Nghĩa hình tượng ở một chữ Lòng biến hóa trong những cấu trúc làm nên hình tượng nghệ thuật trong thi ca, nó vừa thuần Việt ở tính dân tộc chẳng những ở ngôn ngữ, tập quán, tâm lý, tư duy… ngụ tình không gian địa lý nhiều hồ lắm sông rộng biển vừa mang tính nhân loại tương ứng điệu lòng vô biên tâm hồn.
Kho tàng từ ngữ tiếng Việt vốn chứa hàng loạt cặp từ Hán Việt và thuần Việt, hàm nghĩa tương đương nhưng khác nhau về sắc thái ý nghĩa, màu sắc biểu cảm, đặc trưng phong cách… và cả tâm thức thời đại cũng như điểm nhìn cá thể chi phối dụng ý nghệ thuật. Cặp từ tâm và lòng trong đời sống sinh hoạt thường ngày cũng như trong thơ ca như lịch sử tâm hồn dân tộc càng biểu hiện rõ điều này.
Nhất phiến băng tâm…
Người phương Đông vốn trọng thị thơ ca. Thơ là phương thức biểu hiện trữ tình nội tâm, là máu chảy trong huyết quản, là hơi thở tiểu ngã cá thể (Atman) hòa vào thinh không đại ngã vũ trụ (Brahman). Đặc tính mỹ học Ấn Độ in đậm dấu ấn truyền thống truyền miệng và truyền thống thơ. Nguyên lý trong thi học Ấn hướng tới khơi gợi cảm nghiệm thẩm mỹ Rasa trong thế giới cảm xúc tạo vị cho thơ theo kiểu trữ tình suy tưởng giàu tính tượng trưng. Vương quốc tâm linh, cái nôi đất Phật, tâm có gốc tiếng Phạn là Citta hàm nghĩa toàn bộ hệ thống tư duy, với tình cảm và cảm xúc được nhấn mạnh. Ái là một mắt xích chính trong 12 nhân duyên đưa đến khổ. Khổ vì yêu mà ly biệt – Ái biệt ly khổ, khổ vì muốn mà không được – Cầu bất đắc khổ, khổ vì ghét mà gặp – Oán tăng hội khổ… Bodhicitta là cực ngược lại, tâm bồ đề, tâm tỉnh thức, từ tâm vô lượng với mọi chúng sinh trong lẽ vô thường. Tâm Không ở sự vô úy, vô cầu, vô sở đắc. Tâm trong triết Phật là vô hạn trong lòng bàn tay hữu hạn. Kinh Lăng Già, Kinh Lăng Nghiêm đều lấy tâm làm chủ, lấy cửa không làm cửa pháp, Tâm địa là bản nguyên của vạn pháp. Trong Kinh Bát Nhã là những sắc, thọ, tưởng, hành, thức… Tâm như phần mềm được cài đặt trong phần cứng. Giản phác mà uyên áo, Bát Nhã là Tâm Kinh, trái tim của kinh điển nhà Phật với 260 chữ xung quanh bốn chữ Ngũ uẩn giai không tạo nên thân tâm và cô đọng lại ở một chữ Không. Mở đầu Kinh Pháp cú là Tâm vi pháp bổn – Tâm tôn tâm sử. Tâm là gốc mọi pháp đời – Tâm cao quý nhất, tâm sai khiến làm. Rốt lại là hai ngã: vọng tâm – lan man xằng bậy và chân tâm – sáng láng tinh thông như gương trong suốt như cách Nguyễn Du nói về tác giả Ly Tao: Khuất Nguyên tâm, Tương giang thủy… như Hồ Chí Minh tự ngẫm về mình Giang tâm như kính tịnh vô trần…
- Xem thêm: Cảm xúc đi trên thân đòn gánh!
