Vào mùa nắng nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu do vi khuẩn phát sinh với tốc độ phát triển lây lan nhanh, nếu ăn phải dễ bị ngộ độc. Để phòng tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm, mọi người nên thực hiện một số biện pháp sau đây:
Lựa chọn thực phẩm tươi, sạch
Đây là yếu tố đầu tiên và quan trọng giúp tránh được nguy cơ gây bệnh. Nên chọn những thực phẩm tươi sống, được bán tại các địa chỉ uy tín, hạn chế sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Luôn lưu ý kiểm tra hạn sử dụng khi mua thực phẩm đóng gói, nhất là các sản phẩm dễ hỏng như trứng, sữa, không nên mua thực phẩm có ngày hết hạn gần kề. Khi mua thực phẩm đóng hộp cần quan sát kỹ, nếu hộp bị phồng lên hay có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì không nên mua. Và cũng không mua, không sử dụng các loại củ như khoai tây, tỏi, hành… đã mọc mầm, có hại cho sức khỏe.
Bảo quản thực phẩm
Nhiều người có thói quen mua nhiều thực phẩm và dự trữ vào tủ lạnh để sử dụng dần. Trước khi cất thực phẩm vào tủ lạnh, nên để vào hộp riêng hoặc gói thật kỹ để tránh bị “mùi tủ lạnh” hoặc các thực phẩm bị lẫn mùi vào nhau, đồng thời giúp thực phẩm được tươi lâu hơn. Một số loại thực phẩm có thể sơ chế trước khi cho vào tủ lạnh. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.
Nên bảo quản lạnh hoặc đông lạnh các loại thực phẩm dễ ôi thiu ngay sau khi mang về nhà, nếu chưa dùng đến. Nhiệt độ bảo quản lạnh là 5oC và đông lạnh là -18oC. Tránh để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh vì không khí lạnh trong tủ không thể lưu thông sẽ khiến nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo, dẫn tới giảm tác dụng bảo quản của tủ lạnh. Thường xuyên kiểm tra các hộp đựng thực phẩm, tránh bị rò rỉ.
- Xem thêm: Bí quyết để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Cách chế biến thức ăn phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Phải đảm bảo vệ sinh tay, dụng cụ chế biến, sử dụng nguồn nước sạch. Thực hiện nghiêm túc “ăn chín, uống sôi”; thức ăn phải được nấu chín kỹ, không sử dụng thực phẩm còn tái, sống.
Nếu muốn chế biến trước thực phẩm hoặc muốn giữ lại các thức ăn thừa, các thực phẩm đó phải được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ nóng (gần hoặc trên 60oC), hoặc lạnh (gần hoặc dưới 10oC). Đây là nguyên tắc quan trọng nếu muốn bảo quản thực phẩm qua 4-5 tiếng. Tất cả loại thực phẩm cho trẻ em không nên bảo quản. Khi lấy thực phẩm, đặc biệt là thịt, được lưu trữ trong tủ lạnh ra để chế biến, cần thực hiện rã đông đúng cách, nếu không sẽ tăng nguy cơ phát triển vi khuẩn có hại. Có thể chọn một trong ba cách rã đông thực phẩm nhanh và an toàn sau đây:
– Rã đông trong tủ lạnh. Đây là phương pháp an toàn và dễ thực hiện nhất, mặc dù mất nhiều thời gian để thức ăn tan băng. Chỉ cần cho thực phẩm cần rã đông từ trong ngăn đông lạnh vào hộp (để tránh nước từ đá đông lạnh chảy ra làm bẩn tủ) rồi chuyển vào ngăn mát. Nếu bạn không có nhiều thời gian để chờ rã đông, hãy chọn cách khác nhanh hơn.
– Rã đông bằng nước lạnh. Cho thực phẩm vào túi kín trước khi rã đông nhằm tránh sự xâm nhập của vi khuẩn trong nước, mất đi chất dinh dưỡng. Tuyệt đối không được sử dụng nước nóng. Sau khi rã đông, thực phẩm này phải được nấu chín ngay để tránh bị hư hỏng.
– Rã đông bằng lò vi sóng. Đây là cách rã đông thực phẩm cực kỳ nhanh chóng, tuy nhiên, lò vi sóng có thể vô tình làm chín thực phẩm (có thể làm chín một phần hoặc chín hoàn toàn nếu đó là những miếng thịt mỏng) làm ảnh hưởng đến chất lượng món ăn. Phải chế biến thực phẩm ngay sau khi rã đông vì nếu để lâu sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi.
Luôn giữ vệ sinh
Giữ vệ sinh là một nguyên tắc cơ bản để đảm bảo sức khỏe, và việc này đặc biệt quan trọng trong mùa nắng nóng. Vì thực phẩm rất dễ bị ô nhiễm nên bất kỳ vật dụng nào tiếp xúc với thực phẩm đều cần phải được giữ sạch sẽ, một mẩu nhỏ thực phẩm cũng có thể là nguyên nhân tiềm ẩn của các mầm bệnh. Khăn lau chén dĩa và các dụng cụ nấu nướng phải được thay và đem luộc thường xuyên trước khi tái sử dụng.
Khăn lau sàn nhà bếp cũng phải được giặt sạch sẽ. Luôn giữ thói quen rửa tay sạch bằng xà bông diệt khuẩn trước khi ăn, sau khi chạm vào thú cưng và nhất là sau khi đi vệ sinh. Nên rửa tay kỹ bằng nước ấm và xà bông trước khi chế biến thức ăn và sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống như thịt, cá… Nên kẹp hoặc búi tóc gọn gàng khi chế biến thức ăn.
Thực phẩm nấu chín sẽ nguội dần khi để ở nhiệt độ thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển. Thời gian để càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao. Tốt nhất, chúng ta nên ăn ngay thức ăn khi vừa được nấu chín.