Nhiều vấn đề học đường mà các phụ huynh Việt Nam quan tâm, chỉ có thể giải quyết được khi có một lực lượng chuyên gia hùng hậu, được đào tạo bài bản.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kết hợp với Liên hiệp phát triển tâm lý học trường học thế giới CASP-I sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế: “Vai trò của tâm lý học trường học trong việc đảm bảo sức khỏe tâm lý cho học sinh và gia đình” vào đầu tháng 8 tới.
Tiếp nối những nỗ lực phát triển ngành tâm lý học đường ở Việt Nam, Liên hiệp phát triển tâm lý học trường học thế giới (CASP-I) tiếp tục tổ chức Hội thảo quốc tế về tâm lý học đường lần thứ 6, kết hợp cùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 3-8 tại Hà Nội.
CASP-I do tiến sĩ Lê Nguyên Phương, người Việt ở Hoa Kỳ, là một trong những thành viên sáng lập, và đã là Chủ tịch Liên hiệp qua nhiều năm.
Ban tổ chức hội thảo cho biết, mục tiêu hội thảo nhằm công bố các kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực tâm lý học trường học và phát triển tâm lý học trường học: kết nối, vận động các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan truyền thông, các chuyên gia/các chuyên viên tâm lý, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, giáo viên phổ thông và các bậc cha mẹ, trong và ngoài nước trong việc xây dựng, quy hoạch, phát triển ngành, nghề, dịch vụ tâm lý học trường học tại Việt Nam và trên thế giới.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho biết, ông rất vui mừng vì những nỗ lực không mệt mỏi của các thành viên CASP-I cả trong và ngoài nước những năm qua, đã cho những “trái ngọt” nhất định, khi mà đến nay các trường đại học của Việt Nam bắt đầu triển khai nhân lực cho ngành tâm lý học đường, dù vẫn còn vướng mắc về mã ngành, mã nghề: “Các trường đại học đã linh động giải quyết bằng cách là đang xây dựng những chương trình đào tạo cấp thạc sĩ, mã ngành ứng dụng là mã ngành tâm lý học, nhưng có chuyên đề là tâm lý học đường. Chương trình đào tạo với những học trình đều nhằm để phục vụ cho học sinh đang gặp những rối loạn khuyết tật trong trường học. Đó là điều đáng mừng”.
Các chủ đề sẽ được đưa ra tại hội thảo lần này, trong lĩnh vực nhận thức và học tập: Các hoạt động của gia đình, giáo viên, nhà trường và cộng đồng nhằm thúc đẩy sự thành công trong học tập của học sinh, vai trò của giáo viên và cha mẹ trong việc thúc đẩy các kỹ năng tư duy bậc cao (HOTS) cho trẻ em; Nhận biết và hỗ trợ cho những học sinh năng khiếu, tài năng và học sinh có thành tích cao; nhận biết và hỗ trợ học sinh có khó khăn trong nhận thức, học tập tại trường học.
Trong lĩnh vực xã hội và hành vi, các diễn giả sẽ bàn về can thiệp khủng hoảng và bạo lực học đường; Nhận biết và hỗ trợ học sinh có khó khăn trong lĩnh vực xã hội và hành vi; Các kỹ năng sống của trẻ nhằm đảm bảo sự thành công trong tương lai; Mối quan hệ tương tác của trẻ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và trong cộng đồng; Khuyến khích trẻ vượt khó trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; Trách nhiệm của các gia đình và cộng đồng đối với tội phạm vị thành niên.
Trong lĩnh vực cảm xúc và sức khỏe tâm thần, sẽ có những thông tin mới nhất về thúc đẩy sức khỏe tâm thần tổng quát tại gia đình, trong các nhà trường và cộng đồng; điều tiết cảm xúc đối với trẻ căng thẳng, lo âu và trầm cảm; nhận biết sớm, chẩn đoán và đánh giá sức khỏe tâm thần.
Đáng chú ý, hội thảo sẽ bàn đến tâm lý học trường học và giáo dục đặc biệt, với việc sàng lọc sớm, nhận diện sớm, can thiệp sớm và giáo dục đặc biệt cho trẻ trẻ khuyết tật/trẻ rối loạn phát triển (khuyết tật trí tuệ, khuyết tật học tập, rối loạn phổ tự kỷ…) trong gia đình, nhà trường và cộng đồng; giáo dục hội nhập và hòa nhập cho trẻ khuyết tật/trẻ rối loạn phát triển; các chương trình chuyển tiếp sau tốt nghiệp cho trẻ khuyết tật/trẻ rối loạn phát triển; cha mẹ và hoạt động can thiệp, giáo dục dành cho khuyết tật/trẻ rối loạn phát triển.
Trong việc ứng dụng tâm lý học đường vào lĩnh vực hướng nghiệp, các chuyên gia cũng sẽ có những thuyết trình về việc sàng lọc, đánh giá và thực hiện hoạt động khám phá nghề, hoạt động tiền hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông; Chương trình rèn luyện kỹ năng và hoạt động hướng nghiệp; vai trò của gia đình trong hoạt động hướng nghiệp cho học sinh; cách tư vấn và tham vấn hướng nghiệp.
Chia sẻ về những lần hội thảo trước đây, đương kim Chủ tịch Liên hiệp phát triển tâm lý học trường học thế giới (CASP-I) giáo sư Michael Hass nhận xét: “Qua các buổi hội thảo, tôi có thể thấy những nhà tâm lý học Việt Nam, hay sinh viên ngành tâm lý học rất ham mê học hỏi và tiếp thu kiến thức để mong muốn giúp đỡ trẻ em khuyết tật cũng như để phát triển ngành tâm lý học học đường nơi đây. Mỗi lần gặp, tôi lại nhận thấy họ luôn cố hết sức để mang lại những điều tốt nhất cho trẻ em. Họ khao khát học tập những kỹ năng đào tạo tâm lý trong ngành để cải thiện chuyên môn và giúp đỡ trẻ em được nhiều hơn nữa”.
Ngoài các chuyên gia trong nước và quốc tế, hội thảo lần này sẽ có hai diễn giả chính, là GS-TS Jose M. Cervantes, Đại học California tại Fullerton, và GS-TS John Murphy của Đại học Central Arkansas.
Và có thể thấy, với những nội dung ngày càng được chuẩn bị chuyên sâu, thì những hội thảo quốc tế do CASP-I tổ chức mang tới những kết thức cập nhật, tiệm cận với thế giới cho nguồn nhân lực phát triển ngành tâm lý trong nước. Nhiều vấn đề học đường mà các phụ huynh Việt Nam đang hết sức quan tâm, chỉ có thể giải quyết được khi có một lực lượng chuyên gia hùng hậu, được đào tạo bài bản. Hội thảo lần này là một bước đi mới trong những nỗ lực phát triển ngành tâm lý học đường tại Việt Nam của CASP-I cũng như những nhà tâm lý học Việt Nam.
“Một điểm đặc biệt dự kiến trong hội thảo này là hai bàn tròn thảo luận: Bàn tròn của các nhà hoạt động trong lĩnh vực truyền thông Việt Nam về vai trò của truyền thông trong việc hỗ trợ sức khỏe tâm lý của trẻ em và việc bảo đảm nguồn thông tin chính xác tin cậy về lĩnh vực này; bàn tròn của các phụ huynh về kinh nghiệm hỗ trợ tại gia đình cho các em gặp các khuyết tật.
Ngày thứ ba của hội thảo được dành cho các khóa tập huấn với nhiều nội dung khác nhau hoàn toàn miễn phí cho những người đăng ký và đóng phí tham dự”. (TS Lê Nguyên Phương)