Phật giáo vào Trung Hoa, Citta được dịch là Tâm (Sin), tức trái tim, nhấn mạnh đến tình cảm là chính. Chữ Tâm chiếm tần số cao trong Đường thi với sự tịnh thịnh dung hòa Nho-Phật-Lão chẳng riêng gì Thi Phật Vương Duy mà cả Thi tiên Lý Bạch, Thi thánh Đỗ Phủ, Thi quỷ Lý Hạ… Ứng với Ngũ hành thuộc Hỏa, ứng với Ngũ vị thuộc Khổ (đắng), ứng với Ngũ sắc thuộc Đỏ. Nhiều chữ thuộc âm tính chứa đựng màu sắc thương cảm đều có bộ tâm. Người phương Tây trọng lý trí do trí óc lãnh đạo (the mind), tình cảm là lý lẽ riêng của con tim (heart). Đông phương học nhất quán hai mặt, tùy ngữ cảnh nhấn mạnh mặt nào. Về căn bản, phương Tây trọng đại não, phương Đông trọng trái tim bao gồm tâm thức, tâm cảm, tâm hồn, tâm niệm, tâm trạng, tâm tư, tâm tính, tâm linh, tâm sự, tâm xúc, tâm bệnh… Ấy là nơi lưu giữ máu, là gốc của sự sống. Quan niệm bệnh từ tâm phổ biến ở phương Đông. Câu thề độc là hộc máu chết. Nhân vật chết vì thổ huyết trong văn học cổ điển từ tướng lĩnh mạnh mẽ như Chu Du uất ức với Khổng Minh trong Tam Quốc, giai nhân yểu điệu như Lâm Đại Ngọc vỡ mộng tương tư trong Hồng Lâu mộng… cho đến bánh bao tẩm máu người đầy ám ảnh trong truyện Thuốc của Lỗ Tấn… và cả trong điện ảnh đương đại. Có được hình hài thì có tâm. Tâm nhận lý của trời gọi là Tính, nhận sự tác động bên ngoài gọi là Tình. Thương người và thương mình. Có thân phải biết lo thân. Tâm dưỡng thân, tạo ra tính tình là vậy.
Trong mối quan hệ tương giao thiên-địa-nhân, Tâm là chủ thể, là tinh hoa trong lòng vũ trụ. Nhất phiến băng tâm đoạn ngọc hồ. Trong quan niệm vạn vật hữu linh, tâm là gốc của sự sống. Ấy là Cảm ngộ (Trương Cửu Linh). Thảo mộc hữu bản tâm – Hà cầu mỹ nhân chiết. Cây cối cũng có tình riêng. Cần gì người đẹp vin bẻ. Thảo mộc có tâm, sơn thủy có tình, con người tương giao ký thác. Người và vật tương cảm, tương sinh, tương thành sự sống, ngưng đọng tứ thơ. Tại tâm vi chí, phát ngôn vi thi, thi ngôn chí. Màu tâm sự nhuốm nỗi niềm bàng bạc Đường thi và ngã bóng xuống thi ca phương Đông. Thu về đậu lên chữ Tâm mà sinh Sầu. Kết thúc Hoàng Hạc Lâu (Thôi Hiệu) là ba chữ sử nhân sầu được Tản Đà chuyển dịch tài hoa buồn lòng ai mang điệu hồn Việt.
Các hệ tư tưởng như Phật giáo uyên áo từ Ấn Độ với Citta trừu tượng siêu hình đạt đến độ không của giải thoát, qua những học thuyết Trung Hoa với Nho giáo – chữ Tâm ưu thời mẫn thế, cân bằng với chữ Tài mà thấu suốt lòng thiên địa mênh mang, Lão giáo với cái Tâm vô vi tự nhiên trong trạng thái hòa đồng vạn vật… được du nhập vào Việt Nam trong sự tái cấu trúc và dung hòa theo tinh thần đồng nguyên nhất thể ở tầm đón nhận của người Việt, tấc lòng Việt, tính cách Việt. Căn nguyên như nước trong nguồn, mềm mại uyển chuyển như lòng sông với những bến lở bến bồi, giàu thương cảm mà sâu thẳm bao la như lòng biển với lặng im cất giữ giữa triền miên sóng vỗ. Chính vì vậy, tâm và lòng vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa tư tưởng vừa cảm xúc, “Lê Quý Đôn trong Vân đài loại ngữ có nói “Thơ phát khởi trong lòng người ta”, với người Việt, Lòng như một dạng “suy nghĩ từ bụng dạ” mà trí tuệ muôn màu vượt không gian, phi thời tính… được sử dụng với tần suất cao.
