Đầu năm 2005, GS Nguyễn Huệ Chi ở Viện Văn học có gửi tặng cho tôi Từ điển Văn học (Bộ mới) để tiện việc nghiên cứu, giảng dạy và làm kỷ niệm. Tôi rất vui và có trao đổi ít nhiều với người đồng chủ biên bộ sách này.
Trong đó, bên cạnh thừa nhận sự tiến bộ về nhiều mặt so với Từ điển Văn học cách đấy 20 năm, vẫn còn nhiều đáng tiếc… Chẳng hạn, nhiều tên tuổi tiêu biểu cho Văn học miền Nam trước 75 chưa được đưa vào, như Thanh Tâm Tuyền… Thầy chỉ cười… “Xác định nhiệm vụ chủ yếu là thông tin chứ không phải định giá đối tượng” (Lời nói đầu). Tôi vẫn buồn buồn… bản thân thông tin ít nhiều đã hàm chứa cách nhìn và sự định giá.
Tất nhiên, làm từ điển văn học không phải là viết lịch sử văn học. Nhưng bỏ sót một tên tuổi vốn giàu phẩm tính trí tuệ, phẩm chất thẩm mỹ, tâm hồn nhân văn… một thời buổi đặc biệt làm nên đỉnh cao trong sự giao lưu Đông – Tây như vậy thật đáng tiếc. “Lịch sử văn học, thực chất, là lịch sử của những cách đọc” (H.R.Jauss).
Thời gian cứ trôi, cửa cứ mở, điểm nhìn khác… Mai này sẽ có thế hệ người đọc hiện đại nhập thân trong cuộc… Mình dầu sao cũng thuộc người đọc cổ điển, đứng bên rìa lãng đãng, lang thang đâu đó để thấy mình còn… “Chỉ những cái đẹp nào dựa trên sự liên hệ với những tạo vật của thiên nhiên thì mới sống lâu” (Denis Diderot).
Tết Tây trong nhịp Ta
Bước ra ngoài cửa… nhịp cảm xúc hiện hữu mình còn. Mới đó lại Tết Tây, hết thế kỷ XXI… Tết Tây 2019 rơi vào cuối tháng 11 Âm lịch. Trời lạnh tối chờ rạo rực pháo hoa. Mình chẳng chờ gì, lang thang, không bấu víu cái đã qua, chẳng vọng tưởng cái đang tới, trong trống không chợt đầy dần mà bắt gặp Liên Đêm Mặt trời tìm thấy… tan biến cả ba thì trong đất trời – Tôi không còn cô độc… Dạo chơi vô cầu, vô tư, vô vị lợi… còn gì sướng bằng với một người bạn – tiền nhân vô bóng vô hình mà lãng đãng hồn chữ. Nghỉ dạy thì vui vì không phải nhai văn nhá chữ.
Nhưng vui giản dị vì duyên gặp tiền nhân – đồng nghiệp Thanh Tâm Tuyền có thời gian dạy học ở Hà Đông. Chàng trai trẻ Dzư Văn Tâm ở vùng Ngã Tư Sở – tâm điểm hoạt động của tri thức đất Bắc lúc bấy giờ – cũng ám đầy chữ, chớm tư tưởng tiên phong… mà hành phương Nam. Cái dang dở của Xuân thu nhã tập được mang vào Sài Gòn như một cú hích Sáng tạo đưa văn học – thơ ca vào quỹ đạo văn chương thế giới.
- Xem thêm: Khi Tết vốn ở trong lòng
Mình là mình… trong kiểu Nói chuyện về thơ bây giờ như một cách nhìn thế giới mới trong hệ tọa độ thẩm mỹ mới… mà không lụy tha nhân, không ràng buộc quá khứ, không phân cắt – nhồi tạp Tây Ta… được rơi vào khoảnh khắc tự do hiện có, chẳng sướng lắm ru.
