Hơn 10.000 thí sinh từ hơn 300 trường ĐH trên cả nước đã tham gia vào cuộc thi Talent Generation 2018 – hành trình “Nâng tầm người Việt trẻ” của Trung tâm UNESCO Văn hóa Giáo dục và Đào tạo (UNESCO-CEP). “Chúng tôi muốn mang đến nhiều cơ hội phát triển kỹ năng cho người trẻ, nâng tầm thương hiệu Việt trên bản đồ thế giới và hy vọng rằng có thể thay đổi góc nhìn của thế giới về năng lực của người Việt trẻ”, anh Phạm Hồng Anh, Giám đốc Talent Generation 2018, cho biết.
Trong buổi tổng kết cuộc thi Talent Generation 2018 vào trung tuần tháng 12 vừa qua, anh Phạm Hồng Anh và anh Lê Đình Hiếu, cố vấn học thuật Trung tâm UNESCO-CEP, CEO Học viện G.A.P đã chia sẻ về nguồn lao động trẻ Việt Nam hiện nay.
Anh đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực trẻ Việt Nam hiện nay?
Phạm Hồng Anh: Theo báo cáo mới nhất về Chỉ số cạnh tranh năng lực toàn cầu (GTCI) do Viện INSEAD phối hợp với Tập đoàn đào tạo nhân lực Adecco thực hiện, Việt Nam đứng ở vị trí 87 trên 119 quốc gia, thấp hơn cả Rwanda – nước yếu kém hơn về năng lực kinh tế, thậm chí kém xa nước láng giềng có năng lực kinh tế tương đương là Thái Lan (70). Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, hằng năm Việt Nam thừa khoảng 30.000 cử nhân tài chính – ngân hàng, thế nhưng ngành ngân hàng vẫn luôn thiếu nhân sự do hầu hết ứng viên không đáp ứng được chất lượng, tiêu chuẩn.
Còn theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (Falmi) thì khi hội nhập vào cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC, người lao động Việt Nam bị đánh giá là yếu kém về kỹ năng mềm như giao tiếp, ngoại ngữ, khả năng chịu đựng áp lực kém và khó thích nghi với cường độ làm việc cao. Tóm lại, năng lực cạnh tranh của nguồn lao động trẻ Việt Nam bị đánh giá thấp không phải ở chuyên môn, mà chủ yếu đến từ sự chuyên nghiệp, khả năng giao tiếp, khả năng kết nối và quan trọng hơn hết là các kỹ năng tư duy.
Lê Đình Hiếu: Một tín hiệu đáng mừng là qua cuộc thi Talent Generation 2018, chúng tôi nhận thấy khao khát của SV Việt Nam trong việc “nhận biết chính bản thân mình đang ở đâu và sẵn sàng như thế nào trong thị trường lao động đầy thử thách”. Nó thể hiện ở việc Talent Generation là một cuộc thi “khó nhằn”, nhưng có đến 10.000 SV tham gia, một con số đáng ngạc nhiên! Cũng qua tiếp xúc hàng chục ngàn bạn trẻ tại các sự kiện và các kênh truyền thông xã hội, chúng tôi thấy rất rõ thế hệ SV hiện nay thật sự khao khát muốn hiểu và khẳng định bản thân mình.
- Xem thêm: Cách nào khai phá năng lực người trẻ?
Đây có thể xem là điểm mạnh của SV không?
Phạm Hồng Anh: Đây là điểm mạnh của SV, nhưng đồng thời cũng cho thấy một điểm yếu của chương trình đào tạo đại học, các bạn SV chỉ được trang bị hành trang học thuật và lý thuyết, nhưng lại chưa có cơ hội thấu hiểu về bản thân cũng như không chuẩn bị tốt cho những công việc thực tế.
Lê Đình Hiếu: Đúng vậy. Ngoài ra, chỉ số về trí tuệ cảm xúc của SV Việt Nam không cao, chỉ đạt 3,27/10. Tuy mẫu khảo sát chỉ tiến hành trên 2.000 SV, nhưng đây là một điều đáng suy ngẫm. Phải chăng nền giáo dục của chúng ta chưa tạo điều kiện để phát triển các chỉ số về trí tuệ cảm xúc của người Việt trẻ?
Phạm Hồng Anh: Thật may, qua phân tích các chỉ số đánh giá khác, SV Việt Nam có trình độ tiếng Anh tương đối tốt so với các nước châu Á xung quanh. Các kỹ năng tư duy khác như IQ, tư duy ngôn ngữ… cũng tương đối tốt. Năng lực tiếng Anh, tư duy ngôn ngữ và trí tuệ cảm xúc là ba trong số 10 kỹ năng cốt lõi đánh giá thí sinh tại cuộc thi Talent Generation. Mười kỹ năng này cũng nằm trong Nhóm các kỹ năng của người lao động toàn cầu trong thời đại 4.0 được nghiên cứu và đề xuất từ báo cáo The Future of Jobs của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2016.
