Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sáng 2-11 đã trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, dự kiến việc phê chuẩn diễn ra trong kỳ họp này.
Đây là một thủ tục pháp lý được các nước thành viên tiến hành bao gồm việc phê chuẩn theo quy định của pháp luật nước mình để hiệp định có hiệu lực. Như vậy Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP sau Canada, Nhật, Mexico, Singapore, New Zealand và Úc.
Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP gồm 12 thành viên, TPP-11 đã được đổi tên thành Hiệp định CPTPP, về cơ bản vẫn giữ nguyên nội dung cũ nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ, gồm 11 nghĩa vụ liên quan đến chương Sở hữu trí tuệ, hai nghĩa vụ liên quan đến chương Mua sắm của Chính phủ và bảy nghĩa vụ liên quan đến bảy chương là Quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại; đầu tư; thương mại dịch vụ xuyên biên giới; dịch vụ tài chính; viễn thông; môi trường; minh bạch hóa và chống tham nhũng để bảo đảm cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên.
Tuy vậy, về tổng thể, Hiệp định CPTPP vẫn được đánh giá có chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.
- Xem thêm: CPTPP sẽ được thực thi vào đầu năm 2019?
Trong tờ trình Quốc hội, Chủ tịch nước cho biết việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á – Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị – an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa chúng ta với các nước thành viên, đặc biệt là các nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế – xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế… Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng…. đòi hỏi Việt Nam cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị – xã hội của Việt Nam.
Tờ trình cũng nêu kiến nghị về việc phê chuẩn, thời điểm phê chuẩn, nội dung bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài.
Theo đó, Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất sáu nước ký kết hoặc ít nhất 50% số nước ký kết của hiệp định thông báo bằng văn bản với Cơ quan lưu chiểu về việc đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó.
Trong phiên họp sáng 2-11, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo cho biết hầu hết các đại biểu tham dự thẩm tra tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và cho rằng đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển kinh tế Việt Nam với các nước thành viên của hiệp định còn khá lớn.
Các ý kiến này cho rằng mặc dù hiệp định mang lại nhiều cơ hội, nhưng đi cùng theo đó là những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin.
Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong khi CPTPP còn ở phía trước thì xuất khẩu ngành lương thực Việt Nam trong thời gian gần đây đã có nhiều biến động, trong đó riêng ngành gạo có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Hằng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.
Hoạt động thương mại gạo đang diễn biến theo một xu hướng mới, các hợp đồng Chính phủ dần ít đi và thay vào đó là các hợp đồng thương mại, xu hướng đấu thầu quốc tế được các nước nhập khẩu gạo ưu tiên lựa chọn. Xuất khẩu gạo nay chuyển từ khối lượng sang chất lượng.
Tuần qua, tại Cần Thơ, một cuộc hội thảo về đề tài này được tổ chức thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng cùng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Thông tin từ hội thảo cho biết những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển và đạt được kết quả tích cực. Hằng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.
Không những thế, hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Mỹ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo, tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo.
Ngoài ra, một số cơ chế chính sách khác cũng như đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam sẽ góp phần tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.
Tuy nhiên thời gian gần đây, không ít rào cản, nhất là hàng rào phi thuế quan đã xuất hiện, tác động không nhỏ tới xuất khẩu gạo của Việt Nam. Thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Không chỉ Trung Quốc, xu thế này cũng được các nước khác áp dụng, buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Hiện nay trong 150 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, chỉ có 40% doanh nghiệp có lượng xuất khẩu sản lượng lớn.
Khi ban hành Nghị định 107 thì các doanh nghiệp có cơ hội tham gia nhiều hơn vào ngành gạo, không còn riêng các doanh nghiệp chỉ kinh doanh gạo mà sẽ có nhiều doanh nghiệp khác tham gia. Nhưng khi có nhiều doanh nghiệp thì sẽ cạnh tranh và khi đó sẽ không tránh có doanh nghiệp sẽ bỏ giá thấp.
Năm ngoái, khi đấu thầu gói hợp đồng gạo của chính phủ Philippines, nhờ sự liên kết của các doanh nghiệp Việt mà đã đạt được kết quả khả quan.
Trước đây, các doanh nghiệp phải đăng ký định mức với hiệp hội, cách này cũng có hướng tốt là hiệp hội nắm được giá cả, thị trường sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp, nhưng việc đưa ra mức giá sàn cũng làm doanh nghiệp khó khăn.
Giờ đây, thực hiện theo Nghị định 107 thì các doanh nghiệp phải chủ động hơn, bởi tính cạnh tranh đã tăng cao. Các doanh nghiệp phải có năng lực và khả năng đàm phán như vậy mới đảm bảo lợi ích cho nông dân.
Hiện các thị trường có xu hướng bảo hộ rõ rệt trong ngành thương mại. Với mặt hàng gạo, bên cạnh thuế quan thì các thị trường còn dựng lên các hàng rào về an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, các tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mỗi thị trường tự đưa ra tiêu chí riêng.