Lũ chúng tôi sinh năm 1962, cầm tinh con cọp. Năm 2022 là tròn một hoa giáp, “tung tăng” và “tung hoành” sáu thập niên. Nói như cụ Thế Lữ, những chú cọp “lục tuần” giờ đây – không biết mình đang trong hay ngoài “cũi sắt” gia đình, đều đã đến lúc “trông ngày tháng dần qua”. Cũng là lúc ngẫm xem những phút giây thăng hoa và khắc khoải, buồn vui “theo vận nước nổi trôi” (Phạm Duy)…
Có lần tôi nhận được quà sinh nhật rất bất ngờ là một dĩa CD, gồm những bài hát nổi tiếng khai sinh trong năm 1962. Trong đấy, có giai điệu khởi đầu bằng một phát súng ngắn đanh gọn để rồi vang lên tiết tấu hồi hộp và ngang tàng, mở đầu cho loạt phim James Bond. Ôi những năm 60 thế kỷ trước chính là thập niên tràn đầy những cuộc đuổi bắt sinh tử Âu Mỹ cho đến tận Việt Nam. Khởi đầu là vụ Liên Xô bắn rơi máy bay trinh sát U2 của CIA vào năm 1960. Kế đến, bức tường Berlin dựng lên năm 1961, biểu tượng chia cắt Đông Đức và Tây Đức.
Và đúng vào năm Nhâm Dần 1962, Mỹ phát hiện tên lửa Liên Xô đặt ở Cuba. Cả thế giới hoảng sợ vì hai siêu cường có thể “choảng nhau” bằng bom nguyên tử bất cứ lúc nào.
Thập niên 1960 – hồi hộp trong binh lửa
Thế nhưng “chiến tranh lạnh” chỉ diễn ra ở Âu Mỹ còn “chiến tranh nóng” thực sự thì bùng nổ ở những nước “nhược tiểu”. Ở Việt Nam, hòa bình chưa được mấy năm, binh lửa đã trở lại. Mẹ tôi nhớ gần ngày sanh tôi có “vụ ném lựu đạn” trước “tòa đô chánh” Sài Gòn làm người dân rất lo âu. Đó là ngày 26.10.1962, vụ nổ làm chết 7 người và bị thương 29 người khác (1). Chỉ hơn một năm sau, ngày 1.11.1963, xảy ra cuộc đảo chính đẩm máu, lật đổ hai anh em Diệm – Nhu. Sang năm 1964, miền Bắc bắt đầu hứng bom Mỹ. Đến tháng 4.1965, chiến tranh Việt Nam leo thang, quân Mỹ và đồng minh rần rần đổ bộ vào miền Nam. Đất nước một lần nữa nằm giữa “những gọng kềm của lịch sử” bi ai.
Tuy nhiên, lũ nhóc chúng tôi là con nít thành thị, thuở bé xíu chưa biết “mùi” chiến tranh. Chỉ đến Tết Mậu Thân 1968, lần đầu tiên, các “nhóc tì” mới tròn xoe đôi mắt, ngơ ngác trông thấy cảnh bom đạn diễn ra trong thành phố. Gần nhà tôi, ở khu Bàn Cờ, quận Ba, cả một xóm nhà lá có tên là “Vườn Bà Lớn” bị thiêu rụi hoàn toàn. Ngày nay, xem lại những bức ảnh nhà cửa đổ nát ở Sài Gòn và nhất là Huế, tôi đều không khỏi rùng mình. Sau cái Tết đấy, mỗi lần Xuân về, con nít miền Nam mất thú vui xem đốt pháo. Còn người lớn thì luôn bất an với câu hỏi: Liệu Tết Mậu Thân có tái diễn? Bao giờ có hòa bình, bao giờ có ngưng chiến?
Thập niên 1970 – nửa này, nửa kia tương khắc
Giữa những điều may mắn mong manh, bọn nhóc 6X vẫn hồn nhiên cắp sách đến trường. Được xem tivi, biết cải lương với Bạch Tuyết – Hùng Cường, biết cả Bat Man và phim cao bồi Wild Will West trên truyền hình Mỹ. Học trò ngày ấy “tắm mình” trong Tâm hồn cao thượng, văn Khái Hưng, Nhất Linh và Thạch Lam, “nô đùa” cùng Lucky Luke, Phan Tân – Sĩ Phú và tận hưởng những trang báo Thiếu nhi, Tuổi Hoa (2). Song, đến cái Tết con Cọp 1974, bọn nhỏ cũng nhận ra Sài Gòn đã “khang khác”. Quân Mỹ và đồng minh rút đi, vật giá gia tăng mà tiếng súng chiến tranh vẫn rộ.