Mở rộng lòng…
Theo hướng đó, dường như chữ lòng xuất hiện và xuất phát từ chữ tâm. Nhưng điều đó chỉ đúng với thơ ca trung đại từ Hán chuyển sang Nôm trong ý thức độc lập tự chủ. Thực chất, thơ ca là tiếng nói mang điệu hồn dân tộc, chữ lòng mới là chủ đạo trong thơ Việt. Trở về với ca dao, dân ca như bầu sữa mẹ, như mạch nguồn dân tộc, thấy rõ điều này. Lòng mang sắc thái nôm na, bình dân, cho nên trong lời ăn tiếng nói người Việt, ít dùng chữ Tâm mà giản dị ở Lòng, Dạ, Ruột, Bụng. Tần suất xuất hiện những chữ này trong cuốn Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan đã nói lên lẽ thường tình của tâm hồn Việt, tấm lòng Việt chứa đựng mọi sắc thái, cung điệu qua một chữ Lòng.
- Xem thêm: Nỗi nhớ mùa xưa
Chuyển sang văn học viết, chữ Hán có trước, Nôm có sau, nên từ chữ Tâm mới dần chuyển sang chữ Lòng chẳng những ở ý thức độc lập tự chủ mà căn bản là phù hợp hơn với cung điệu tâm hồn dân tộc được bộc lộ trong lời ăn tiếng nói và kết tinh trong thơ ca. Cách thức sử dụng phương tiện ngôn ngữ làm nên phong cách thơ ca. Qua thơ ca có thể hình dung dân tộc. Tiếng là đơn vị dễ nhận diện hơn cả ở loại ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt. Tiếng trùng với âm tiết, hình vị, từ… chi phối vần, luật, nhịp điệu, tiết tấu, kết từ… trong thơ. Một tiếng lòng với thanh điệu phẳng êm có tính nhạc, gợi tình, gợi cảm. Tâm hay lòng là ở thao tác lựa chọn. Nếu xét về phương diện kết hợp từ, Lòng vẫn có khả năng uyển chuyển biến hóa đa dạng và dung dị hơn Tâm vốn nghiêng về trí thức bác học. Sắc thái biểu cảm mang cảm tính cụ thể, trực cảm ở những kết hợp cho phép cả những danh từ, tính từ, hư từ… dựa trên ẩn dụ tri nhận và ẩn dụ ý niệm phổ quát vốn đóng vai trò quan trọng trong thơ, còn tùy bàn tay tài hoa và tấc lòng người Việt.
Đi dọc dòng sông thơ ca Việt, dễ nhận ra điều ấy ẩn giấu trong lòng thơ. Từ thơ ca Lý-Trần, đã có Hoàng đế – Thi sĩ – Phật hoàng Trần Nhân Tông dùng cả hai chữ Tâm và Lòng. Một Nguyễn Trãi mà Lê Thánh Tông khẳng nhận Ức Trai lòng sáng như sao Khuê, sinh thời bao lần Ưu ái lòng phiền nửa đêm, dù đầy những thị phi thăng trầm vẫn canh cánh Bui một tấc lòng ưu ái cũ – Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông. Mối quan hệ giữa chữ Tâm trong học thuyết thân dân, trọng dân của Khổng Mạnh với khuynh hướng cảm hứng thương dân bao quát trong thơ Nguyễn Trãi qua một tấc lòng. Bui có một lòng trung với hiếu – Mài chẳng khuyết nhuộm chẳng đen. Vẻ đẹp nhân bản ở người có vai trò khai sáng thơ ca tiếng Việt, “xây dựng một lối thơ Việt Nam” (Đặng Thai Mai) đã nâng người anh hùng dân tộc lên tầm cao nhân loại. Một Nguyễn Du với tiếng hát đứt ruột mở đầu Những điều trông thấy mà đau đớn lòng, và kết thúc Thiện căn ở tại lòng ta. Theo Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, chữ tâm có ý nghĩa là lòng xuất hiện hai lần, chữ lòng với nghĩa gốc là ruột, bụng dạ, tâm tình đã xuất hiện những 165 lần. Từ nghịch lý cô đơn thanh nhã kín đáo của một mảnh tình riêng mà nữ sĩ Huyện Thanh Quan đi dọc dặm dài đất nước lại thấy Đèo Ngang. Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc. Ấy là nỗi lòng đau đáu riêng chung, cho đến sự tung tẩy đầy tính nõn nường của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương tạo hình đẹp và sống động trong Chơi đu. Trai đu gối hạc khom khom cật – Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng… vẫn ẩn giấu một nụ cười chua chát của phận đàn bà hẩm hiu chịu cảnh “hai vợ một chồng”. Đúng là lòng… phụ nữ.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh mang tâm hồn tinh tế mà lắm đa đoan trong cõi lòng yêu. Lòng em nhớ đến anh – Cả trong mơ còn thức. Ấy là sóng lòng thương như máu thịt đời mình Những ngày xa cách nhau – Lòng thuyền đau rạn vỡ. Ấy là sóng chong nghìn trùng, không thuần túy là motif thuyền – bến theo kiểu ca dao bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền hay Lòng em như quán bán hàng – Còn anh là khách qua đàng trú chân... mà sau này thi sĩ chân quê Nguyễn Bính lẫy ra cái Hai lòng của tình yêu vô vọng. Lòng em như chiếc lá khoai – Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu, và theo cách nói của thi sĩ đa tình mà mãi cô đơn Xuân Diệu. Lòng anh là một cơn mưa lũ – Đã gặp lòng em là lá khoai… Người con gái muôn đời thiên tính nữ mà không còn thuần là bến bị động, hóa biển chủ động bộc lộ tương giao sâu lắng với thuyền. Tấc lòng nữ tính cá thể hiện đại ngày càng rộng sâu trong cái tôi hướng nội. Tương xứng trong từng vế như lòng anh – lòng em vậy thôi mà nghịch lý đau đáu cõi nhân gian phù trầm. Dẫu lìa ngõ ý còn vương tơ lòng…
- Xem thêm: Nét thiền
Nghĩa hình tượng ở một chữ Lòng biến hóa trong những cấu trúc làm nên hình tượng nghệ thuật trong thi ca, nó vừa thuần Việt ở tính dân tộc chẳng những ở ngôn ngữ, tập quán, tâm lý, tư duy… ngụ tình không gian địa lý nhiều hồ lắm sông rộng biển vừa mang tính nhân loại tương ứng điệu lòng vô biên tâm hồn.
Bao cung điệu thương yêu
Điều này dễ nhận ra ở phong trào Thơ Mới như một cuộc cách tân thoát khỏi quy phạm cổ điển, tiếng lòng trực cảm tràn ra vừa phù hợp tâm thức mỹ học truyền thống dân tộc vừa tiếp cận mặt bằng thơ ca thế giới. Rõ nhất là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới – ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Thời đại chữ Tôi với cái nghĩa trọn vẹn của nó, lòng người bộc lộ chân thật với chính mình. Cái Tôi trữ tình phong phú và độc đáo đó biểu hiện dưới nhiều phương thức khác nhau trong thơ Xuân Diệu làm nên một khuôn mặt thơ hiện đại, cõi lòng chuyển hóa muôn màu điệu. Lấy lòng tôi để hiểu lòng người, lòng yêu yên lặng hòa cảnh vật – Lòng anh rạo rực không duyên cớ – Khi nắng chiều tơ giỡn với cành, hóa thân vào chủ thể trữ tình trong thơ không có sự gián cách về mặt cảm xúc thẩm mỹ đã làm nên cái hồn riêng, cái duyên riêng ở thực tại hiện hữu trong thơ Xuân Diệu, bằng cả tấm lòng đắm đuối khát khao sự sống xanh non.
