Những tác động của dịch Covid-19 đã làm cho người Việt khựng lại giật mình nhận ra những vấn đề mà trước kia mình đã lãng quên hoặc không quan tâm.
Trong cuộc sống thường ngày, bị thời gian và không gian vây bọc, bị cuốn theo công việc và cả “bức tường đương thời” của cá nhân, con người ta thường không nhận ra những vấn đề trong sinh hoạt của mình và xã hội. Tuy nhiên, ở một thời điểm nào đó những biến cố lớn của xã hội như thiên tai, dịch bệnh, cách mạng xã hội sẽ khiến cho trật tự thông thường đảo lộn, đẩy cá nhân ra khỏi vòng quay, lề thói cũ mòn thường ngày, làm cho họ sốc và nhận ra được nhiều vấn đề, sự bất hợp lý cần sửa đổi.
Covid-19, vi rút gây bệnh viêm phổi phát sinh ở Vũ Hán (Trung Quốc), với tốc độ lây lan nhanh, đã làm cho đời sống người dân ở nhiều nước trong đó ở Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Những tác động của dịch bệnh này cũng đã làm cho người Việt khựng lại giật mình nhận ra những vấn đề mà trước kia mình đã lãng quên hoặc không quan tâm.
Quan tâm hơn đến sức khỏe và sinh mạng
Chưa cần đến kết quả điều tra xã hội học, chỉ cần quan sát trên mạng xã hội và đời sống thực tế ở các đô thị lớn, người ta sẽ nhận thấy so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát và thông tin dịch bệnh chưa lan truyền rộng rãi, phố phường, các tụ điểm giải trí đông người vắng hẳn.
Ngạc nhiên nữa là sau Tết, các lễ hội ở Việt Nam thường đông kẹt người, cảnh cướp lộc, cướp ấn diễn ra như cơm bữa nhưng năm nay im ắng lạ thường và… cũng chẳng làm sao cả. Hóa ra để “cai” những sự tranh cướp, chen lấn phản văn minh trong lễ hội cũng không có gì là khó.
Một sự lạ nữa là cả các quán nhậu cũng không còn nhộn nhịp. Có lẽ “Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” cùng với nguy cơ lây lan vi rút Covid-19 đã làm cho người dân tự hạn chế các hành động không cần thiết của mình. Khi không còn sa đà vào nhậu nhẹt, nhiều ông bố sẽ về nhà sớm hơn. Trẻ em nghỉ học phòng dịch ở nhà cũng sẽ là dịp để cho các ông bố thực hành chơi cùng con và giúp vợ.
Sự cháy hàng và tăng giá khủng khiếp của khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn cùng hình ảnh người đeo khẩu trang ở các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt trở nên phổ biến nói lên rằng người dân đã lo lắng, bất an cho sức khỏe và sinh mạng của chính mình như thế nào.
- Xem thêm: Ba dự báo về dịch bệnh do COVID-19
Ở đây phải chăng có phải là một sự tương phản khi ta nhớ lại trong cuộc sống thường ngày ngay trước đó người Việt thường bàng quan trước những nguy cơ đe dọa cuộc sống và sức khỏe của mình bằng cái tặc lưỡi “ôi giời, cứ bơ đi mà sống, chết nó có số”. Và dưới tư duy đó, nhiều người Việt vẫn điềm nhiên lái xe khi đã uống rượu, vẫn làm việc và sinh hoạt bất chấp nhiều nguyên tắc an toàn khác.
Báo chí từng công bố kết quả của Bộ công an cho biết từ năm 2009 đến năm 2019 toàn quốc xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Như vậy trung bình mỗi năm có đến gần 1 vạn người chết và hàng chục người bị thương, hàng vạn gia đình trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, ý thức của người dân và các cơ quan, tổ chức, trường học về sinh mạng, về nguy cơ lớn của tai nạn giao thông không có gì đặc biệt? Người dân có nhận thức sâu sắc về điều đó không? Có lẽ không vì con số thương vong không có dấu hiệu giảm. Tại sao? Đấy là một hiện thực đầy mâu thuẫn khiến chúng ta phải suy nghĩ? Phải chăng cách thức truyền thông và thái độ của nhà nước, các cơ quan, trường học đối với nguy cơ đóng vai trò chìa khóa?
Nhận ra những bất hợp lý trong thói quen sinh hoạt
Một trong những biện pháp hiệu quả có tác dụng phòng dịch mà các chuyên gia y tế cũng như Bộ y tế khuyến cáo người dân là “rửa tay” và “đeo khẩu trang”. Đây là việc tưởng như rất đơn giản nhưng đối với người Việt không phải là dễ đặc biệt là ở vùng nông thôn. Tại sao? Đó là bởi vì đây cũng là những biện pháp thông thường có tác dụng ngăn ngừa các căn bệnh truyền nhiễm khác như cúm mùa nhưng người Việt chúng ta lại không để ý và không có thói quen tiến hành.
