Vào ngày 3-8-1492, quả địa cầu đã được xác định tròn trịa, chứ không vuông vức hay hình chữ nhật khi đoàn tàu viễn dương của ông Christopher Columbus mở toang cánh cửa vào châu Mỹ. Tân thế giới hay “America” đã chào đời và thủ đô Santo Domingo – Cộng hòa Dominican trở thành kinh đô văn hóa cội nguồn…
Mua cốc cà phê nhỏ ngoài sân bay Las Amerícas để lấy lại tỉnh táo sau chuyến bay quá sớm, anh chủ quán xoe tròn đôi mắt ngạc nhiên khi tôi vẫn biết cách vào trung tâm Santo Domingo tiết kiệm nhất. Anh chỉ tôi quay ngược lại lầu hai ở sảnh đến để đón xe buýt sáu chỗ dành riêng cho tầng lớp lao động ở sân bay về nhà.
Đã gọi là đảo thì giá cả chẳng bao giờ dễ chịu và hơn nữa Dominican đang vào hè, những người lữ hành từng kháo nhau như thế.
Thuở Trung Địa hoang vắng
Một vài người nói rằng những khi gió hè rao mùa, các hòn đảo Caribe sẽ nhuộm màu đỏ thắm những cánh hoa học trò và kinh đô Santo Domingo cũng không ngoại lệ. Nhìn đường cong gợn sóng đầy quyến rũ trên cánh hoa phượng, người Pháp đưa ra nét thanh mảnh “Flamboyant” để kiến trúc Gothic thêm hoàn hảo trong các công trình, nhưng với người châu Phi đó là cánh hoa gợi nhớ về cội nguồn ẩn khuất thật sâu vào từng giọt nước mắt nhớ quê khi những đoàn tàu nô lệ lần lượt dừng chân tại các bến cảng Caribe.
Cái nóng rát mặt vẫn còn hiện hữu như thuở xưa để ông Columbus phải chậc lưỡi thốt lên “Sol Caribe”, nghĩa là “Mặt trời rực lửa”, và tôi chỉ được rong chơi qua thành phố của UNESCO vào sáng sớm hay những khi chiều tà lan tỏa. Tôi chưa từng đếm được có bao nhiêu bước chân đã bỏ quên trên những con đường đan xen ô lưới bàn cờ trong Ciudad Colonial và cả những hàng hoa giấy trổ lưa thưa đầy sắc màu bên những ô cửa nhỏ. Những pho tượng đồng được người Tây Ban Nha điêu khắc vào thế kỷ XV đặt dưới mái hiên giáo đường, trường học, bệnh viện kể lại câu chuyện thật hay khi Tân thế giới còn nằm ngủ hoang liêu trong thời Trung cổ.
“Hispaniola” có nghĩa là “hòn đảo của Tây Ban Nha” bao gồm Cộng hòa Dominica và Haiti ngày nay, là nơi thủy thủ đoàn reo hò khi nhìn thấy những nữ thổ dân buông xõa tóc dài, ngồi đan những sợi lát rừng để dệt nên những thước đệm. Mọi người mường tượng ra ánh dương của bán đảo Calanta trên quốc kỳ Tây Ban Nha rồi sẽ hé dạng rực rỡ trên vùng đất sơ khai. Ở đó, những con đường giao thương rồi sẽ bện chặt vào nhau khi nối liền giữa các hòn đảo Jamaica – Hispaniola – Cuba.
Những đồn điền mía đường, thuốc lá và rượu thơm sẽ được sinh sôi nảy nở và cả những loại cây gia vị được tìm thấy có thể thay thế các dược liệu quý hiếm bị người Hồi giáo làm chủ con đường Đông Tây đưa ra giá cao ngất. Hy vọng mở ra nhưng cũng đầy lo âu khi đoàn người châu Phi khai phá Tân thế giới mang theo bệnh “sốt vàng da” lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Kinh đô mới được đặt tên là Santo Domigo với ánh sáng đức tin vị Thánh Y học sẽ tiêu trừ những hắc ám chướng khí của bệnh tật.
Kinh đô văn hóa rực rỡ ở Tân thế giới
Lang thang đến quảng trường giáo đường trung tâm, tôi ngắm nhìn thật lâu pho tượng ông Christopher Columbus đặt trên trụ đồng cao chỉ ngón tay trỏ về hướng xa xôi. Tôi sửa sai ý nghĩa của mình trước đây bởi “America – Tân thế giới” là để nói về “Nam Mỹ” mà thuyền trưởng nghe thổ dân địa phương kể rằng còn có lục địa rộng lớn chìm sâu vào những con sóng Caribe bạc đầu.
