi. Đầu tiên định đặt tên sách là Gọi hồn hàm ý kêu gọi con người sống có tâm hồn, nhưng sau đổi Linh ứng nghĩa rộng hơn.
Chủ đề tâm linh chỉ là một lát cắt trong câu chuyện. Dù đó là vấn đề khá lớn. Là một phần đời sống người Việt. Ngoài ra còn ngồn ngộn nhiều vấn đề đa tầng. Chủ đề lịch sử, chiến tranh, nhân văn, Hà Nội… Không chỉ là thời nghèo khổ mà đó là thời đẹp của thế hệ ta. Rồi… lên bờ xuống ruộng mới ra được ta hôm nay.
Nhiều lúc tôi ngồi “kiểm lại” đời anh Khôi. Tuổi trẻ nhiều khát vọng. Đầy dũng cảm hy sinh, không toan tính cá nhân. Hôm qua có một bạn là Đỗ Tuyết Bảo, mới ở Mỹ về, nói “đọc xong như bị bỏ bùa mê. Xưa em nghĩ mình sống tốt đẹp có khi là… dại dột, thiệt thòi. Đọc sách xong thấy mình vẫn phải sống tốt, không thể nghĩ khác. Phải tiếp tục sống tốt đẹp. Tự hào vì sống tốt đẹp và phải tiếp tục như thế”.
Một vị nữa, ông Đào Quang Phủ – lứa lão thành cách mạng đã từng là Bí thư Côn Đảo, gọi điện báo ông vừa đọc xong, quyết định mua thêm 15 cuốn để tặng một số người tên tuổi. Chị Xuân Phượng kể chị đưa cho một số bạn Việt kiều còn nhiều suy nghĩ cách biệt, bảo cứ đem về đọc xem đi đã. Vậy mà đọc xong quyết định mua cả chục cuốn đem đi…
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn