Có hai “đặc sản” thiên nhiên mà người dân Úc luôn tự hào giới thiệu với thế giới, đó là biển và hoa. Những ai yêu biển và các môn thể thao dưới nước như lướt ván, lặn biển, đua thuyền… thường tìm đến đây vào mùa hè, khi làn nước ấm áp phản chiếu màu trời xanh ngăn ngắt. Còn với những tâm hồn lãng mạn, yêu cỏ cây hoa lá thì mùa xuân nước Úc – mùa xuân ở Nam bán cầu chính là thiên đường với ngàn hoa đua nở. Khung cảnh thiên nhiên khi ấy vừa rực rỡ đến choáng ngợp, vừa dịu dàng đến nao lòng.
Tưng bừng hội hoa tulip
Du học sinh như chúng tôi thường mời người thân, bạn bè sang thăm nước Úc vào mùa xuân (từ tháng Chín đến hết tháng Mười một) bởi đây là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm ở xứ chuột túi. Sau mùa đông lạnh giá, cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc, những tán cây to khoác lên mình chiếc áo mới non tơ, quyến rũ. Thời điểm này các lễ hội hoa tulip cũng bắt đầu rộn ràng trên khắp nước Úc.
Ở bang Victoria, Tesselaar Tulip Festival bắt đầu vào khoảng giữa tháng Chín và kéo dài đến đầu tháng Mười để cho người dân và du khách thưởng thức vẻ đẹp của hàng triệu bông hoa uất kim hương được trồng thành từng luống dài ngút mắt. Mùa xuân, vào các ngày cuối tuần, người người còn hòa mình vào các hoạt động trao đổi văn hóa của các nước châu Âu như Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ireland qua các phần biểu diễn nghệ thuật, thời trang, ẩm thực…
Cô bạn của tôi trong dịp này đã hóa trang rất ngọt vào vai cô gái Hà Lan, mặc váy xòe thướt tha giữa cánh đồng hoa. Dẫu vậy, có lẽ hình ảnh đáng yêu nhất trong cảm nhận riêng của chúng tôi là những cô bé, cậu bé người Việt xúng xính trong chiếc áo dài truyền thống theo chân bố mẹ đi trẩy hội.
Nối gót Tesselaar Tulip Festival, lễ hội hoa xuân ở thủ đô Canberra cũng diễn ra một tuần sau đó. Thủ đô nước Úc chỉ cách thành phố cảng Sydney hơn ba giờ lái xe nên những ai có quỹ thời gian eo hẹp vẫn có thể tranh thủ đến đây trẩy hội. Ở Úc, nếu không có xe riêng là một thiệt thòi lớn trong việc khám phá thiên nhiên tươi đẹp của đất nước này. Tuy vậy, với hội hoa ở Canberra, những người vốn chỉ dùng phương tiện công cộng để đi lại như du học sinh cũng có nhiều lựa chọn thay thế.
Tuyến đường Sydney – Canberra bình thường vẫn có nhiều chuyến xe khởi hành đều đặn từ lúc 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Do không quen đường sá thủ đô, sau khi dạo một vòng trên các diễn đàn, nhóm chúng tôi đã chọn một tour tham quan lễ hội hoa xuân Canberra đi về trong ngày với mức giá cũng rất… sinh viên (60 AUD, tương đương 960 ngàn đồng). Gọi là “tour” nhưng nhà tổ chức chỉ cung cấp những thứ cần thiết nhất gồm xe đưa rước và một hướng dẫn viên nói tiếng Anh, Việt hoặc Hoa tùy chọn. Xe khởi hành từ Sydney CBD (khu trung tâm thành phố) vào lúc 8 giờ sáng và về đến nơi lúc 8 giờ tối.
