Mỗi năm một lần, khi giá rét mùa đông bắt đầu rời gót và gió xuân ấm áp tràn về, những “quái vật” với bề ngoài rùng rợn bậc nhất lại xuất hiện ở Lôtschental, một thung lũng xa xôi, biệt lập ở Thụy Sĩ. Với chiếc mặt nạ bằng gỗ hình thù hung tợn, áo khoác lông thú dài lượt thượt, quần vải bố và chuông bò lớn đeo bên hông, chúng từng là nỗi khiếp đảm của cả trẻ em lẫn người lớn quanh vùng.
“Họ chui ra từ đâu trong đêm tối? Từ trên núi ư? Rồi thì họ lại biến đi đằng nào? Tôi không biết”, Manuel Blôtzer, một cư dân Lôtschental, nhớ lại. “Khi lần đầu tiên thấy họ lúc vẫn còn là đứa trẻ, tôi đã rất sợ hãi. Dù vậy, trong lòng tôi vẫn dậy lên nỗi hiếu kỳ, muốn được nhìn lâu hơn nữa”.
Không còn biệt lập
Lôtschental là thung lũng lớn nhất ở phía Bắc của thung lũng Rhône, Valais (Thụy Sĩ). Nó nằm trong dãy núi Bernese Alps, bắt nguồn từ sông băng Langgletscher, có chiều dài tầm 27km. Vì bị che chắn bởi 4 ngọn núi cao hơn 3.000m (Bietschhorn – 3.934 m, Hockenhorn – 3.293m, Wilerhorn – 3.307m, Petersgrat – 3.205m), Lôtschental hoàn toàn biệt lập với bên ngoài. Tuy nhiên, nó vẫn là đất sống của khoản 1.500 cư dân, hình thành các ngôi làng nhỏ (dân số chừng vài trăm trên mỗi làng), ví dụ như làng Wiler, Kippel, Ferden, Blatten…
Rất có thể các cư dân đầu tiên của Lôtschental đã có mặt tại đây từ trước Công nguyên. Song vì địa thế hiểm trở, khó ra vào, họ gần như tách biệt hoàn toàn. Mãi cho đến đầu thế kỷ XX, nơi này mới được kết nối với thế giới bên ngoài nhờ một tuyến đường sắt.
Trước khi có đường sắt, cư dân Lôtschental sống chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Bây giờ, sinh kế quan trọng nhất của họ là du lịch. Thung lũng này nổi tiếng là địa điểm đi bộ đường dài được ưa thích. Ngoài ra, nó cũng là vùng đất thích hợp cho các môn thể thao mùa đông, ví dụ như trượt tuyết. Vào tháng 12.2017, Lôtschental còn khánh thành cáp treo hiện đại, thuận tiện đưa đón du khách vào thăm.
Truyền thống rợn người
Mặc dù đã hơn một thế kỷ kể từ khi Lôtschental được kết nối với thế giới bên ngoài, song cư dân nơi đây vẫn gìn giữ một truyền thống khá kinh dị. Đó là lễ hội Tschaggatta. Khi màn đêm cuối đông đầu xuân buông xuống, những người đeo mặt nạ gỗ khắc họa hình ảnh một khuôn mặt cực kỳ rùng rợn, mặc quần áo da, lông thú lù xù sẽ tràn ra khắp các ngả. Họ không đi lại từ tốn trên đường mà bất chợt nhào ra từ góc khuất nào đó, bốc tro ném vào người khác, thậm chí còn dọa nạt, đuổi bắt trẻ em.
Không rõ trò “nhát ma” thót tim Tschaggatta có mặt tại Lôtschental từ khi nào, nhưng theo biên niên sử của nhà thờ địa phương thì kể từ nửa sau thế kỷ XIX, nó đã gây rất nhiều phiền nhiễu. Vốn dĩ, thung lũng này từng là một trong những khu vực nghèo nàn nhất của Thụy Sĩ. Trước khi trở thành địa điểm du lịch lừng danh, nó chỉ là mảnh đất nông nghiệp bị cô lập giữa rừng hoang. Rất có thể sự thiếu đói đã nảy sinh ra cái gọi là Tschaggatta. Chiếc mặt nạ đáng sợ và đống quần áo da, lông thú luộm thuộm là một cách để che giấu danh tính. Nhờ chúng, vài kẻ đói khát cùng đường, đánh liều làm đạo tặc tiện bề trộm cắp thức ăn.
