Chuyến du hành đến vương quốc của bà chúa tuyết thật nhọc nhằn cực khổ, từ Copenhagen – Đan Mạch chúng tôi đáp máy bay hơn bốn tiếng đồng hồ mới tới Kangerlussuaq, rồi phải chuyển hành lý leo lên phi cơ khác ngồi bó gối tê chân ngủ gà ngủ gật đã đời mới nghe “Ilulissat Airport đón chào quý khách”.
Mừng húm, cái tỉnh bé nhỏ Ilulissat nằm phía tây đảo quốc Greenland này chỉ cách Bắc Cực có 200km, rét căm căm, âm 12°C chứ chẳng vừa. May mắn đã có anh bạn Erich dặn dò trước nên cả đoàn mũ lông bịt kín chỉ chừa cặp mắt để ngắm cảnh mà thôi. Nói vậy chứ nỗi phấn khích cùng đồ len bó sát người rồi khoác ngoài áo choàng dầy cộm khiến chúng tôi chẳng thấy lạnh chút nào.
Thiên nhiên kỳ vĩ
Sáng hôm sau chúng tôi háo hức ngồi lên xe trượt chó kéo dọc bờ biển. Các chú chó thật dễ thương, thông minh, lông rậm, cứ xòe tay ra là mấy chú liếm lấy liếm để miếng bánh mì rồi ngoan ngoãn phóng vun vút. Ở Ilulissat có khoảng 3.500 chó thuần chủng Greenland, dòng rặt gốc cách đây 4.000 năm tới vùng này cùng người Saqqaq.
- Xem thêm: Ngắm sông băng và núi lửa ở Iceland
Suốt mùa đông mặt biển đóng băng người dân ở đây dùng xe trượt chó len lỏi giữa các núi băng săn hải cẩu, bắt cá. Quy định ở đây cực kỳ nghiêm ngặt, phải có giấy phép mới được ngồi trên ghế trước điều khiển chó và mỗi xe bắt buộc trên 10 con chó kéo để đảm bảo không làm kiệt sức chúng.
Xa xa, các núi băng khổng lồ hùng vỹ trôi lững lờ khiến cả đoàn du khách trầm trồ thán phục. Muôn hình vạn vẻ, núi đằng kia hệt khải hoàn môn mái vòm cong vút trống hoắc chính giữa cao hơn hai ba chục mét, những tảng băng trắng toát lấp lánh từa tựa mặt thiên thần cổ xưa nhìn nghiêng đầy đủ sóng mũi cao, môi, mắt thậm chí gợn băng lăn tăn trên đầu giống mái tóc quăn bay bay. Hình chiếc tàu, cá voi, mỹ nhân ngư, chiếc nấm, dăm khối ghép lại lổ chổ khe hở như tòa lâu đài với nhiều cửa sổ…
Thật ngoạn mục khi thấy cả tòa lâu đài bạch ngọc cao gần cả trăm mét lộng lẫy lướt nhẹ soi bóng lên mặt đại dương xanh thăm thẳm. Erich nói nhiều núi băng được hình thành từ các sông băng có tuổi trên 15.000 năm, nghe thật lạ, nhưng theo các tài liệu khoa học thì đó là sự thật. Không bao giờ bạn có thể thấy được hai núi băng trôi tương tự nhau, nhà điêu khắc thiên nhiên thật tài tình, đã dùng gió, tuyết và thời gian để tạo nên những tuyệt tác pha lê đa hồn đa dạng. Buổi chiều hoàng hôn lướt trên xe trượt giữa bao la tuyết trắng mênh mông thấy tâm hồn mình xao xuyến lạ lùng, tiếng băng gãy răng rắc đâu đó, từng bông tuyết nhè nhẹ vuốt ve bờ má du khách, không gian phẳng lặng như tờ, họa chăng là tiếng gió vi vu, âm vang vọng lại kỳ lạ mà dân Bắc Cực vẫn gọi là “thanh âm băng tuyết”.
Nửa đêm chúng tôi bước ra nhìn chân trời rực rỡ Bắc Cực Quang mà cứ tưởng mình năm mơ. Ôi thiên biến vạn hóa, trên không trung vần vũ nghìn triệu dãy lụa màu sặc sỡ, đang một lốc xoáy tím pha vàng, đỏ ào ạt xoắn tít mù cao vòi vọi chợt tan biến hết rồi bung óng ánh vệt xanh đọt chuối, xanh lá mạ phơn phớt hồng, phút sau màu hoa cà hoa cải lớp lớp lam, hồng, lục, phún ra còn hơn pháo bông… Cả thành phố bừng sáng lấp la lấp lánh muôn sắc màu huyền diệu.
Chúng tôi ngắm hoài ngắm mãi mà không thể nào đếm hết bao thay đổi huy hoàng của ánh sáng, của dáng hình mây biến chuyển. Đắm mình trong dạ vũ mê hồn chớp lóe chuỗi chuỗi hoa đăng ngũ sắc, ai mà chẳng cảm thấy lâng lâng thanh thoát trong không khí im ắng thiêng liêng. Dân Eskimo nói đúng, Aurora Borealis – Bắc Cực Quang đem an lành hạnh phúc đến cho bất kỳ ai có dịp chiêm ngưỡng chúng. Trong thiên văn học, cực quang là một hiện tượng quang học được đặc trưng bởi sự thể hiện đầy màu sắc của ánh sáng trên bầu trời về đêm, được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên hành tinh.