Thứ nhất, tiếng Anh chắc chắn là kỹ năng không thể thiếu trong quá trình học tập, nghiên cứu, lao động, hội nhập… Thứ hai, kỹ năng tư duy ngôn ngữ là một trong những thành tố quan trọng của năng lực tư duy cao cấp, không thể thiếu trong môi trường làm việc với thông tin đa chiều, vì nó giúp phân tích, kết nối và diễn giải vấn đề hiệu quả, từ đó đạt được hiệu quả trong làm việc nhóm. Trong khi đó, trí thông minh cảm xúc được coi là “phẩm chất của nhà lãnh đạo” vì nó liên quan đến việc kiềm chế và kiểm soát cảm xúc của bản thân và người xung quanh, từ đó dẫn đến năng lực điều tiết ngôn ngữ và cảm xúc, khả năng lắng nghe, chia sẻ, khả năng dẫn dắt, thuyết phục và thương lượng.
Các kỹ năng trên cũng rất quan trọng đối với bạn trẻ muốn ứng tuyển vào các doanh nghiệp toàn cầu hoặc doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài…
Lê Đình Hiếu: Đa số SV giỏi ra trường thường hay muốn thử sức mình với các doanh nghiệp đa quốc gia, có yếu tố nước ngoài vì muốn có mức đãi ngộ tốt, cơ hội được đào tạo và lộ trình thăng tiến tốt hơn và môi trường làm việc chuyên nghiệp và đổi mới hơn. Tuy nhiên, trong khoảng năm năm gần đây, các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam như Masan, Vinamilk, Techcombank, VinGroup đã dần khẳng định được tên tuổi và đã liên tục gặt hái được nhiều thành công không chỉ trong sản xuất, kinh doanh, mà cả trong lĩnh vực nhân sự và phát triển tài năng.
Chẳng hạn như trong giải thưởng Vietnam HR Award 2018, Ngân hàng Techcombank đã có ba giải thưởng quan trọng là: Chiến lược nhân sự xuất sắc, Hoạch định và tuyển dụng nguồn nhân lực hiệu quả, Quản lý nhân tài hiệu quả. Hay trong danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017 do mạng nghề nghiệp Anphabe thực hiện, Vinamilk đã lên vị trí dẫn đầu, soán ngôi Unilever. Điều này chứng tỏ cơ hội nghề nghiệp tại các tập đoàn kinh tế trong nước cũng hấp dẫn không kém, thậm chí là một mảnh đất màu mỡ để nhân tài Việt phát triển. Do đó, ban tổ chức Talent Generation 2018 cũng mong muốn thông qua chương trình đem được những thông tin bổ ích về các cơ hội này đến nhiều SV hơn.
Được biết, SV xuất sắc của cuộc thi sẽ được tham gia chuyến học tập tại Singapore, các bạn đó sẽ có thể học hỏi được gì từ chuyến đi?
Phạm Hồng Anh: Singapore là một trong những trung tâm của thế giới về thương mại, tài chính cũng như công nghệ, cũng là nơi mà nhân tài cả thế giới đổ về làm việc. Với chuyến học tập tại đảo quốc này, chúng tôi có ba kỳ vọng dành cho các SV. Đầu tiên, chúng tôi mong các bạn trẻ học tập được tinh thần nghiêm túc, chuyên nghiệp và nhiệt huyết với công việc của những con người nơi đây. Hy vọng các bạn sẽ lắng nghe, học hỏi và rút ra những bài học cho bản thân từ những trải nghiệm sâu sắc của các chuyên gia, những nhà giáo dục, và cả những bạn học sinh, SV đồng trang lứa.
Chúng tôi mong các SV hiểu rằng ở bất kỳ cấp độ nào từ nhân viên mới đến lãnh đạo, chỉ có tinh thần miệt mài làm việc, cống hiến và học hỏi mới giúp các bạn vươn lên chứ không phải chỉ là những tấm bằng “hữu danh vô thực”. Thứ hai, chúng tôi muốn các SV học tập tinh thần dũng cảm, dám thử và dám thất bại. Mỗi con người mà các bạn gặp ở đó đều là tấm gương của tinh thần sẵn sàng thử thách bản thân, chấp nhận cái mới và tin vào những lựa chọn của mình. Quan trọng hơn, họ sẵn sàng chấp nhận thất bại và không lùi bước cho đến khi hiện thực hóa được lý tưởng của mình.
Cuối cùng, chúng tôi muốn các SV được mở rộng tầm mắt và được tiếp xúc gần gũi đến những đỉnh cao về trí thức, công nghệ của nhân loại. Đây sẽ là “liều thuốc” kích thích tinh thần rất lớn, khơi gợi những ước mơ thầm kín và hun đúc ý chí sẵn sàng vươn lên của các bạn. Đó cũng là những gì mà Talent Generation mong mỏi xây dựng được cho thế hệ trẻ Việt Nam mai sau.
Cảm ơn các anh về những thông tin trên.