Hơn 300 năm cùng hình thành và phát triển với vùng đất Nam bộ, bằng tinh thần nhập thế để hoằng pháp độ sanh Phật giáo đã đồng hành cùng với các cư dân từ những buổi đầu. Sự đoàn kết mật thiết này đã hòa quyện nhuần nhuyễn giữa truyền thống, văn hóa tốt đẹp của tổ tiên với tinh thần từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha của nhà Phật.
Bằng nhiều phương tiện nhằm đưa giáo pháp của đức Phật rộng truyền trong dân gian hướng con người đến sự an vui, hạnh phúc và tiến đến sự giác ngộ, giải thoát các nhà sư đã tạo nên dấu ấn riêng trong cách hành đạo nơi mảnh đất phương Nam. Trong đó, những phong tục, sinh hoạt và nghi lễ ngày Tết trong những ngôi chùa ở Nam bộ đã có sự dung hòa giữa tôn giáo và dân gian cũng đã góp phần tạo nên nét đặc trưng của Phật giáo vùng Nam bộ và trở thành nét đẹp trong văn hóa Phật giáo.
Khi tiết trời se lạnh của ngày đông dần nhường chỗ cho cái nắng ấm của mùa xuân mới sang, bước qua tháng Chạp thì các sinh hoạt thiền môn vào ngày Tết trong các chùa cũng đần được bắt đầu. Từ mùng 1 đến 25 tháng Chạp âm lịch, các chùa lần lượt tổ chức lễ tảo tháp. Lễ này bắt đầu khởi xướng từ tổ Hải Tịnh chùa Giác Lâm, có thể trước đây vào những ngày kỵ giỗ, hiếu đồ các nơi về chùa tổ để làm lễ tri ân thầy tổ, nhưng chưa thực sự trở thành một sinh hoạt thường xuyên, có tổ chức có lịch cho từng chùa. Từ đấy về sau, cứ đến tháng Chạp hằng năm các chùa cứ y lệ chùa mình mà tổ chức, chư tăng, ni và hiếu đồ đệ tử trong tông phong hoặc các chùa vùng lân cận nhớ ngày mà về dự lễ. Nghi thức được cử hành vào buổi sáng sớm, do vị trụ trì chùa đương vi sám chủ lễ, cùng các vị trong ban kinh sư, một vị cầm chổi quét tháp và các hiếu đồ tham dự trong khóa lễ. Cử ba hồi chung cổ Bát Nhã, ban kinh sư vân tập Tổ đường đảnh lễ tổ sư, lên chính điện lễ Phật rồi tiến ra tháp tổ làm lễ tảo tháp. Với hình thức này, các hiếu đồ đi nhiễu quanh tháp, vừa quét dọn, vừa hành lễ tán tụng, niệm Phật và tưởng nhớ đến công lao của các vị tổ sư tiền bối.
Vừa bước qua tháng Chạp hay trước đó, ở các chùa thường trồng bông vạn thọ để có chưng Tết, ở Nam bộ thì thường chưng loại hoa này vì có tên gọi ý nghĩa, còn dễ trồng, cho hoa có sắc vàng hoặc cam rực rỡ nên vừa chưng cúng ở các ban thờ vừa có thể trang trí. Khoảng từ rằm tháng Chạp, đại chúng tập trung vặt lá mai để cho hoa kịp nở đúng vào dịp Tết, đây cũng là một cái mẹo được học từ kinh nghiệm của dân gian. Cũng từ thời gian này, các chùa đã bắt tay vào làm bánh mứt, muối dưa, muối kiệu,… Có dịp về chùa Tôn Thạnh (Long An) vào lúc này sẽ dễ dàng bắt gặp được cảnh phơi mứt trước sân chùa với đủ thứ loại nào là mứt thơm, mứt me ngào đường, mứt gừng, mứt hồng,…
Đến 23 Tết, tại các gia đình bày lễ cúng đưa ông Táo về chầu trời, còn ở các chùa thì nấu xôi chè cúng ở các ban thờ, sau giờ Tịnh độ tối chư tăng, ni cùng Phật tử thực hiện nghi thức tống chư Thiên, do vị trụ trì chùa đương vi sám chủ lễ. Thầy cả nguyện hương, đại chúng tán tụng theo lời xướng của sám chủ, trước khi kết thúc khóa lễ tán bài “Thiên địa thủy nhạc, tứ phủ vạn linh, bãi niên lạp ngoạt tống vân trình, bửu giá triều cung thiên, tống đạt tâm cung, giáng phước vĩnh vô cùng” (Nghi Tống – Nghinh chư Thiên, Giáo thọ Từ Quang biên soạn năm 1924, tài liệu nghi lễ chùa Phước Lưu – Trảng Bàng) rồi hồi hướng, trỗi ba hồi chung cổ Bát Nhã cung tống chư Thiên. Bắt đầu từ lúc này, các dùi chuông, mõ, trống đều được đem cất, tạm dừng các hoạt động công phu để đại chúng ở chùa thực hiện công tác vệ sinh chùa, tượng Phật, bàn thờ, chùi lư, quét dọn sân vườn, treo cờ, trang trí,… chuẩn bị đón Tết.
