Muốn trẻ ham đọc, thì người lớn phải thường xuyên đọc để trẻ nhìn thấy. Người lớn cũng cho trẻ những cuốn sách phù hợp, và đọc sách trong không gian phù hợp. Việc đọc sách cũng phát huy sự tham gia của trẻ, đặt mục tiêu vừa tầm với lứa tuổi, khuyến khích sự lựa chọn và suy nghĩ riêng của trẻ.
Rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ em là việc cần thiết hầu hết chúng ta đều biết, nhưng đây là việc không dễ. Vậy khó khăn nằm ở đâu, ở trẻ em ham chơi hay người lớn chưa biết cách làm? Những chia sẻ của Thạc sĩ Mai Thi Việt Thắng, người nhiều năm kinh nghiệm phát triển thói quen đọc cho học sinh tiểu học ở Việt Nam, sẽ phần nào giải đáp câu hỏi này.
____
Theo chị thì muốn tạo thói quen đọc và niềm đam mê sách cho trẻ em, thì nhà trường hay gia đình quan trọng hơn?
Trước hết muốn tạo thói quen đọc thì chúng ta phải hiểu thói quen đọc là gì? Thói quen đọc là khi trẻ được đọc thường xuyên, đọc một cách thích thú và tự nguyện. Vì vậy, cả nhà trường (ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên thư viện), và gia đình, cụ thể hơn là ông bà, cha mẹ, anh chị đều có vai trò quan trọng. Rất khó có thể nói là nhà trường hay gia đình quan trọng hơn, mà chỉ có thể nói thói quen được hình thành khi có đủ điều kiện, vậy nơi nào giúp cho trẻ được đọc thường xuyên, đọc với sự thích thú, và đọc với sự tự nguyện thì nơi đó góp phần phát triển thói quen đọc cho trẻ. Tuy nhiên, có một điểm mà nhiều nghiên cứu chỉ rõ là sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình sẽ góp phần thuận lợi cho việc phát triển thói quen đọc của trẻ.
Vậy những người lớn ở quanh trẻ, ai nhận thức ra vấn đề trước, có khả năng làm trước cho trẻ thì hãy bắt đầu với trẻ. Đứng ở góc độ cá nhân, tôi nhận thấy lớp người đọc trưởng thành của chúng ta có được thói quen đọc phần lớn từ gia đình, vì hệ thống trường học chúng ta đã bỏ qua một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian khá dài. Nếu những điều luật, quy định về việc thực hiện hoạt động đọc ở trường được đi vào thực chất, chúng ta có quyền nghĩ về một lớp người đông đảo hơn trong tương lại có khả năng tự đọc.
____
Đã có nhiều ý kiến đưa tiết đọc sách vào chương trình học từ năm 2020, nhưng vẫn còn phân phân nên xem tiết đọc sách như một chương trình chính khóa hay ngoại khóa?
Việc được nghe giáo viên đọc, được đọc cùng cô, cùng bạn, được tự đọc…trong tiết đọc sách hàng tuần, đưa vào thời gian học chính khóa là những hoạt động giúp học sinh phát triển thói quen đọc.
Năng lực tự học là một trong 10 năng lực được chú trọng phát triển trong Chương trình đổi mới giáo dục năm 2018. Vậy làm sao giúp học sinh phát triển năng lực tự học cho học sinh nếu không tập trung vào phát triển thói quen đọc cho học sinh ngay từ bậc mầm non, tiểu học, một thành tố thiết yếu giúp học sinh trở thành người đọc độc lập và có khả năng tự học tập.
Trên thực tế, vì điều kiện học tập của một số nơi còn thiếu phòng học, thiếu giáo viên, phải học một ca, và thiếu hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện là những rào cản cho việc triển khai tiết đọc chính khóa. Vì vậy, với những trường này thì có thể bắt đầu bằng việc sắp xếp tiết đọc sách xen kẽ hàng tuần.
____
Từ kinh nghiệm của chị, thì làm thế nào để chương trình đọc sách là thực chất, nuôi dưỡng sự ham đọc ở trẻ em?
Để nuôi dưỡng sự ham đọc của trẻ thì phải hiểu yếu tố nào giúp trẻ ham đọc? Yếu tố đầu tiên có phải là sự làm mẫu của người lớn, như vậy người lớn cần phải đọc nhiều hơn trước mặt trẻ. Khi người lớn đọc cho trẻ hoặc đọc cùng với trẻ thể hiện sự thích thú, chú tâm khi đọc. Những tài liệu đọc, và không gian đọc phù hợp với trẻ cũng cần hiện diện nhiều hơn. Ví dụ sách đọc có nhiều trình độ, có nhiều chủ đề và thể loại, không gian sạch sẽ, an toàn đối với trẻ. Những hoạt động đọc thiết kế để tạo điều kiện cho trẻ được tham gia nhiều nhất, những ý kiến đóng góp của trẻ được coi trọng, không ép trẻ phải “hoàn thiện” những công việc quá sức (ví dụ học sinh phải vẽ xong một bức tranh thật đẹp sau khi đọc), hay lồng nghép quá nhiều mục đích vào lúc đọc sách (dạy đạo đức, lẽ sống…). Khi trẻ lớn lớn và tự đọc được thì khuyến khích sự lựa chọn theo mức độ quan tâm của trẻ, khuyến khích trẻ nghĩ về những gì trẻ đọc.