Đến cái Tết con Mèo 1975, ngay sau sự kiện Phước Long “thất thủ”, không khí Sài Gòn trở nên trầm buồn. Chẳng mấy chốc, vào tháng Ba, cả Cao Nguyên ùn ùn “di tản”. Người miền Trung “chạy loạn” đổ về đô thành đông nghịt. Tin tức và hình ảnh về những “đại lộ kinh hoàng” – cái từ xuất hiện trong “mùa hè đỏ lửa 1972”, trở lại cả trên bộ và trên biển. Thế rồi, “Việt Cộng” tiến nhanh quá, đến phiên Sài Gòn “di tản” tiếp. Nhiều người, nhiều gia đình hoảng loạn chạy ra biển, chạy lên trời. Đêm 29.4, thằng bé 13 tuổi nhìn thấy bầu trời thành phố đầy những chiếc trực thăng bay tới bay lui mà lòng rung lên cái cảm giác biệt ly chưa từng có.
Ngày 30.4, thằng bé bị mẹ giữ trong nhà, cầm sẵn cái bị và túi xách để chạy nhưng cũng chẳng biết chạy đi đâu. Trưa hôm ấy, khi lệnh đầu hàng được loan ra trên đài phát thanh, cả nhà run rẩy chưa biết điều gì sẽ xảy đến. Sáng hôm sau, thằng bé bước ra đường, thấy quần áo lính và xe pháo vương vãi, thấy “bộ đội giải phóng” áo xanh áo đen, khăn rằn đủ kiểu, cầm AK có mặt khắp nơi, đầy lạ lẫm. Bà bác hơn 60 tuổi nói với con cháu: “Đổi đời rồi!”. Thằng bé ngơ ngác, mãi những năm sau đấy nó mới hiểu được chữ của người lớn bằng chính những tháng ngày xáo trộn hoàn toàn cuộc sống.
Sau những ngày mít tinh, diễu hành rộn ràng, dân Sài Gòn thôi “chạy loạn” chuyển qua “chạy ăn”. Cả thành phố trở thành một chợ trời lớn. Đồ đạc trong nhà dần dần “ra đi” để đổi gạo. Thằng bé bắt đầu học đi chợ, nấu nướng, làm việc nhà. Rất nhiều bà mẹ có chồng là sĩ quan, công chức chế độ cũ đang đi cải tạo, nay cũng phải “chạy chợ”, tần tảo mua bán xa gần.
Tết năm 1977, lần đầu tiên, thằng bé thấy mẹ gói bánh chưng bằng nylon vì lá dong bấy giờ trở nên xa xỉ. Những năm tháng kế tiếp, cái đói lúc nào cũng ám ảnh cả trẻ lẫn già. Dân thành phố tập xếp hàng mua gạo, mua khoai, mua than mòn mỏi. Tập làm quen những từ tem phiếu, tiêu chuẩn, hộ khẩu, đăng ký… và mô hình đời sống lạ lùng từ miền Bắc đổ vào. Những cụm từ đổi tiền và đánh tư sản nhiều phen xồng xộc xông đến, gây biến động lòng người còn hơn bom đạn.
Sang năm 1978, tiếng súng lại rộ lên từ phía biên giới Tây Nam. Tin tức về những cuộc thảm sát do quân Pol Pot gây ra càng làm dân Sài Gòn buồn đau. Khi đó, thằng bé học lớp 10 cùng thầy trò trong trường cầm cuốc ra ngoại ô đi đắp ụ tên lửa bảo vệ thành phố. Dân ngoại thành bắt đầu vót chông làm phòng tuyến chống giặc như thời xưa. Tháng 2.1979, Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc và kéo dài đe dọa dai dẳng. Cả nước lâm vào tình cảnh “vừa có chiến tranh vừa có hòa bình”, vừa có đói kém vừa có chết chóc.
