Tú Làn Adventure Race là thử thách dành cho những người yêu thiên nhiên, thích khám phá tại “vương quốc hang động” Quảng Bình. Đây là năm thứ 3 thử thách này diễn ra, thu hút 100 vận động viên của mười đội tranh tài. Ngoài ý nghĩa về mặt thể thao, chinh phục thử thách, cuộc thi còn là cơ hội để mọi người quảng bá vẻ đẹp du lịch Quảng Bình và kêu gọi cộng đồng chung tay quyên góp làm nhà nổi chống lũ để tặng bà con vùng rốn lũ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa. Điều đặc biệt là tỷ lệ phái đẹp chiếm khá cao ở cuộc đua này (37%), chứng tỏ phụ nữ, dù trẻ hay đã có tuổi, đều mong được trải nghiệm, khám phá bản thân, hướng tới một cuộc sống năng động, tích cực. Xin giới thiệu với độc giả ý kiến của vài gương mặt nữ điển hình đăng ký tham dự Tú Làn Adventure Race 2017.
Chị Trần Thị Hạnh Dung – Công ty Bảo hiểm AIG
“Tôi vốn là người yêu thích tập yoga và cardio. Để chuẩn bị vượt qua thử thách mới, tôi cũng phải tập nhiều bài tập cơ vai, leo núi và chèo thuyền. Đội chúng tôi có tên là VCL, mang nghĩa “vô cùng liều, vô cùng lầy”. Vì kiểu chèo của thuyền kayak rất khác với thuyền gỗ nên chúng tôi không thể tập với kayak, mà phải đến tận Bến Tre, tìm đúng thuyền gỗ có năm tay chèo như thực tế để tập.
Đội chúng tôi toàn dân văn phòng, ngày làm việc đủ tám giờ. Hết việc công ty đến việc gia đình khiến chúng tôi không có nhiều thời gian. Hằng ngày, tôi tranh thủ dậy sớm, tập luyện từ 6 giờ sáng, trong vòng một giờ. Đến cuối tuần, tôi cùng các thành viên trong đội gặp nhau tập chung, qua đó vừa biết thực lực, vừa hiểu tính cách của nhau để có thể phối hợp ăn ý. Tham gia Tú Làn Adventure Race, để đi được đến đích, mọi người phải phối hợp ăn ý, gạt bỏ mọi cái tôi để vì cái chung. Bạn sẽ không phải hối hận khi tham gia bởi nó vừa có tính giải trí cao có cơ hội trải nghiệm thực tế làm việc nhóm.
Với những người không thường xuyên luyện tập thì đây là thử thách không hề đơn giản. Tôi và các đồng đội với độ tuổi trung bình trên 40 hầu hết đều có tiền sử chấn thương đầu gối nên gặp không ít khó khăn khi phải chạy trong đường rừng có nhiều đoạn lên dốc, xuống dốc. Điều quan trọng là chiến thuật và khả năng làm việc nhóm như thế nào. Tú Làn Adventure Race cho thấy sức mạnh không phải là tất cả. Chính sự ăn ý, thấu hiểu nhau, cách phối hợp đồng đội trên đường đua để rồi cùng nhau hưởng thành quả mới là yếu tố mấu chốt. Điều này cũng tương tự như khi bạn quản lý công việc vậy. Những thử thách như thế giúp chúng tôi xả stress, được tạm thời thoát khỏi công việc. Thành tích chỉ là chuyện phụ mà sự trải nghiệm ở nơi tuyệt vời như “vương quốc hang động” Quảng Bình mới là quan trọng.
Tôi có ấn tượng về năng lực tổ chức chuyên nghiệp khi giải có nhiều thành phần tham gia trong một không gian rộng lớn. Thử thách này không hẳn chỉ dành cho các vận động viên chuyên nghiệp, mà dân nghiệp dư như chúng tôi cũng tham gia cạnh tranh được. Nếu có cơ hội, bạn nên tham gia để mở rộng thế giới quan, để biết giới hạn của bản thân và cách vượt qua giới hạn ấy”.
Chị Hoàng Thị Bích Hà – Phó giám đốc tại Grab
“Hồi trẻ, tôi chơi khá nhiều môn thể thao như cầu lông, đá banh, bơi lội. Sau này, khi đã đi làm, tôi vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động thể thao cùng đồng nghiệp. Đây là mùa giải Tú Làn Adventure Race thứ hai tôi đăng ký tham gia. Điều ngẫu nhiên là cả hai lần tôi đều tham gia vào hai đội đúng phút chót do có người bận hoặc ốm, không thể tham dự được. Năm ngoái, tôi thuộc loại “điếc không sợ súng” khi tham gia vào đội mạnh nhất là Hunter. Một phụ nữ “bánh bèo” không biết nhiều thông tin về giải bỗng dưng được tham gia vào đội mạnh nhất, gồm toàn những người có cá tính mạnh mẽ và rất nhiều kinh nghiệm chạy địa hình hay chơi ba môn phối hợp. Tôi đã lê lết ở đoạn cuối, phải nhờ hai đồng đội xốc nách để dìu về đích. Sau giải, tôi quyết tâm tập luyện để tham gia mùa kế tiếp nhằm cải thiện năng lực và hình ảnh của mình.
Từ một người chạy không nổi 200m, tôi dần dần chạy được 2km, rồi 5km. Đến nay, mỗi ngày tôi có thể chạy trung bình 10km. Cuối tháng 9 năm ngoái, tôi đã tham gia giải Vietnam Mountain Marathon cự ly 21km. Công việc hiện tại của tôi chiếm phần lớn thời gian trong ngày nên dành thời gian để tập luyện không được bao nhiêu, càng khó để tập chung cùng các đồng đội trong đội 10 Shades of Awesome. Cho nên mỗi khi rảnh rang một chút là tôi tận dụng để tập thể lực. Tôi cố gắng dậy sớm chạy bộ. Khi con đi học thì mẹ ra công viên tập luyện. Ở công ty, tôi leo thang bộ chứ không đi thang máy. Ở nhà, việc tích cực lau chùi, dọn dẹp cũng là một cách để tôi vận động. Nhờ đó, trong quá trình đua, tôi không còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí còn thường xuyên động viên các đồng đội nữ chưa có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi hỗ trợ nhau khi lực nước mạnh, tránh cho thuyền không bị chạm đá ngầm, nói chung là kiểm soát không để thuyền gặp sự cố.
Tú Làn Adventure Race là một sân chơi bổ ích, rất phù hợp với những người yêu thiên nhiên, thích khám phá. Người chơi ai cũng muốn giành phần thắng nhưng vẫn rất fair play, vẫn chìa tay ra giúp đỡ nhau kể cả khi phải cạnh tranh trực tiếp. Ban tổ chức rất chuyên nghiệp, chu đáo, bảo đảm cho các vận động viên an toàn trong suốt những ngày diễn ra cuộc thi.
Tôi rất bận rộn với công việc, nhiều khi bị stress. Thể thao giúp tôi cân bằng cuộc sống. Một người gần 50 tuổi như tôi mà tham gia những cuộc đua “hành xác” như thế không phải vì thành tích, mà vì cần theo đuổi mục tiêu để tập luyện hằng ngày. Sức khỏe là tất cả. Thử thách này cũng là điều giúp tôi có được thể trạng tốt và chiến thắng chính bản thân. Thể thao kết nối mọi người dễ dàng. Người chơi thể thao trở nên tự tin, độc lập hơn, nhất là phụ nữ. Tháng 9 tới, tôi sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi Vietnam Mountain Marathon để chinh phục cự ly marathon 42km”.
Chị Lê Diệu Linh – Giám đốc Công ty Mực in Opal
“Mỗi ngày ai cũng có 24 giờ như nhau và chúng ta dành thời gian cho những việc mà mình cho là quan trọng. Ở lứa tuổi tôi, sức khỏe là vô cùng quan trọng nên tôi đã đầu tư rất nhiều vào rèn luyện thể thao thay vì… uống thuốc bổ! Để làm được điều này, tôi đã xây dựng một lớp lãnh đạo cấp trung thạo việc, giao quyền tự quyết các công việc hằng ngày cho họ. Khi quá khó khăn thì họ mới phải xin ý kiến của tôi. Tuy vậy, tối nào về tôi cũng phải xem khoảng 100 email, đọc báo cáo và rà soát số liệu. Con cái tôi lớn hết rồi nên tôi không còn chịu nhiều áp lực trong việc gia đình.
Những môn thể thao tưởng như chỉ dành cho phái mạnh như Tú Làn Adventure Race vẫn thích hợp với phụ nữ. Những thử thách tại đó không chỉ cần cơ bắp khỏe khoắn, mà còn đòi hỏi ý chí, nghị lực luyện tập vượt khó. Tôi cảm thấy rất tự hào về bản thân khi tham dự cuộc thi Tú Làn Adventure Race. Đây là một kỷ niệm rất đẹp trong đời tôi. Tôi đã trải qua những thời điểm khó khăn khó quên. Lúc đội 6789 của chúng tôi đua thuyền xong và lên bờ, gió thổi lồng lộng, trời thì mưa, quần áo ướt đẫm, ai cũng lạnh run người mà vẫn thấy sung sướng. Bên cạnh yếu tố thử thách, cuộc thi mang lại sự thân thiện giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Tôi e năm sau sẽ rất khó có thể đăng ký tham gia được. Nhưng biết đâu, điều kiện đưa ra sẽ được nâng lên, chẳng hạn mỗi đội tặng năm căn nhà nổi chống lũ cho bà con để được vào thẳng!
Nếu được tham gia Tú Làn Adventure Race lần nữa hay đến với các cuộc thi tương tự, tôi sẽ chú trọng vào vấn đề thành lập đội. Các thành viên trong đội phải tương đương về sức khỏe. Mục tiêu đua phải rõ ràng vì có một số bạn và một số đội chỉ tham gia cho vui. Kế hoạch luyện tập phải được tuân thủ chặt chẽ. Tôi muốn đã thi thì phải tranh đua lành mạnh, phải có người chiến thắng. Mình thua thì cũng rõ đối thủ của mình mạnh đến đâu. Trong những thử thách như Tú Làn Adventure Race, tôi được tiếp xúc với nhiều bạn rất trẻ và nhờ đó, tôi cảm thấy lạc quan, giàu sức sống, trẻ trung, phía trước còn rất nhiều thứ để trải nghiệm. Thể thao còn rèn luyện cho tôi tính kỷ luật cũng như nghị lực quyết tâm vượt khó.
Tôi nghĩ nếu có điều kiện, các công ty nên lập đội cho nhân viên tham gia cuộc thi này vì qua đó, mọi người sẽ học được tính kỷ luật, sự bền bỉ và tinh thần đồng đội. Bên cạnh đó, mọi người còn chung tay hỗ trợ cho đồng bào bị lũ lụt ở Quảng Bình một cách hữu hiệu qua những căn nhà nổi chống lũ”.
- Đạt Nguyễn