Năm 2014, không CLB nào xứng đáng hơn Real Madrid cho danh hiệu “CLB hay nhất thế giới”. Đó cũng không phải là danh xưng “nói cho có” mà thực tế là cuối tuần qua, Real Madrid đã đánh bại nhà vô địch Nam Mỹ San Lorenzo 2-0 (ảnh) trong trận chung kết Cúp thế giới các CLB để giành được danh hiệu thứ tư chỉ trong năm 2014 (sau Cúp Nhà vua Tây Ban Nha, Champions League và Siêu cúp châu Âu).
Real Madrid đã được vinh danh là CLB xuất sắc nhất thế kỷ XX. Còn thời điểm hiện tại, Real Madrid đơn giản là CLB số 1 thế giới, thực sự không có đối thủ. Họ sở hữu đội hình đắt giá nhất thế giới, với đương kim Quả bóng vàng Cristiano Ronaldo, cầu thủ có giá chuyển nhượng chính thức cao nhất thế giới Gareth Bale và cả HLV giàu thành tích Carlo Ancelotti. Họ cũng đang sở hữu mạch trận toàn thắng lâu nhất trong lịch sử CLB: 22 trận thắng liên tiếp trên mọi đấu trường…
Họ có cần phải đá hay đến thế không? Ai cũng sẽ trả lời: “Tất nhiên là cần”. CLB nào chẳng muốn thắng tất cả các trận đấu, đè bẹp mọi đối thủ, chinh phục mọi danh hiệu. Bởi trong bóng đá hiện đại, chiến thắng sẽ đi kèm với danh tiếng và tiền bạc. Hợp đồng tài trợ tới tấp bay về. Bản quyền truyền hình béo bở. Thị trường và doanh số các mặt hàng “ăn theo” như khăn, áo đấu… ngày càng mở rộng khắp thế giới. Phí ra sân cho những chuyến du đấu nước ngoài cũng cao ngất ngưởng. Mỗi cầu thủ trong một đội bóng như thế cũng tăng giá trị của mình lên, từ giá chuyển nhượng đến thương hiệu cá nhân, kèm theo đó là mức lương trên trời và những hợp đồng quảng cáo với các công ty hàng đầu… Vậy thì, rất nên đá để được toàn thắng như thế, luôn đá hay được như thế.
Nhưng với nhiều người theo dõi bóng đá, một CLB đúng là không nên duy trì mạch trận thắng liên tiếp quá lâu, tức là không nên quá hay như thế! Nghe có vẻ nghịch lý nhưng đã có nhiều dẫn chứng cho thấy một đội bóng dù có hay đến mấy, binh hùng tướng mạnh đến mấy, mà cứ gồng mình để “đá đâu thắng đó” như thế, thì khi gặp thất bại lại dễ dẫn đến một sự sụp đổ dây chuyền hơn là đá có thắng, có thua hay hòa. Mạch trận thắng liên tiếp càng dài thì cầu thủ càng cố hết sức để duy trì, dẫn đến sự căng thẳng không đáng có, để rồi khi nhận thất bại đầu tiên cũng là lúc sức chịu đựng của các cầu thủ đã lên đến cực hạn. Giả sử đó là thời điểm rất quan trọng của mùa bóng, thì nguy cơ trắng tay là rất cao. Những đại kình địch của Real Madid tại đấu trường châu Âu là Barcelona và Bayern Munich từng trải qua tình huống này. Giai đoạn cực thịnh sau khi giành Champions League (2011 với Barcelona và 2013 với Bayern Munich), hai đội bóng này cũng được mệnh danh là bất khả chiến bại, nhưng rồi đúng vào thời điểm quan trọng nhất, họ thất bại. Với Bayern Munich, đó là thất bại trước chính Real Madrid trong hai trận bán kết Champions League mùa trước với tổng tỷ số 0-5. Barcelona mùa này cũng toàn thắng tám vòng đầu cho đến khi gặp chính Real Madrid ở vòng 9 và gục ngã 1-3.
Giải Ngoại hạng Anh cuối mùa bóng trước cũng có trường hợp tương tự, khi Liverpool đang băng băng về đích với 11 trận thắng liên tiếp, bỏ cách đội nhì bảng năm điểm, bỗng “đứt thắng” trong trận đấu then chốt vòng 36 trên sân nhà trước Chelsea (thua 0-2) để rồi ngậm ngùi nhìn Manchester City vượt mặt giành chức vô địch. Tâm lý các đội bóng khác (đặc biệt là những đối thủ truyền kiếp của CLB đang toàn thắng) rất muốn “đè” đội bóng đang thăng hoa này. Một công đôi việc, vừa dập tắt sự thăng hoa của đối thủ, vừa tăng sĩ khí cho chính mình. Cho nên, mạch trận thắng lâu quá cũng không nên. Như Manchester United cuối tuần qua, sau sáu trận thắng liên tiếp chỉ giành được kết quả hòa 1-1 trên sân của Aston Villa. Vậy lại hay, họ đỡ phải mang trên mình áp lực phải thắng trong những vòng đấu tới. Thắng thì tốt mà hòa hay thua cũng không sao. Không như Real Madrid trong năm mới 2015: Họ sẽ vừa đá vừa sợ thua. Họ sẽ còn thắng nhiều trận nữa, dĩ nhiên, vì họ quá mạnh, nhưng phải mong rằng mạch trận thắng ấy không đột ngột dừng lại, đặc biệt là ở vòng knock-out của Champions League.
- Địch Vân