Lãi suất huy động USD cũng chỉ còn 1%/năm, so với 1,25%/năm trước đây.Trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm, riêng lĩnh vực nông nghiệp được áp dụng mức lãi suất 7%/năm. Có thể trần lãi suất mới không tác động nhiều đến khâu huy động, vì các ngân hàng thương mại đã tự giảm lãi suất huy động xuống dưới trần từ vài tháng trước, nhưng người ta hy vọng nó sẽ giúp giảm lãi suất cho vay, điều được các doanh nghiệp chờ đợi.
Những tháng gần đây, do khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho đồng vốn, các ngân hàng thương mại đã liên tục phải cắt giảm lãi suất huy động để giảm gánh nặng chi phí. Nhưng lãi suất cho vay mà ngân hàng dành cho doanh nghiệp và người dân trên thực tế không giảm tương ứng. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 7-2013 (khi trần lãi suất bắt đầu còn 7%/năm) đến nay, lãi suất cho vay bình quân bằng VND không hề giảm. Lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của các ngân hàng thương mại nhà nước vào khoảng 7 – 9%/năm với các kỳ hạn ngắn và từ 11 – 12%/năm với các khoản vay trung và dài hạn.Lãi suất cho vay thương mại thông thường là 9 – 10,5%/năm với các kỳ hạn ngắn và 11,5 – 12,8%/năm với cho vay trung và dài hạn.Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất có cao hơn một chút, từ 0,5 – 1%/năm cho mỗi lĩnh vực.
Dĩ nhiên người dân và doanh nghiệp vay vốn cho rằng lãi suất như vậy là cao so với lãi suất huy động, nhưng các ngân hàng có quan điểm khác. Nợ xấu khó thu hồi từ các năm trước khiến cho lợi nhuận suy giảm, trong khi các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro. Chính điều này khiến các ngân hàng phải duy trì khoảng cách tương đối giữa lãi suất huy động và cho vay để kiếm tìm lợi nhuận từ hoạt động tín dụng, vốn chiếm từ 70 – 80% lợi nhuận của họ. Tất cả đã lý giải vì sao lãi suất cho vay bình quân thời gian qua chưa giảm, “lãi suất hấp dẫn” chỉ tồn tại trong các chương trình ưu đãi với thời hạn rất ngắn.Lần hạ trần lãi suất kỳ này, vì vậy, có lẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động huy động và cho vay của các ngân hàng. Gần chín tháng sau lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động gần đây nhất (28-6-2013), các nhà điều hành đang làm cái việc “hợp thức hóa” sự giảm liên tục lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại thời gian qua mà thôi.
Điều đáng quan tâm hơn là sau mỗi lần giảm trần lãi suất, dư địa dành cho chính sách tiền tệ lại hẹp đi một chút, không những thế từ nay lãi suất huy động khó thể giảm thêm vì đã ở mức rất thấp. Đã đến lúc phải có một sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Dư địa dành cho chính sách tài khóa khá rộng khi Chính phủ nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP trong năm tài khóa 2014, cộng thêm lượng trái phiếu chính phủ dự kiến được phát hành bổ sung lên đến 170 ngàn tỉ đồng trong giai đoạn 2014-2015 để đáp ứng cho đầu tư công. Chỉ trong hai tháng đầu năm, đã có gần 57 nghìn tỉ đồng trái phiếu chính phủ đấu thầu thành công và nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để “giải quyết” số tiền này, có thể nền kinh tế sẽ không hấp thụ nổi đồng vốn. Một kế hoạch tổng thể, đồng bộ do Chính phủ chủ trì, phối hợp thực hiện giữa các bộ ngành là rất cần thiết, để giúp các doanh nghiệp cải thiện khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng, từ đó nền kinh tế sẽ phục hồi và phát triển.
Minh Hằng