25 Tết, các chùa thực hiện nghi thức xếp bút, các bút lông dùng cho việc viết công văn, sớ, giấy tờ ở chùa được rửa sạch đem cất và không dùng từ đây cho đến mùng 3 Tết, nghi thức này cũng tương tự như lễ xếp ấn ở đình làng với ý nghĩa là kết thúc công việc của một năm. Nhưng các bút dùng thường ngày của chùa vẫn sử dụng bình thường, vì vào ngày 25 tại các gia đình làm lễ đưa ông bà, ông bà ở đây được hiểu là các vị gia thần, các vị thần độ mạng trong tín ngưỡng của dân gian như Định Phước Táo Quân, Quan Thánh Đế Quân, Tử Vi Đại Đế, Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Tiên Nương Nương, Chúa Ngọc Nương Nương,… vì khi xưa, liễn thờ các vị thần tại gia đình phần lớn là thờ liễn chữ Hán viết bằng mực Tàu trên giấy hồng đơn, những nhà khá giả hơn thì thờ bằng tranh kiếng là một dòng tranh dân gian đặc trưng của Nam bộ, trải qua một năm thờ tự, giấy hồng đơn bị phai màu, sau khi cúng đưa ông bà họ gỡ liễn xuống hóa bỏ và đến chùa nhờ các sư viết giúp liễn mới để đem về thờ. Cũng trong những ngày này, nhiều người đến chùa xin các sư viết giúp cho bức hoành hay vài cặp đối bằng chữ Hán về trang trí nhà cửa trong mấy ngày Tết. Ở những vùng quê, vào dịp này các vị sư có tài viết chữ đẹp bày mực Tàu, mực nhũ vàng, giấy đỏ ở các khu chợ để viết chữ, qua lời chúc xuân lồng vào là những câu chữ khuyến thiện của nhà Phật, đây cũng là một cách hoằng pháp của các vị tăng xưa; khi nhận chữ, họ cúng dường lại cho vị sư xem như phụ tiền giấy mực.
Theo tập tục của ông bà khi xưa, 30 Tết thì bắt đầu gói bánh để đến khuya vừa nấu vừa đón giao thừa và có bánh cúng vào sáng mùng 1, còn ở các chùa 29 Tết đã bắt đầu gói bánh để có cúng vào trưa 30 Tết. Ở Nam bộ, bánh tét thì không thể thiếu ngoài ra còn có bánh ít, bánh ú. Bánh tét thì có hai loại, một loại nhân đậu xanh hoặc hạt điều có vị mặn hoặc ngọt, một loại thì chỉ có nếp không nhân; khác với miền Bắc gói bánh bằng lá dong thì trong Nam gói bánh chủ yếu bằng lá chuối, cột bằng dây lạc. Với bánh ít thì cũng đa dạng với nhiều loại khác nhau như bánh nhân đậu xanh hay nhân dừa, có bánh thì bột nếp, có bánh thì bột gạo hay bột mì,… Ở các chùa đều gói với số lượng lớn để vừa cúng ở chùa, vừa tặng cho Phật tử và chừa một ít bánh để mùng 3 cúng Tết chùa. Tết vui là ở những ngày này, vừa tất bật công chuyện nhà cửa, nhưng những người Phật tử, bà con chòm xóm cũng nhín ra ít thời gian để cùng phụ giúp việc ở chùa, mỗi người mỗi công đoạn, làm rất “ăn ý” với nhau nên sớm hoàn thành công việc thuận lợi, thế mới bảo là “Thiền môn hưng thịnh do thiện tín phát tâm”.
