Khởi nguồn
Văn hóa trang sức của nước Ý có từ thời văn minh La Mã cổ đại, bắt đầu được nhen nhóm trong thế kỷ thứ 1 và thứ 2.
Vào thời này, những quý bà quý cô thuộc tầng lớp quý tộc luôn đeo những đôi hoa tai tinh mỹ, dây chuyền và vòng đeo tay với những họa tiết tinh xảo, trang nhã, xinh đẹp.
Trang sức khi đó không những thể hiện quyền lực, tài lực, mà còn tôn lên được nhiều lần vẻ đẹp cao sang của phụ nữ. Chiếc nhẫn được xem là tín vật đính hôn có nguồn gốc từ một phong tục có ở thời kỳ La Mã cổ đại.
Thế kỷ 13, 14 là giai đoạn Phục hưng ở châu Âu, mà những điểm khởi nguồn là Florence, Genoa, Venice của nước Ý, đồng thời cũng là thời đại của sản xuất và tiêu dùng những mặt hàng trang sức quý hiếm. Những người thợ trang sức ưu tú nhất của nước Ý thường được quy tụ để phục vụ riêng cho hoàng thất và giới quý tộc.
Đầu tư những khoản tiền to lớn trong việc cho ra đời những món đồ trang sức, người ta đã tạo ra những sản phẩm độc nhất vô nhị mà giá trị của chúng khiến các thế hệ đi sau luôn phải trầm trồ thán phục.
Giá trị đặc sắc
Những nhãn hiệu đồ trang sức của Ý thường tuy có quy mô không lớn, nhưng nổi bật về sự chọn lựa tỉ mỉ nguyên vật liệu, về thiết kế táo bạo, luôn đi trước thời gian nhưng không làm mất đi những nguyên lý mỹ học kinh điển.
Những nhà thiết kế và những người thợ kim hoàn của Ý luôn đeo đuổi theo sự cân bằng hoàn mỹ giữa tính thương mại và giá trị nghệ thuật.
Trên toàn nước Ý từng có 24 ngàn xưởng làm đồ trang sức, đời cha truyền cho đời con. Tất cả những xưởng trang sức ấy nói chung có quy mô nhỏ và vừa, mỗi một nơi đều có thương hiệu riêng.
Chủ tịch Hiệp hội Trang sức vàng bạc khu vực Rome của Ý đã từng nói: “Trang sức là một loại hình nghệ thuật. Giống như một chiếc hộp chứa đựng đầy ký ức lịch sử, trên vật thể bé nhỏ ấy bảo tồn sự đặc trưng của thời đại mà nó từng trải qua cùng nghệ thuật chế tác vàng bạc, đá quý tinh xảo của con người. Tất cả mọi sự sáng tạo đều bắt nguồn từ khả năng nhạy cảm của con người đối với cái đẹp”.
Trang sức của nước Ý độc đáo ở kết quả nghiên cứu, tìm tòi trong kỹ thuật khảm nạm tinh vi, tạo được một ngôn ngữ trang sức riêng rất tinh tế, vừa phát triển, vừa kế thừa được tinh hoa nghệ thuật của các thời kỳ trước đó và lưu truyền lại cho đời sau.
Từ chế độ đế quốc La Mã cho đến thời kỳ Phục hưng, những xưởng làm trang sức lớn nhỏ của Ý đều luôn đặt niềm tin vào một tôn chỉ “Thiết kế là cha đẻ của các loại hình nghệ thuật”.
Trong thế giới trang sức, tuy các thợ kim hoàn ở đâu cũng đều đặt trong tâm vào việc sử dụng những kim loại quý và bảo thạch, nhưng trang sức của mỗi nước vẫn có những phong cách rất riêng biệt.
Để hình dung ra phong cách trang sức của nước Ý, người ta chọn các cụm từ “linh cảm hàng đầu”, “cá tính hàng đầu”.
Bên trong của món trang sức Ý tuyệt diệu, bạn có thể cảm nhận được một thứ giá trị không phải vật chất, mà là kỹ năng, nhiệt huyết và sức sáng tạo của những người thợ thủ công được cô đọng một cách hài hòa.
Khi được chiêm ngưỡng một món trang sức cổ của nước Ý, đối diện với một vẻ đẹp đầy lôi cuốn, không ai không thoát khỏi cảm giác bị thôi miên thật sự.
Vì sao khi khoa học kỹ thuật đã phát triển mạnh mẽ như vậy mà người thời nay không cách nào đủ sức thi tài được với trình độ của những thợ thủ công xưa kia trong việc tạo ra những tác phẩm trang sức?
Câu trả lời chỉ có thể là lao động sáng tạo và trình độ chế tác thủ công khi ấy đã đạt tới điểm đỉnh mà cho đến bây giờ, dù có trong tay những cỗ máy tính “khủng” hay những dây chuyền tự động hóa hết sức tinh vi, chúng ta vẫn không thể vượt qua được điểm đỉnh ấy.
Năm nhãn hiệu trang sức của Ý nổi tiếng nhất trên thế giới:
- Bulgari
- Federico Buccellati
- Damiani
- Ansuini
- Petochi