Khi mới đến Nhật cách đây 10 năm tôi rất ngạc nhiêu khi thấy rất nhiều người Nhật đeo khẩu ở trên các phương tiện giao thông công cộng, công sở, các phòng tiếp công dân, tiếp khách thuộc các cơ quan công quyền. Một số nơi như tòa thị chính, bệnh viện người ta còn đặt ở đó những chai nước sát khuẩn và hộp đựng khẩu trang cho khách dùng khi cần thiết.
Ở Nhật người ta làm như vậy để phòng chứng dị ứng phấn hoa và cúm. Người Nhật bình thường khi không có sự đe dọa của các bệnh hô hấp đặc biệt nguy hiểm như SARS, bệnh viêm phổi do Covid-19 đã rất chú ý phòng ngừa bệnh cúm. Khi bạn bị cúm, cho dù rất coi trọng công việc, doanh nghiệp, trường học Nhật sẵn sàng cho bạn nghỉ để khỏi lây cho đồng nghiệp, bạn bè.
Trái lại, thói quen đeo khẩu trang, đặc biệt là đeo khẩu trang đúng cách, vứt bỏ khẩu trang đúng chỗ ở người Việt không có, trước đó không có ai dạy và hướng dẫn, sách giáo khoa có lẽ cũng không viết. Giờ đây, khi phòng bệnh từ người lớn đến trẻ em sẽ phải được hướng dẫn và học từ mức độ vỡ lòng.
Chuyện rửa tay, vệ sinh miệng cũng tương tự. Bao nhiêu người Việt có thói quen khi về nhà thì rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ và súc miệng? Trong một hội thảo giáo dục tại Hà Nội mà tôi tham gia, một chuyên gia người Nhật của một tổ chức NGO giúp đỡ Việt Nam phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa có nói rằng ở một địa phương nọ, các giáo viên tiểu học đã phải rất vất vả để hình thành cho học sinh thói quen rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh xong. Nhiều người trong hội thảo cười ồ. Tuy nhiên nếu nhìn lại và lặng lẽ quan sát ta sẽ thấy không chỉ có trẻ con. Giữ cho đôi bàn tay sạch sẽ là việc mà không có nhiều người lớn làm được.
Không chỉ là rửa tay, đeo khẩu trang, khi đối mặt với nguy cơ dịch bệnh lây lan và hiểu về cơ chế lây lan của nó người Việt mới mình nhận ra nhiều thứ bất hợp lý khác trong sinh hoạt cá nhân và gia đình như dùng chung khăn mặt, dùng chung nước chấm, dùng đũa riêng để gắp thức ăn chung, gắp thức ăn cho nhau khi ăn và nhiều thói quen mất vệ sinh khác.
- Xem thêm: COVID-19 chiếm lấy mô phổi ra sao?
Những thói quen này tồn tại từ rất lâu và khi có đông người làm theo, nó được mặc nhiên coi là đúng. Sẽ cần đến thời gian để sửa đổi dần dần nhưng Covid-19 đã làm cho người Việt giật mình nhận ra nó như một vấn đề thay vì coi nó như một chuyện đương nhiên.
Chú ý đến vệ sinh chung
Cách đây mấy ngày, trước cầu thang khu chung cư nơi tôi sống bỗng xuất hiện một lọ nước sát khuẩn tay. Nhân viên vệ sinh khu chung cư cũng làm việc tích cực hơn, lau chùi cả cầu thang máy và các lan can.
Có lẽ ở các khu chung cư khác cũng như vậy. Ở những khu công cộng khác, khi quan sát tôi cũng thấy việc vệ sinh được chú trọng hơn. Trường học, khi học sinh nghỉ để phòng dịch, cũng tiến hành vệ sinh tổng thể, phun thuốc khử trùng. Thậm chí trong một động thái gần đây có quan chức y tế còn tuyên bố hành vi ném bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định còn bị phạt hành chính lên đến 7 triệu đồng.
Tất cả những việc làm trên là để phòng dịch viêm phổi do vi rút Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, nghĩ kĩ ta sẽ thấy lẽ tất cả những việc đó lẽ ra phải được thực hiện từ lâu và thường xuyên như một chuyện đương nhiên.
Nếu là người có trải nghiệm sống ở nước ngoài, người ta sẽ có một sự so sánh “không hề nhẹ” (cho dù có người chỉ dám ngấm ngầm so sánh) giữa vệ sinh công cộng của Việt Nam và thế giới. Ở ta, những nơi có vệ sinh tệ nhất (cho dù lẽ ra không phải như vậy) là những nơi thuộc về “công cộng” như “nhà vệ sinh công cộng”, ga tàu, bến xe, công viên, bãi rác, đường phố, ao làng, sông ngòi…
Nếu ai đó nghi ngờ hãy thử nhìn ra xung quanh xem có bao nhiêu con sông đã và đang bị bức tử (hoặc đã qua đời), bao nhiêu ao làng đã trở thành bể phốt chứa phân lợn, bao nhiêu bãi rác đang bốc mùi, bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng không nước, không giấy và ngập ngụa phân, nước tiểu, giấy rác… Bao nhiêu địa phương có quy chế yêu cầu người dân phải phân loại rác trước khi ném và xử lý rác hợp lý, khoa học?
