Vào cuối thế kỷ 19, ở nước Pháp đã xảy ra một sự kiện trọng đại: một cuộc vận động nghệ thuật mới như một cơn sóng lớn đổ vào đất nước mang đầy hơi thở nghệ thuật này. Sau đó, có một người lặng thầm viết nên trang sử mới cho nghề chế tác trang sức cho nước Pháp.
Với phong cách “không bị hạn chế bởi thời gian”, người ấy đã tạo nên một kỷ nguyên mới về trang sức hiện đại. Từ hoàng cung cho đến các viện bảo tàng tại châu Âu, sau đó lan qua các châu lục khác, nơi nào cũng mong được trưng bày tác phẩm của ông. Con người tài hoa đó chính là René Lalique.
Đứa con của vùng nổi tiếng về rượu champagne
Từ thủ đô Paris đi về hướng đông khoảng hơn 100km, chúng ta sẽ đến vùng đất cho ra đời những chai rượu champagne ngọt ngào. Qua cánh cửa sổ của tàu hỏa, hành khách được thưởng thức khí hậu trong lành của vùng đất này cùng hương thơm quyến rũ của những vườn nho phát ra từ ngôi làng Ay bé nhỏ.
Cho đến ngày 5-4-1860, làng Ay chỉ nổi tiếng với việc sản xuất champagne, rồi đến ngày 6-4-1860, một bé trai có tên René đã ra đời tại đó và bằng sức sáng tạo của mình, những năm về sau, con người đó đã mang lại cho làng Ay thêm niềm tự hào nữa.
René Lalique ngay từ nhỏ đã rất đam mê thế giới thiên nhiên, để rồi sau này những ghi nhận của cậu cứ được tích lũy dần và đi vào những kiệt tác kinh điển của người nghệ sĩ này.
Lúc đầu, cậu bé dùng bút chì và những bức tranh màu nước để thể hiện những khoảnh khắc bí ẩn của tự nhiên. Những bản nháp về phong cảnh thiên nhiên sinh động đó là khởi đầu phong cách độc đáo trong các tác phẩm sau này có chữ ký của Lalique.
Sau khi người cha qua đời, năm 16 tuổi, René Lalique đã đến Paris để tìm thầy trang sức Louis Aucoc xin làm đệ tử.
Hằng ngày, Lalique vừa theo học kỹ thuật chế tác trang sức, vừa cắp sách đến giảng đường của Học viện Nghệ thuật trang sức Paris.
Năm 1882, khi mới 22 tuổi, Lalique đã được giao nhiệm vụ thiết kế trang sức cho các hãng trang sức nổi tiếng như Cartier, Jacta, Boucheron…
Táo bạo với những thiết kế độc đáo
Vào thời kỳ ấy, thiết kế trang sức chưa được xem là một môn nghệ thuật. Khi nhìn thấy kim cương hay ngọc trai, người dân thường chỉ hiểu rằng đó là những đồ xa hoa khó có thể với tới.
Năm 1886, Lalique chỉ là một kẻ mới bước chân vào thế giới trang sức, chính xác là một nhân viên thiết kế trang sức trong hoàng cung, nhưng với tài hoa xuất chúng của mình, chàng trai đó có cơ hội hợp tác với hai thương gia trang sức nổi tiếng của Paris là Henri Vever và Frédéric Boucheron.
Từ niềm đam mê mãnh liệt đối với đồ trang sức, Lalique mạnh dạn tiếp nhận xưởng gia công trang sức tại Paris mang tên Jules Destape và dồn hết tâm huyết cho việc nghiên cứu những tác phẩm mới.
Nhờ có góc nhìn nghệ thuật vô cùng nhạy cảm cùng khả năng nắm bắt kỹ xảo chế tác tinh tế, Lalique đã cho ra đời nhiều tác phẩm tuyệt vời.
Ông dễ dàng đem những hình ảnh của thế giới thiên nhiên vào trong tác phẩm của mình, từ chuồn chuồn, rùa, côn trùng đến bướm, ong, bọ ngựa… Dưới bàn tay của Lalique, những sinh vật bé nhỏ bỗng trở nên có sức mê hoặc diệu kỳ.
Có khi ông sử dụng những màu sắc khác nhau để tạo nên những dòng hoa cỏ đủ hình thái và màu sắc. Chịu ảnh hưởng từ những họa sĩ và thi sĩ chủ nghĩa tượng trưng, ông đã tìm ra cách biến những nguyên liệu tầm thường thành những kiệt tác xuất chúng.