30 Tết, các công tác chuẩn bị đón năm mới gần như được hoàn tất. Sáng ngày 30, các chùa thắp đèn Dược Sư và duy trì cho đến hết tháng Giêng. Từ lúc này, người dân thường mang dầu đến chùa dâng cúng để thắp đèn, đây cũng là một trong những cách cúng dường tạo nên phước báu thù thắng, cũng là cách cầu an trong quan niệm của dân gian. Việc chưng bông, trái cây trong những ngôi chùa ở Nam bộ xưa cũng có nét đặc trưng riêng thể hiện tính vùng miền, bông khi xưa không nhiều loại chủ yếu chỉ chưng bông thọ, bông cúc, bông huệ, bông trang, bông điệp hay bông sống đời,… cắm vào bình; trái cây thì thường được chưng theo ngũ quả với đủ màu sắc chưng trên dĩa rồi đặt trên cái chò, nhiều loại trái cây được chọn chưng cúng như thơm, mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dưa hấu, thanh long, bưởi, quýt,… đặc biệt, riêng ở các gia đình Nam bộ không chưng chuối vào ngày Tết còn ở các chùa thì không cử, còn trên những trái dưa hấu thường cắt miếng giấy đỏ như giấy Tết nhà dán lên để trang trí. Bông và trái cây chưng trên ban thờ theo quy luật “đông bình tây quả” với ngụ ý âm dương hòa hợp, vạn vật sinh sôi rồi kết quả thể hiện cho sự hưng thịnh. Trên ban thờ còn chưng cặp bánh in với phong bao bằng giấy kính đỏ đặt trên chân đèn hai bên, đây là lối chưng theo xưa ở Nam bộ.
Trưa ngày 30 Tết, các chùa nấu các mâm cơm canh cúng tại các ban thờ tổ sư, Quá đường, các vị hữu công, Cửu Huyền Thất Tổ, chư hương linh nam – nữ,… Việc cúng cơm trưa này cũng được thực hiện vào các ngày từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, nghi thức này thể hiện truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân của người đời sau với các bậc tiền nhân đã quá vãng. Cũng giống như các gia đình truyền thống, cúng cơm gia tiên trong những ngày Tết.
Chiều ngày 30 Tết là lễ thỉnh chư Thiên, lễ này được cử hành vào lúc 4 giờ (trước giờ công phu chiều) hoặc 6 giờ (trước giờ Tịnh độ tối) tùy vào cách sinh hoạt riêng ở mỗi chùa. Thầy cả nguyện hương, đại chúng vân tập đảnh lễ Tam bảo, khai chung bản tiểu, khai chung cổ đại, đại chúng tán tụng theo lời xướng của sám chủ, rồi tán bài “Thiên chơn địa thánh, thủy triết dương hiền, tứ phủ la liệt biến sum vinh, hộ pháp chúng chư thiên, phổ phó pháp viên, giáng phước vĩnh vô cùng” (tài liệu nghi lễ chùa Phước Lưu – Trảng Bàng), trỗi ba hồi chung cổ Bát Nhã nghinh chư Thiên. Nhưng cũng tùy vào từng vùng miền mà các tổ biên soạn lời văn cùng cách thức trong nghi tống – nghinh chư Thiên có khác nhau, qua đây đã phần nào thể hiện được sự sáng tạo trong cách hành đạo của chư tổ xưa. Sau khi đã cử hành lễ thỉnh chư Thiên các sinh hoạt, công phu ở chùa trở lại như bình thường. Sau khóa lễ, đại chúng cử hành lễ sám hối theo nghi thức thiền môn. Đặc biệt với lễ sám hối cuối năm này, là dịp để cho mọi người tự quán chiếu lại chính mình trong một năm qua đã làm được những gì, chưa đạt những gì và phát nguyện sang năm mới này sẽ làm những điều tốt đẹp hơn.
Đêm giao thừa là thời khắc đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới; đúng 00 giờ, chùa trỗi chung cổ Bát Nhã, đại chúng vân tập Tổ đường đảnh lễ tổ sư, lên chính điện lễ Phật sau trở về Thánh Tăng đường các môn đồ đệ tử đảnh lễ, chúc Tết mừng tuổi sư thầy trụ trì, sau đó thầy trụ trì ban đạo từ khuyến tấn các hàng đệ tử tu học và lì xì mừng tuổi cho các đệ tử. Khác với thế gian, Tết thầy trong các chùa Phật giáo ở Nam bộ là ngày mùng 1 Tết, nên với những đệ tử dù ở đâu hay xa cỡ nào thì trong ngày mùng 1 cũng phải trở về chùa để vấn an sư thầy.
