Trong vài năm gần đây, nỗ lực của rượu vang Tây Ban Nha được ghi nhận tại Hội chợ rượu vang truyền thống chất lượng do Tổ chức ngoại thương Tây Ban Nha đồng tổ chức với thương vụ Pháp và Ý tại Khách sạn Sofitel Plaza, TP. Hồ Chí Minh. Từ chỗ chỉ có một nhà sản xuất tham dự vào năm 2010, năm ngoái rượu vang Tây Ban Nha có đến tám đại diện. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ giúp gia tăng mức độ nhận biết rượu vang xứ sở bò tót cùng những đặc điểm của nó nơi người tiêu dùng – chính đại diện của lãnh sự quán Tây Ban Nha thừa nhận là chưa có phản hồi về những hợp đồng ký được với các nhà nhập khẩu và phân phối ở Việt Nam ở những sự kiện trước đó.
Chai Vega Sicilia Cosecha 1996 “Unico” giá 15,2 triệu đồng bán tại cửa hàng Bacchus Corner
Không ít sản phẩm, như Vintae, được khách hàng đánh giá rất cao về chất lượng và mẫu mã, nhưng sự cạnh tranh giá cả và nhu cầu thấp của thị trường trong thời điểm kinh tế khó khăn là hai rào cản rất lớn. Ngoài ra, đưa sản phẩm đến được tay người tiêu dùng còn phải dựa vào nỗ lực cùng sự mạo hiểm của nhà phân phối, như trường hợp của Vinifera mới đây.
Cune vào thị trường Việt Nam
“Năm 2013 này, kinh tế sẽ còn khó khăn hơn, nhưng chúng tôi vẫn đầu tư vào thương hiệu mới với kỳ vọng khi mức tiêu dùng gia tăng trở lại trong vài năm tới thì chúng tôi đã có sản phẩm được biết đến trên thị trường”, ông Eric van Latenstein, đại diện nhà phân phối Vinifera nói tại buổi nếm thử sản phẩm của lò vang Cune (Compania Vinicola del Norte de Espana) tổ chức giữa tuần qua tại Nhà hàng Pacharan, một điểm hẹn ẩm thực Tây Ban Nha duy nhất ở TP. Hồ Chí Minh. Từ hội chợ Vinexpo ở Hongkong năm ngoái, Eric đã tiếp cận đại diện Cune và bước đầu muốn giới thiệu dòng sản phẩm ở mức trung bình và trên trung bình.
Chai Cune Crianza 2009, một trong năm dòng sản phẩm của Cune mới được đưa vào thị trường Việt Nam
“Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế bùng phát từ năm 2008, chúng tôi bán ra sản phẩm ngày càng ít đi nhưng doanh số không giảm, chủ yếu là nhờ dòng vang giá cao được tiêu thụ nhiều hơn, dù chúng tôi vẫn giữ giá bán từ bốn năm nay”, ông Oscar J. Urrutia, Giám đốc xuất khẩu của Cune cho biết. Các dòng sản phẩm của Cune đưa vào Việt Nam gồm Cune, Imperial, Contino, Vina Real và Monopole. Nếu như vang đỏ chế biến từ các giống nho tempranillo, graciano, granacha và mazuelo, vang trắng chủ yếu làm từ nho viura, với đặc điểm mùi vị và cả cách sử dụng loại chai gần với nho chardonnay hơn là sauvignon blanc.
“Tôi còn nhớ lúc 5-6 tuổi, trong bữa ăn bà tôi đã cho tôi uống vang kèm với chút nước lọc. Vì vậy, có thể khẳng định văn hóa rượu vang ở Tây Ban Nha bắt rễ rất sâu trong văn hóa ẩm thực”, ông Urrutia kể. Tây Ban Nha có diện tích trồng nho làm rượu vang đứng hàng đầu thế giới (trên 1,17 triệu hécta). Về mặt khí hậu, đất nước này có những vùng gần như là sa mạc, có vùng khí hậu ẩm thấp, nhưng cũng có những vùng gần biển tập trung những gì liên quan đến nghề đánh bắt cá và những vùng núi cao. Món ăn quen thuộc nhất ở Tây Ban Nha là paeja, làm từ gạo. Ở miền biển thì người ta chế biến paeja với cá và hải sản, ở sâu trong đất liền thì dùng paeja với thịt. Chính vì vậy mà rượu vang làm ra phải thích nghi với ẩm thực địa phương khác nhau.
