Không biết có hẹn với nhau hay không mà các tour đi Campuchia của hầu hết các công ty lữ hành Việt Nam đều xuất phát từ 5 giờ sáng thứ Năm hằng tuần và đến tối Chủ nhật thì trở về Sài Gòn. Vì lẽ đó mà trong ngày thứ Năm mỗi tuần, cửa khẩu Mộc Bài tràn đầy du khách Việt Nam chen chúc nhau làm thủ tục đóng dấu visa xuất cảnh.
Cái chết yểu của một dự án hoành tráng
Rời trung tâm Sài Gòn, xe đưa chúng tôi đến Trảng Bàng ghé lại để ăn sáng. Sau đó, đoàn tiếp tục đi qua huyện Gò Dầu để đến cửa khẩu Mộc Bài (thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh). Qua khỏi thị trấn Bến Cầu, hai bên đường hiện ra quang cảnh những công trình xây dựng dở dang bị bỏ hoang. Những nền nhà với cọc xi măng hoặc cốt thép trơ trọi.
Những ống cống thoát nước to lớn nằm dài hai bên lộ đã đóng rêu xanh. Đó là “tàn tích” còn lại của một dự án chiến lược được quảng bá rầm rộ là “Thành phố Mặt Trời” (cái tên nghe hoành tráng như thành phố Mặt Trời – Sun City ở Nam Phi, nơi những năm trước đây thường diễn ra những cuộc thi hoa hậu quốc tế).
Đến gần cửa khẩu còn thấy được vài khối nhà liên kế theo dạng nhà phố, lèo tèo chỉ vài hộ vào ở, phần lớn tường và mái đều bị rêu phủ mốc meo. Chúng tôi xuống xe để đi bộ qua cửa khẩu, có thời gian ngắm nhìn quang cảnh khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, một thời được biết là vô cùng sầm uất với hàng chục cửa hàng siêu thị miễn thuế, mỗi ngày có đến hàng vạn người đến tham quan mua sắm.
Nhìn cảnh tượng hiện nay thật là đìu hiu ảm đạm. Các siêu thị miễn thuế đều đóng cửa. Ngoài sân lau cỏ mọc um tùm, không ai dọn dẹp. Nghe nói, trong hàng chục siêu thị miễn thuế, nay chỉ còn duy nhất siêu thị của một Việt kiều Mỹ tiếp tục cầm cự. Không cần phải nghiên cứu phân tích gì cho sâu sắc, bất cứ ai đến đây đều có thể thấy rằng dự án chiến lược về “Thành phố Mặt Trời” đã bị khai tử ngay tại chỗ.
Đi du lịch không mang theo hộ chiếu
Để đi qua cửa khẩu phía Việt Nam, tất cả du khách phải xuống xe mang hành lý đi qua máy soi kiểm tra, rồi từng người xếp hàng để trình hộ chiếu cho công an kiểm tra xong mới được ra ngoài. Sau đó, chúng tôi lên xe chạy về phía cửa khẩu Campuchia chỉ cách hơn trăm mét. Anh hướng dẫn viên của Saigontourist thu tất cả hộ chiếu của mọi người và cho biết anh sẽ trở về Việt Nam và gửi hộ chiếu ở cửa khẩu để công an đóng dấu visa nhập cảnh. Hướng dẫn chúng tôi đi tiếp là một nhân viên của công ty đối tác phía Campuchia.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi du lịch nước ngoài mà không mang theo hộ chiếu, cũng không có một giấy tờ chứng minh gì hết. Sau đó, tôi được biết các đoàn khách Việt Nam khác cũng đều không mang theo hộ chiếu.
Đến bến phà Niek Luong, tình trạng xếp hàng chờ qua phà thật là kinh khủng. Xe từ phía Việt Nam sang sao nhiều thế, chúng tôi phải chờ hơn một tiếng đồng hồ mới xuống được phà. Anh lái xe cho biết nếu không cho tiền nhân viên bến phà thì còn phải chờ lâu hơn nữa. Phà ra giữa sông, nhìn sang bên phải thấy chiếc cầu do Nhật xây dựng chỉ cách chúng tôi một cây số, nghe nói sang năm 2015 sẽ hoàn thành.
Các du khách đồng hành với tôi đều đã đến Phnom Pênh nhiều lần nên không có yêu cầu đi thăm những địa điểm nổi tiếng như Hoàng Cung, chùa Bạc, chùa Tháp, Viện Bảo tàng Toul Sleng… Chúng tôi chỉ ghé thăm hai nơi: Chợ Trung tâm và sòng bạc Nagar World.