Vào khoảng thập niên 1860, các Tschaggatta còn sa đọa đến mức trắng trợn cướp giật. Họ bạo lực đến nỗi các linh mục của nhà thờ ở làng Kippel phải vào cuộc, quyết định phạt 50 xu mỗi lần trên mỗi đối tượng bị bắt quả tang. Với Lôtschental ngày ấy, số tiền phạt này là khá lớn. Thế nên không lâu sau đó, vào năm 1865, Tschaggatta đã biến mất. Phải đến khi bước sang thế kỷ XX, khi thung lung Lôtschental đẹp xinh ngày càng được biết đến, Tschaggatta mới được phục hồi. Tất nhiên là theo hình thức ít tàn bạo hơn.
Mặt nạ quái dị
Hầu hết các mặt nạ gỗ được sử dụng trong lễ hội Tschaggatta đều được đục đẽo bằng gỗ thông. Dưới bàn tay của các nghệ nhân địa phương, chúng nhanh chóng từ một phiến gỗ vô hồn trở nên đầy đe dọa. Người ta thậm chí còn sơn màu, thêm răng, gắn sừng bò, bao lông dê dài thậm thượt, khiến cho những chiếc mặt nạ vốn đã dữ tợn lại càng thêm đáng sợ.
Không dừng lại ở đó, đám mặt nạ khủng bố ấy còn được kết hợp với bộ trang phục “hầm hố” tương đương. Chúng là áo khoác làm bằng da động vật có độn vai, quần vải bố và đai lưng rộng, treo chuông bò lủng lẳng. Các Tschaggatta còn kỹ tính đến nỗi lấy vải thô quấn kín chân để không lộ đế giày. Họ đeo thêm găng tay nhằm tiện bốc tro ra ném.
Giấu mình sau chiếc mặt nạ cùng bộ trang phục dị hợm, một Tschaggatta không lo bị phát hiện. Xưa kia, lắm kẻ còn rung chuông bò hù dọa con gái, đổ tro lên đầu đàn bà, ngang nhiên cướp giựt ngay trong nhà người khác.
Tiếp tục duy trì
Ngày nay, Tschaggatta là một nét văn hóa không thể thiếu ở Lôtschental. Mỗi năm, trong khoảng thời gian diễn ra lễ hội, có đến hàng trăm Tschaggatta diễu hành từ làng Blatten sang làng Ferden. Chiếc mặt nạ đặc trưng dẫu vẫn không khác so với xưa cũ, nhưng người sử dụng nó thì đã vì mục đích khác. Nếu tới làng Kippel, bạn còn bắt gặp xưởng gỗ chuyên khắc mặt nạ Tschaggatta của nghệ nhân Albert Ebener. Ebener đã làm công việc chạm khắc này được 50 năm. Bây giờ, ở tuổi xế chiều, ông vẫn cẩn thận từng nhát đục, nỗ lực làm ra những chiếc mặt nạ cực kỳ rợn tóc gáy, nhưng cũng lại phần nào cuốn hút mê hồn.
Trên các bức tường xưởng gỗ của Ebener, đâu đâu cũng treo mặt nạ Tschaggatta. Nhiều chiếc còn rất cũ, là tạo tác do cha và ông của Ebener để lại. Vốn dĩ, gỗ thông không phải là chất liệu siêu bền. Mặc dù Lôtschental có truyền thống hun khói cho mặt nạ Tschaggatta để giữ được lâu hơn, chúng cũng không chống lại được sự tàn phá của thời gian. “Tôi cho rằng chiếc mặt nạ này còn giữ một vai trò mang tính tín ngưỡng khác”, Ebener suy đoán. “Một cái gì đó giống như là gọi mặt trời lên và đuổi đông giá đi”.
Nếu xét về thời gian diễn ra Tschaggatta (bắt đầu từ lúc xẩm tối), thì lập luận của Ebener cũng không hẳn là vô lý. Độc đáo là ngày nay, chiếc mặt nạ đầy vẻ đe dọa này không còn gây khiếp hãi cho các thiếu nữ của Lôtschental, mà đóng vai trò khởi đầu một sự lãng mạn. Thanh niên Lôtschental rất thích đeo mặt nạ Tschaggatta trong lễ hội. Nhờ có chúng che giấu, họ dễ dàng tiếp xúc và bắt chuyện với nhau hơn. Không như ngày xưa chỉ đàn ông mới đeo mặt nạ Tschaggatta, bây giờ nam phụ lão ấu gì cũng tự do sử dụng. Họ có thể tự tay làm chúng, cũng có thể đặt hàng với các thợ chạm khắc địa phương.
Sau chiếc mặt nạ, người Lôtschental thoải mái đùa giỡn, trêu chọc nhau. Họ có thể bất thần lao ra hù dọa và rượt đuổi du khách, nhưng tất cả cũng chỉ vì mục đích mua vui và giữ gìn một phong tục độc đáo.