Giờ đây, nhìn lại thập niên 70 quả là một thập niên xung đột bất thường. Với người miền Nam, nó là mười năm xẻ đôi, một nửa chế độ này, một nửa chế độ kia tương khắc kỳ lạ. Còn với lứa chúng tôi, đó là thời kỳ chuyển tiếp giữa tuổi nhi đồng êm ả với tuổi vào đời gian truân và khó nhọc.
Thập niên 1980 và 1990 – cỏ non và biển rộng
Ở tuổi 18, trong chúng tôi có đứa trở thành công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong. Ai “số đỏ” thì vào được đại học. Bạn bè đồng môn, nhiều đứa đi vượt biên, có đứa sau này gặp lại nơi hải ngoại, có đứa và gia đình mất tích hẳn. Tôi không quên một người bạn gái cùng lớp đã rủ mình đạp xe vòng quanh các phố chính Sài Gòn, để rồi cuối cùng nói lời chia tay trước lúc vượt biên. Mấy mươi năm qua, lớp chúng tôi đều bặt tin, cô bạn còn hay mất? Từ ấy, mỗi lần nghe câu hát Đi qua vùng nhà em, không còn em ở đó, tôi lại thấy man mác nỗi buồn người đi kẻ ở.
Trong ca khúc “Đi qua vùng cỏ non”, dường như tác giả Trần Long Ẩn còn thầm thì một nỗi buồn sâu lắng khác: Những dòng sông đã lâu, không ra được biển rộng là những dòng sông lạc loài, muộn phiền quanh vách núi, như gương không người soi. Thuở ấy, đâu chỉ dòng sông hay con người mà cả đất nước đang lâm vào cảnh cùng cực và bế tắc.
Thế nhưng, Sài Gòn và cả nước đã không chịu cảnh “bó tay”. Trong suốt thập niên 80, từng lúc, và từng nơi, từ dân đến nhà lãnh đạo đều có những cuộc đột phá, “tự cởi trói”, “tự cứu” lấy mình bằng nhiều phương cách. Sài Gòn và nhiều nơi đã “xé rào”, “làm chui”, “bù giá vào lương”, thực hiện “ba lợi ích”. Và rồi, chính quyền trung ương dần dà chịu “tháo gỡ”, “khoán”, “bung ra” để “giải phóng sức sản xuất”, đồng thuận “kinh tế hàng hóa”, khuyến khích “học buôn học bán”. Nhà nước từng bước cho tái lập công ty tư, trường tư, bệnh viện tư. Tên gọi “con buôn” và “tư sản” lẳng lặng đi vào bóng tối, thay vào đó là những mỹ từ “doanh nghiệp” và “doanh nhân” (3).
Trong thực tế, đổi mới thực chất là trở lại với kinh tế thị trường, từ bỏ quan liêu và bao cấp. Còn mở cửa thì không chỉ cho bên ngoài mà trước nhất là cho bên trong khi nhà nước không còn ngăn cấm mà chuyển qua chấp nhận tư nhân và làm ăn tự do.
Từ một cuộc đấu tranh nội tại quyết liệt suốt hai thập niên biến động không ngừng, con người và đất nước bắt đầu “ra được biển rộng”. Trong đó, không thể quên hai sự kiện lớn của thế giới đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam đó là việc bức tường Berlin sụp đổ năm 1990 và Liên Xô tan rã năm 1991.
Tiếp theo là sự kiện Việt Nam rút quân hoàn toàn khỏi Campuchia năm 1991, cộng đồng quốc tế viện trợ và cho Việt Nam vay trở lại năm 1993. Và đặc biệt là việc Mỹ bỏ cấm vận năm 1994, hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995. Tốc độ của đổi mới và mở cửa đã gia tăng vùn vụt sau những sự kiện lớn lao ấy.
Ở tuổi thanh xuân 20-30, lứa chúng tôi hăm hở hòa mình vào dòng chảy thay đổi của đất nước, nhìn thấy rõ hơn con đường thoát khỏi đói nghèo và bất công. Đó cũng là lúc đông đảo doanh nhân, nhà khoa học, trí thức, sinh viên và kể cả nhà báo được ra nước ngoài làm việc và học hỏi. Duyên may đã đến với tôi khi làm phóng viên mà được học bổng để đi học ngắn hạn ở ngôi trường trong mơ -Oxford. Cùng thời gian này, duyên may còn đưa tôi đến Paris để đưa tin hội nghị quốc tế tài trợ đầu tiên cho Việt Nam.