____
Giáo viên không thể thực hiện một tiết đọc sách hiệu quả, nếu như bản thân giáo viên không thích đọc sách, và họ cũng không có kỹ năng đọc cho học sinh nghe. Chị nghĩ sao về điều này?
Không chỉ việc đọc sách mà việc gì khi chúng ta muốn làm hiệu quả thì cần có kiến thức, thái độ, và kỹ năng. Việc nhiều giáo viên không thích đọc sách cũng không khó hiểu khi rất nhiều năm, việc đọc sách của chúng ta không được coi trọng, bản thân họ không có trải nghiệm tốt với việc đọc, họ không được tạo điều kiện để đi học, nâng cao chuyên môn hay có nhiều việc quá không thể làm việc này một cách tốt nhất được. Vì vậy, với câu chuyện giáo viên là người đọc sách học sinh nghe, thì nếu có được cả kiến thức (hiểu tại sao phải đọc sách, mục đích, các bước…), kỹ năng (thực hiện các bước như thế nào, chuẩn bị sách, câu hỏi, hoạt động sau khi đọc…), và thái độ (hướng đến học sinh, tôn trọng học sinh, đọc với sự say mê..) là một điều kiện đầy đủ. Tuy nhiên, nếu thiếu một trong ba yếu tố này thì chỉ có một con đường là học và thực hành.
Qua kinh nghiệm làm việc với nhiều giáo viên tôi nhận thấy, có nhiều giáo viên chưa có kỹ năng gì, chưa có kiến thức gì về việc đọc, nhưng nếu họ có thái độ tốt, mong muốn mang lại những điều có ích, mới mẻ cho học sinh thì họ khá cởi mở với những thiếu hụt của bản thân mình, chịu khó học hỏi, thực hành, thu nhận ý kiến đóng góp của người khác. Tôi cũng thấy có nhiều người có “khả năng” nhưng ngại, không muốn làm, và né tránh hoặc làm cho qua khi được yêu cầu.
Do vậy, tôi nghĩ nếu giáo viên muốn làm tiết đọc sách hiệu quả thì họ phải muốn làm trước, và có niềm tin là mình sẽ làm được theo khả năng của mình. Còn kỹ thuật, kiến thức sẽ học từ từ, học từ nhiều nguồn. Học từ các chuyên gia, các tài liệu có sẵn, học từ người đi trước, học từ học sinh nữa. Tôi là người có chút ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tôi sẵn sàng hỗ trợ khi nhà trường và giáo viên yêu cầu.
____
Vậy thói quen đọc sách nên được rèn luyện từ độ tuổi nào là phù hợp?
Ở giai đoạn phát triển nào của trẻ, chúng ta cũng có thể giúp trẻ phát triển, củng cố thói quen đọc sách. Vì vậy, chúng ta có thể làm càng sớm, càng tốt để phát huy hết được tác dụng của giai đoạn phát triển và tạo tiền đề cho sự phát triển của gia đoạn tiếp theo.
Theo tôi, ở giai đoạn mầm non là giai đoạn tiền đề giúp trẻ được “trải nghiệm” nhiều nhất với sách và việc đọc sách (qua hoạt động nghe đọc, sờ vào sách, đọc ngược hoặc đọc theo kiểu thuộc lòng, xem tranh….). Việc đọc sách trong vòng tay người lớn còn tạo cho trẻ cảm giác gắn bó, an toàn và gần gũi. Vì vậy, tôi đã phối hợp với nhiều đơn vị giáo dục mầm non để tổ chức hoạt động đọc cho trẻ, xây dựng danh mục sách phù hợp cho các trường mầm non. Để có thể nói về kết quả và tác động của việc này thì cần thời gian nhưng những dấu hiệu cho thấy hoạt động này có hiệu quả đối với các nơi tôi thực hiện thì có nhiều tín hiệu vui như: ngày càng nhiều trường mầm non tư thục tìm danh mục sách phù hợp cho trẻ, nhiều trường mời những người đọc sách đến đọc cho trẻ, tổ chức hướng dẫn giáo viên cách đọc sách, trao đổi kinh nghiệm với cha mẹ cách hỗ trợ con đọc sách ở nhà… Tôi nghĩ trong thời gian tới, hoạt động này sẽ được triển khai nhiều hơn để tạo thói quen đọc cho trẻ ngay từ giai đoạn giáo dục đầu đời.
____
Cảm ơn chị.