Tên 3 tập thơ Tôi không còn cô độc (1956), Liên Đêm Mặt trời tìm thấy (1964), Thơ ở đâu xa (1990) làm nên tên tuổi một trong ba nhà thơ có sức ảnh hưởng lớn nhất với độc giả miền Nam lúc bấy giờ, “Thổi luồng gió mới vào sinh hoạt văn nghệ, làm thay đổi bộ mặt thơ văn Việt Nam” (Thụy Khuê), xứng đáng với định vị bình tâm là “biến cố thứ nhất của văn học thời hậu chiến” (Phạm Xuân Nguyên). Bước nhịp chơi Tết Tây trong mạch ta là vậy.
Chơi không phải là lập trình tính toán như một sản phẩm mang hàm ý có lợi, thành công. Chơi giản dị tự nhiên trân trọng nâng niu từng bước đi một tiến trình tự nó. Ấy là cái nghịch lý hai mặt đồng nhất như một quy luật mà Thanh Tâm Tuyền có lần nói trong Tại sao anh làm thơ. “Thơ chính là trí tuệ thiên nhiên lang thang kiếm tìm sự thật và hủy diệt sự thật – trí tuệ nảy sinh từ thực tại chia lìa, muốn đi thoát ôm theo thực tại vào vùng trời nào”.
Tầm cỡ thiên tài Nguyễn Du kết thúc kiệt tác Truyện Kiều những 3.254 câu thơ ở chuyện Trăm năm trong cõi người ta… cũng nói giản dị thành thật tự nhiên Lời quê chấp nhặt dông dài – Mua vui cũng được một vài trống canh. Mua vui, vui cho ai, vui chuyện gì, vui thời nào, vui được bao lâu… ấy là tùy. Có nhiều cuộc chơi, nhưng không phải cuộc chơi nào cũng vui, đặc biệt là vui thú – lạc thú thẩm mỹ, chơi bằng ngôn ngữ con tim trực cảm, vô cầu, tự nguyện… chẳng sướng vui sao.
Ấy cũng là quan niệm về thơ của Thanh Tâm Tuyền được thể hiện ngay trong những thi phẩm đầu tiên trong Định nghĩa một bài thơ hay như một kiểu tự do chơi lang thang. Từ bỏ những trí nhớ chằng chịt rối mù, thoát những vọng tưởng thị phi mù mờ ám quẩn, xa tầm tay lối viết cách điệu trong thói quen lạm dụng rỗng nghĩa… trong tiếng lòng tự nhận hãy đánh rơi vào buổi chiều của trời. Đánh rơi – nhặt lấy – tự rơi… như hành trình bước đi cuộc đời.
Nhập thể trong đời sống biến động không ngừng, trong hình thức thực tại nhịp đi, một câu thơ hay tự nhiên như lời nói – bài thơ hay là cái chết cuối cùng… Thật hồn nhiên trong ý thức tự ngã, thật cô đơn ngọt ngào trong bào thai vũ trụ, thật là mình trong khoảnh khắc không – thời gian cảm xúc – trí tuệ hiện hữu… giã từ cái giày cái bàn cái ghế – một người hai người và ba người…
Tôi là thực tại
Năm 1956, ở tuổi 20, với tác phẩm thơ đầu tiên Tôi không còn cô độc cứ như một tuyên ngôn nghệ thuật. Không phải là bóng dáng cái Tôi trong thời đại Thơ Mới mà là một quan niệm mới, một ý thức mới, một cách nhìn mới, một cách thể hiện mới… đầy lơ lửng giữa tôi và thực tại. Tôi là người là một người khác… Đừng bắt tôi từ biệt.
