Một vấn đề được nhiều người dân và doanh nghiệp quan tâm là Bộ Thông tin và Truyền thông tới đây sẽ quy hoạch lại kho số viễn thông, đổi mã vùng của cuộc gọi điện thoại cố định.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, thay đổi lớn nhất là quy hoạch lại mã vùng (phục vụ các cuộc gọi cố định khi gọi đường dài). Cả nước hiện có 63 vùng điện thoại cố định, sau quy hoạch sẽ sắp xếp lại số vùng theo địa bàn hành chính để trong tương lai gần sẽ còn 10 vùng và cuối cùng cả Việt Nam sẽ chỉ còn một vùng. Sau khi sắp xếp lại mã vùng, mã vùng thừa ra sẽ được dùng cho mã mạng di động và từ kho số mới này có cơ hội để chuyển tất cả các thuê bao di động đang từ đầu 11 số thành đầu 10 số. Thuê bao 11 số trước đây sẽ được giữ lại bảy số cuối. Ví dụ, thuê bao 11 số với đầu mã 0126, sau đó là dãy bảy số thuê bao, thì chỉ thay đổi ba số đầu thành 126.
Như vậy, những đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở khối cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức thường sử dụng điện thoại cố định để gọi đường dài và những chủ thuê bao 11 số. Ông Lê Nam Thắng cho rằng người dân và doanh nghiệp không nên lo lắng vì ngày 1-3 là thời điểm có hiệu lực của quy hoạch chứ không phải tất cả nội dung quy hoạch bắt đầu phải có hiệu lực ngay. Quy hoạch để có định hướng trong 20-30 năm, thậm chí 50 năm tới. Việc đổi mã vùng sẽ làm trong nhiều giai đoạn, theo từng khu vực, mỗi khu vực có thể kéo dài nhiều tháng. Việc thay đổi sẽ diễn ra trong thời gian rất dài và nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sẽ được thông báo trước 60 ngày lộ trình cụ thể để thực hiện, bảo đảm có thời gian thay đổi các số thuê bao, các mối quan hệ, liên hệ với các đối tác khác. Trong thời gian đổi mã số dịch vụ, người dân, tổ chức, doanh nghiệp không phải đến đăng ký lại hoặc làm các thủ tục, giấy tờ vì các hệ thống kỹ thuật sẽ lập trình song song cả số mới và số cũ. Trong một thời gian nhất định, khoảng vài tháng, gọi số mới hay số cũ đều được.
Dĩ nhiên, việc thay đổi này đem lại điều tích cực cho quy hoạch tổng thể, nguồn tài nguyên viễn thông của đất nước, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có thông tin bị thay đổi. Khi ấy, tất cả số điện thoại của cá nhân, doanh nghiệp in trên bảng hiệu, namecard, bao bì, bảng quảng cáo, nhãn mác,… sẽ phải thay đổi, gây phiền toái và tốn kém. Nếu ngay từ đầu, những nhà làm quy hoạch tính toán cho một tổng thể dài hạn, thì người dân và xã hội sẽ ít phải chịu những xáo trộn như vậy.
Nguyễn Thắng (DNSGCT)