Không khí ảm đạm của nền kinh tế dường như đang tràn vào thế giới golf. Khác với những năm trước, giờ đây sân golf trở nên vắng vẻ lạ thường.
Do người chơi golf ra sân ngày một thưa, các ông chủ sân golf phải áp dụng nhiều chương trình ưu đãi để thu hút các tay golf ra sân mỗi tuần.
Nền công nghiệp golf bị “đóng băng”
Trong sự suy thoái của nền kinh tế nước nhà, ngành công nghiệp golf không thể không bị ảnh hưởng mạnh. Tác động tiêu cực đầu tiên là không có vốn để duy trì hoạt động, nâng cấp và kết thúc các hạng mục đã đầu tư dở dang, càng không có khả năng đầu tư mới. Hệ quả cụ thể là việc mở rộng sân golf hiện có hoặc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các sân golf đều bị chậm tiến độ, thậm chí bị ngưng trệ, còn các dự án sân golf mới không biết khi nào mới được khởi động. Tác động thứ hai là giảm lượng người đến chơi golf, cả khách trong nước lẫn khách từ nước ngoài, trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của các doanh nghiệp golf cũng như những người lao động tại đó. Kế đó là tác động tiêu cực đến việc mở rộng lực lượng hội viên của các câu lạc bộ golf cũng như thu hút người chơi mới. Một điểm quan trọng khác là không có nguồn tài chính để tổ chức các giải nhà nghề cũng như giải phong trào, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cả golf nghiệp dư lẫn golf đỉnh cao, kéo theo sự tụt hậu càng lớn về lĩnh vực golf giữa nước ta với các nước khác trong khu vực. Các hoạt động kinh doanh có liên quan đến ngành công nghiệp golf đều bị ảnh hưởng.
Người chơi siết chặt hầu bao
Một câu hỏi đã được đặt ra: Trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, lượng doanh nhân đến sân golf tăng hay giảm? Dễ nhận thấy hai khuynh hướng. Thứ nhất, trong bối cảnh đóng băng của nền kinh tế, các doanh nhân sẽ không mạo hiểm đầu tư, họ “ngủ đông” để chờ đợi thời cơ và vì có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, họ sẽ kéo nhau ra sân golf để giải trí và tiêu phí thời gian. Từ khía cạnh này, số lần chơi golf của một số doanh nhân có thể tăng hơn so với trước đây. Ở mặt đối diện, nhiều doanh nhân do phải tập trung lo đối phó với nhiều khó khăn nên phải dành hầu như toàn bộ thời gian để cứu doanh nghiệp, vì vậy họ không còn bao nhiêu cơ hội đến với sân golf nữa.
Một khi nguồn tài chính bị hạn chế thì chi tiêu của tất cả mọi người bị cắt giảm, trong đó có doanh nhân. Vì vậy, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế làm giảm đi số lần chơi golf của các golfer và còn làm giảm cả mức chi tiêu trung bình trên đầu người cho mỗi vòng golf. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, nhà quản lý các sân golf cũng tỏ ra năng động hơn khi vận dụng nhiều chính sách giá thích hợp để khuyến khích các tay golf đến chơi tại sân của họ – điều ít thấy trong thế giới golf. Một golfer có thâm niên chia sẻ: “Cùng thời điểm này vào năm trước, dù là ngày thường thì trên sân vẫn đông đúc, tấp nập. Hiện nay, phải vật lộn với những khó khăn trong kinh doanh,
doanh nhân mê chơi golf thường đăm chiêu và cân nhắc hơn khi đến sân”.