Người Việt trung niên hoặc cao tuổi sang Úc du lịch thường đi theo các tour có hướng dẫn viên tiếng Việt hoặc tiếng Hoa, với giá chỉ bằng một nửa so với các tour tiếng Anh mà giới trẻ hay chọn. Dù thế, ngay khi đặt chân đến Canberra, hầu hết mọi người đều cảm thấy tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Việt không còn là vấn đề nữa bởi tự thân vẻ đẹp của các loài hoa chính là thứ ngôn ngữ tuyệt vời nhất. Không cần hướng dẫn viên, mỗi người trong đoàn cứ mặc nhiên để tulip đưa đường dẫn lối, đi khắp các luống hoa trắng tinh khôi, luống đỏ, luống vàng rực rỡ hay những vạt hoa tím thẫm xuyến xao…
Vì hội hoa diễn ra vào những ngày chớm xuân nên tiết trời còn vương vất chút hơi lạnh và thỉnh thoảng lất phất vài cơn mưa phùn. Thế mà ai nấy đều tranh thủ gác lại công việc, cùng gia đình, bạn bè đến các lễ hội để thưởng hoa. Và một điều tuyệt vời nữa là lễ hội này mở cửa hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người. Sở dĩ phải nhấn mạnh yếu tố trên là vì du lịch Úc nổi tiếng đắt đỏ. Ngoài ra, nói riêng về việc tham quan vườn hoa thì trên khắp nước Úc vốn có rất nhiều khu vườn tư nhân, được thiết kế theo phong cách Nhật, Hàn, Ý… với quy mô nhỏ hơn nhiều so với Commonwealth Park nhưng đều thu phí vào cổng khoảng từ 10 đến 20 AUD/người (tương đương 160-320 ngàn đồng).
Xôn xao mùa phượng tím
Nếu như uất kim hương trên đất Úc được xem là một loài hoa du nhập và mang vẻ đẹp “vay mượn” của châu Âu thì jacaranda cũng có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Jacaranda thường được người Việt nơi đây gọi bằng cái tên gần gũi và trìu mến là phượng tím dù hoa hình ống, dáng thuôn dài, cánh mỏng manh, không có vẻ gì giống hoa phượng đỏ Việt Nam. Người ta thường quên mất sự hiện diện của chúng trong năm mãi cho đến những ngày giữa tháng Mười, khi khắp nước Úc như chìm đắm trong sắc tím dịu dàng.
Du khách không cần phải đến lễ hội hoa mới có thể chiêm ngưỡng jacaranda bởi màu tím mê hoặc ấy có mặt khắp mọi ngả đường, góc phố. Có khi đó là tán hoa tím rủ xuống ôm ấp những mái nhà nhấp nhô trong các khu dân cư, tỏa bóng mát xuống những con đường. Có khi đó là một sớm mai thức dậy, bước ra xe đi làm, thấy hoa tím vương đầy trên nóc xe, kính xe mà không nỡ gạt đi hoặc vài nhành hoa rủ xuống sân trường đại học, nơi các cô cậu sinh viên đang miệt mài ôn thi.
Vì muốn được đắm mình trong trùng trùng điệp điệp sắc tím, chúng tôi đã chịu khó đến Grafton để tham dự lễ hội jacaranda được tổ chức vào những ngày cuối tháng Mười hằng năm. Grafton là một thành phố nằm giữa Sydney và Brisbane (cách Sydney 630 cây số về hướng Bắc). Hằng năm, đến độ giữa xuân, khoảng 4.000 cây jacaranda nơi đây thi nhau khoe sắc, phủ tím cả một vùng thung lũng sông Clarence thơ mộng.
Có lẽ vì biết du khách phải vượt một quãng đường xa mấy trăm cây số để đến Grafton nên ban tổ chức lễ hội thiết kế nhiều hoạt động để khách tham gia cho “bõ công” đi lại. Các cuộc thi đua thuyền, diễu hành xe cổ, hòa nhạc ven sông, trưng bày thuyền gỗ… khiến cho chúng tôi ai nấy luôn bận rộn. Nhưng phải nói rằng, không khí rộn ràng của lễ hội cũng chỉ là phần phụ, bởi vẻ đẹp của khung trời màu tím được dệt nên bởi hàng ngàn cây jacaranda cũng đủ “hớp hồn” khách lãng du.
Thưởng thức jacaranda khó nhất là chọn đúng thời điểm bởi hoa nở sớm hay muộn tùy thuộc vào điều kiện khí hậu mỗi năm. Nếu đi quá sớm thì hoa mới vừa chớm nở, còn đang e ấp trên cành nên khó lòng tìm được những thảm hoa rơi đẹp như tranh vẽ. Đi trễ, dù chỉ một hai ngày, hay sau một vài cơn mưa thì sắc hoa đã nhạt nhòa.
Chẳng hạn như năm nay, tại Brisbane – một trong những thành phố nổi tiếng với những con đường nhiều hoa jacaranda nhất nước Úc, một cơn mưa đá bất ngờ xuất hiện vào những ngày đầu tháng Mười một đã làm người dân địa phương không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh hoa rơi dập nát sau mưa. Bởi thế, nếu chưa sẵn sàng đón nhận những chếnh choáng bởi vẻ đẹp hoa cỏ mang đến, hay những phút chùng lòng khi nhìn những thảm hoa rơi thì xin đừng đến nước Úc vào mùa xuân!