Ấy là cái tôi tự thân mà đa thể, đa ngã trong sự chủ thể hóa thực tại, nỗ lực kiếm tìm sự biểu đạt mới cho một thực tại mới, kiến tạo thế giới mới… Thanh Tâm Tuyền ý thức sâu sắc giới hạn mà nhận ra vô hạn. Cười hài lòng Tôi không còn cô độc trong vũ trụ mà tự hủy để hoài thai sáng tạo được chân thật chính mình. Tôi đã chết nghẹn ngào – ôm tình yêu tự do chật ngực – tôi chết và chối từ – đừng ai gọi tôi là thi sĩ.
Tôi và tên, trong bản thể gọi thành tên thì thật an nhiên hạnh phúc. Nhưng thực chất Tôi – Tên – Thế giới mãi xoay quấn nỗi khổ trong được mất, thành bại, có không… Mỗi người luôn tỉnh táo khôn ngoan vận trù lập trình tạo sản phẩm. Nhà thơ ngu ngơ thức với thơ trong tự vấn. Có bài thơ – Đánh bóng tôi – Có bài thơ – Sẫm tối tôi… Còn tôi và thơ? Giản dị lặng thầm mà đau đáu đầy ám ảnh về ý thức hiện hữu sống và sáng tạo. Không viết được – Những câu thơ thật đẹp – Tôi bỏ tôi – Như đêm tối lẫn vào đêm tối – Để không thấy – Bóng mình (Nguyễn Hoa).
Chủ nghĩa hiện sinh phổ biến ở miền Nam trước 75 và làm nên tâm thức hiện sinh trong thơ Thanh Tâm Tuyền với ý thức chống lại mưu toan tự động hóa, đồng phục hóa, cào bằng cá tính con người. Có ai gọi tên tôi giữa phố, phố hoang sơ – cái tên lăn như một xác chết nhập hồn… Ấy là Đêm siêu thực trong mơ. Tôi đứng lại níu giữ lấy đêm tối lại: để cho tôi – yên.
Đó là cái yên trong dòng chảy tâm trạng mang màu hiện sinh siêu thực Phố nhỏ lên chiều mãi nhớ thương mà Thanh Tâm Tuyền đã viết trong bài Tĩnh vật (Sáng tạo, Số Xuân 1957). Thôi để giấc mơ lên cỏ hoa. Và triết mỹ tâm thức hiện sinh ấy vẫn tiếp tục ám ảnh như giấc mơ ám gợi Đề tặng một giấc mơ (Lâm Thị Mỹ Dạ). Đêm qua – Tôi mơ thành tôi – Tôi mơ thành chim – Tôi mơ thành giấc mơ. Ấy là Đêm tự nó rất thật – mộng mị. Đêm vô cùng như biển… Em chìm vào đêm anh – Mùa Xuân có thật (Lê Tú Lê).
Cảm thức hiện sinh tách biệt giữa tên và tôi thuộc về những vấn đề bản thể con người: sự vong thân, hư vô, tha nhân, tự do, dấn thân, phi lý- Nói như E.Mounier trong Những chủ đề triết hiện sinh. “Tôi bị nhìn, tôi trở nên… một cái gì… trước mắt tha nhân càng đồng nghĩa với tiếng tôi bị xoáy cắp”. Trong Đêm, đâu là cái tên tách biệt khỏi cái tôi như một thực thể độc lập tự thân. Cái tên tôi giữa phố, phố vắng và cái – tên ấm lên sự thù hằn. Cá nhân luôn là kẻ xa lạ, cô đơn.
Thanh Tâm Tuyền gọi đó là Nghệ thuật đen đầy bi đát phẫn nộ mà không trốn chạy, “đối đầu với thực tế phũ phàng đòi tìm cách ứng phó”. Trong một thời đại mà các giá trị cần được xét định lại, con người hóa kiếp cất lên tiếng gọi như một ý thức siêu hình – chứ không mang tham vọng giải quyết. Ấy là cái tôi bản năng, tự do, sáng tạo… thoát ra những rong rêu xã hội đeo bám, những thị phi tha nhân bóp méo.