Đất nước mở cửa, Việt Nam trở thành vùng “cỏ non” mới không chỉ cho các nhà đầu tư nước ngoài mà cho chính người dân trong nước, nhất là thế hệ sinh ra thời hậu chiến. Tất cả đều khát khao học hành và làm giàu cho đất nước và chính mình, làm rạng rỡ cái tên Việt Nam ở thế kỷ mới.
Hai thập niên đầu 2000: bùng nổ thử thách
Vậy đó, thoáng chốc 20 năm đầu thế kỷ XXI đã vùn vụt qua mặt thế gian. Đoàn tàu Việt Nam đang băng tới để lại những hình ảnh gì tiêu biểu cho một thời kỳ thay da đổi thịt bừng sáng nhiều mặt? Đó có lẽ là những tòa cao ốc chọc trời ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp ở đủ các tỉnh thành, những con đường cao tốc, những hãng hàng không vươn ra các châu lục, những hàng hóa “made in Vietnam” ồ ạt đến với các thị trường. Thêm nữa, các hiệp định thương mại tự do liên quốc gia, các cuộc chơi buôn bán xuyên khu vực, các luật chơi thế giới từ lưu thông tư bản và nhân lực đến bản quyền trí tuệ đã kéo Việt Nam “vào cuộc” với thế giới bên ngoài.
Trong khi ấy, các tiện nghi đời sống và làm việc cùng một mặt bằng với các nước tiên tiến đã nhanh chóng nảy nở ở Việt Nam như internet tốc độ cao, điện thoại thông minh, máy tính bảng, apps, Facebook, Zoom, Google…
Tuy vậy, cùng thời gian này, Biển Đông nhiều lần dậy sóng. Vào tháng 5.2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Hà Nội và TP.HCM cùng nhiều nơi khác sôi sục liên tục những cuộc biểu tình, xuống đường lên án kẻ cướp thâm độc. Sang năm 2016, sự cố cá chết hàng loạt trên biển do chất thải của tổ hợp nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng – Hà Tĩnh làm dư luận công phẫn trước những hành động sai trái liên quan môi trường sống và an ninh kinh tế. Đổi mới và mở cửa đã tạo ra những thế hệ trẻ có học hành và đầu óc phóng khoáng, đồng thời nâng cao dân trí hơn trước. Người dân nhiều nơi tích cực tham gia các hoạt động xã hội mặc dù nhiều vấn đề đã được Hiến pháp minh định nhưng chưa được thể chế hóa như chưa có Luật Biểu tình, Luật lập hội…
Nhiều thử thách mới đã và đang bùng nổ sẽ cần giải quyết nhanh trong các thập kỷ kế tiếp. Trong đó, xếp ở hàng đầu là vấn đề biến đổi khí hậu, dân số già, đô thị hóa cao độ, cơ sở hạ tầng quá tải, tài nguyên khoáng sản và dầu khí suy giảm, tham nhũng tràn lan… Đặc biệt, đại dịch Covid đang diễn ra như một cơn hồng thủy tác hại ghê gớm đến nhiều quốc gia. Covid làm bộc lộ nhiều yếu kém từ trong hệ thống quản trị ở nhiều lĩnh vực, chứ không riêng y tế. Các thế hệ 7X và 8X đang ngồi vào ghế thuyền trưởng để lèo lái con thuyền đất nước vượt qua nhiều phong ba chưa có tiền lệ.
Với tuổi 60, thập niên thứ ba của thế kỷ mới chưa hẳn là thập niên “về hưu” an bình. Ngẫm nghĩ đây là tuổi “về vườn” nhưng phải tiếp tục nuôi dưỡng và trao truyền vốn liếng kinh nghiệm cuộc đời cho các thế hệ tiếp nối. Và không thể quên, mặt nào đó, tuổi 60 vẫn phải kiếm sống, vẫn phải chòi đạp với những giấc mơ chưa toại nguyện. Trong khuôn khổ một trang báo, người viết không thể nhớ hết, không thể ghi hết những ký ức và suy tư qua sáu thập niên. Dẫu gì, 60 năm cũng chỉ là một chớp mắt, “một cơn gió bụi”, nói như cụ Trần Trọng Kim.
Đời người không ngắn cũng không dài, để lại điều gì đấy không làm ô danh cũng là mãn nguyện rồi, phải không các bạn Nhâm Dần của tôi ơi?