Phnom Pênh có ba chợ: Chợ Olympic, chợ Orussey và chợ Trung tâm là ngôi chợ lớn nhất (còn có tên gọi là Chợ Mới). Ngôi chợ này được Pháp xây dựng trong hai năm 1935-1937. Năm 2011, Pháp viện trợ cho Campuchia để trùng tu. So với hồi tôi đến Phnom Pênh cách đây năm năm thì ngôi chợ bây giờ trông đẹp hơn và rất sạch. Người bán hàng thân thiện, ít khi nói thách, giá cảở đây đều niêm yết bằng đôla Mỹ. Du khách đi khắp chợ mà không sợ nạn đeo bám, cướp giật.
Tối đến, chúng tôi vào casino Naga World. Tòa nhà có nhiều tầng, mấy tầng trên là khách sạn, còn bên dưới là sòng bạc. Người vào chơi đông lắm, đa số là người châu Á, trong đó người Việt chiếm phần lớn, rất ít du khách phương Tây. Thì ra, đoàn du khách Việt Nam nào cũng đưa người vào đây, ai cũng đánh bạc và cũng đều biết trước là sẽ thua. Tâm lý của số đông là đi du lịch thì cứ chơi cho thoải mái, bỏ ra vài chục đôla để giải trí chứ không phải để ăn thua. Đối với mỗi người số tiền tuy nhỏ, nhưng gom hàng ngàn người lại thì chủ sòng bạc thu số tiền không nhỏ.
Thành phố du lịch xinh đẹp
Ngày hôm sau, chúng tôi rời Phnom Pênh, đi qua tỉnh lỵ Kampot để đến thăm thành phố cảng Sihanoukville. Đây là một thành phố rất trẻ nằm bên bờ vịnh Thái Lan, tên cũ là Kompong Som. Trước đây về mặt hành chính thành phố này thuộc về tỉnh Kampot, nhưng đến năm 2008 thì được tách ra và nâng quy chế lên ngang với cấp tỉnh.
Diện mạo của Sihanoukville khác hẳn so với các thành phố, thị trấn khác của Campuchia. Ở đây, nhà cửa, phố xá đều xây mới, không có kiểu kiến trúc thời thuộc Pháp, không có những ngôi chùa cổ kính. Khu trung tâm náo nhiệt với các nhà hàng, quán ăn, siêu thị, cửa hàng lưu niệm. Còn về phía bờ biển là một loạt khu resort trải dài bên trong con đường ngăn cách, không có resort nào được xây ven bãi tắm. Muốn tắm biển phải đi bộ sang phía bên kia đường.
Diện tích thành phố không lớn, không có xe taxi, phương tiện giao thông chủ yếu là xe gắn máy và xe tuk-tuk. Đánh xe chạy lòng vòng rồi cũng trở lại tượng đài Sư tử vàng nằm ở vòng xoay trong trung tâm thành phố, nơi buổi chiều dân chúng ra nghỉ ngơi thư giãn rất đông. Sihanoukville đúng là một thành phố du lịch hấp dẫn, hứa hẹn sẽ phát triển nhanh trong tương lai.
Đánh thức nàng công chúa ngủ quên trên núi cao
Sau Sihanoukville, chúng tôi đến khu nghỉ dưỡng Thansur Bokor, nằm trên núi cao 1.048 mét được người Pháp xây dựng từ năm 1921 nhưng trở nên hoang phế từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Cách đây năm năm, chính phủ Campuchia thông qua dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng quy mô lớn với nhà hàng, khách sạn, sòng bạc, sân golf. Du khách đến đây đều nghỉ tại khách sạn Thansur Bokor vừa mới khánh thành năm 2012. Khách sạn rất to lớn và trang bị hiện đại, chung quanh có nhiều công trình đang xây dựng dở dang.
Khí hậu ở đây giống như Đà Lạt, mát lạnh dễ chịu, cứ chiều xuống là sương mù bao phủ, lên đến điểm cao nhất có ngôi chùa rất cổ kính mang tên chùa Năm Thuyền. Truyền thuyết kể rằng công chúa Nagani con vua Thủy Tề yêu hoàng tử ở trần gian là Preah Thong.
- Xem thêm: Campuchia – có thể bạn chưa biết?
Nhà vua đồng ý cho hai người lấy nhau và cho họ rời thủy cung với năm chiếc thuyền chở đầy báu vật đến vùng đất Bokor để lập vương quốc mới. Trước sân chùa, có năm khối đá giống hình năm chiếc thuyền, đó là những chiếc thuyền chở công chúa Nagani và hoàng tử Preah Thong xưa kia.
Bokor có vẻ đẹp hoang sơ với những khu rừng già cùng thác Popokvil rì rầm tuôn nước, với những ngôi nhà xưa hoang vắng, những huyền thoại mờ ảo bao kín bởi sương mù.