Thơ duyên là lòng ngỏ lòng những rung cảm chớm nở mãi trinh nguyên. Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn – Lần đầu rung động nỗi thương yêu. Trọn vẹn hay dở dang một duyên hai nợ ba tình là chuyện muôn đời nhưng mãi mới. Là mối xe duyên lòng với lòng. Là chuyện khuất lấp Lòng anh thôi đã cưới lòng em. Vậy lòng ta ơi, hà cớ gì phải hỏi Vì sao. Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! Có nghĩa gì đâu một buổi chiều – Nó chiếm lòng ta bằng nắng nhạt – Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu. Trong sáng dễ cảm. Từ một câu thơ Pháp Partir c’est mourir unpeu (Đi là chết một ít) mà chuyển hóa Yêu là chết ở trong lòng một ít thì rất Tây hiện đại mà ở tấc lòng thuần Việt đấy thôi.
Tình yêu lứa đôi là lĩnh vực riêng tư tế nhị, kẻ tình si khờ khạo ngu ngơ rất thật lòng vượt ra ngoài khuôn khổ để bộc lộ mãnh liệt, chẳng e dè cái rạo rực gấp gáp giục giã, cái e ấp bâng khuâng. Biểu tượng Lòng trong thơ Xuân Diệu dựa trên nguồn ẩn dụ ý niệm phổ quát tạo nên những ẩn dụ tri nhận phong phú, mang hơi thở của cái tôi nội cảm trữ tình lãng mạn tràn ra con chữ chứa đựng bao sắc thái, cung bậc cả về tư tưởng, tâm hồn, cảm xúc. Lòng tôi đó, một vườn hoa cháy nắng – Xin lòng người mở cửa ngó lòng tôi.
- Xem thêm: Không gian văn hóa
Ngó vào lòng người ngụ ở vườn thơ, lòng đóng vai trò định ngữ làm cho cái khái niệm vốn trừu tượng mơ hồ, khó nắm bắt ấy lại có thể dễ dàng hình dung ra, gọi lên những cảm xúc cụ thể nhờ những cách kết hợp từ độc đáo: nhịp lòng, sắc lòng, hoa lòng, nhụy lòng, trận lòng… Này là ngày xuân trống trải mà hồi hộp đợi chờ tiếng gọi Mời yêu. Tôi lắng đợi! Nhịp lòng tôi đứng lại! Này là đóa quỳnh từ hoa lòng nở thơm môi em, Cứ phải là em trong một nét riêng dào dạt vô bờ. Cho anh một đóa hoa tinh túy – Một đóa hoa lòng chẳng héo khô. Khát khao mộng tưởng dễ đi liền cô đơn lạc loài. Người si muôn kiếp là hoa núi – Uống nhụy lòng tươi tặng khách hờ. Khổ đau vì tình như cuồng phong trút đổ hư hao. Ta trút bâng quơ một trận lòng – Biết rằng đau khổ giữa hư không. Sắc sắc không không là lẽ vô thường Phật giáo, nhưng mấy ai chẳng có khoảnh khắc nhuốm sắc lòng giữa trần ai. Từ ngàn xưa người ta héo, than ôi – Vì mang phải những sắc lòng tươi quá.
Ấy là bi kịch mệnh người khi tự biết Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật. Biết vậy mà chấp nhận sống, không trốn chạy. Khách không ở lòng em cô độc quá. Sự nhập thân trong tương quan đặc biệt giữa du khách – nhà thơ – người kỹ nữ đã làm nên một tâm thế mới trong thời đại mới. Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn – Chớ để riêng em phải gặp lòng em. Kỳ diệu xuân lòng, vượt qua lẽ tình ái thường tình mà mở rộng lòng yêu thấm đẫm một triết lý sống. Sự sống chẳng bao giờ chán nản… Ấy là ở lòng thương – thương lòng… Lòng tôi bốn phía mở cho trăng… Nước ngọt sẵn tuôn, vườn đợi hái. Chỉ có tình thương lớn mới làm nên những hy sinh lớn. Nói sao đặng, một tấm lòng… để gió cuốn đi.