Gary Brotman, Giám đốc bộ phận AI của Qualcomm cho rằng sẽ không có khoảng cách phát triển trí tuệ nhân tạo ở các nước, dù có khác biệt về tốc độ kết nối.
Sau 5G, AI trở thành từ khóa “hot” trong giới công nghệ từ cuối năm ngoái. Samsung giới thiệu loạt tính năng với trợ lý ảo Bixby, Apple mang lên iPhone X chức năng FaceID – mở khóa bằng cách nhận diện khuôn mặt tận dụng sức mạnh AI. Google, Honor cũng thử nghiệm các tính năng trí tuệ nhân tạo trên thiết bị của mình.
Gary Brotman, Giám đốc bộ phận AI và Machine Learning của Qualcomm tại sự kiện AI Summit vừa diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhận định: Giới công nghệ Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự chậm trễ. Chúng ta từng đi chậm với 4G, và được các chuyên gia khuyến cáo phải chuẩn bị sớm cho 5G. Tuy nhiên, với AI, Việt Nam cùng với các nước đang phát triển đang không phải quá lo lắng về khoảng cách với các nước phát triển.
AI không bắt buộc phải đi kèm với 5G
“Sau nhiều năm nói đến ‘cloud’, công nghệ đang chuyển dần về ‘edge’. Nói đơn giản, dữ liệu sẽ được xử lý tại thiết bị, điểm cuối của hệ thống, chứ không phải trên máy chủ. Do đó, các nước đang phát triển, vốn không mạnh về tốc độ kết nối, sẽ không quá chậm chân khi phát triển AI, thậm chí còn có lợi thế”, Gary giải thích.
Đây là trăn trở chung của nhiều cá nhân, tổ chức ở các nước đang phát triển. Gary Brotman nói về một ví dụ điển hình về băn khoăn của người dùng.
“Năm ngoái ở MWC, có 3 bác sĩ từ 3 lĩnh vực khác nhau, không hề quen biết cùng đến và hỏi tôi rằng: “Nếu tôi có nhân viên làm việc ở vùng hẻo lánh và không có Internet, làm sao tôi có thể tham gia chẩn đoán và hỗ trợ bệnh nhân?”.
Câu hỏi đó thể hiện sự phụ thuộc đến ám ảnh của người dùng vào chất lượng kết nối. Tuy vậy, AI lại là một câu chuyện khác, khi xu hướng công nghệ đang cố gắng đưa một “bộ não nhân tạo” vào từng thiết bị, cho phép chúng hoạt động độc lập với Internet.
“Chúng tôi đang tập trung vào trải nghiệm “AI trên thiết bị”, nơi mọi thao tác có thể thực hiện mà không cần kết nối, hãy tưởng tượng bạn tạo ra và huấn luyện một bộ não nhân tạo, sau đó “nhét” nó vào thiết bị mà không cần server”, Gary nói về viễn cảnh của những thiết bị cá nhân hóa, “Tất nhiên, khi có kết nối, dữ liệu chung và 5G sẽ tăng tốc các hoạt động, nhưng AI không phụ thuộc hoàn toàn vào 5G để làm điều đó”, ông nói.
Trong một tương lai gần, các thiết bị di động sẽ có “bộ não riêng”, cho phép chúng xử lý thông minh các thao tác cơ bản, như nhận ra giọng nói, dịch lời thoại, nhận biết người quen để mở cửa nhà… ở quy mô cục bộ mà không cần kết nối.
“Nhưng nếu bạn cần thông tin ở cơ sở dữ liệu nào đó, ví dụ bạn cần biết thời tiết ở Indonesia khi đang ở New York, khi bạn cần mua gì đó, thì lúc đó mới cần kết nối”, Gary giải thích về quan hệ giữa 2 khái niệm.
Ngược lại, cơ sở hoạt động của AI trên một thiết bị không phụ thuộc vào cloud, tất nhiên clould sẽ cần chuyển thông tin về thiết bị hay ngược lại, và kết nối tốt hơn đẩy nhanh quá trình đó. 5G không hoạt động một mình, nó sẽ phối hợp với AI.