Sau khi cúng giao thừa tại nhà, người dân Nam bộ hay đi đến chùa lễ Phật cầu an trong đêm giao thừa, thầy trụ trì đại diện chùa chúc Tết và tặng lộc đến tín đồ Phật tử và sau đó tụng khai kinh Dược Sư. Theo truyền thống Phật giáo, ngày mùng 1 Tết là ngày vía đức Bồ tát Di Lặc nên còn được gọi là “xuân Di Lặc”, trong quan niệm của Phật giáo, Bố Đại Hòa thượng là hóa thân của Bồ tát Di Lặc có cái bụng phệ, tay cầm chiếc túi vải và đặc biệt trên môi luôn nở nụ cười tươi như mang đến cho người đang chiêm bái ngài được một năm đầy sự hoan hỷ, an lạc, từ bi và hạnh phúc.
Mùng 3 Tết, đại chúng cắt bánh tét không nhân để chung với đường cúng ở các ban thờ, chuẩn bị giấy hồng đơn và mài sẵn mực Tàu để sau giờ công phu khuya thực hiện nghi thức Tết chùa và khai bút. Nghi thức này do vị trụ trì đương vi sám chủ lễ, đại chúng vân tập Tổ đường lễ tổ, lên chính điện lễ Phật và đọc bài cúng dường rồi lấy giấy Tết chùa dán ở cột chùa, giá chuông, giá trống, tủ thờ,… hồi xưa không có giấy Tết chùa (Tết nhà) in hình rồng, phượng hay chữ phúc, chữ đại cát như ngày nay, nên giấy tết chùa được cắt ra từ giấy hồng đơn hoặc giấy vàng bạc đại thành hình thoi hay trái bầu để Tết chùa, Tết vườn, Tết giếng. Mà khi xưa cũng chẳng có keo để dán, bánh tét cắt ra cúng xong thì dùng nếp của bánh làm hồ để dán, ấy vậy mà rất chắc. Giấy Tết chùa của năm cũ không gỡ xuống mà cứ để dán liên tiếp từ năm này qua năm khác.
Sau khi Tết chùa, thầy trụ trì về Tổ đường lễ tổ rồi ngồi ở Thánh Tăng đường viết bài Minh niên khai bút bằng chữ Hán có nội dụng “Đệ tử (tên vị trụ trì/ người khai bút) phụng khai thần bút minh niên tuế thứ (hoặc thiên vận) (ghi năm theo Can Chi) chánh ngoạt sơ tam nhựt. Tân niên khai bút bút khai hoa – Vạn sự giai hòa vạn sự gia. Bút khai thủ tuế kệ thành ngâm, Bút điểm linh quang bá phước lâm, Bút trợ tăng già minh kiến tánh, Bút hào độ thế quần mê tâm” (tài liệu nghi lễ chùa Phước Lưu – Trảng Bàng) trên giấy hồng đơn, rồi dán ở cạnh ban thờ tổ, giấy khai bút của năm cũ thì được tháo xuống dán giấy của năm mới lên. Nghi thức này cũng tương tự lễ khai ấn trong các đình làng vùng Nam bộ với ý nghĩa khởi đầu công việc cho năm mới, trở lại làm việc như bình thường.
Khai bút hoàn tất, vị trụ trì ra giếng cúng Tết giếng, ở đây khấn Thủy Long, Hà Bá và các vị Thủy Quan đang cai quản nguồn nước, sau khi cúng Tết giếng thì mới được kéo nước giếng lên sinh hoạt bình thường. Vì khi xưa, ở chùa hay ở các gia đình Nam bộ cử không cho kéo nước trong những ngày Tết, nên hôm 30 Tết phải kéo nước cho đầy các lu đủ để dùng sinh hoạt từ đêm giao thừa cho đến mùng 3 Tết.
Cũng trong ngày mùng 3 Tết này, theo quan niệm dân gian “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” nên các gia đình đưa con trẻ nhà mình đến chùa để lễ thầy, lễ tổ và thay niệt. Vì các tổ xưa có lập ra phép nuôi con nít, đối với những đứa trẻ khó nuôi, hay khóc đêm mà xưa còn gọi là dạ đề, các gia đình đưa những đứa bé này đến chùa được vị sư cho quy y (phái quy y đề tên đứa bé, không đặt pháp danh), cho đeo dây ngũ sắc có tụng chú Chuẩn Đề từ 12 đến 36 tháng thì khỏi. Về sau, cứ nhớ ơn này vào ngày mùng 3 thì trở về chùa, có những đứa trẻ khi lớn lên đủ duyên thì quy y thế độ có pháp danh, cũng nhờ vậy mà có thể độ được cả gia đình của đứa bé quy y Tam bảo.
