Trong chuỗi hoạt động “Ngày hội Sách châu Âu” năm nay, bạn đọc sẽ có cơ hội gặp gỡ với các nhà văn, họa sĩ từ châu Âu tại Đường sách TP.HCM từ ngày 12 đến 20-5.
Sau tám lần tổ chức tại Hà Nội và ba lần tại TP.HCM, chương trình Những ngày Văn học châu Âu kể từ năm nay 2018 sẽ đổi tên thành Ngày hội Sách châu Âu, do Hiệp hội các Viện Văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu (EUNIC) tổ chức, với sự góp mặt của 10 quốc gia châu Âu: Áo, Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Pháp, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ý và phái đoàn Wallonie–Bruxelles (Bỉ).
Trong thời gian này, các gian hàng ở Đường sách TP.HCM sẽ trưng bày những dòng sách phù hợp chủ đề hoạt động và dành tặng bạn đọc chiết khấu từ 20 – 30% và các phần quà đặc biệt khi mua dòng sách của tác giả châu Âu.
Ngay trong buổi khai mạc Ngày hội Sách châu Âu sáng 13-5 tại Đường sách, một chương trình thú vị có tên Văn học châu Âu – từ văn chương đến điện ảnh do Nhà xuất bản Trẻ tổ chức sẽ diễn ra với diễn giả là nhà báo, nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm và dịch giả Hoàng Anh (chuyển ngữ các quyển của tác giả Thụy Điển Fredrick Backman gồm: Người đàn ông mang tên Ove, Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi, Britt – Marie đang ở đây).
Trước đó, sự kiện có tính chất mở màn cho những Ngày hội Sách châu Âu tại TP.HCM là quyển sách Cách mạng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được ra mắt bản tiếng Việt tại Đường sách vào 9g ngày 12-5.
Bản gốc sách này vừa ra mắt bạn đọc thế giới vào tháng 5-2016, Cách mạng là niềm tin, tầm nhìn, ý chí và câu chuyện về cuộc cách mạng dân chủ mà Tổng thống Macron kiên trì theo đuổi.
Cách mạng đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng – Việt Nam là một trong ba quốc gia châu Á đầu tiên chuyển ngữ cuốn sách này.
Đặc biệt, cô họa sĩ người Bỉ Estelle Meens sẽ xuất hiện tại gian hàng Nhà xuất bản Trẻ ở Đường sách vào chiều 13-5 (16g) để giao lưu và giới thiệu bộ sách Học yêu thương từ cuộc sống, gồm bốn tập: Ngày vô tận của mẹ (Mom’s Crazy Days), Từ ngày hôm ấy (Since that day…), Tớ là sếp (I’m the boss), Điều ước của em (What I want).
Đây là những quyển sách được được Nghệ sĩ Estelle Meens vẽ và viết lời, với những nhắn nhủ, những câu chuyện nho nhỏ xung quanh cuộc sống của trẻ em.
Tiếp theo, Công ty First News Trí Việt còn ra mắt loạt sách dịch từ các danh tác châu Âu nhân dịp này, đó là:
– Hygge: Hạnh phúc từ những điều nhỏ bé, tập sách giới thiệu phong cách sống hygge của người Đan Mạch, do nữ diễn viên Đan Mạch Marie Tourell Søderberg trải nghiệm chiều sâu và chiều rộng trên khắp quê hương và chia sẻ cách dễ dàng đưa phong cách hygge vào cuộc sống của bạn (9g ngày 16-5).
– Lagom: Vừa đủ – đẳng cấp sống của người Thụy Điển (9g ngày 19-5).
– Sisu: Vượt qua tất cả – nghệ thuật sống của người Phần Lan (9g ngày 20-5).
Công ty Sao Bắc từ Hà Nội cũng vào TP.HCM góp một nội dung: ra mắt sách Đời ong của tác giả Maurice Maeterlinck (18g ngày 18-5). Đời ong là một trong những khảo luận triết học nổi tiếng của Maurice Maeterlinck (1862-1949) – là nhà thơ, kịch tác gia, triết gia người Bỉ nói tiếng Pháp, đoạt giải Nobel Văn chương năm 1911.
Trong khuôn khổ Ngày hội Sách châu Âu, một hội thảo nội dung Giải mã các mô-típ văn học và nghệ thuật dân gian phương Đông qua góc nhìn nhân học của Claude Lévi-Strauss sẽ được tổ chức tại sân khấu chính Đường sách lúc 18g ngày 17-5.
Hai diễn giả Nhật Chiêu và Nguyễn Trí Dũng sẽ trình bày các mô-típ văn học và nghệ thuật dân gian phương Đông qua góc nhìn nhân học của nhà nhân chủng học nổi tiếng của Pháp Claude Lévi-Strauss.
Gọi là “giải mã”, kỳ thực là góp phần giúp bạn đọc tiếp cận một chủ đề thú vị dưới nhiều góc độ: địa lý, lịch sử, văn học, nghệ thuật tạo hình… với một trưng bày mini gồm những hình ảnh về các chủ đề mà Claude Lévi-Strauss nhắc đến.
Ngày hội Sách châu Âu tại TP.HCM còn một tọa đàm chủ đề Lịch sử Chiến tranh thế giới thứ nhất – Những kỷ niệm chung Pháp – Việt Nam 1914-1918 tại Thư viện Khoa học Tổng hợp lúc 18g ngày 17-5.
Buổi hội thảo sẽ đề cập đến một khía cạnh còn chưa được biết đến trong lịch sử và ký ức văn học về Chiến tranh thế giới thứ nhất: sự tham gia của người lao động và binh lính Đông Dương vào cuộc đại chiến này.
Diễn giả gồm:
– Ông Pierre Journoud, Giáo sư về Lịch sử đương đại tại Đại học Paul Valéry-Montpellier 3
– Bà Laurence Campa, Giáo sư về văn học Pháp tại Đại học Paris-Nanterre
– Ông Henri Eckert, Giảng viên về lịch sử đương đại và Phó giám đốc của ESPE – Martinique
– Ông Trần Hinh, Giảng viên Văn học Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
– Ông Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, điều phối chương trình
Chương trình vào cửa tự do, dịch song song Pháp – Việt.