Vùng quê xứ Huế có câu ca dao về hai thứ đặc sản: “Thuốc lá Phong Lai, khoai Thế Chí”. Sau này trong những cuộc vui bên bàn nhậu, mấy bác nông dân còn “chế” thêm: “Thuốc lá Phong Lai, khoai Thế Chí, bí Điền Môn, mướp rồn (mướp leo rào) Điền Hải, rau cải Điền Lộc…”. Ngoài làng Phong Lai (xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền), các địa danh còn lại đều thuộc vùng Ngũ Điền, huyện Phong Điền, là vùng đất cát pha thịt, ven sông ven phá nên phát triển trồng trọt rất thuận lợi…
Làng Đại Lược, xã Điền Lộc của tôi xưa nay được mệnh danh là làng rau xanh. Rau cải trồng trong vườn, cả cánh đồng trước mặt làng bạt ngàn rau; mùa mưa lũ, khi cánh đồng ngập nước, dân làng mang hạt cải, hạt ngò, bầu cây mướp đắng con lên độn cát cao trồng trong những mảnh vườn trên cát xinh xắn.
Nhớ có lần tôi cùng với một đồng nghiệp về quê tác nghiệp. Sau một ngày tác nghiệp, đêm hôm đó chúng tôi nghỉ lại nhà tôi ở quê. Trời vừa hé sáng, nghe lao xao ngoài đường, đứa em đồng nghiệp vùng dậy ôm camera quay cảnh hai “ông bà chủ nhà” tưới rau, nhổ rau, rồi cảnh những phụ nữ nối đuôi nhau nhịp nhàng gánh rau ra chợ… Đời sống của một vùng rau cải cứ thế tràn vô ống kính thành một phóng sự truyền hình sinh động…
Gánh rau xanh về chợ mỗi buổi sớm mai của các mẹ, các chị đó có mấy bó rau muống, cải bẹ, xà lách được xếp ở một đầu gánh; đầu kia là mấy mớ rau thơm, ngò, mấy bó hành hay boa-rô. Mỗi loại rau có một màu xanh riêng, đậm, nhạt khác nhau. Nếu có thêm mớ rau dền thì gánh rau còn thêmmàu đỏ…
Cũng nhờ ở xứ sở của rau nên dĩa rau sống của mấy quán bún bò giò heo ở chợ Đại Lược quê tôi khác với các nơi. Kêu một tô bún thì trên tô đã được rắc một lớp hành ngò xanh rồi; lại có sẵn một dĩa rau sống to, đầy tràn với đầy đủ xà lách, tần ô, ngò, rau thơm; nhìn thôi đã thấy thích mắt. Ăn hết rau cứ kêu thêm, sẽ có một dĩa đầy khác được chủ quán nhanh chóng bưng ra.
Đúng là rau xanh ở quê tôi có quanh năm. Mùa xuân, mùa hè người làng tôi trồng rau trên vườn dưới ruộng. Đến mùa mưa lụt thì mang rau lên độn cát cao để trồng. Rau xanh nhiều nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm mùa lụt đã đi qua, mùa lúa mới cấy xong, đất đai và con người thật thảnh thơi để rau xanh đâm chồi nảy lá. Người dân trong làng chuyên canh tác rau để bán trong dịp cuối năm mà lo tết. Cuối năm cánh đồng làng tất bật cảnh người nhổ rau, người mua kẻ bán. Rồi đến khi qua tết, những đám cải, đám ngò hay tần ô còn sót lại để giống, hoa nở tưng bừng màu vàng, trắng, tím nhạt như những bức họa đồng quê…
Mấy năm nay, mưa lụt ít về nên cánh đồng rau làng tôi gần như xanh quanh năm. Mấy lần về quê, nghe bà con ở thôn Nhất Đông, là nơi có cánh đồng rau lớn nhất trong xã nói rằng, có người trồng rau mỗi ngày bán được cả triệu bạc là thường. Trồng rau cho thu nhập cao nhưng đòi hỏi người trồng phải siêng năng, thức khuya dậy sớm chăm bón cho rau…
Nhưng cũng có năm rau xanh rẻ như cho, mỗi bó xà lách hay cải bẹ giá có ngàn bạc, một rổ ngò xanh đẹp mơn mởn là thế mà giá cũng cỡ năm ngàn đồng. Mà để có một bó rau đâu phải dễ. Người đàn ông trong nhà phải chặt tre, chẻ lạt bó rau. Những sợi lạt tre để bó rau ngắn, mảnh mất rất nhiều công; rồi phụ nữ phải ra đồng từ chiều hôm trước để nhổ rau, chao đất ra khỏi rễ rau rồi mang về nhà bó từng bó một để bán cho những người buôn chuyến đi các chợ xa hoặc gánh ra chợ làng để bán. Công việc của người phụ nữ đôi khi kéo dài đến nửa đêm mới xong được gánh rau xanh…
Nổi tiếng là vựa rau của vùng nông thôn xứ Huế nên sản phẩm rau xanh của quê tôi không chỉ bán ở chợ quê mà còn cung cấp cho cả thị trường Huế, Quảng Trị,… Hồi trước, những gánh rau theo những chuyến đò dọc ngược xuôi sông quê đến các chợ lớn chốn thị thành. Bây giờ thì đã có xe tải về tận vườn rau để thu mua. Rau luôn là nguồn thu nhập thường xuyên cho nhiều người dân quê. Nếu như ngày thường thu nhập bình quân của mỗi hộ trồng rau khoảng vài ba trăm nghìn đồng, thì trong dịp tết thu nhập từ những vườn rau tăng lên đến cả triệu đồng mỗi ngày.
Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác sung sướng của thằng bé con khi theo mẹ, theo bà đi chợ bán rau những ngày giáp tết. Trời chưa sáng nên mẹ tôi phải thắp đèn dầu nhổ rau ngoài vườn rồi đưa vô sân bó từng bó một cùng bà nội. Cải bẹ, tần ô, xà lách được bó từng bó nhỏ, thêm mấy mớ ngò, ném, rau thơm… Tờ mờ sáng, uống xong mấy chén, ba tôi ra vườn cắt thêm mấy nhánh lay ơn, vạn thọ, cúc đại đóa, đưa vô sân để bà nội bó từng bó nhỏ rồi chất lên trên mấy bó rau… Trời vừa hửng sáng đã thấy một gánh rau xanh điểm xuyết màu vàng của bông vạn thọ, bông cúc; màu hồng của mấy nhánh lay ơn để tươm tất trước sân nhà… Tôi lon ton chạy theo sau gánh rau của bà ra khỏi lũy tre đầu xóm thì trời đã sáng tỏ. Những con đường nhỏ từ các xóm dẫn đến chợ đi qua cánh đồng làng ngày giáp tết là một thước phim đẹp nhiều âm sắc không thể nào quên…
Năm tháng cứ trôi qua, rau rẻ hay rau được giá thì người làng tôi vẫn chuyên tâm trồng rau trên cánh đồng quê yêu thương của mình. Những mùa rau xanh đã nuôi lớn những đứa con của làng để họ được đi đó đi đây lập thân dựng nghiệp. Bởi thế mỗi lần về quê, đi ngang qua cánh đồng rau, tôi lại như được thấy những tảo tần của bà, của mẹ tôi như vẫn còn đâu đây mà nghe khóe mắt cay cay, để bao yêu thương trìu mến ùa về…