Cực quang mạnh nhất thường diễn ra sau sự phun trào hàng loạt từ mặt trời. Đợt dải sáng này liên tục chuyển động và thay đổi trông giống như những dải lụa màu trên bầu trời. Đây có thể coi là một trong những hình ảnh đẹp nhất của thiên nhiên. Trong văn hóa dân gian của người Inuit (Eskimo) tại Greenland ánh sáng phương Bắc là linh hồn người chết đang chơi bóng bằng đầu lâu hải mã trên trời. Tên gọi của họ để chỉ Bắc cực quang là aqsalijaat, dấu vết của những người chơi bóng.
Đi tìm gấu trắng Bắc cực
Suốt hai tuần lễ chúng tôi phiêu du cùng dân Eskimo tìm dấu vết các chú gấu trắng, chúa tể Bắc cực. Không hổ danh, mấy chàng gấu to đùng béo múp chẳng hề chui vô hang ngủ đông mà thơ thẩn trên các đống tuyết rình mò các lỗ thông hơi bé tí của hải cẩu, lại lon ton nhảy nhót từ tảng băng này sang tảng băng khác trôi bập bềnh trên mặt biển.
Cảm động hơn khi chúng tôi tình cờ thấy hai mẹ con nhà gấu nằm sưởi nắng, gấu con bé xíu cứ nhủi nhủi cái mũi ướt nhem vô bụng mẹ, còn gấu mẹ âu yếm liếm lông đứa con nhõng nhẽo. Cáo nâu lẽo đẽo theo sau nhà gấu mong kiếm chác đôi chút đồ thừa, Erich nói tụi cáo này thứ gì cũng ăn, có bữa nhiệt độ cực lạnh mà cáo ta vẫn phây phây.
Đám hải cẩu riu ríu nằm xa xa giữ khoảng cách an toàn với hung thần gấu trắng, nhặng xị đập đuôi, lâu lâu nhảy xuống nước ào ào. Hải cẩu Greenland nhiều loại nhưng loại thường thấy mình đen hoặc nâu vàng, hải cẩu báo da đốm hiếm hơn. Núp sau tảng đá chúng tôi rình xem gấu trắng bắt cá thật điệu nghệ. Đang lim dim mắt lơ tơ mơ vậy mà ùm một cái từ tảng băng nhào xuống, chỉ giây lát đã ngậm con cá xấu số vùng vẫy trồi lên mặt nước.
Chim, vịt vô số kể ven bờ biển, tôi cứ thắc mắc hoài không hiểu trời rét buốt như thế mà sao các con nhạn biển vẫn tỉnh bơ bay từng bầy là là ngọn sóng. Vịt biển, rồi đủ thứ giống lông nâu cổ đỏ, mình đen đuôi dài mỏ vàng… Cá voi ít gặp trong mùa đông nhưng đoàn du khách chúng tôi may mắn chứng kiến cả bầy cá Oscar lăn lộn, tung mình giữa đống băng trôi ầm ầm.
Thú vị ở Greenland là làng nhà tuyết Igloo hình tròn như nửa trái dưa úp xuống đất. Khi đi săn hoặc di chuyển dài ngày, những người Inuit lấy các khối băng có kích thước khoảng 60x120x10 (cm) được cắt bằng dao để xây lều tạm. Những viên gạch băng được xếp chồng lên nhau tạo ra một ngôi nhà hình vòm với lỗ thông hơi ở giữa và một cửa ra vào. Tôi hỏi tại sao hơi ấm từ người và lửa củi, đèn chẳng làm băng tan? Độ dày của tường lại khá mỏng (chỉ từ 5-10cm). Erich giải thích rằng băng bên trong ngôi nhà có tan chảy nhưng ít và không thể phá hủy ngôi nhà. Khi băng chảy ra dù chỉ một chút xíu thì ngay lập tức nó đông lại bởi nhiệt độ ở bên ngoài cộng nhiệt độ của khối băng bên cạnh nó rất thấp (từ -40 độ C tới -20 độ C).
Thêm nữa, không khí nóng thì bốc lên cao và sẽ thoát ra ngoài bởi lỗ thông hơi ở phía trên cùng của Igloo cũng làm tản mát bớt nhiệt độ từ ngọn lửa. Cứ hai người một, chúng tôi chui vô lều. Bên ngoài gió rét thổi u u, sờ tay lên tường lạnh ngắt vậy mà phía trong ấm áp dễ chịu vô cùng. Nồi súp cá tuyết sôi bập bùng, cả ngày đói cồn cào cầm bát súp nóng hổi húp ngon lành thật sảng khoái. Cả đoàn cứ kháo nhau ước gì năm nào cũng có dịp qua Greenland dự vũ hội Bắc Cực Quang vào tháng…. có một không hai trên đời, ngắm băng trôi cùng gấu trắng giỡn hớt dẫu đường xá xa xôi cách trở thế nào cũng đáng công.