“Tết đến đì đùng nghe pháo nổ, Mai vàng rộ nở chúc mừng xuân”, với ngày xưa không chỉ riêng ở Nam bộ tiếng pháo nổ như là một cái phong vị của ngày Tết mà không thể thiếu. Hồi đó, người người đi sắm hàng Tết không quên mua vài phong pháo về đốt trong đêm giao thừa. Ở Nam bộ xưa, trong các chùa cũng có đốt pháo vào đêm giao thừa, dây pháo được treo trên trụ phướn trước chùa, đúng giờ giao thừa được châm ngòi để tiếng pháo nổ vang đẩy lùi đi những cái tăm tối của năm cũ hay còn gọi là “trừ tịch”, đón tiếp những niềm vui, hạnh phúc, may mắn của năm mới và những lời chúc Tết với nhau trong tiếng pháo nổ. Xác pháo nhuộm đỏ khắp sân chùa như góp thêm màu sắc sinh động vào bức tranh ngày Tết.
Với người Việt Nam, dù đã hay chưa quy y Tam bảo cũng đều đến chùa lễ Phật vào dịp đầu năm và dần trở truyền thống văn hóa tốt đẹp bao đời nay vào mỗi dịp tết đến xuân về. Từ đêm giao thừa cho đến hết tháng giêng, ở các chùa lúc nào cũng đông khách thập phương đến viếng. Những năm về sau này, các vị tăng, ni hoặc chòm xóm với nhau thường tổ chức đi hành hương viếng thập tự, viếng 12 kiểng chùa,… hoạt động này vừa gieo duyên với Phật pháp vừa là dịp đi du lịch đầu năm. Từ xưa, ngôi chùa vốn là một trong những thiết chế văn hóa của làng xã, nơi đáp ứng được nhu cầu tâm linh cho người dân, đầu năm đi chùa họ cầu nguyện cho gia đình sức khỏe, bình an, hạnh phúc, cầu cho việc làm ăn được thuận lợi, vạn sự được như ý, hanh thông; còn với người con Phật họ tìm về với ngôi già lam cầu sự an yên và thành tựu trên bước đường tu nhơn học Phật.
Đầu năm đi chùa, mọi người thường xin lộc mang về nhà để xông đất, đem những may mắn đến với gia đình mình trong năm mới. Cùng với quan niệm xin quẻ đầu năm, nếu ở thế gian quẻ xăm có cát, hung thì với những người bốc trúng quẻ xăm không như ý sẽ dẫn đến phiền não, lo lắng trong cả năm vì thế mà các tổ xưa đã sáng tạo cũng dựa trên các quẻ xăm đó nhưng nội dung lại có ý khuyến thiện, khuyên con người biết làm lành lánh dữ, ăn chay, niệm Phật, đi chùa, biết nói lời ái ngữ thì tự dưng những điều an lạc, hạnh phúc nơi thân và tâm sẽ đến với họ. Hay mùng 8 tháng giêng hằng năm là lễ cúng nhương tinh, thay vì họ lập bài vị bằng giấy ở nhà bái lạy thì các tổ khi xưa đã lập ra lễ cúng sao hội tại chùa để tạo cơ hội cho mọi người có dịp trở về chùa lễ Phật, cúng dường thì công đức và phước báu này có ý nghĩa nhiều hơn. Qua đây đã phần nào cho thấy được cách hành đạo trên tinh thần nhập thế của các vị tổ xưa ở Nam bộ.
Phật giáo luôn gắn liền với dân tộc, qua những phong tục, sinh hoạt và lễ nghi trong ngày tết ở các chùa vùng Nam bộ đều được đạo Phật tùy thuận theo hoàn cảnh, phương tiện mà “khế lý khế cơ” tiếp nhận từ dân gian. Là một trong những cách hành đạo khi xưa của chư vị tổ sư tiền bối, trước là để hội hập cùng với dân tộc, kế đến là đưa chánh pháp của nhà Phật lồng vào trong những sinh hoạt, nghi lễ để hoằng pháp độ sanh trên tinh thần nhập thế. Tuy ngày nay các lễ nghi có phần bị mai một dần, nhưng chính ở những ngôi chùa là nơi gìn giữ phần nào những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc nói chung và nét đẹp trong văn hóa Phật giáo nói riêng.