Những gì được gọi “đầu tiên” ở Tân Thế giới vào năm 1496 đều được phố cổ Colonial cùng dòng sông Ozama ôm vào lòng bằng 32 con đường, 116 dãy phố nối tiếp, nhà thờ Mẹ Mary, tu viện nhà dòng Francisco, trường đại học thánh Thomas Aquinas, bệnh viện thánh Nicholas de Bari và tòa nhà chính phủ Casa de Contratación.
Tôi đi dọc theo những bức tường thành, khẽ chạm tay lên những viên gạch để xem những lời đồn đại pháo đài Santo Domingo là tiêu chuẩn lý tưởng để người Tây Ban Nha xây dựng các bức thành vững chãi cho các thành phố khác trong chuỗi đảo Caribe, chính xác tới mức nào.
- Xem thêm: Curacao “tiểu Hà Lan” của châu Mỹ
Nền móng của pháo đài được tận dụng từ các khối đá san hô chết mà sự hoạt động của chúng đã làm nước biển Caribe xanh màu ngọc lam. Phần giữa công trình là những viên gạch chắc thân và phía trên là lớp bùn non trộn cùng rơm rạ để mất đi sự khô cứng từ sỏi đá.
Người lữ hành cũng bảo nhau độ dài, rộng của một con đường, khoảng cách giữa các dãy nhà, số lượng công viên… của kinh đô Santo Domigo là chuẩn mực để quy hoạch các thành phố ra đời sau này trên hòn đảo Cuba và Puerto Rico.
Trong kiến trúc tổng thể, giáo đường của vị thánh thành Assisi là ngài Francisco luôn được tôn vinh bởi bổn mạng của ông sẽ là người cha đỡ đầu cho Tân thế giới. Ciudad Colonial cũng là tên gọi thống nhất để đánh dấu những bước chân của người Tây Ban Nha, đồng thời cũng là những thành phố di sản văn hóa của thế giới được thành lập ở lục địa Nam Mỹ.
Gothic của bán đảo Iberia
Bước qua những nẻo đường được dán bằng những viên đá cuội có từ thế kỷ XVI, cứ ngỡ mình đang lọt vào một thành phố cổ xưa của xứ “bò tót”, nhưng hương thơm từ thịt heo chiên, ly khóm ép, que kem thơm bán dạo lại đưa tôi quay về thực tại với vùng biển Caribe.
Tôi thích được dừng chân nhâm nhi những giọt cà phê thơm, ngắm nhìn những đô thị phủ sắc vàng cam đặc trưng của vùng Catalan. Một dân tộc luôn tìm tòi sáng tạo “bản sắc văn hóa riêng” dù có thể vay mượn những kiến thức từ người đi trước và kiến trúc Gothic của người Tây Ban Nha ở Tân thế giới cũng đã làm xao xuyến các kiến trúc sư bậc thầy của thế giới.
Áp dụng mỹ thuật Gothic có cội nguồn từ Pháp, thịnh hành trên cả lục địa châu Âu từ thế kỷ XII – XVI, nhưng Gothic Iberia vẫn là nét riêng không thể nhầm lẫn. Các thanh trụ nâng đỡ mái vòm trung tâm đã biến mất bởi hàng loạt tấm kính màu rực rỡ.
Những vân sóng hình vòng cung phủ trên sảnh điện trung tâm đơn giản hơn với một đường nhấn thay cho đường đôi trước đây và đường nét thanh mảnh ấy còn được áp dụng trên cả những mái vòm phủ mát lối đi hành lang. Nơi để các đường vân sóng hội tụ không nhất thiết là hình bán nguyệt như Gothic chuẩn, mà có thể thay đổi tùy thuộc vào góc nhìn, ý tưởng mới của kiến trúc sư và đặc trưng nhất có hình múi cam nổi tiếng của bán đảo Iberia.
- Xem thêm: Quốc gia bí ẩn trong vùng biển Caribe
Mùa hè trên đảo Dominican là nơi sóng biển đua chen gọi bầy trong những tia nắng vàng ươm cùng bãi cát trắng mịn màng ở vịnh Punta Cana. Tiếng sóng thều thào, quét dịu êm qua những vệt chân để rồi người lữ hành nhớ thương tìm về một mùa hè năm ấy, cũng như ông Christopher Columbus vẫn luôn ghé lại Santo Domingo trong bốn chuyến hải trình tìm ra những hòn đảo mới.