Demo ứng dụng AI tại Qualcomm AI Day Công nghệ AI được ứng dụng bước đầu trong một số phần mềm giải trí, an ninh hay dịch thuật.
Do đó, Gary cho rằng không cần quá lo lắng về việc đầu tư mạnh cho các thiết bị hỗ trợ 5G vào lúc này. Trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái, các chuyên gia cũng cho rằng phải đến năm 2020, 5G mới bắt đầu chín muồi và đi vào thương mại đại trà.
Nếu đúng theo dự đoán đó, Việt Nam vẫn còn khá nhiều thời gian, bởi theo nghiên cứu IHS Markitm thuộc Nhóm nghiên cứu Penn Schoen Berland và Berkeley, nền “kinh tế AI” sẽ bắt đầu từ khoảng năm 2035.
Thiết bị AI chỉ thành công khi người dùng quên mất chúng
Mỗi khi ra mắt một tính năng mới, các nhà sản xuất thường cố gắng nhấn mạnh chúng trong quảng cáo, hay các chiến dịch truyền thông để chúng người dùng nhớ đến và sử dụng.
Nhưng AI không hoạt động như vậy.
“Với cách máy móc nói chuyện hiện tại, bạn sẽ nhận ra ngay chúng là nhân tạo. Chúng có độ trễ khá lâu, bạn phải gọi tên chúng, không hề có các đoạn hội thoại thực sự”, Gary nêu vấn đề với các mô hình AI hiện tại.
Nhưng các thiết bị đang cải thiện, từ lời nói, cách giao tiếp, cách phản ứng với yêu cầu đưa ra. Một số trợ lý ảo hiện tại đã dần học được ngôn ngữ tự nhiên, người dùng thậm chí không còn phải nói đúng “từ khóa”. Các bộ não nhân tạo đang hướng đến thứ mà Gary gọi là “trải nghiệm xuyên suốt”.
“Đến một giai đoạn nào đó, người dùng thậm chí không còn nhớ mình đang làm việc với AI, họ quen dần với sự tự nhiên và quên mất chúng. Nói ngắn gọn, để thành công, AI phải tàng hình”, Gary nhận định.
Không có một con đường chung cho AI hay “cần làm gì với AI”, tất cả phụ thuộc vào ý định của nhà phát triển, các OEM sẽ phải quyết định làm sao để dùng công nghệ phù hợp nhất với công ty mình.
Về phía kỹ thuật, Qualcomm cùng các nhà phát triển nền tảng xử lý đang cố tích hợp càng nhiều công cụ càng tốt vào các “con chip”, hầu hết chip hiện tại đều đã có thể hỗ trợ các tính năng AI, kể cả trên thiết bị tầm trung.
Không có giới hạn khi ứng dụng AI
Đã có nhiều nước bắt đầu ứng dụng AI vào các mặt của đời sống hàng ngày. Các tập đoàn đa quốc gia ở mọi lĩnh vực đã bắt đầu con đường của mình, dù vẫn còn sơ khai.
Tại Trung Quốc, nơi diễn ra Qualcomm AI Day lần này, AI đã được áp dụng để quản lý dữ liệu cá nhân, kết nối công dân với các cơ quan chính phủ, dùng trong bán hàng, quảng cáo và cả những hoạt động thường ngày. Đó là một mô hình bước đầu cho “thế giới AI” nơi trí tuệ nhân tạo kết nối mọi cá nhân.
“AI được dùng cho nhiều mục đích, nó có thể đẩy mạnh hiệu quả công việc kinh doanh, có thể giúp tăng tốc phát triển sản phẩm”, Gary nhận định, “nhưng tôi không có quyền đánh giá rằng điều gì là “phù hợp” hay “không phù hợp” khi khai thác AI. AI là một công cụ, và mọi công cụ đều phụ thuộc vào cách con người khai thác chúng”.
Theo Gary, con người sẽ còn khai thác chúng theo hàng trăm cách, trải dài từ xe, nhà cửa, thiết bị an ninh đến y tế, thương mại điện tử. Rõ ràng, AI sẽ là công cụ đắc lực của tương lai, dù là trên lĩnh vực nào đi nữa.
– Theo Baomoi