- Xem thêm: Phong cách nghệ thuật của đồ trang sức Ý
Những thiết kế thời kỳ đầu của Lalique mang nhiều yếu tố tự nhiên và theo chủ nghĩa cổ điển. Sau đó, ông đã táo bạo nâng hình ảnh người phụ nữ thành một chủ đề và ra sức thể hiện trong thiết kế của mình.
Hình ảnh người phụ nữ trong các tác phẩm của Lalique mang phong cách nghệ thuật của thời kỳ Phục hưng, được ông khắc họa thành những nhân vật trong thần thoại, nửa trên thân người, nửa dưới thân thú đầy bí ẩn.
Bậc thầy của trào lưu tân nghệ thuật
Trào lưu tân nghệ thuật (Art Nouveau) chính thức xuất hiện vào năm 1880. Từ năm 1892 đến năm 1902, nó nhanh chóng vươn lên đến đỉnh cao.
Năm 1889, trong một hội chợ triển lãm thế giới, một chiếc trâm cài áo hình chú chim con đang ca hát của Lalique được mọi người rất chú ý để rồi từ năm 1890, Lalique thật sự trở thành nghệ nhân nổi tiếng. Ông được tôn vinh là “đại sứ” của giới trang sức Art Nouveau.
Sự kết hợp kỳ diệu các hình ảnh trong các tác phẩm của Lalique cùng cách sử dụng màu sắc độc đáo đã khiến giới thiết kế đồ trang sức phải nghiêng mình nể phục ông.
Cũng trong năm ấy, René Lalique lập một xưởng mới của mình, sử dụng hơn 30 nhân công. Những thiết kế mang tên Lalique được ra đời tại nơi này ngày một tuyệt diệu.
Tài hoa của Lalique nhanh chóng được giới thượng lưu kính nể. Ngày có càng nhiều quý tộc trở thành khách hàng quen thuộc của nhãn hiệu trang sức Lalique.
Năm 1900, Lalique vinh dự nhận giải thưởng cao quý Legiond’ Honneur. Giải thưởng ấy càng khiến nhiều người phải mất công đeo đuổi những tác phẩm của Lalique.
Được sở hữu một tác phẩm của Lalique từng là ước mơ của biết bao người. Tất nhiên, vô số nghệ nhân trang sức khác cũng cố gắng học hỏi những ý tưởng sáng tạo từ những tác phẩm nghệ thuật của ông.
Quái kiệt của thế giới thủy tinh nghệ thuật
Năm 1907, Lalique nhận được một đơn đặt hàng chế tạo chai đựng nước hoa. Ông rất mừng vì có được cơ hội khám phá một lĩnh vực mới rất hứng thú là thủy tinh.
Từ năm 1910, René Lalique dành hết đam mê cho đồ trang sức làm bằng thủy tinh. Ông xây dựng một xưởng sản xuất thủy tinh ngay vùng ngoại ô Paris. Vào năm 50 tuổi, René Lalique chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất công nghiệp.
Qua nhiều năm mày mò, ông đã tìm ra phương pháp tạo nên những tác phẩm trang trí trang nhã, quý phái. Ông sử dụng phương pháp đúc khuôn để tạo ra những vật bằng thủy tinh đủ loại hình dạng.
- Xem thêm: 6 tuyệt tác mới của thế giới kim hoàn
Nhờ việc cho ra đời thành công những chai thủy tinh đựng nước hoa cho Công ty Francois Coty – nhà sản xuất nước hoa danh tiếng thời bấy giờ, René Lalique một lần nữa khiến mọi người phải nghiêng mình khâm phục.
Nửa đời còn lại, René Lalique dồn hết tâm sức cho việc sáng tạo nên những kiệt tác thủy tinh. Ông đưa thủy tinh vào nghệ thuật kiến trúc, tạo ra những cánh cửa sổ, đài phun nước, bia kỷ niệm, đèn treo tường…tuyệt đẹp.
Vào ngày 1-5-1945, René Lalique qua đời tại Paris, hưởng thọ 85 tuổi. Một trong những ngôi sao sáng về chế tác đồ trang sức và thủy tinh nghệ thuật của thế kỷ 20 đã mãi mãi ra đi.
May mắn là sau khi René Lalique qua đời, con cháu của ông tiếp tục tập trung vào việc kinh doanh những tác phẩm thủy tinh nghệ thuật và nhãn hiệu Lalique gắn trên các sản phẩm thủy tinh nghệ thuật đã nổi tiếng khắp thế giới.