Trên diễn đàn game online đang có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh thông tin 8 triệu người đánh bạc qua mạng trong vụ án tổ chức đánh bạc liên quan đến ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an). Trong đó, nhiều người cho rằng 8 triệu người này không phạm tội vì hành vi của họ không bị “bắt tại trận”. Trái lại, một số ý kiến khác khẳng định tội đánh bạc có thể “xử nguội”. Pháp luật hiện hành quy định thế nào về việc này?
Đánh bạc bằng hình thức game bài
Bộ Công an ngày 11-3 đã có thông báo chính thức cho biết cơ quan an ninh điều tra thuộc Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng để điều tra tội “Tổ chức đánh bạc” đối với ông Nguyễn Thanh Hóa.
Trước đó, Công an Phú Thọ đã khởi tố vụ án hình sự: sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành.
Từ cuối tháng 8-2017 đến ngày 12-3-2018, cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 70 bị can trong đường dây đánh bạc với quy mô hàng ngàn tỉ đồng này. Trong số đó, có ông Hóa, ông Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến – VTC online); ông Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC). Hiện nhà chức trách đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan.
Thông tin trên Vnexpress cho biết, ông Nam và ông Dương bị cáo buộc là chủ mưu, điều hành đường dây đánh bạc trực tuyến qua mạng bằng hình thức game bài. Người chơi mua thẻ cào điện thoại và thẻ Vcard do CNC phát hành nạp vào game, rồi mua tiền ảo để đánh bạc thông qua dịch vụ chấp nhận thẻ từ cổng thanh toán của nhiều công ty. Doanh thu từ hình thức này do Công ty CNC kiểm soát.
Cách thứ hai là sử dụng tiền của ngân hàng nạp vào tài khoản ATM thông qua cổng thanh toán trực tuyến để mua tiền ảo và thẻ game.
Nhà chức trách ước tính đường dây đánh bạc này có hơn 20 triệu tài khoản tham gia với 8 triệu người chơi thường xuyên, mỗi người trung bình ba tài khoản. Khi phá án, cơ quan điều tra đã thu trên 1.000 tỉ đồng. Chưa có con số chính thức, song số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài ước tính 3,6 triệu USD.
Khi nào giải trí, khi nào tội danh?
Hiểu một cách đơn giản nhất thì đánh bạc giải trí là khi việc đó không ăn thua bằng tiền hoặc hiện vật giá trị. Ngược lại, đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp (theo Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao).
Hiện nay, chưa có quy định giải thích cụ thể thế nào là hành vi đánh bạc qua mạng internet. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định hiện hành, có thể hiểu đánh bạc qua mạng là hành vi đánh bạc thực hiện thông qua các website trực tuyến với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật, mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Điều này bao gồm cả hành vi đánh bạc qua mạng rồi đổi từ tiền ảo (tiền xu) sang tiền thật, bất kể thông qua trả tiền trực tiếp giữa các bên hay trả bằng thẻ điện thoại thì cũng đều là hành vi đánh bạc trái phép và sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật, mà không phụ thuộc họ đã đánh bạc cố ý hay bị rủ rê. Nếu hành vi đó có đủ căn cứ, dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội đánh bạc tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 (tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc), hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 3-7 năm: có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên; sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trong trường hợp hành vi đánh bạc qua mạng chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.
Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc: đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, ba cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được thua bằng tiền, hiện vật; đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép; cá cược trái phép bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác; bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề…
Không “bắt tại trận” vẫn xử được
Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ: tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước; cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; người phạm tội tự thú.
Trên nguyên tắc, trong quá trình lấy lời khai của những người có hành vi phạm tội đã bị bắt, nếu phát hiện ra hành vi phạm tội của những người khác chưa bị bắt thì những người có hành vi phạm tội chưa bị bắt này cũng sẽ bị áp dụng các thủ tục tố tụng như triệu tập, truy nã… để xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cho dù hành vi đánh bạc qua mạng không bị bắt quả tang nhưng nếu bị các đối tượng đã bị bắt khác khai ra thì người không bị bắt quả tang đó vẫn có thể bị triệu tập theo quy định của pháp luật để làm rõ hành vi đánh bạc liên quan.
Cần nói thêm rằng, không phải mọi trường hợp khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì đều khởi tố vụ án hình sự. Trong một số trường hợp đặc biệt, khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể…” thì không khởi tố vụ án hình sự mà có thể xử lý bằng các biện pháp khác.
Ngoài ra, do thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015 bị kéo dài từ ngày 1-1-2018 trở đi nên theo chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước, thì trong quá trình xét xử tội danh đánh bạc trái phép có trị giá dưới 5.000.000 đồng, sẽ còn phải căn cứ vào thời điểm thực hiện hành vi đánh bạc trái phép để vận dụng Công văn số 80/TAND-PC ngày 29-3-2016 của Tòa án nhân dân Tối cao nhằm đánh giá hành vi đó có được miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án không.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chưa luận bàn trực tiếp nội dung vụ án, việc đó còn phải chờ kết luận điều tra chính thức, chỉ nhân những tranh cãi trên mạng liên quan đến số phận pháp lý của 8 triệu người đã đánh bạc trực tuyến để giới thiệu một số quy định pháp luật liên quan, ngỏ hầu để những ai đã và đang trót vương vào cờ bạc trái phép kịp thời thức tỉnh trước khi bị cơn xoáy của tệ nạn này hút sâu xuống tận đáy và tống thẳng vô tù!
– Theo LS Trần Kim Anh – LS Mai Tuấn Nam / Nguoidothi