Làm việc bên thiên tài thiết kế Alexander McQueen suốt 13 năm, Sarah luôn một lòng sùng bái người thầy cũng như ông chủ tài năng của mình. Không có gì là lạ sau biến cố McQueen tự tử ngay trong căn hộ của mình, sự tiếc thương đành phải nhường chỗ cho lỗ hổng lớn của McQueen, và không ai thích hợp vị trí này hơn Sarah Burton. Cô đã chứng minh quyết định này của ban điều hành là đúng, và hơi thở của McQueen vẫn sống mãi qua những mùa thời trang dưới tài lãnh đạo của Sarah.
Từ cô trợ lý trở thành giám đốc sáng tạo
Khi nhà thiết kế của một thương hiệu nổi tiếng qua đời thì việc tìm kiếm người kế thừa và dẫn dắt thương hiệu tiếp tục cuộc hành trình luôn là một công việc cực kỳ khó khăn.Nhưng với một thương hiệu và phong cách như của Alexander McQueen thì việc đó khó khăn hơn rất nhiều. Alexander được đánh giá là một thiết kế giỏi với tài năng phi thường, ông luôn có những ý tưởng về thời trang đi trước thời gian. Alexander dám làm, dám thể hiện và đi đến cùng với những sáng tạo của mình – bất chấp việc cần bao nhiêu thời gian để người ta có thể hiểu được những gì ông thể hiện. Và bất chấp tất cả những đánh giá, mỗi lần Alexander McQueen cho trình làng một bộ sưu tập mới là một lần ngành công nghiệp thời trang thế giới rơi vào một cơn chấn động. Vì vậy, khi Alexander tự sát vào ngày 11-2-2010 thì câu hỏi khiến người ta quan tâm và cực kỳ đau đầu, đó là ai sẽ là người dẫn dắt thương hiệu Alexander McQueen và ai là người có đủ khả năng để làm điều này? Chỉ có thể là trợ lý thân cận nhất của ông, Sarah Burton.
Sarah Burton đã làm việc với Alexander McQueen kể từ khi cô tốt nghiệp Central St Martin 16 năm trước. Cô được ví như cánh tay phải của Alexander khi nhà thiết kế này còn sống. Và có lẽ đó chính là lý do Sarah được lựa chọn dẫn dắt thương hiệu của Alexander McQueen trong vai trò giám đốc sáng tạo. Còn ai có thể hiểu những ý tưởng của Alexander hơn Sarah Burton – người đã sát cánh bên ông trong suốt 16 năm?
Thật khó có thể tưởng tượng một người trợ lý lại sau một đêm trở thành giám đốc sáng tạo của một hãng thời trang lẫy lừng, nhưng điều đó là sự thật, và công chúng phải học cách đối diện với sự thật đó. Điều người ta hoài nghi nhất là phong thái thiết kế của McQueen có thể được coi là dị biệt, khác thường và ma quái. Ông thường lấy cảm hứng từ cái chết, địa ngục, sản phẩm thời trang của ông có thể coi là siêu thực, nghĩa là hoàn toàn đi ngược lại những gì con người có thể tưởng tượng ra, vậy thì làm sao một cô học trò nhỏ lại có thể kế thừa hoàn toàn sự vĩ đại và khác thường ấy.
Sự nghi ngờ dần dần biến mất khi Sarah Burton ngày càng chứng minh linh hồn của thầy cô vẫn luôn hiện diện trong từng tác phẩm, từng bộ sưu tập mà cô trình làng. Những thiết kế của cô khiến làng thời trang phải ngỡ ngàng, họ tưởng chừng như McQueen vẫn sống, làm việc và cho công chúng thấy những tác phẩm của mình.