“Rau là thuốc. Nước là máu”. Khẩu hiệu thường thấy trên quần đảo Trường Sa. Có dịp được đặt chân lên các hòn đảo “phên giậu” của Tổ quốc, người ta mới thấm thía ý nghĩa khẩu hiệu tưởng rằng quá xa lạ với đất liền này. Trên nhiều đảo, mà khắc nghiệt nhất là các đảo san hô chìm, nước là thứ cực kỳ quý hiếm chỉ biết trông đợi vào trời mưa và tàu tiếp tế.“Vòng đời” một ca nước được khởi đầu chắt chiu từ mái tóc người lính chảy xuống đến chân, rồi lại tiếp tục được tận dụng để rửa ráy và cuối cùng là… tưới rau. Thậm chí, nước đã uống vào bụng người lính, sau đó cũng sẽ được tái sử dụng để làm “phân bón lỏng” cho rau.
Chính vì vậy, việc trồng rau xanh trên đảo là cực kỳ quan trọng và khó khăn. Mùa mưa bão, biển động thì nước biển tạt hư rau. Còn mùa nắng phải tiết kiệm từng giọt nước. Có thể khẳng định mỗi người lính Trường Sa đều là một kỹ sư canh nông tài ba và cực kỳ cần cù khi có thể trồng được rau trên bất cứ đâu từ cát khô, sỏi đá, thùng nhựa đến mũ cối, nồi, chậu, góc lô cốt chênh vênh giữa biển. Khi phong ba kéo đến, sóng gió đánh lên đảo, họ sẵn sàng phơi thân chịu ướt lạnh, để dùng áo mưa, tấm bạt che chắn nước mặn cho từng cây rau, từng tán xanh quý giá như giữa biển xa.
Khách đất liền có ra Trường Sa thân thương, có vật vã với sóng gió và mệt nhoài với nắng nóng thiêu đốt, mới thật sự thấu hiểu việc tạo dựng và bảo vệ được sức sống màu xanh trên đảo cũng chính là chiến công thầm lặng của chiến sĩ Trường Sa.
[custom_gallery style=”1″ source=”post” link=”image” description=”0″ size=”170×170″ limit=”20″]Quốc Minh