Tự mâu thuẫn mới tự thay đổi mà tôi vẫn là tôi. Phục sinh là sống lại thực thể tự thân trong sự giằng xé ấy. Tôi buồn khóc như buồn nôn… tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ… tôi buồn chết như buồn ngủ… Tôi hét tên tôi cho nguôi giận… tôi gào tên tôi thảm thiết… Liên tục và đứt đoạn, hủy diệt và sáng tạo, sống và chết, danh và tính, tên và tôi… như một thực thể tự thân. Tôi thèm sống như thèm chết… giữa hơi thở giao nhau… hãy mở cửa trái tim – tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ – trong sạch như một lần sự thật.
Cái sự thật ấy trong thế giới thực tại. Với bao sự vật sẵn có, trong Đêm tự nó, những thi nhân không bị trói buộc trong quan hệ sẵn có, mà chỉ gọi tên – tên sự vật ngoại giới, tên tôi… tạo nên một thi giới mới trong những cấu trúc quan hệ mới và mỗi chúng ta đọc nó như một sự hội ý nội tại trong vũ trụ thơ ấy.
Ấy cũng là Đường vào tình sử của Đinh Hùng. Đêm trời sao cũ sáng long lanh… Quanh ta nhiều khi chỉ là một thế giới quen cũ, nhưng trong sạch long lanh… ở ánh sáng mới nhận ra. Quả mùa sai y hẹn với lời hoa (Malherbe). Hóa ra mỗi con người cứ tự tại bước đi nhận ra trong thế giới thực tại khả xúc (sensible) đồng hiện diện. Đêm dạo chơi lãng đãng với những câu thơ hay là một thoáng trần gian tự nó – có thể không đồng ý mà tự cảm thông như cách nói của Vũ Hoàng Chương. Ta gõ mà ca: Thiên nhất phương… để đưa hồn say về tận cuối trời quên.
Quên hay nhớ gì ấy là Đêm – Tên – Tôi trong nội giới riêng lòng mơ hồ hư ảo mà lung linh soi sáng trong mỗi nhịp đi cá biệt và đa hiện. Ấy là phẩm chất nhạy cảm nghệ sĩ tự mỗi người trong khoảnh khắc hiện hữu trên vòng đời miên viễn. Năm năm, tháng tháng, ngày ngày – Lần lần, lữa lữa, rày rày, mai mai… Quên hay nhớ những gì, ấy là mạch hồn cá biệt trong nhịp đi nghe ra tiếng gọi thầm thì. Quên đi em hãy sống đời cây cỏ – Từng linh hồn dan díu với hương hoa…
Tết Tây vẫn khởi nguồn Ta
Vậy là Tết Tây vốn lạ sang Ta đã dần quen. Không – thời gian quanh ta vẫn vậy trong nhịp bước ta đi. Nhịp thơ Thanh Tâm Tuyền vẫn gần gũi với văn học Hậu hiện đại… “Không trân trọng cái viết như một tiến trình” cao hơn cái viết “như một sản phẩm”. Tiến trình nhịp bước là hiện hữu – bất tận, nhận ra – quên đi – sáng tạo…
Mỗi con người mang cái tên như một căn cước nhưng cái tôi hiện hữu – đa ngã – thống nhất… thì vô cùng. “Chúng tôi cho các người vĩnh viễn, hãy nhường cho chúng tôi hiện tại” (Nỗi buồn trong thơ hôm nay). Khi trong Đêm nhận thấy cái lằn ranh cụ thể và trừu tượng. Thời gian cháy tàn những đầu thuốc lá… vậy thì bước đi giản dị như hành trình tìm tự do, sự thật Đời người thản nhiên như tên gọi – mỗi người đã chính là tự do.