Tempranillo là giống nho chủ lực của dòng vang đỏ Tây Ban Nha
Về đặc điểm, rượu vang Tây Ban Nha rất đầy đặn, cân bằng mùi hương giữa trái cây và mùi gỗ, và cuối cùng là có vị chua rõ rệt, chủ yếu là đến từ giống nho tempranillo nổi tiếng. Đặc điểm cuối cùng này giúp rượu vang cân bằng món ăn truyền thống Tây Ban Nha vốn rất đậm đà. Trong lịch sử thế kỷ XIX, Tây Ban Nha chinh phục cả Nam Mỹ, và đi cùng với nó là rượu vang Tây Ban Nha. Vì vậy, có thể nói rằng từ rất lâu rượu vang Tây Ban Nha đã kết hợp tốt với các nền ẩm thực khác nhau ở Nam Mỹ, với tất cả các nguyên liệu địa phương hoàn toàn khác biệt, từ Perou đến Mexico, Argentina… Nam Mỹ chính là thị trường tiêu thụ rượu vang Tây Ban Nha nhiều nhất, rồi sau đó mới đến vang Pháp và Ý. Nay châu Á đang là điểm đến mới của các nhà làm vang Tây Ban Nha, với Trung Quốc là thị trường thách thức nhất do đặc điểm vùng miền của ẩm thực ở quốc gia rộng lớn này.
“Cune là sản phẩm lâu đời nhất của lò vang chúng tôi, có mặt trên thị trường từ năm 1888”, ông Urrutia nói. “Tôi đặc biệt thích Cune Crianza vì nó là loại vang có độ phức tạp cao hơn các loại vang cùng lò, hòa quyện giữa sự tươi trẻ và độ trưởng thành trong cùng sản phẩm, giúp kết hợp tốt với nhiều món ăn khác nhau, từ cá chế biến với dầu ôliu, ớt cho đến thịt gia cầm, thịt đỏ. Nhưng bạn cũng có thể uống khan chai này vì nó là loại nhẹ (13,3% độ cồn)”.
Chuyên gia đánh giá chất lượng rượu vang tại hầm rượu ở Aranda de Duero, một thành phố miền bắc Tây Ban Nha
Truyền thống rõ nét nhất của rượu vang Tây Ban Nha là ủ lâu trong thùng gỗ sồi. Trong lịch sử làm rượu vang ở nước này, việc ủ rượu 25 năm trong thùng gỗ không phải là chuyện hiếm. Ngày nay, truyền thống đó được cải tiến để phù hợp với xu hướng hiện đại, nhưng hầu hết các nhà làm vang đều để thời gian ủ trong thùng gỗ dài hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Tại Tây Ban Nha, rượu vang có dán nhãn DO (Denominacion de Origen) là loại chất lượng cao được sản xuất tại một số vùng cụ thể theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Theo quy định, hạng Crianza có thời gian ủ tối thiểu trong thùng gỗ sồi từ sáu tháng đến một năm, trong khi Reserva là phải một năm và Gran Reserva từ 18 tháng đến hai năm. Sau đó, rượu còn được đóng chai và ủ tối thiểu trong chai thêm ít nhất hai năm đối với Crianza, năm năm đối với hạng Gran Reserva. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những chai vang đỏ mới nhất trên thị trường có niên hạn từ 2009.
Về giá cả, rượu vang Tây Ban Nha hạng Crianza cũng đã có mức giá từ 500.000 đồng trở lên. Một đặc điểm nữa là Tây Ban Nha sản xuất khá nhiều chai vang đỏ magnum (1,5 lít) hoặc 3 lít. Trên thị trường Việt Nam, có thể kể ra những sản phẩm Tây Ban Nha quen thuộc như Marques de Caceres, Arzuaga (nhà phân phối Warehouse), LAN (Tấn Khoa), Torres (Celliers d’Asie), Castano (Vino)… Cũng có thương hiệu thuộc loại cao cấp nên không phổ biến, như Vega Sicilia (Tấn Khoa) với chai Tinto 2003 giá 6,6 triệu đồng và chai Cosecha 1996 “Unico” giá đến 15,2 triệu đồng! Cả hai chai này đều có DO là Ribera del Duero. Hoặc như chai Pintia 2005 loại double magnum (3 lít) có giá 10,8 triệu đồng.
[note color=”#ccd1d4″]Những vùng làm rượu vang nổi tiếng của Tây Ban Nha gồm Rioja, Ribera del Duero và Penedés. Rioja bao phủ vùng đất phía bắc Tây Ban Nha, trải dài suốt dòng sôngEbro. Đây là vùng nho được biết đến nhiều nhất và chuyên sử dụng giống nho tempranillo. Trong khi đó, Ribera del Duero nằm cách 125km về phía bắc Madrid, giữa những cao nguyên đá với hầu hết các lâu đài có từ thời trung cổ và được đặt tên theo con sông vốn chẳng cung cấp bao nhiêu nước cho đất trong vùng. Chính đặc điểm khí hậu có độ biến thiên rất lớn ở đây, với mùa hè nóng cháy da và mùa đông lạnh dữ dội, đã buộc những cây nho fino tinto (một biến thể của tempranillo) phải dồn hết sinh lực vào trong trái, giúp tạo ra những sản phẩm có chất lượng hiếm và giá cao đặc biệt. Nếu như Rioja và Ribera del Duero chuyên về vang đỏ thì Penedés chú trọng sản xuất vang trắng và cava, một loại vang sủi bọt của Tây Ban Nha được pha chế từ các giống nho macabeo, parellada và xarel-lo.
[/note]Quang Thái