Trong bất kỳ một nhóm hay tổ chức nào cũng có một số nhân viên thường xuyên đưa ra được những ý tưởng mới và hữu ích. Những ý tưởng ấy chính là “hạt giống” cho sự đổi mới và phát triển của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới cũng như củng cố vị thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, Toms Chamorro-Premuzic, Giám đốc phát triển nhân tài của ManpowerGroup đồng thời là giáo sư tâm lý kinh doanh của Đại học College London và Đại học Columbia, và Reece Akhtar, tiến sĩ về tâm lý học trong tổ chức, giảng viên thỉnh giảng của Đại học New York và Đại học Columbia, cho rằng đa số các doanh nghiệp lại không xây dựng được các quy trình, đội ngũ lãnh đạo cũng như văn hóa nhằm triển khai những ý tưởng mới mẻ này, khiến cho đa số nhân viên sáng tạo không phát huy hết khả năng của mình.
Theo các tác giả, kết quả của các công trình nghiên cứu về tâm lý học trong vài thập niên qua cho thấy những nhân viên sáng tạo khác với những nhân viên bình thường về tính cách, các giá trị và năng lực. Trên cơ sở đó, hai nhà nghiên cứu nói trên đã đưa ra những lời khuyên sau đây giúp doanh nghiệp động viên hiệu quả những nhân viên có khả năng sáng tạo, làm cho họ phát huy tốt nhất năng lực của mình.
Sắp xếp vào những vai trò thích hợp
Các tác giả cho rằng dù đang ở ngành hay công việc nào thì nhân viên cũng sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu được sắp xếp vào những vị trí phù hợp với xu hướng hành xử tự nhiên của mình. Đó là lý do vì sao một nhân viên có thể làm tốt ở một số vai trò nhưng lại gặp khó khăn ở một số vai trò khác. Vì vậy, để nhân viên sáng tạo làm việc tốt các nhà quản lý nên giao phó cho họ những nhiệm vụ có ý nghĩa và phù hợp.
Sắp xếp làm việc chung với một nhóm nhân viên có kỹ năng đa dạng
Sự sáng tạo luôn là kết quả đến từ sự phối hợp của một nhóm. Những nhân viên có năng lực và các mối quan tâm khác nhau khi làm việc với nhau có thể chuyển hóa những ý tưởng sáng tạo thành những cái mới thật sự. Chamorro-Premuzic và Akhtar cho rằng nếu một nhóm nhân viên gồm toàn những người sáng tạo thì hầu như họ chẳng làm được điều gì mới mẻ. Nhưng nếu các thành viên của nhóm này được làm việc với một nhóm nhân viên có nhiều kỹ năng đa dạng hơn như người thực thi, người tạo dựng quan hệ, người quản lý dự án chi tiết… thì nhóm làm việc mới của họ sẽ có thể tạo ra nhiều cái mới hơn.
Khen thưởng cho những cái mới
Doanh nghiệp sẽ không thể khơi nguồn sáng tạo cho nhân viên nếu chỉ khen thưởng cho những nhân viên làm tốt những việc mà họ được yêu cầu. Ngược lại, khi doanh nghiệp quan tâm động viên, khuyến khích những suy nghĩ mới, ý tưởng mới, các giải pháp hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ hay quy trình hiện tại thì ngay cả những nhân viên “bình thường chẳng thấy sáng tạo gì” cũng sẽ cố gắng làm điều gì đó khác biệt và đóng góp cho việc tạo ra cái mới.
Chấp nhận những “khoảng tối” (có giới hạn)
Nghiên cứu cho thấy những nhân viên sáng tạo thường khá nhạy cảm, nóng tính và khó có thể thuyết phục. Và do sở hữu trí tưởng tượng phong phú, họ thường có những suy nghĩ “lạ”, làm cho những vấn đề đơn giản trở nên phức tạp. Tuy nhiên, chính những nhân viên có khuynh hướng thể hiện cá tính và “sự bất tuân” ấy lại là những nhân tố tích cực cho sự sáng tạo và đổi mới. Nhưng các tác giả khuyên doanh nghiệp vẫn nên đặt ra những giới hạn nhất định về hành vi đạo đức, chuẩn mực ứng xử cho những nhân viên này sao cho phù hợp với các giá trị, văn hóa của tổ chức.
Tạo ra thách thức
Giao những việc đơn giản cho nhân viên sáng tạo là một cách làm mất động cơ làm việc của họ nhanh nhất. Số liệu cho thấy, ở Mỹ 46% nhân viên nhận thấy bản thân họ có năng lực vượt mức so với yêu cầu công việc. Các tác giả khuyên doanh nghiệp nên đưa những nhân viên này ra khỏi “vùng bình yên” của họ. Nếu không, hậu quả sẽ có thể là sự thiếu gắn kết, tỷ lệ nghỉ việc cao hoặc những vấn đề về sức khỏe tâm lý khác.
- Xem thêm: Để nhân viên thoát khỏi “vùng bình yên”
Tạo ra áp lực nhất định
Nghiên cứu cho thấy làm việc trong môi trường áp lực cao có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên và làm giảm năng suất lao động của họ. Tuy nhiên, các tác giả khuyên để phát huy tối đa tính sáng tạo của nhân viên, các nhà quản lý cũng nên tạo ra những áp lực nhất định cho họ. Vấn đề quan trọng là cân đối sao cho áp lực này ở mức hợp lý: nếu quá ít sẽ làm mất đi động cơ làm việc của nhân viên, nếu quá nhiều sẽ làm cho họ căng thẳng và mất đi tính sáng tạo.