Trong dịch bệnh, những điểm mạnh và điểm yếu của quốc gia – xã hội và cá nhân người dân sẽ lộ rõ. Năng lực của quốc gia và năng lực của từng công dân sẽ bị thử thách ở nhiều phương diện.
Thậm chí, xem xét kĩ hơn ta sẽ thấy ngay ở trong các cơ quan, công sở, trường học, tình trạng uống chung cốc, chén và không vệ sinh đúng cách cốc, chén sau khi người khác đã dùng không phải là cá biệt. Khi dịch bệnh bùng phát, nhiều phụ huynh đã giật mình khi nhận ra bấy lâu con mình ở trường vẫn uống chung cốc uống nước cùng các bạn.
Khi không gian công cộng bị ô nhiễm, khó có thể nói công dân có sinh hoạt thoải mái và sức khỏe được bảo đảm. Việc nhận ra sự bất hợp lý trong vệ sinh công cộng nói trên sẽ là bước khởi đầu cho xây dựng không gian chung sạch, đẹp. Lay chuyển nhận thức công dân về các vấn đề chung là việc làm khó khăn. Đây là dịp tốt để tất cả cùng suy ngẫm về điều đó.
Mơ ước và xây dựng xã hội tốt đẹp hơn
Cuối cùng, trước nguy cơ dịch bệnh, từ quan chức, cán bộ đến người dân có dịp suy nghĩ sâu hơn về số phận của cá nhân và số phận của cộng đồng. Sự tấn công của “kẻ địch vô hình” Covid-19 bất chấp địa vị xã hội, tài sản, nghề nghiệp của nạn nhân đã khiến cho nhiều người phải suy ngẫm. Hạnh phúc, sự yên ổn của đời sống cá nhân hóa ra gắn bó rất mật thiết với sự an nguy của cộng cồng. Người ta sẽ không thể nào yên ổn và có hạnh phúc cá nhân đúng nghĩa khi cộng đồng mà họ đang sống, đang là thành viên phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng. Nếu dịch bệnh lây lan trên diện rộng những người giàu, người có vị trí, người có nghề nghiệp đem lại thu nhập và vị thế tốt cũng sẽ là nạn nhân.
Nhận thức nguy cơ này sẽ thúc đẩy các cá nhân chia sẻ và hành động có trách nhiệm hơn, hướng tới xây dựng cộng đồng ngày một tốt đẹp. Đây chính là một nội dung quan trọng của phẩm chất – ý thức công dân mà các nền giáo dục tiên tiến rất coi trọng nhưng ở Việt Nam nó bị chìm lấp, lãng quên.
Trong cuộc sống thường ngày và sống trong bầu không khí xã hội quẩn quanh, người ta bị giới hạn ý nghĩ xung quanh những lợi ích của cá nhân, gia đình trước mắt và nặng về vật chất. Người ta chỉ chăm lo cho tổ ấm của riêng mình và “không quan tâm tới việc của xã hội”. Tuy nhiên, dịch bệnh lần này, như chúng ta đang chứng kiến ở Trung Quốc, là một sự thử thách toàn diện đối với nhà nước – quốc gia. Trong dịch bệnh, những điểm mạnh và điểm yếu của quốc gia – xã hội và cá nhân người dân sẽ lộ rõ. Năng lực của quốc gia và năng lực của từng công dân sẽ bị thử thách ở nhiều phương diện.
Những gì ở nước Nhật năm 2011 khi họ gánh chịu thảm họa động đất, sóng thần, rò rỉ phóng xạ là một tham khảo thực chứng, sống động. Trong nguy nan, những người có trách nhiệm vẫn không bỏ cuộc, người dân vẫn nhẫn nại xếp hàng và chia sẻ vật chất cho nhau. Trong khi ở Trung Quốc đã diễn ra tình trạng tranh cướp khẩu trang và ở Việt Nam diễn ra tình trạng bán khẩu trang với giá “cắt cổ”.
Đấy là dấu hiệu cảnh báo nghiêm khắc tất cả người Việt chúng ta bất chấp địa vị của mỗi người. Nó nhắc nhở người Việt rằng cần phải thay đổi tận gốc tư duy về lợi ích, về hạnh phúc, về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng và cả những nguy cơ đe dọa cuộc sống của cá nhân mình để cùng nhau xây dựng nên một xã hội tốt đẹp hơn.