Nhịp đi chỉ là khoảnh khắc hiện hữu tương đối giới hạn, nhưng nhịp hồn như một ám ảnh khát khao vĩnh hằng tuyệt đối. Con đường chưa ai tới – Màu hoa nào chưa ai trao nhau – Những nghĩa chữ còn hoang – Câu thề thốt lạ thường – Nơi không gian còn tiết trinh. Hiện hữu tự nó nhẹ nhàng trong hai mặt bước – dừng, tự hủy – phục sinh.
Sẽ chết như sao rơi vào bất tận – Sẽ yêu như giọt nước hân hoan. Bước chân đi hồn nhiên như nhịp bút phiêu lưu. Có về – nhắm mắt – cửa tâm hồn để ngõ. Hồn thảo mộc giấc ngủ – Nằm mơ những ngôi sao mặt trăng – lá đan mắt ngõ. Mơ tạo hình siêu thực, ấy là từ cái thực bay lên vô tận, sáng tạo vô cùng… tôi sống thường trực bằng hình ảnh – bài thơ này tôi viết trong giấc mơ. Thơ và nhịp bước đều có khả năng tạo ra vũ trụ mới.
Ấy là nhịp đi chân thực mang hồn dân tộc trong nhịp thơ mang bao thanh âm hương sắc của mình. Vang vọng trời vào Xuân trong tâm thức Đứng vững không khụy chân – Trên mảnh đất nghèo khổ… Nghe tiếng gà trong thôn… nhìn ngắm trời xanh như giếng ngọc… nhận ra Đất hiền thở hương nắng thênh thang…
Hiện hữu nở hoa trong bao tiếp biến ý thức – vô thức. Hành trình đời người – đời thơ trong từng nhịp đi hướng về tự do tìm kiếm cách tân hiện đại. Chịu ảnh hưởng nhiều trào lưu văn học châu Âu ở miền Nam bấy giờ như trào lưu Lãng mạn, Lập thể, Siêu thực, Đa đa… Vậy mà người nhận ra chỉ có Mưa ngủ trong lằn ranh mơ hồ. Hồn nhiên tôi trở thành thi sĩ ca dao. Ấy là ý thức Thanh Tâm Tuyền trong Một bài thơ như tầng sâu vô thức.
Không đa đa siêu thực – thẳng thắn – khởi từ ca dao sang tự do. Tết Tây trong hồn Ta dần quen mà lạ, giản dị mà cao viễn, toàn cầu hóa mà cá biệt nhịp đi, chân thật trong sáng như hơi thở mà trầm tích bao văn hóa. Trời có mấy độ Xuân? Đất bao nhiêu miền lạ? Chưa ngấy việc trần gian – Hồn run xanh búp lá. Nhịp thơ của Thanh Tâm Tuyền là hành trình tìm kiếm tự đi – tự biết – tự kết… cuộc hành trình thiêng liêng đi mãi bằng giòng máu… Và kẻ Tuyệt vọng trần truồng ấy cho ta nhịp đi hy vọng hồn nhiên… Người ở đâu và Thơ ở đâu xa…
- Xem thêm: Đến Paris gặp sử gia Sài Gòn
Ngôn ngữ thơ chỉ là những ký hiệu lặng im gửi lại mà vang vọng trong nhịp chân ta đi, hội tụ những cảm xúc tình cảm, sức tưởng tượng sáng tạo giàu trường liên tưởng, tâm lý học nghệ thuật… một người một thời mà bền vững hồn dân tộc mọi thời trong sự hội nhập. Ngùi trông di vật cũ mòn – Thoáng se se gió… vọng hồn người xưa (Chử Thu Hằng – Những mùa Phố gieo Tôi).
Tết Tây này bạn đã bao tuổi trong nhịp đi Ba buổi vòng đời… Buổi sáng sương kề môi lá. Giọt sương hé ngủ búp ngày. Hoàng hôn ôm sương vòng cỏ. Sóng vàng gom nắng nụ chiều. Bước đêm ánh gót chân trần. Tạ ơn ngày đời không vội.